Lãnh đạo nhà trường đã có buổi làm việc với Giáo sư và bàn về các cơ hội hợp tác, phát triển nghiên cứu cho cán bộ và sinh viên Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực Sóng hấp dẫn và Nghiên cứu tia vũ trụ, hiện Giáo sư đang là Giám đốc Viện nghiên cứu tia vũ trụ ở Tokyo.
Chiều 29/10/2016 GS. Takaaki Kajita đã có buổi bài giảng khoa học đại chúng về công trình nghiên cứu đoạt giải Nobel Vật lí 2015 có tên là “sự dao động của hạt nơtrino (neutrino)”. Đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên và học sinh các lớp chuyên Lí của trường ĐHSP Hà Nội và một số trường trong khu vực Hà Nội (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, ĐH Quy nhơn, ĐH Công nghệ Hà Nội, ĐHQG Tp HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội,…; các nhà khoa học đến từ Viện Vật lí, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Vật lí Việt Nam, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam… đã đến tham dự.
Bài giảng của GS. Takaaki Kajita nói về lịch sử - quá trình suốt hơn 30 năm liên tục nghiên cứu về hạt Neutrino của một tập thể dẫn đến sự phát minh mang lại giải Nobel Vật lí năm 2015.
Sự tồn tại của hạt neutrino được công nhận lần đầu năm 1930 nhưng phải đến năm 1956, hai nhà vật lý người Mỹ mới tìm thấy dấu vết của hạt. Tuy nhiên, hạt neutrino mãi vẫn còn là bí ẩn. Hạt neutrino là hạt không mang điện tích, từ lâu được cho là có khối lượng nghỉ bằng không. Tuy nhiên, GS. Takaaki Kajita ở Đại học Tokyo và McDonal ở Đại học Queen, đã chứng minh điều ngược lại.
Năm 1998, nhóm nghiên cứu của Kajita phát hiện ra neutrino trong tia vũ trụ chiếu vào khí quyển Trái Đất. Năm 2001, nhóm của McDonal cũng phát hiện neutrino được tạo ra từ Mặt Trời. Bằng cách sử dụng máy dò cực nhạy được lắp sâu dưới lòng đất 1000m, các nhà khoa học phát hiện hạt neutrino có thể biến đổi đặc tính khi xuyên qua không gian - hiện tượng này được gọi là dao động neutrino. Kết quả này là bằng chứng thực chứng tỏ hạt neutrino có khối lượng.
Neutrino là một trong số những hạt (chỉ sau hạt photon) dồi dào nhất trong vũ trụ. Hàng nghìn tỷ neutrino lướt qua chúng ta mỗi giây. Neutrino là loại hạt gần như không có khối lượng và không có điện tích nên nó hiếm khi tương tác với thứ gì khác. Điều này khiến cho việc nghiên cứu nó gặp rất nhiều khó khăn.
Giờ đây, các nhà khoa học đã chứng minh được neutrino có khối lượng. Vì số lượng dồi dào, nên ước tính tổng trọng lượng của các hạt netrino trong vũ trụ tương đương trọng lượng của tất cả các ngôi sao con người quan sát được.
Phát hiện này đã làm thay đổi sự hiểu biết của con người về hoạt động ở tận trong cùng của vật chất, đồng thời có vai trò quan trọng đối với quan điểm của chúng ta về vũ trụ. Khám phá của hai nhà khoa học đã mang đến những hiểu biết chuyên sâu quan trọng về thế giới bí ẩn của hạt neutrino, đồng thời giúp giải quyết một số bài toán quan trọng liên quan đến nó.
Bài giảng của GS. Takaaki Kajita đã mang lại nhiều niềm cảm hứng lớn, phấn chấn trong người nghe. Nhiều nhà khoa học, giảng viên, cao học, sinh viên và học sinh đã sôi nổi thảo luận chia sẻ cùng Giáo sư các câu hỏi, từ khoa học hiện đại chuyên sâu, các vấn đề về khoa học đại chúng, về vũ trụ, cho tới các chia sẻ kinh nghiệm, niềm say mê nghiên cứu khoa học. Giáo sư cũng chia sẻ niềm vui lớn trước sự nhiệt tình khoa học, sự cầu thị của các bạn trẻ Việt Nam.
Bài giảng đã kết thúc trong sự hân hoan và đầy nhiệt huyết tri thức khoa học.
Một số hình ảnh gặp gỡ, giao lưu với GS. Takaaki Kajita tại Trường ĐHSP Hà Nội:
Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh nồng nhiệt đón tiếp Giáo sư Takaaki Kajita tại trường
Hiệu trưởng tặng quà Giáo sư Takaaki Kajita
Giáo sư Takaaki Kajita trong buổi giảng bài tại Trường ĐHSP Hà Nội
Buổi bài giảng khoa học đại chúng của Giáo sư Takaaki Kajita thu hút nhiều người quan tâm tham dự và lắng nghe
PGS.TS Đặng Xuân Thư - Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng nhà trường - tặng hoa cám ơn GS. Takaaki Kajita
Cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên hào hứng tham gia chụp ảnh lưu niệm với Giáo sư Takaaki Kajita
Phòng Khoa học Công nghệ
Ảnh: Lê Long, Xuân Trường