Thầy Ngọc của khoa Văn
PGS.TS Lã Nhâm Thìn
Vẫn biết Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lương Ngọc là niềm tự hào lớn, niềm tự hào chung của trường Đại học sư phạm Hà Nội, nhưng thầy trò khoa Ngữ văn cứ nhận về mình niềm vinh hạnh: Thầy Ngọc của khoa Văn.
Thầy Nguyễn Lương Ngọc-viên ngọc sáng của khoa Văn. Viên ngọc THẬT- ĐẸP - TRONG - như lời thầy viết về lẽ sống, về thơ, về trí thức.
Thầy Ngọc của khoa Văn bởi ba điều: gắn bó nhiều trong thời gian, đóng góp nhiều cho sự phát triển, sống lâu bền trong tâm trí nhiều thế hệ. Thầy Ngọc của khoa Văn trong cả ba tư cách: nhà giáo-nhà văn-nhà khoa học.
1-Thầy Ngọc của khoa Văn với sự gắn bó nhiều trong thời gian
Trong 85 năm của cuộc đời lịch duyệt, lịch lãm, có tới 13 năm thấy Nguyễn Lương Ngọc gắn bó với khoa Văn. Từ năm 1958 đến năm 1966 thầy vừa là giảng viên, vừa là Trưởng bộ môn tổ Lý luận văn học đồng thời kiêm Chủ nhiệm khoa Văn-Sử khi trường chính thức mang tên Đại học sư phạm Hà Nội. Từ năm 1967 đến năm 1975 thầy làm Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội 1- gồm các môn Khoa học xã hội lúc bấy giờ. Trong bốn khoa Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tâm lý-Giáo dục (về sau thêm Khoa đào tạo giáo viên cấp 2) thì khoa Ngữ văn là khoa lớn nhất, chắc chắn trong công tác quản lý thầy Ngọc đã đầu tư thêm nhiều tâm huyết và trí tuệ. Thời gian thầy Nguyễn Lương Ngọc làm công tác giảng dạy và quản lý tại khoa Văn trường ĐHSPHN 1 là thời kỳ gian khổ và sâu nặng nghĩa tình. Gian khổ bởi đó là thời kỳ trứng nước, mới thành lập (1958-1963), bởi đó là thời kỳ chiến tranh, khoa và trường phải đi sơ tán, thiếu thốn đủ điều (1967-1975). Nghĩa tình bởi đó là thời kỳ đại gia đình khoa Ngữ văn, đại gia đình Trường ĐHSPHN “dưới sự lãnh đạo của GS Nguyễn Lương Ngọc, người ta có cảm tưởng các thành viên trong trường không ai nỡ nói dữ, chơi xấu với nhau, ngược lại chỉ có thi đua nhau làm việc cho tốt” (nhận xét của GS Nguyễn Đình Chú-khoa Ngữ Văn). Có thể lấy thước đo thời gian đồng thời phải lấy cả hoàn cảnh mới thấy hết sự gắn bó sâu nặng của thầy Ngọc với khoa Văn.
2-Thầy Ngọc của khoa Văn với những đóng góp nhiều cho sự phát triển
GS. Nguyễn Lương Ngọc là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho chuyên ngành lý luận văn học ở trường đại học- đặt nền móng cả về cơ sở khoa học và thực tiễn, cả về tổ chức và đào tạo. Th ầy Ngọc là trưởng bộ môn đầu tiên của tổ Lý luận văn học thuộc khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội. Cuốn giáo trình do thầy Nguyễn Lương Ngọc chủ biên “Sơ thảo nguyên lý văn học”, “Mấy vấn đề nguyên lý văn học” (2 tập) là những cuốn giáo trình đầu tiên của bộ môn Lý luận văn học. Thật tự hào khi người đầu tiên đặt viên gạch đầu tiên xây nên lâu đài khoa học cho bộ môn Lý luận văn học lại là ở chính mảnh đất khoa Văn.
Đội ngũ các nhà khoa học của khoa Văn hùng hậu như ngày nay, có công lao rất lớn của GS Nguyễn Lương Ngọc trong cương vị người lãnh đạo, nhà quản lý, trong cương vị người thầy và cả với cương vị người đồng nghiệp. GS Nguyễn Lương Ngọc đã có công lao rất lớn trong việc đào tạo nên những giáo sư, những danh sư của khoa Ngữ văn. Đọc bài viết của các GS Nguyễn Đình Chú, Bùi Văn Ba (Phương Lựu), Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Thanh Đạm, Thành Thế Thái Bình, Lê Bá Hàn, Hoàng Dung, Trần Hữu Tá…đều thấy toát lên niềm hạnh phúc và lòng biết ơn chân thành khi được thụ giáo, thụ nghiệp từ GS Nguyễn Lương Ngọc. Chính những giáo sư, những danh sư được thầy Ngọc đào tạo đã làm nên một thời hoàng kim của khoa Ngữ văn, thời “một đi không trở lại”.
3-Thầy Ngọc của khoa Văn với sức sống lâu bền trong tâm trí nhiều thế hệ
Nhiều thế hệ được học thầy Ngọc, được cùng làm việc với thầy Ngọc còn nhớ mãi hình ảnh một người thầy đức độ, một người thầy uy vọng, nhớ mãi hình ảnh một nhà trí thức lớn, một nhà khoa học sắc sảo, uyên bác trong tư duy và tinh tế trong cảm nhận, nhớ mãi hình ảnh một con người trong cuộc sống đời thường thâm thuý mà chân thành, nhân hậu.
Những thế hệ sau này, sau nữa không được học thầy vẫn có niềm hạnh phúc được biết thầy qua những trước tác, sáng tác. Giáo viên văn có tâm hồn văn, tâm hồn nghệ sĩ gặp lại thầy qua Xuân Thu nhã tập. Giáo viên giàu tư duy khoa học đến với thầy qua Mấy vấn đề nguyên lý văn học, Cơ sở lý luận văn học. Giáo viên văn nặng lòng với nghề thầy, trăn trở với sự nghiệp trồng người sẽ hết sức thấm thía chuyên luận Bàn về vấn đề “Biến quá trình đạo tạo thành quá trình tự đào tạo” của Giáo sư, Hiệu trưởng Nguyễn Lương Ngọc. Những ai yêu quý ngôn ngữ nhà nước, tâm huyết giữ gìn sự giàu đẹp của tiếng Việt có thể tìm đến cuốn Từ điển học sinh do GS Nguyễn Lương Ngọc chủ biên…Là nhà giáo, nhà văn hay nhà khoa học, thầy Nguyễn Lương Ngọc đều hết sức gần gũi, thân thiết với khoa Văn.
Thật huyền diệu, có những điều thầy Ngọc nói cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn đúng, vẫn là hiện tại: “Trí thức phải là sáng tạo, dù chỉ là tái tạo. Sáng tạo không ngừng…Trí thức phải giữ thái độ tiên phong. Sáng tạo và tiên phong là nguyên tắc linh hoạt của trí thức…Biết vụn vặt, giỏi khéo một bề, chưa là trí thức…Bằng cấp nọ, học khoa kia, chưa là trí thức. Trí thức ở sâu hơn thế, cao hơn thế, rộng hơn thế…Trí thức=Sáng tạo=Đạo lý…Một dân tộc không tự ý thức, tất không có trí thức, không có Học thuật, không có Văn minh.”
Thầy coi Thật - Đẹp –Trong là “ba ngôi Trời lý tưởng” và “Lẽ sống là Trong, Đẹp, Thật”. Phải chăng Thật và Chân, Trong là Thiện và Đẹp là Mỹ. Ba ngôi trời lý tưởng mà thầy nêu lên cũng là lý tưởng sống phổ quát của con người.
Thầy Nguyễn Lương Ngọc đã đi xa. Đọc hồi tưởng Nhớ bạn của thầy càng nhớ thầy vô hạn.
Với khoa Ngữ văn hôm nay và sau này, Thầy Ngọc là “Người xưa của ta nay”
Theo: nguvan.hnue.edu.vn/
Nguyễn Lương Ngọc, đức độ trong sáng tạo và đào tạo
GS.TSKH.NGND Phương Lựu
Nguyễn Lương Ngọc là nhà hoạt động văn hóa - giáo dục, hoạt động sân khấu (viết kịch bản và diễn xuất), nhà lí luận phê bình và giảng dạy văn học. Ông sinh ngày mồng 10 tháng 10 năm 1910 trong một gia đình công chức tại làng Áng Sơn, tổng Quán Vinh, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, nay là thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Từ bé, ông đã xa gia đình lên học ở Hà Nội.
Tốt nghiệp trường Bưởi đúng vào thời kì kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng đầu những năm 30, ông phải làm việc lặt vặt để kiếm sống. Sau đó, ông dạy ở trường tư thục Gia Long cho mãi đến năm 1945
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã tham gia viết bài cho các báo hàng ngày thời đó. Và khi đi dạy, ông đã lần lượt cùng với các bạn hữu như các ông Thế Lữ, Vũ Đình Liên, viết nhiều truyện ngắn, tiểu luận và phê bình văn học đăng trên các báo Tinh hoa, Thanh nghị…
Những truyện ngắn của ông chủ yếu đăng trên tờ Thanh nghị, chưa biểu lộ khuynh hướng gì rõ rệt, thường là kể những chuyện là lạ, hơi buồn cười. Truyện Con lợn giống kể chuyện một anh chàng ngày ngày dắt rong con lợn đực khắp phố phường cho người ta lấy giống để hưởng tiền công. Truyện Nấu rượu lậu kể chuyện mấy người dân quê tránh Tây đoan, lén lút nấu rượu lậu trong hang núi, giữa chừng nghe tiếng động sỏi đá, tiếng chân rón rén, vội đập vỡ dụng cụ, chạy thoát thân. Dè đâu, khi ra khỏi hang, chỉ thấy mấy chú dê con rảo bước (!).
Là biên tập thường trực của tờ Tinh hoa, ông đã viết khá nhiều, hầu như số nào cũng có bài, chủ yếu là phê bình văn học. Ông đã phê phán các cuốn tiểu thuyết Lạnh lùng, Giông tố… Ông cũng có ghi nhận phần nào ý thức chống phong kiến ở Nhất Linh, và cách xây dựng nhân vật sắc nét ở Vũ Trọng Phụng…
Tờ Tinh hoa chỉ ra được 13 số thì phải đình bản, vì không đủ tiền trả cho nhà in. Ông đã cùng Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đỗ Cung…cho ra Xuân thu nhã tập. Tuy nằm trong xu hướng bế tắc chung, nhưng mấy bài viết của Nguyễn Lương Ngọc cũng khơi gạn được một đôi nhân tố bất bình với cuộc sống tầm thường, vô vị, một ít khát khao đi đến lối thoát mơ hồ về dân tộc. Cũng trong thời gian này, ông tham gia nhóm kịch nói “Tinh hoa”, diễn một số vở, trong đó có Ngã ba của Đoàn Phú Tứ, đồng thời cũng học hát chèo, và đã bước đầu cùng với Nguyễn Xuân Khoát nghiên cứu nghệ thuật chèo.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà giáo – nhà văn Nguyễn Lương Ngọc được nhân dân đề cử làm Chủ tịch khu phố Đông Thành. Vừa hăng hái góp phần xây dựng chính quyền mới ở cơ sở, ông vừa tích cực tham gia viết bài trên các báo mới như tờ Độc lập…
Cuối năm 1946, giặc Pháp khởi hấn ở thủ đô, ông vào Thanh Hoá tham gia đoàn kịch kháng chiến Liên khu IV, vừa viết kịch bản vừa đi biểu diễn lưu động khắp hai tỉnh Thanh, Nghệ. Hai vở kịch Cây đèn, Gia đình họ Bạch được biểu diễn nhiều lần và được Ty Thông tin Thanh Hoá cho in lại. Vở thứ nhất kể chuyện một ông đồ thời kháng chiến bị Tây bắt tra khảo tại nhà, nhưng không khuất phục khai báo một lời. Người con nuôi của ông đồ nghĩ ra cái mẹo đốt pháo quanh nhà để bọn lính Pháp ngờ bị đánh úp, nên đứa tháo chạy, đứa ẩn núp. Khi bọn giặc bao vây ở vòng ngoài bắn vào thì ông đồ giương cao cây đèn và di động qua lại, thu hút nhiều hoả lực dữ dội hơn. Cuối cùng, ông đồ hy sinh, nhưng nhiều tên giặc cũng thiệt mạng. Vở kịch thứ hai kể chuyện giặc Pháp đến chiếm đóng ở một thôn nọ, bắt gia đình họ Bạch phục dịch cơm nước, rượu thịt cho chúng. Bên ngoài thì khuất phục, nhưng gia đình này đã quyết tâm đánh thuốc độc bọn giặc. Chúng nghi ngờ, bắt cả gia đình phải ăn trước, chúng nhậu nhẹt theo sau. Kết quả là cả gia đình họ Bạch đều hy sinh, nhưng cả bọn giặc cũng bỏ mạng.
Năm 1948, Nguyễn Lương Ngọc được giao phụ trách hai khoá bồi dưỡng cán bộ văn nghệ của Liên khu IV. Ông còn tham gia công tác mặt trận, làm Chủ nhiệm Việt minh và Phó hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh Thanh Hoá. Năm 1949, ông được điều ra Việt Bắc làm Hiệu phó trường sư phạm trung cấp Trung ương đóng ở vùng chợ Rạng, Phú Thọ. Năm 1951, ông lại được điều trở lại Nghệ An làm Phó Giám đốc giám đốc Sở Giáo dục Liên khu IV. Trong thời gian này, ông có tham gia giảng dạy ở phân hiệu Dự bị đại học tại Nghệ An.
Năm 1954, thủ đô được giải phóng, ông được điều về Hà Nội giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Văn khoa. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập, ông được cử làm chủ nhiệm khoa Văn-Sử kiêm tổ trưởng của bộ môn Lý luận văn học cho mãi đến năm 1963. Vừa giảng dạy, ông vừa tham gia nghiên cứu và sáng tác. Cùng với Đinh Gia Khánh, ông đã phiên âm chú thích tác phẩm Thiên Nam ngữ lục (Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1958); kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu năm 1963, ông đã viết một vở kịch về nhà thơ –chiến sĩ này (chưa xuất bản). Ông cũng có tham gia giới thiệu những danh nhân văn hoá thế giới như Phác Chí Nguyên vào năm 1957 và Giăng Giắc Rútxô vào năm 1962. Đặc biệt, trong thời gian này ông đã cho công bố một cách hệ thống bộ giáo trình lý luận văn học mác-xít đầu tiên ở nước ta bao gồm Sơ thảo nguyên lý văn học (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1958) bàn về những nguyên lý tổng quát của văn học; Mấy vấn đề nguyên lý văn học, 2 tập (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1961) trình bày những vấn đề lý luận về tác phẩm, về thể loại và phương pháp sáng tác trong văn học. Ưu điểm nổi bật của bộ giáo trình là đã cố gắng quán triệt những quan điểm văn nghệ mác-xít, đồng thời cũng hết mực lưu tâm đến thực tiễn văn học nước nhà từ cổ chí kim. Mặc dù có một ít thiếu sót khó tránh khỏi của một công trình khai phá, bộ giáo trình này của Nguyễn Lương Ngọc vẫn là một nền móng tin cậy cho việc tiếp tục xây dựng bộ môn lý luận văn học mác-xít Việt Nam trong nền đại học nước nhà.
Năm 1963, ông được điều động về làm Viện phó rồi Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục. Bốn năm sau, ông lại trở về trường Đại học Sư phạm Hà Nội I với cương vị Hiệu trưởng trong gần suốt mười năm cho đến lúc về hưu. Bận rộn với công tác quản lý, nhất là trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, ông vẫn tham gia nhiều công tác học thuật, nhất là những môn khoa học về ngữ văn. Ông đã là chủ biên nhiều công trình: Từ điển học sinh (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1971), Cơ sở lý luận văn học, 4 tập (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1975-1978), Cơ sở lý luận văn học (Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980-1984). Cùng với Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Phạm Huy Thông, Trần Quang Huy, Nguyễn Kim Thản, ông đã tham gia Hội đồng duyệt sách cho một công trình có tính chất nhà nước, cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983), viết lời tựa cho cuốn Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học (NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1977)…
Gần nửa thế kỷ qua, GS. Nguyễn Lương Ngọc đã làm nhiều việc, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Nhưng gương mặt tài hoa của nhà giáo trẻ trường tư ở phố Phạm Phú Thứ bên chợ Hàng Da năm xưa như đã báo hiệu một duyên nợ với văn chương suốt đời của ông. Qủa vậy, khi tuổi già sức yếu, tuy đã nghỉ hưu vui vầy bên đàn cháu nhỏ ở căn gác hai một ngôi nhà cũ kỹ trên phố cổ Châu Long bên đê sông Hồng, ông vẫn viết đều đặn những chuyện thiếu nhi vui tươi, hàm súc.
Từ một trí thức trong xã hội cũ, nhờ ánh sáng của cách mạng, Nguyễn Lương Ngọc đã trở thành một nhà hoạt động văn hoá, văn nghệ có tên tuổi trong suốt bốn mươi năm qua. Ông đã “lập công” nhiều trong giáo giới, “lập ngôn” không ít trong văn giới. Nhưng kết tinh hơn cả vẫn là đức độ. Dù làm quản lý hay chuyên môn, giảng dạy hay nghiên cứu, ông đối với công việc đều mẫu mực, hết lòng, danh lợi không màng và không bao giờ tranh đua hơn thiệt. Mà điều này nghĩ đến cùng, vẫn rất thiết yếu đối với văn chương.
Đức độ trong sáng trọn đời của Nguyễn Lương Ngọc vẫn là một bài thơ không vần ngân nga mãi trong lòng ít ra là của những ai có dịp tiếp xúc và làm việc với ông trong mấy thập kỉ qua.
Theo: nguvan.hnue.edu.vn/
GS.NGND Nguyễn Đình Chú
GS Nguyễn Lương Ngọc sinh ngày 10/10/1910. Nguyên quán Láng Áng Sơn, tổng Quán Vinh, huyện Gia Khánh, nay là xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ là một y sĩ Đông Dương đầu tiên, có tinh thần yêu nước. Sau khi đậu tú tài bản xứ, theo lời khuyên của thân phụ, GS đã chọn nghề dạy học, viết văn và làm nghệ thuật. GS tham gia mở trường tư thục Gia Long, đào tạo cho đất nước nhiều cán bộ ưu tú, nhiều nhà khoa học tài năng về sau. Ngoài ra, ông còn là cộng tác viên của một số báo, tạp chí có tiếng đương thời như Thanh nghị, Tri tân…, cùng bạn lập nhóm kịch Tinh Hoa và chính mình đóng nhiều vai gây được sự hâm mộ của công chúng. Năm 1942, GS lại cùng danh học Nguyễn Đỗ Cung, danh nhạc Nguyễn Xuân Khoát và các nhà văn, nhà thơ như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh…sáng lập nhóm Xuân Thu với dụng ý làm sống lại cội nguồn triết học và tư tưởng nghệ thuật phương Đông cổ đại trước sự lấn át của khuynh hướng Âu hoá trong nền văn hoá, văn học dân tộc lúc bấy giờ. GS đã được coi là Mạnh Thường Quân của một số văn nghệ sĩ có tài mà nghèo đói, mặc dù đời sống của chính mình cũng chẳng giàu có gì. Đương thời, với một trình độ học vấn, một năng lực nghệ thuật, đặc biệt là một nhân cách thanh cao như thế, GS Nguyễn Lương Ngọc đã là người có uy tín ở đất Hà Thành.
Cách mạng tháng Tám thành công và kế đó là kháng chiến toàn quốc bùng nổ, GS đã hăng hái hưởng ứng theo sở trường của mình. Đầu tiên, cùng với GS Nguyễn Văn Chiểu làm giám hiệu trưởng trường Trung học Sư phạm trung ương. Sau đó, vào Thanh Hoá, cùng các nghệ sĩ kháng chiến khác là Chu Ngọc, Nguyễn Tuân, Sĩ Ngọc, Bửu Tiến, Hòang Tuệ…thành lập đoàn kịch Tiền Tuyến hoạt động khắp địa bàn khu Bốn cũ, trong đó có chiến trường Bình Trị Thiên đầy khói lửa. GS đã viết hai vở: “Cái đèn” và “Một dòng họ” để đoàn trình diễn. Có lúc, GS còn được giao nhiệm vụ cùng nhà cách mạng có tên tuổi Tôn Quang Phiệt hoạt động trong Đảng Dân chủ, sau đó là chủ nhiệm Việt Minh, kiêm phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Thanh Hoá. Lúc này, GS đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1951, trước yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục, trường Dự bị Đại học thành lập, GS được cử làm giảng viên. Ít lâu sau, lại được cử làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc giáo dục khu Bốn cũ thay GS. Đặng Thai Mai. Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, GS được điều về trường ĐHSP Hà Nội vừa giảng dạy, vừa tham gia công tác quản lý với cương vị chủ nhiệm bộ môn, rồi chủ nhiệm khoa Văn. Chính GS là người đầu tiên xây dựng bộ môn Lý luận văn học. Năm 1962, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được thành lập, GS được cử giữ chức Viện trưởng và như thế, cũng là người đi đầu trong giai đoạn phát triển mới cao hơn của ngành tâm lý học và giáo dục học của miền Bắc bấy giờ. Năm 1967, GS trở lại trường ĐHSP Hà Nội I làm hiệu trưởng cho tới ngày về hưu.
Thời gian gần 10 năm làm hiệu trưởng của GS. Nguyễn Lương Ngọc là thời gian trường ĐHSP Hà Nội I tuy phải sơ tán gian khổ nhưng phát triển, đoàn kết trên dưới một lòng. Dưới quyền lãnh đạo của GS. Nguyễn Lương Ngọc, người ta có cảm tưởng các thành viên trong trường không ai nỡ nói dữ, chơi xấu nhau, ngược lại chỉ đua nhau mà làm việc cho tốt. Sau ngày nghỉ hưu, trong nhiều năm, Bộ trưởng Giáo dục (cũ) vẫn mời GS làm Chủ tịch Hội đồng bộ môn kiêm Chủ tịch Hội đồng duyệt sách ngành Ngữ văn. Một điều thật đáng quý là đã vào tuổi trên 80, sức khoẻ sút kém rõ rệt, GS vẫn quay lại nghiệp văn chương, và trong vòng một năm, cho ra đời hai tác phẩm. Trong đó, đặc biệt có cuốn hồi ký Nhớ bạn ghi lại những kỷ niệm giữa mình với bạn làng văn, với bạn trí giả theo tinh thần không phải như người xưa từng nói là “văn nhân tương khinh” mà ngược lại là “tương thân tương kính”. Có trường hợp tình bạn của GS đã vượt qua, đã bất chấp cái thói thường “phù thịnh bất phù suy” vốn là vô nghĩa với thời gian. Cuốn hồi ký đã gây xúc động và niềm cảm phục trong nhiều độc giả bởi lẽ đó.
Nghĩ đến GS Nguyễn Lương Ngọc, con người đã đi qua cõi đời 85 năm, dễ thường sẽ nhớ đến thuyết “tam lập” (ba thứ cần dựng lên) trong triết học phương Đông cổ đại: lập đức, lập công, lập ngôn. Trong đời thường, với bao nhiêu quan hệ, cũng như trong công tác với bao nhiều cương vị này nọ, ở GS Nguyễn Lương Ngọc, chữ Đức vẫn là hàng đầu, Ở đây, dĩ nhiên, chưa phải là chuyện dựng lên lý thuyết đạo đức gì, mà vấn đề là có một chữ TÂM, một tấm lòng yêu thương, trân trọng con người và mong muốn con người cũng yêu thương trân trọng nhau tới mức phải nói thật, không dễ có nhiều. Cho nên GS qua đời là một nỗi đau lớn cho gia đình, cho bạn bè, cho các môn đệ, cho xã hội. Có điều là dù GS đã thành người thiên cổ thì tiếng thơm, tấm gương sáng về nhân cách, về sự cống hiến của GS cho đất nước, cho nhân dân vẫn còn mãi với tháng năm. Dù người có may mắn được làm học trò GS đến nay không ít cũng là GS có uy tín trong xã hội, hay là người chưa có may mắn được làm học trò GS, vẫn rất đỗi tự hào rằng: trong lịch sử lâu đời và quang vinh của nhà trường, cùng với những tên tuổi vẻ vang như giáo sư-học giả Đặng Thai Mai, giáo sư-sử gia Đào Duy Anh, giáo sư-triết gia Cao Xuân Huy, giáo sư-sử gia-thi sĩ Phạm Huy Thông, giáo sư-nhà toán học Lê Văn Thiêm…mà nay đều đã vắng bóng, có tên tuổi đẹp đẽ của giáo sư-nhà văn-nhà giáo nhân dân Nguyễn Lương Ngọc.
Nguồn: Hội thảo khoa học GS Nguyễn Lương Ngọc, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP, ngày 05 tháng 10 năm 2011.
Theo: nguvan.hnue.edu.vn
Những kỉ niệm sâu sắc với GS. Nguyễn Lương Ngọc
GVC.NGƯT Phạm Đăng Dư
Trong những năm công tác tại trường Đại học sư phạm Hà Nội, tôi có vinh dự được gần gũi GS.NGND Nguyễn Lương Ngọc. Tiếp xúc và làm việc với thầy, thầy đã để lại trong tôi những tình cảm rất tốt đẹp và sâu sắc. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của thầy, tôi xin ghi lại những điều tôi đã học tập được ở thầy.
1. Kỉ niệm nhỏ về người thầy lớn
Khoảng giữa tháng 11 năm 1974, khi ấy tôi đang làm phó bí thư BCH Đoàn trường ĐHSP Hà Nội I phụ trách công tác chuyên môn thì được thầy Hiệu trưởng, GS. Nguyễn Lương Ngọc, gọi đến làm việc. Trong căn phòng ấm áp của buổi chiều mùa đông, thầy bảo tôi báo cáo về tình hình học tập của đoàn viên và vai trò của Đoàn trong việc thực hiện phong trào “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Rất may cho tôi bởi vì trước đó mấy ngày, BCH Đoàn trường đã sơ kết phong trào này để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Tôi giở cuốn sổ tay, báo cáo lần lượt từng vấn đề. Thầy chăm chú nghe và đôi lúc, tôi thấy thầy ghi điều gì đó vào cuốn sổ để trước mặt. Báo cáo của tôi bị dừng lại nhiều chỗ mỗi khi thầy yêu cầu tôi nói rõ hơn, cụ thể hơn tình hình học tập và tu dưỡng của Đoàn viên. Nghe báo cáo xong, thầy nhẹ nhàng bảo tôi:
- Đoàn trường chăm lo tới công việc học tập của đoàn viên sinh viên như vậy là tốt nhưng tinh thần tự giác học tập và rèn luyện của đoàn viên thế nào? Nếu họ không tự giác thì mọi phong trào chỉ là hình thức.
Thầy nhấn mạnh:
-Mọi tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là Đoàn thanh niên và đội ngũ các thầy giáo phải làm sao để tất cả sinh viên có tinh thần tự giác mới có thể biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Tôi hiểu những lời nói ân cần của thầy vừa có ý khen ngợi tổ chức Đoàn đã tổ chức được phong trào học tập vừa chỉ cho tôi thấy rằng phong trào chưa có chiều sâu, chưa trở thành ý thức tự giác của quần chúng. Thầy rời khỏi chiếc ghế, bước lại sát bên tôi và nói: “Thầy muốn dự sinh hoạt với một chi đoàn (thời kỳ này tất cả sinh viên sư phạm đều là đoàn viên) vào một tối nào đó cũng được”. Tôi ngỡ ngàng bởi công việc của thầy bận rộn, tuổi thầy lại cao, nhưng tôi mừng vô cùng bởi lần đầu tiên công tác tại một trường Đại học, tôi thấy thầy Hiệu trưởng đến dự sinh hoạt với một lớp học trò.
Theo lời dặn của thầy, 7 giờ kém 15 phút, tối thứ tư hôm ấy, tôi đón thầy từ nhà Hiệu bộ đi xuống dãy nhà C. Đây là dãy nhà đặt lớp học của các khoa và toàn là nhà tranh vách đất (thời kỳ này có phong trào tối thứ tư hàng tuần dành cho đoàn viên sinh hoạt tập thể). Thầy và tôi bước vào một lớp của sinh viên khoa Ngữ Văn. Tất cả sinh viên đều ngạc nhiên và sung sướng trước sự xuất hiện của thầy. Tôi giới thiệu thầy và sinh viên vừa vỗ tay vừa tiến sát lại thầy. Thầy giơ tay chào và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống để tiến hành sinh hoạt. Đồng chí bí thư chi đoàn báo cáo sơ kết đợt thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thầy nghe chăm chú và rút cuốn sổ tay nhỏ ở trong túi ra, ghi chép ý kiến của sinh viên trong khi thảo luận. Trong đó có những lời khen, có những lời phê bình, có những lời đề nghị rất thiết thực như: Làm sao cho lớp học khỏi bị dột khi mưa, thư viện phục vụ sinh viên tốt hơn…Sau chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” hát cho nhau nghe, cả lớp đứng dậy vỗ tay hồi lâu khi nghe thầy Hiệu trưởng phát biểu. Thầy nói khoảng 5 phút, thầy khen lớp sinh hoạt có nội dung, có tình thần xây dựng. Thầy mong mọi người cố gắng hơn nữa và hứa sẽ giải quyết những kiến nghị chính đáng của sinh viên…Tiếng vỗ tay của sinh viên cứ vang lên từng đợt qua lời nói trìu mến của thầy. Chia tay với lớp, tôi theo thầy về, lúc ấy là 10 rưỡi khuya trước những làn gió đông buốt lạnh.
Sau buổi theo thầy đến dự sinh hoạt với sinh viên khoa Ngữ Văn, khoảng 10 ngày sau, tôi gặp lại các bạn sinh viên lớp này và vô cùng cảm động khi biết rằng lớp học bây giờ mưa không dột, thư viện phục vụ bạn đọc tốt hơn…Chỉ qua hai lần trực tiếp làm việc với thầy, tôi cảm nhận được điều vô cùng bổ ích về sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể, về tác phong giản dị, gần gũi quần chúng, về tinh thần trách nhiệm cao của người thầy lớn.
2. Chiếc lốp xe đạp
Thời kì sơ tán chống Mỹ cứu nước, Hiệu bộ trường ĐHSPHN 1 đóng ở xã Cộng Hòa, huyện Yên Mĩ, tỉnh Hưng Yên. Có một lần tôi được về dự Hội nghị tổng kết năm học, tối hôm ấy tôi ở lại nhà khách của Hiệu bộ, sáng sớm hôm sau đạp xe đạp về Hà Nội, để phổ biến một số công việc cho các lớp của khoa sơ tán ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Tối hôm ấy tôi đến thăm thầy tại một căn nhà tranh của của khu Hiệu bộ tại xã Lạc Hồng. Hai thầy trò ngồi trên một chiếc ghế dài kê ở sân dưới vầng trăng sáng, thầy chủ động hỏi tôi nhiều chuyện. Tôi thưa với thầy về chuyện gia đình, chuyện công việc ở khoa… Khi ấy thầy mới biết gia đình tôi ở Hải Phòng, thầy hỏi tôi có thường xuyên về thăm nhà được không. Tôi thưa là không, vài tháng mới về một lần và thường là đi bằng phương tiện xe đạp. Thầy rất thông cảm với hoàn cảnh của tôi và thầy nói: thời kì kháng chiến chống Pháp, khi ấy thầy còn rất trẻ, thầy cũng có những chuyến đi còn vất vả hơn nhiều vì khi ấy chủ yếu là đi bộ. Nghe thầy nói, tôi hiểu thầy muốn nhắc nhở tôi cần phải có ý chí và nghị lực để vượt qua khó khăn.
Sau lần nói chuyện ấy, khoảng hai tháng sau, một anh bạn công tác ở Hiệu bộ xuống khoa Văn, anh tìm gặp tôi và thật bất ngờ anh đưa cho tôi một chiếc lốp xe đạp và anh bảo thầy Ngọc nhờ anh chuyển cho tôi. Tôi sững sờ và cảm động vô cùng. Tôi không ngờ hôm tôi nói chuyện với thầy về việc đi xe đạp về Hải Phòng thăm nhà bằng xe đạp, dù bận nhiều việc thầy vẫn nhớ và giúp đỡ tôi. Tôi vội lấy giấy viết vài dòng thư nhờ anh bạn chuyển tới thầy tỏ lòng biết ơn. Ai đã từng sống ở thời kì ấy chắc hiểu được giá trị của chiếc lốp xe đạp có giá thế nào. Song với tôi, đâu chỉ là giá trị vật chất của chiếc lốp xe đạp mà cao quí hơn đối với tôi đó là tình thương của thầy đã dành cho tôi – người học trò nhỏ của thầy.
3. Sự quan tâm tới mọi người
Khi GS. NGND, Nguyễn Lương Ngọc về nghỉ hưu, tôi được cử giữ chức vụ trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐHSPHN. Vào các dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và Tết Nguyên đán, lãnh đạo nhà trường thường tới thăm các đồng chí Hiệu trưởng và Bí thư Đảng ủy đã công tác tại trường nay nghỉ hưu. Vì thế, tôi vẫn có dịp tới thăm thầy tại nhà số 5 phố Châu Long, quận Ba Đình. Tôi biết những món quà của nhà trường chỉ là cân cam hay gói bánh song tình cảm thì thắm thiết vô cùng. Tôi nhớ khi đến thăm thầy lần thứ hai nhân gần đến tết Nguyên đán, sau nửa giờ chuyện trò, thăm hỏi, các đồng chí lãnh đạo nhà trường ra về, thầy gọi tôi lại và ân cần dặn tôi rằng: trường ta, có nhiều thầy cô giáo có công với trường nay cũng đã nghỉ hưu, tất cả các thầy cô như vậy đều cần được nhà trường quan tâm. Thầy còn nhấn mạnh với tôi rằng, với tư cách là trưởng phòng Hành chính tổng hợp cần phải tham mưu để lãnh đạo nhà trường không quên ai. Thầy lại bảo, riêng với thầy có thể bớt những lần thăm đi vì thầy còn khỏe. Những lời dạy bảo của thầy càng làm tôi hiểu tấm lòng của thầy với mọi người và đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm hiểu và trân trọng đối với tất cả các thầy các cô đã từng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ của trường ĐHSPHN.
Khi ở lại khoa, những năm đầu chuẩn bị bài lên lớp, dù thầy bận rất nhiều công việc, thầy vẫn sẵn sàng giảng giải cho tôi những vấn đề tôi chưa hiểu. Thầy căn dặn tôi phải dành nhiều thì giờ cho việc học tập. Thầy khen tôi có cách nói truyền cảm, có chút ít năng lực sư phạm nhưng không được chủ quan nhất là việc lãng phí thời gian. Cho tới nay tôi không quên được giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp của thầy cùng với cử chỉ khoan thai và nụ cười hiền hậu đô lượng. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai có dịp tiếp xúc với thầy đều có cảm nhận như vậy về người thầy kính yêu của nhiều thế hệ học trò.
Theo: nguvan.hnue.edu.vn/