Sau câu hỏi gợi mở, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ về văn hóa học thuật với nhận định: Thế giới văn minh đã cho thấy, phải học thật, làm thật thì mới phát triển. Không học mà cố bằng được tấm bằng hòng đạt được điều gì đó bằng mọi giá thì để lại lâm nguy cho đất nước. Đâu đó còn có tình trạng không biết học để làm gì, rồi học để mà học.
"Sự học không phải là thứ trang sức, không phải là cách thức tự sướng" - GS Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Thầy Hiệu trưởng hướng đến các tân tiến sĩ, thạc sĩ, cũng là những người đang làm công tác giảng dạy và gửi gắm quan điểm về tư duy phản biện: Học thuật muốn phát triển phải chấp nhận tư duy phản biện, chấp nhận sự khác biệt trong đường hướng, vấn đề là gặp nhau ở cuối chân trời.
Đừng nóng giận và mất bình tĩnh mỗi khi ai đó, thậm chí là học sinh phản ứng lại chúng ta. Bình tĩnh lắng nghe, mình sẽ lớn khôn hơn sau mỗi lần như thế. Vấn đề là cần tạo một môi trường phản biện, cách thức phản biện có văn hóa và đầy trách nhiệm.
Nhấn mạnh đối tượng tiếp cận là con người, từng cá thể con người, thầy Hiệu trưởng gửi gắm đến học trò của mình, cũng là những người đang làm công tác dạy học : Đừng bắt họ nghĩ như bạn nghĩ, đừng bắt họ làm như bạn làm, hãy tôn trọng cách làm của họ, chỉ hướng cho họ mục đích và chỉ ra rằng người ta đã làm gì để học không lặp lại, không bị tư duy theo lối mòn.
Cách mạng 4.0 đang đến, sẽ tạo ra những sự thay đổi khủng khiếp và khắc nghiệt.Hãy hướng một thế hệ trẻ đến những khả năng mới, nghề nghiệp mới, cách nghĩ, cách làm mới để thành công.
Trao bằng tốt nghiệp cho các tân tiến sĩ, thạc sĩ tại Trường ĐHSP Hà Nội
Cần hình thành tư duy khám phá, mở đường thay vì chỉ rập khuôn làm theo
"Đừng xếp chồng tri thức làm thước đo thành quả. Dẫu biết rằng thiếu tri thức thì khó đạt điều gì trọn vẹn, nhưng con đường chiếm lĩnh và tạo ra tri thức mới mới là cung đường ta cần đến. Với ngồn ngộn tri thức đó, với những đòi hỏi công việc yêu cầu ta sử dụng như thế nào mới là mục đích của sự học" - GS Nguyễn Văn Minh
Chia sẻ về sự thay đổi trong nhận thức, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, các nghiên cứu của chúng ta hiện nay đang cố gắng hội nhập, các vấn đề giải quyết đang đi theo một chủ đề nào đó mà thế giới đang tiến hành. Trong điều kiện hiện tại, những kết quả như vậy là đáng được trân trọng.
Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc, chúng ta đang làm theo, thậm chí có khi xa rời với tình hình và yêu cầu phát triển của đất nước, rất hiếm các ý tưởng có tính chất mở đường.
Chúng ta chậm nên cần học hỏi, làm theo các tiến bộ về khoa học và công nghệ, nhưng muốn nhảy vọt thì cần hình thành tư duy mở lối, khai phá và xả thân vì khoa học thay vì chỉ rập khuôn làm theo mãi mãi. Nghĩa là cần có sự thay đổi căn cơ trong cách nghĩ.
"Tôi hy vọng, các bạn là những người tự đổi mới và hành động mới mẻ vì sự tiến bộ, không nản chí vì bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu. Vấn đề là các bạn có dám thử thách cho một sự thay đổi không, dám dấn thân để tạo ra sự khác biệt không, có sẵn sàng cho những thay đổi không? Cuối cùng, các bạn có dám làm người tiên phong không?
Tôi mong muốn các bạn tạo ra một định hướng quan niệm xả thân. Đó là quan niệm tạo dựng các giá trị văn hóa và kinh tế chứ không phải tạo ra sự thuần túy đòi hỏi." - GS Nguyễn Văn Minh gửi gắm.
Sáng nay (17/3), Trường ĐHSP Hà Nội long trọng tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp cho 114 tiến sĩ và 1.153 thạc sĩ khóa 24 của 18 khoa đào tạo. Đây là sự kiện thường niên, chính thức ghi nhận thành tích học tập của các học viên, ghi nhận công sức đóng góp của các thầy cô giáo, đồng thời cũng ghi nhận thành tích đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường.