Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà nghiên cứu về quản lí giáo dục, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên chuyên ngành Quản lí giáo dục cùng những người quan tâm đến lĩnh vực đổi mới quản trị giáo dục đại học Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo có sự tham dự của hai chuyên gia về quản trị đại học đến từ Cộng hòa Pháp: GS. Guillaume BONNET - Nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Paris (ENS Paris) và GS Gerard GASQUET - Tổng giám đốc hành chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (còn gọi là Trường Đại học Việt Pháp).
Hội thảo này là diễn đàn để những người quan tâm định hình rõ nét hơn về quản trị đại học trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam đang có nhiều đổi mới trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo đã lựa chọn được 14 báo cáo đăng trong kỷ yếu và báo cáo tại hội thảo. Các báo cáo tập trung váo các vấn đề như: chuyển đổi mô hình quản trị đại học của Việt Nam; định vị và đánh giá thực trạng quản trị đại học của Việt Nam; quản trị tổ chức, quản trị chuyên môn, quản trị tài chính đại học; Tự chủ đại học – con đường tái cấu trúc và đạt chỉ số phát triển các trường sư phạm;… Các báo cáo chỉ rõ, hiện nay, đối với giáo dục đại học Việt Nam, đổi mới quản trị đại học được coi là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện giáo dục đại học, làm tiền đề triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục các yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học. Trước xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, việc nhận diện rõ về những bất cập, tụt hậu và thách thức của giáo dục đại học Việt Nam trên các phương diện thu hút nhân tài, mở rộng tự do học thuật, và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng để từ đó tìm ra những giải pháp, kiến giải đổi mới nền giáo dục đại học của Việt Nam.
PGS.TS Bùi Minh Hiền trình bày báo cáo tại Hội thảo
Báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Minh Hiền nêu lên một số giải pháp đổi mới quản lý giáo dục đại học trên cả cấp độ quản lý vĩ mô (quản lý nhà nước về giáo dục đại học) và quản lý trong nhà trường đại học hướng tới mục tiêu đào tạo nhân tài trí thức bậc cao cho đất nước, trong đó nhấn mạnh: giáo dục đại học Việt Nam phải thực sự đổi mới căn bản, đổi mới toàn diện cả về nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, môi trường đào tạo, đánh giá, kiểm định chất lượng… để có thể hội nhập thành công với giáo dục đại học quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế quốc tế hóa hiện nay.
Hai chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp: GS. Guillaume BONNET trình bày về những đổi mới trong giáo dục đại học Pháp trong thời gian gần đây, trong đó tập trung vào những điểm mới trong quản trị đại học của Cộng hoà Pháp; GS Gerard GASQUET trình bày về các chương trình đào tạo xây dựng theo mô hình chuẩn quốc tế tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH (còn gọi là Trường Đại học Việt Pháp).
GS. Guillaume BONNET báo cáo tại Hội thảo
GS Gerard GASQUET báo cáo tại Hội thảo
Trao đổi học thuật tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Việt Nam - quốc gia chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đang trong quá trình cải cách giáo dục đại học, khi đó, nghiên cứu về những điểm mới trong quản trị đại học của Cộng hoà Pháp, trên cơ sở đó tham khảo, học hỏi một cách có chọn lọc và có hệ thống kinh nghiệm, thành tựu quản trị đại học của Cộng hoà Pháp vào thực tiễn đổi mới giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ có nhiều ý nghĩa về lí luận và thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Trưởng khoa Quản lí giáo dục tặng quà lưu niệm cho các đại biểu Cộng hòa Pháp
Với vai trò là đơn vị tổ chức, Khoa Quản lí giáo dục, Trường ĐHSPHN đã thực hiện tốt công tác tổ chức cũng như các đóng góp về chuyên môn cho Hội thảo, để lại nhiều ấn tượng tốt đối với những người tham dự, góp phần củng cố và làm cho hoạt động hợp tác giữa Trường ĐHSP Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Paris đi vào thiết thực, hiệu quả.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỉ niệm
Bài viết: Nguyễn Quốc Trị