Giáo sư Trần Đức Thảo
TS. Cù Huy Chử[1]
Nhiều bạn bè của tôi biết tôi có một thời là thư ký khoa học của Tiểu ban Lý luận Văn hóa-Giáo dục Trung ương dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, và biết tôi có mối quan hệ mật thiết với Giáo sư Trần Đức Thảo, thường hỏi tôi về quan hệ giữa ông Phạm Văn Đồng và Giáo sư Trần Đức Thảo, với ý nghĩ rằng trong hoàn cảnh sống và làm việc của Giáo sư thì ông Phạm Văn Đồng là ân nhân. Tôi cho cách nghĩ như vậy không hoàn toàn đúng, bởi Giáo sư khi nhắc đến ông Phạm Văn Đồng, trong khẩu ngữ của ông, tôi thấy ông coi ông Phạm Văn Đồng là một người bạn lớn.
♦
Một buổi chiều mùa xuân năm 1991, lúc chuẩn bị cho Giáo sư Trần Đức Thảo đi Pháp, tôi sợ không có dịp gặp lại Giáo sư nữa, vì Giáo sư tuổi đã cao mà trong người mang nhiều trọng bệnh, bởi vậy tôi đã tìm cách để khai thác mối quan hệ hết sức quan trọng của đời ông, đó là mối quan hệ giữa Giáo sư với ông Phạm Văn Đồng. Thực ra thì tôi biết rất nhiều về mối quan hệ ấy, nhưng tôi muốn lắng nghe lời kể trực tiếp của Giáo sư.
Tôi hỏi Giáo sư: “Có lần anh nói với em, anh Tô [2] là một người bạn lớn của anh, anh có thể nói cho biết chút ít về mối quan hệ ấy không?”
Trần Đức Thảo cho biết, lần đầu tiên ông gặp ông Phạm Văn Đồng tại Paris vào năm 1946, lúc ông Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn dự Hội nghị Fontainebleau. Ngay lần gặp gỡ đầu tiên ấy, ông Phạm Văn Đồng đã để lại trong Trần Đức Thảo ấn tượng sâu sắc. Trần Đức Thảo nhớ lại, trong buổi gặp gỡ đầu tiên tại khách sạn nơi Phái đoàn của Chính phủ ta nghỉ, ông Phạm Văn Đồng hỏi Trần Đức Thảo về sinh hoạt, về công việc, về hoạt động trong phòng trào Việt kiều yêu nước. Ông Phạm Văn Đồng đề nghị Trần Đức Thảo giới thiệu cho ông những người bạn chí cốt trong các hoạt động yêu nước tại Paris. Trần Đức Thảo nhớ lại, người bạn thân của ông mà ông giới thiệu cho ông Phạm Văn Đồng là kỹ sư Lê Viết Hường và Nguyễn Quý Huân. Sau này, nhiều lần ông Phạm Văn Đồng mời Trần Đức Thảo và Lê Viết Hường đến Phủ Thủ tướng để trao đổi những vấn đề có liên quan đến đời sống trí thức, đến hoạt động nghiên cứu khoa học, và cũng để nhớ lại lần Lê Viết Hường và Trần Đức Thảo lần đầu tiên gặp gỡ ông Phạm Văn Đồng tại Paris.
Có lần ông Phạm Văn Đồng còn nhắc lại một ý kiến nhận xét của một linh mục nói với ông rằng Trần Đức Thảo là một gương mặt sáng giá nhất trong những trí thức nổi tiếng. Trần Đức Thảo nói, ông đã trả lời với ông Phạm Văn Đồng: “Những nhận xét ấy có khi còn nặng về cảm tính”. Ông Phạm Văn Đồng đáp lại: “Nhưng đó là tình cảm chân thành, các trí thức Việt kiều như tôi biết, rất yêu mến anh”. Trần Đức Thảo thật thà trả lời: “Sự yêu mến ấy là điều có thật, nhưng hiểu tôi thì chưa hẳn”. Phạm Văn Đồng hỏi: “Hiểu cái gì mới được chứ?”. Trần Đức Thảo trả lời: “Đó là cái mục tiêu trước mắt tôi đang đi và nhất định phải đi tới bằng được: tìm ra phương pháp, cách thức để nhận chân thế giới, đặc biệt là đời sống tinh thần con người”. Ông Phạm Văn Đồng nói với Trần Đức Thảo như một lời thông cảm có chút vỗ về: “Có ai cấm anh làm việc đó đâu, và cấm sao được? Anh Thảo, nên sống cởi mở một chút thì hơn”. Trần Đức Thảo, trong lần gặp gỡ ấy, bởi có mặt Lê Viết Hường, nên ông mạnh dạn đáp: “Cái gọi là khoa học, có vẻ có chút bí mật, nhưng thực ra không bí mật một chút nào cả, bởi khoa học là chính cuộc đời, là chính thế giới, là chính sự sống… Những cái ấy vẫn được phơi bày trước mắt mọi người, nhà khoa học chỉ khám phá cái phơi bày trước mắt ấy để tìm ra chân lý, tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống con người”.
Ấn tượng về ông Phạm Văn Đồng được giữ lại trong Trần Đức Thảo bởi một kỷ niệm hết sức đặc biệt: Ngày 27-7-1946, khi Phái đoàn của Chính phủ ta còn làm việc tại Pháp, trong buổi gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Phạm Văn Đồng - Trưởng Phái đoàn, tại nhà ông Raymông Ôbrắc, nơi nghỉ và và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ông bà Ôbrắc đã tự nguyện cho mượn ngôi nhà ấy), hôm đó Phái đoàn đã mời Trần Đức Thảo chụp ảnh chung với Phái đoàn và với bà con Việt kiều. [3] Sau khi chụp ảnh chung, ông Phạm Văn Đồng đã nói: “Anh Thảo, anh để cho chúng tôi chụp ảnh riêng của anh”. Không ngờ, khi Phái đoàn về nước, ông Phạm Văn Đồng đã mời ông Trần Đức Tiến, thân sinh của Trần Đức Thảo đến gặp gỡ và lấy từ trong trang ảnh giới thiệu hoạt động của Phái đoàn bức ảnh của Trần Đức Thảo để đưa tặng ông Trần Đức Tiến. Ông Trần Đức Tiến đã hết sức cảm động ghi dưới tấm ảnh đó: “Trần Đức Thảo, con thứ hai đỗ thạc sĩ số 1bis ở Pháp. Ảnh này do Fái bộ chính trị của Chính fủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sang Hội nghị ở Fontainebleau chụp ở Paris và trưng bầy tại fòng Triển Lãm Hà nội trước hồi Kháng chiến. Fái bộ có nhã ý cho tôi một tấm ảnh này”. Tấm ảnh đặc biệt ấy, ông Trần Đức Tiến đã giữ cho đến tận cuối đời, và ông dặn Trần Đức Thảo hãy đưa lại kỷ vật này cho người con trai của Trần Đức Tảo là Trần Đức Tùng. Hôm Trần Đức Thảo vào Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Trần Đức Thảo gặp bác sĩ Trần Đức Tùng. Trần Đức Thảo xúc động ngắm đứa cháu rất kỹ, chỉ nói một câu: “Cháu giống bố cháu quá”. Sau đó, ông đưa cho bác sĩ Trần Đức Tùng tấm ảnh nói trên cùng một số ảnh khác, và nói với bác sĩ Trần Đức Tùng: “Ông nội cháu giữ rất kỹ những kỷ vật này và dặn chú trao lại cho cháu để cháu trao lại cho con cháu về sau”.
Trần Đức Thảo hiện lên trong tấm ảnh là một thanh niên trí thức đẹp trai, đầy phong độ. Khi nhìn tấm ảnh này, tôi hỏi Trần Đức Thảo: “Sao anh không mặc complet, có đẹp hơn không?”. Trần Đức Thảo trả lời: “Tháng Bảy, ở Paris, trời còn hơi lạnh, mà hôm chụp ảnh, tôi đã định cởi chiếc áo khoác ngoài, nhưng ông Phạm Văn Đồng nói: ‘Anh cứ mặc như thế cho tự nhiên’. Rồi sau đó, ông Phạm Văn Đồng xích lại gần tôi, và hai người cùng chụp ảnh. Tiếc rằng khi tôi về nước, trong hành trang có mang bức ảnh ấy về, nhưng rồi hoàn cảnh của tôi khi ở Việt Bắc phải rời chỗ ở luôn, cho nên nên thất lạc mất tấm ảnh đó. Nhiều lần tôi gặp lại ông Phạm Văn Đồng ở trường đại học, ở Phủ Thủ tướng, ông Phạm Văn Đồng có nhắc lại kỷ niệm ấy, và nói với tôi: ‘Anh gầy đi nhiều quá’.”
Nhận xét của ông Phạm Văn Đồng về thân hình Trần Đức Thảo gầy gò hơn so với thời ở Pháp, làm cho Trần Đức Thảo nhớ lại một số kỷ niệm khác. Trần Đức Thảo kể lại: “Khi về đến Việt Bắc vào năm 1952, tôi được ông Phạm Văn Đồng mời đến cuộc họp của Hội đồng Chính phủ tại Núi Hồng. Hôm đó, nhà thơ Huy Cận với tư cách là Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ đã dẫn tôi đến dự cuộc họp. Tôi vừa đến nơi, thì ông Phạm Văn Đồng chạy ngay ra và ôm chầm lấy tôi. Sau đó, đích thân ông Phạm Văn Đồng cầm tay tôi đến giới thiệu với Bác Hồ. Bác Hồ cũng ôm hôn tôi, tất cả các cử tọa đứng dậy vỗ tay. Bác Hồ nói với các cử tọa: “Chú Trần Đức Thảo, người thì không lớn lắm, nhưng có một bộ óc rất lớn”. Một lần nữa, ông Phạm Văn Đồng lại ôm hôn tôi, và dẫn tôi đến trước mặt Bộ trưởng Phan Anh và các Bộ trưởng khác. Sau khi bắt tay tôi, ông Phan Anh rất xúc động và rơi nước mắt. Trước sự xúc động đó của ông Phan Anh, ông Phạm Văn Đồng đã nói to với các cử tọa: ‘Anh Thảo không ngại gian khổ đâu. Anh sẽ đi với chúng ta mãi mãi’.”
Một điều không ngờ, nhưng đối với Trần Đức Thảo là một nỗi đau da diết cho đến hơi thở cuối cùng. Khi tờ báo Nhân văn ra đời, cùng với tạp chí Giai phẩm mùa Đông, ông Đào Duy Anh có nói với Trần Đức Thảo: “Ta nên gửi bài”. Trần Đức Thảo hỏi Đào Duy Anh nên viết từ góc độ nào. Đào Duy Anh trả lời, nên viết từ góc độ văn hóa, triết học. Trần Đức Thảo nói với Đào Duy Anh: “Cũng phải, vừa rồi anh Trường Chinh có gọi tôi đến nhà và trao cho tôi những tài liệu về Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Anh Trường Chinh nói với tôi, cần khai thác khía cạnh chủ nghĩa nhân đạo cộng sản”. Đào Duy Anh nói với Trần Đức Thảo: “Vậy thì anh hãy viết về vấn đề tự do dân chủ”. Trần Đức Thảo nói: “Khi đó, tôi trầm ngâm một chút, rồi trả lời Đào Duy Anh: ‘Sai lầm trầm trọng của Cải cách ruộng đất và Chấn chỉnh tổ chức chính là vấn đề này’. Trần Đức Thảo nói tiếp: ‘Chính đồng chí Nguyễn Duy Trinh trong báo cáo trước Quốc hội đã nói, muốn khắc phục những sai lầm trong Cải cách ruộng đất thì phải phát huy dân chủ. Nhưng theo tôi, có lẽ cái khía cạnh cần nói mà bây giờ chưa nói được. Khó quá! Đó là nhìn nhận con người như thế nào cho đúng trong sự phát triển của lịch sử. Vô lý quá, cùng một con người ấy, ngày hôm qua được vinh danh, được ca ngợi là người cách mạng, mà ngày hôm nay lại bị coi là một tên phản động. Không thể nói sai lầm trong Cải cách ruộng đất là một sự nhầm lẫn, là một sai lầm có tính chất cục bộ, phải đào sâu để hiểu cái sai lầm ấy có nguồn gốc trong tư tưởng, trong triết học”. Đào Duy Anh trả lời Trần Đức Thảo: “Nhận thức của anh thì đúng quá rồi. Đúng vậy, chính tôi cũng nhiều lần tự vấn: tại sao tôi tổ chức ra Đảng Tân Việt mà lại không đi đến tận cùng với nó, rồi sau lại tiếp tục đi với tư tưởng của nó khi Cách mạng tháng Tám thành công dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng đặt vấn đề như anh để nghiên cứu sai lầm của Cải cách ruộng đất, e không thích hợp lúc này. Thôi, anh cứ viết thẳng vào vấn đề: phát huy dân chủ và tự do”. [4] Trần Đức Thảo tâm sự với tôi: “Nghe theo lời khuyên của Đào Duy Anh, tôi đã viết hai bài báo Nỗ lực phát triển tự do dân chủ[5], đăng trên báo Nhân văn, và Nội dung và hình thức của tự do[6], đăng trên tạp chí Giai phẩm Mùa Đông. Tôi không ngờ vì hai bài báo ấy mà tôi bị giam hãm trong cái gọi là kiểm thảo.7] Cuộc đấu tranh với tôi về việc tham gia Nhân văn-Giai phẩm tại trường đại học thực ra không phải là đấu lý, mà là đấu lực, dùng số đông để áp đảo. Trong số những người phê phán tôi, tôi không nhận rõ bộ mặt của họ nữa, hôm qua còn là sinh viên ngoan ngoãn của tôi, hôm qua còn là bạn đồng nghiệp của tôi, thân mật biết mấy, yêu thương biết mấy, mà hôm nay họ bịa ra nhiều chuyện để phê phán tôi. Tôi không giải thích nổi động cơ của họ. Có lẽ nào đó là một sự áp đặt, mà ai áp đặt chứ? Hình như cái tư tưởng mang màu sắc triết học siêu hình đã làm cho mỗi một con người tự đánh mất mình mà không nhận ra bạn bè, đồng chí. Thật tình mà nói, tôi không oán trách ai cả, không đổ lỗi cho ai cả. Tôi chịu trách nhiệm về những gì tôi đã làm, và tôi chỉ còn một cách là giải phóng mình, là tìm một không gian nghỉ ngơi để tư tưởng thật ổn định. Vì thế tôi xin đi tham gia lao động ở Ba Vì. Sau khi ông Phạm Văn Đồng và ông Lê Đức Thọ có ý kiến, anh Hoàng Hữu Kháng, phụ trách bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương đã đưa xe lên nơi tôi lao động, đón tôi về Hà Nội. Sau đó ít lâu, có việc chuyển nhà từ phố Hàng Chuối, nơi tôi và anh Đào Duy Anh đang ở hai phòng, về đến Kim Liên thì chỉ còn một phòng. Biết được tin ấy, ông Phạm Văn Đồng đã chỉ thị ngay phải bố trí lại cho chúng tôi mỗi người hai phòng”.
Trần Đức Thảo tiếp tục tâm sự với tôi: “Ông Phạm Văn Đồng quan tâm đến tôi từ việc nhỏ, như bố trí nhà ở, cho đến việc lớn như khi tôi đang bị phê phán ở trường đại học về vấn đề Nhân văn-Giai phẩm, thì chính ông Phạm Văn Đồng đã gửi cho tôi một tấm danh thiếp ngắn, với dòng chữ: ‘Anh Thảo, mong anh bình tĩnh và suy nghĩ lại’. Tấm danh thiếp ấy đích thân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên [8] mang về cho ông Hà Huy Giáp, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Ông Hà Huy Giáp đã đọc những lời ông Phạm Văn Đồng ghi trên danh thiếp cho cả hội trường nghe. Cuộc đấu tranh cũng đã vãn, được dừng lại. Nhưng dư âm những lời ông Phạm Văn Đồng viết đã có tác dụng rất tốt đối với tôi. Tôi tự hiểu và nhiều anh em cũng hiểu. Sau đó một số học trò và đồng nghiệp của tôi đã đến gặp tôi trong thái độ e dè, có chút rụt rè, nói: ‘Mong thầy thông cảm cho chúng tôi’. Tôi thật sự khâm phục ông Phạm Văn Đồng, bởi lời lẽ của ông trong tấm danh thiếp ấy đơn giản mà sâu sắc, nói rất nhiều với tôi và những người khác trong một câu ngắn gọn: ‘Anh Thảo, mong anh bình tĩnh và suy nghĩ lại’. Tôi nghĩ, sao ông Phạm Văn Đồng không gửi chỉ thị, không gửi thư, mà chỉ gửi một tấm danh thiếp. Sau này anh Phạm Hoàng Gia, học trò của tôi, có nhận xét: ‘Chỉ cần gửi một tấm danh thiếp thôi, thì Thủ tướng đã nói lên với mọi người rằng, quan hệ giữa Thầy và Thủ tướng là rất mật thiết, là tình bằng hữu’.”
Trần Đức Thảo kể tiếp: “Sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, tôi có đến gặp nhà thơ Huy Cận, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ngỏ ý xin về làm việc tại Viện Bảo tàng Lịch sử. Nhà thơ Huy Cận ủng hộ đề nghị đó, nhưng đã báo cáo đề xuất trên với ông Phạm Văn Đồng, ông Phạm Văn Đồng đã bàn với ông Trường Chinh, cả hai đều xin ý kiến Bác Hồ. Bác Hồ đã gợi ý nên đưa tôi về một cơ quan nghiên cứu triết học để có thể phát huy sở trường của tôi, và cũng để có điều kiện cho tôi liên hệ với các nhà triết học trên thế giới, đặc biệt là các nhà triết học trong Đảng Cộng sản Pháp. Tôi rất hiểu sự quan tâm ấy của Bác Hồ. Vì khi Bác Hồ sang Pháp (1946), tôi có xin Bác Hồ cho tôi về nước, nhưng Bác Hồ khuyên tôi nên ở lại, tiếp tục học tập, bảo vệ luận án tiến sĩ, chuyện về nước hãy tính sau. Bác Hồ nói với tôi: ‘Không thiếu gì việc để làm cho nước nhà. Chú hãy giữ chặt liên hệ với các đồng chí trong Đảng Cộng sản Pháp. Cần lắm đó’. Tôi hiểu Bác giao nhiệm vụ”.
Về điều này, nhà thơ Huy Cận đã nói một phần nào trong thư ông gửi cho Trần Đức Thảo ngày 2-4-1959.[9] Bức thư đó chính tôi mang đến cho Trần Đức Thảo. Bức thư ấy có nội dung như sau:
“Kính gửi Anh Trần Đức Thảo,
Theo yêu cầu của Anh, việc Anh đề nghị về làm việc ở Bảo tàng lịch sử, Bộ Văn hóa, tôi đã báo cáo Anh Tô và Anh Thận [10], từ đầu năm nay.
Mới đây, Anh Tô đã cho tôi biết là hai Anh đã in ý kiến Bác. Theo gợi ý của Bác thì Anh nên công tác ở một cơ quan nghiên cứu triết học, như vậy Anh vừa phát huy được sở trường, vừa thuận lợi hơn trong việc liên hệ với các nhà triết học Pháp và các nhà triết học trong Đảng Cộng sản Pháp.
Anh Tô cũng cho tôi biết là hai Anh sẽ bàn kỹ với Tổ chức Trung ương và Anh Nguyễn Văn Huyên lo chu đáo công việc của Anh và Anh Đào Duy Anh.
Vậy xin báo để Anh biết để Anh yên tâm, và tôi đã làm đúng như đã trao đổi với Anh.
Cuối thư, tôi kính chúc Anh và gia quyến mạnh khỏe. Xuân Diệu và Nguyễn Thượng Đạt gửi lời thăm Anh. Chúng tôi sẽ đến thăm Anh một ngày gần đây.
Thân kính,
Cù Huy Cận.
Hà Nội, 2-4-1959”.
Trần Đức Thảo kể tiếp: “Sau này, trong nhiều lần gặp gỡ ông Phạm Văn Đồng, ông luôn luôn nhắc đến lời Bác Hồ dặn tôi. Những lúc trao đổi với ông Phạm Văn Đồng về những vấn đề quan trọng diễn ra trong tư tưởng của phong trào cộng sản quốc tế, trong tư tưởng của các nhà triết học có địa vị trong Đảng Cộng sản Pháp, như Althusser[11], như Sève [12], tôi và ông Phạm Văn Đồng thường nói với nhau bằng tiếng Pháp”.
Có lần, ông Hoàng Quốc Dũng, thư ký của ông Phạm Văn Đồng, nói với tôi: “Chúng tôi không thật hiểu rõ lắm về những cuộc nói chuyện giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng với ông Trần Đức Thảo, vì hai ông nói bằng tiếng Pháp, nói rất nhanh và dùng rất nhiều thuật ngữ triết học, có phần khó hiểu”. Quả thật đây còn là một mảng của cuộc đời Trần Đức Thảo mà mãi mãi chúng ta không thể nào hiểu được. Chỉ có ba người hiểu được mảng đời ấy, là Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Trần Đức Thảo. Nhưng họ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Gần đây, đã có lần tôi nói với anh Trần Việt Phương: “Bây giờ chỉ có anh mới có điều kiện để làm rõ về mối quan hệ giữa Bác Hồ và ông Phạm Văn Đồng với Trần Đức Thảo”. Nhưng anh Việt Phương vỗ về tôi: “Thôi, Chử ạ. Bác Hồ đã qua đời rồi, anh Tô cũng đã qua đời rồi, anh Thảo cũng đã qua đời rồi. Đừng nhắc đến chuyện ấy nữa, mặc dù có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời anh Thảo”.
Trong mối quan hệ giữa ông Phạm Văn Đồng và Trần Đức Thảo, Trần Đức Thảo thường nhắc đến một sự việc rất quan trọng đối với ông, đó là: ông Phạm Văn Đồng đã chủ động gợi ý Trần Đức Thảo nên gửi bài đăng trên tạp chí triết học của nước ngoài, đặc biệt trên tạp chí của Đảng Cộng sản Pháp. Cũng chính ông Phạm Văn Đồng đã nói với Trần Đức Thảo: “Tôi thật sự cảm phục anh, và bài tôi thích nhất trong những bài báo anh đã ông bố ở Việt Nam là bài “Hạt nhân duy lý” trong triết học Hê-ghen. Theo tôi, đó là một bài báo có tầm cỡ thế giới”.
Và ông khuyên Trần Đức Thảo nên dịch ra tiếng Pháp và gửi đăng trên tạp chí của Đảng Cộng sản Pháp. Rồi chính ông là người trực tiếp gửi bài báo ấy của Trần Đức Thảo cho tạp chí La Pensée. Việc làm ấy của ông Phạm Văn Đồng như là một sự bảo hộ chắc chắn đối với Trần Đức Thảo không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Như vậy ông Phạm Văn Đồng rất hiểu ý đồ sáng tạo của triết học của Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo đứng trong hàng ngũ của những nhà Mác-xít, nhưng với thế mạnh của mình, rất am hiểu hiện tượng học tinh thần của Hegel và hiện tượng học của Husserl, vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng của Mác, ông chuyên đi sâu vào việc nghiên cứu tâm lý, ý thức - phẩm chất đặc biệt của con người, sản phẩm tất yếu của biện chứng lịch sự tự nhiên đưa đến lịch sử xã hội-con người. Trần Đức Thảo khẳng định ý thức là sản phẩm của xã hội, mang tính xã hội, bởi ý thức là kết quả của mối liên hệ biện chứng giữa các cá nhân, các cộng đồng với nền sản xuất vật chất xã hội. Nhưng Trần Đức Thảo cũng khẳng định một gốc rễ vật chất khác tạo ra ý thức là bộ óc của con người, trước hết là sản phẩm của tự nhiên và sau đó mới có mối liên hệ biện chứng với lịch sử, với xã hội. Mà bộ óc để tạo ra ý thức thì phải là một bộ óc của con người sống, tức là của từng con người cụ thể, cá thể. Tư tưởng nhân bản của triết học Trần Đức Thảo là ở chỗ đó, nên trong Hồi ký (1989), ông khẳng định triết học của ông là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Ở đây cần nói rõ tính nhân bản trong triết học của Trần Đức Thảo là: nhấn mạnh đến đời sống tinh thần của con người, của các cá nhân-nhân cách cũng như của các cộng đồng.
Có lẽ hơn ai hết, ông Phạm Văn Đồng hết sức hiểu rõ và thông cảm với mục đích sáng tạo của Trần Đức Thảo, cho nên đã khuyên Trần Đức Thảo gửi bài “Hạt nhân duy lý” trong triết học Hê-ghen cho tạp chí La Pensée [13]. Khi bàn với Trần Đức Thảo như thế, ông Phạm Văn Đồng đã nói với Trần Đức Thảo một câu rất sâu sắc: “Kể cũng lạ, có mấy ai quan tâm đến một bông hồng đang rã cánh đâu. Hoa hồng chỉ đẹp trong lòng ta khi nó còn là một bông hoa chớm nở. Ấy vậy mà Bác Hồ lại viết:
Hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng,
Hoa tàn hoa rụng cũng vô tình.
Hương hoa bay thấu vào trong ngục,
Kể với tù nhân nỗi bất bình”.
Ông Phạm Văn Đồng nói tiếp: “Hoa tàn hay lịch sử tàn! Mà trong cái tàn của lịch sử, liệu có phần nào giữ lại cái đẹp của lịch sử? Còn lúc lịch sử đang tiến về phía trước, thì hẳn cũng có những cái lụi tàn nằm ở trong đó. Việc của chúng ta, việc của tôi, của anh, của các nghệ sĩ là phải làm cho cái đẹp nhất thời trở thành vĩnh viễn, phải vĩnh cửu hóa nó, góp phần tạo ra hành trang cho lịch sử, cho cuộc đời”.
Trần Đức Thảo đáp lại: “Khó lắm đấy, thường cái lụi tàn nằm trong lịch sử khi lịch sử đang tiến về phía tương lai, thì chúng lại được những người chiến thắng bảo hộ”.
Ông Phạm Văn Đồng nói với Trần Đức Thảo: “Chính tôi cần anh, nhân dân cần anh là ở chỗ mà anh nói, rằng đó là việc khó. Nhưng khó thì phải vượt lên, lẽ nào dừng lại?”.
Trần Đức Thảo rất cảm ơn ông Phạm Văn Đồng về lời tâm sự ấy.
Trần Đức Thảo nói với tôi và đưa cho tôi xem những ý của ông Phạm Văn Đồng do Trần Việt Phương, thư ký của ông Phạm Văn Đồng, viết lại và đem đến cho Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo trân trọng những dòng chữ ấy và giữ nó rất cẩn thận. Trước lúc đi Pháp, Trần Đức Thảo giao lại cho tôi, và dặn tôi hãy giữ kỹ những dòng ông Trần Việt Phương viết. Ông nói thêm: “Trần Việt Phương đối với tôi cũng là một người bạn”.
Trần Đức Thảo gắn bó với ông Phạm Văn Đồng đến mức những chuyện riêng tư nhất của ông, ông cũng chia sẻ với ông Phạm Văn Đồng. Lúc người vợ của Trần Đức Thảo ngỏ ý muốn ly hôn, ông đã gặp ông Phạm Văn Đồng để tâm sự. Ông nói với Phạm Văn Đồng: “Thực ra, đối với tôi, đây là một sự giày vò, vì tôi không muốn ly hôn. Chị ấy đối với tôi cũng tốt lắm, dễ thương lắm”. Nhưng ông Phạm Văn Đồng nói: “Chuyện hôn nhân là chuyện của cả hai người. Anh cứ nghĩ thật kỹ. Tôi không dám có ý kiến về việc này”. Nhưng cuối cùng thì Trần Đức Thảo cũng đã ký vào biên bản thỏa thuận ly hôn. Sau khi Trần Đức Thảo ly hôn, ông Phạm Văn Đồng bố trí thời gian để gặp gỡ Trần Đức Thảo nhiều hơn. Có lẽ…
Từ sau năm 1965, như chúng ta biết, Trần Đức Thảo liên tục công bố những sáng tạo của ông trên các tạp chí của nước ngoài, đặc biệt là của Pháp, và trên Tạp chí Cộng sản của Việt Nam. Ông Phạm Văn Đồng quan tâm, theo dõi hoạt động sáng tạo của Trần Đức Thảo. Ông thường nói với Trần Đức Thảo: “Tôi đề nghị anh liên hệ những sáng tạo của anh với thực tiễn của phong trào cộng sản quốc tế và của Việt Nam”. Ông Phạm Văn Đồng cũng nói: “Tốt nhất nên đi từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, như vậy thuận lợi hơn cho chúng ta”. Trần Đức Thảo có hỏi ông Phạm Văn Đồng: “Thế tư tưởng duy tâm của Mao Trạch Đông thì sao?”. Ông Phạm Văn Đồng trả lời: “Cũng có lúc phải bàn đến”. Những năm cuối của thập kỷ 1960 trở về sau, Trần Đức Thảo cho biết, thường ông và ông Phạm Văn Đồng tủm tỉm cười khi trao đổi với nhau, rằng không thể hiểu được: chỉ cần cầm trên tay một cuốn Sách Đỏ [14], lẽ nào lại làm ra tất cả.
Trần Đức Thảo cho biết, ông Phạm Văn Đồng rất chú ý các bài viết của ông góp ý về những sai lầm trong sách giáo khoa triết học của ta, như các bài viết về thực tiễn[15], về con người[16], về lịch sử dân tộc[17], ông Phạm Văn Đồng hoan nghênh Trần Đức Thảo viết bốn bài về Mao Trạch Đông18]. Ông Phạm Văn Đồng nói với Trần Đức Thảo: “Có lẽ ngoài anh, không ai viết được sâu sắc như thế”. Sau một loạt bài viết của Trần Đức Thảo về việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin để xây dựng tâm lý học Mác-Lênin, để đổi mới tư duy triết học, ông Phạm Văn Đồng có góp ý với Trần Đức Thảo nên viết dễ hiểu hơn một chút. Ông Phạm Văn Đồng cho biết, ông và ông Trường Chinh có gợi ý, nhắc nhở ông Hà Xuân Trường, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cần phát huy những sáng tạo của Trần Đức Thảo, đưa chúng lên tạp chí của ta.
Về mối liên hệ giữa Hà Xuân Trường với Trần Đức Thảo vốn có từ trước, bởi Hà Xuân Trường và ông cùng có thời kỳ làm việc trong Văn phòng của ông Trường Chinh, sau khi có sự nhắc nhở của ông Phạm Văn Đồng và ông Trường Chinh thì mối liên hệ ấy có điều kiện để phát triển tốt hơn. Trong hàng loạt thư từ Hà Xuân Trường gửi cho Trần Đức Thảo, hiện còn được tôi lưu giữ, nói lên điều ấy. Thường thì những thư từ Trần Đức Thảo gửi cho ông Hà Xuân Trường và một số đồng chí khác, được viết sau khi ông đã gửi cho ông Phạm Văn Đồng.
Hầu như tất cả các tác phẩm Trần Đức Thảo viết từ sau năm 1965 đều được ông gửi đến ông Phạm Văn Đồng. Trên các bài gửi ấy thường có lời đề tặng ngắn, cũng gần như tâm sự. Tôi nói điều ấy bởi vì những lời đề tặng ấy không có mấy chữ mà ta gặp thường tình: “xin anh góp ý”, “xin anh cho ý kiến”. Như trên tôi đã nói, mối quan hệ giữa ông Phạm Văn Đồng và Trần Đức Thảo là mối quan hệ bằng hữu. Chỉ có điều đó là mối quan hệ bằng hữu của hai nhà trí thức lớn.
Cuối cùng, một khía cạnh cần nói là những vấn đề mà Trần Đức Thảo quan tâm như chống tư duy siêu hình và ảnh hưởng của nó trong đời sống tư tưởng, trong hoạt động sáng tạo khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có chính sự hoạt động sáng tạo của Trần Đức Thảo, ông thường báo cáo với ông Phạm Văn Đồng rất tỉ mỉ. Rõ rệt nhất là trong Báo cáo về những thành tựu và những sai lầm của Trần Đức Thảo khi viết tác phẩm Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức[19]. Ngoài ra Trần Đức Thảo còn gửi những báo cáo khác, như báo cáo trong quá trình ông viết cuốn sách Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”[20], báo cáo về luận phân tâm của Freud [21]. Những báo cáo ấy tương đương với một cuốn sách mỏng. Tôi có hỏi Trần Đức Thảo: “Tại sao những báo cáo ấy anh viết dài đến thế?”. Trần Đức Thảo trả lời: “Anh Tô trăm công ngàn việc, viết như vậy để đỡ mất thì giờ cho anh ấy”. Tôi lại hỏi: “Thế sau khi nhận những báo cáo như vậy, cũng như nhận các thư từ anh gửi, anh Tô có trả lời anh không?”. Trần Đức Thảo cho biết: “Thường thì để trả lời, anh Tô mời tôi đến làm việc với anh ấy tại Phủ Thủ tướng, hoặc qua sự truyền đạt của anh Trần Việt Phương”.
Các tác phẩm ở dạng bản thảo của Trần Đức Thảo gửi cho ông Phạm Văn Đồng, khi ông qua đời, ông Trần Việt Phương đã trao lại cho Thư viện Quốc gia Việt Nam vào ngày 31-5-2006. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến buổi làm việc giữa tôi với anh Trần Việt Phương, diễn ra vào ngày 30-7-2006, tại Văn phòng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội. Khi ông Trần Việt Phương trao lại cho tôi bản photo các tác phẩm của Trần Đức Thảo gửi ông Phạm Văn Đồng, tôi có hỏi ông Trần Việt Phương, ông Phạm Văn Đồng có cương vị và uy tín lớn như vậy, sao không có biện pháp để can thiệp, bảo vệ Trần Đức Thảo trong những lúc khó khăn. Trần Việt Phương trả lời tôi như sau: “Thực ra cũng không cần thiết đặt vấn đề như vậy, anh Trần Đức Thảo với bộ óc siêu việt của anh ấy thì cũng đã có khả năng tự bảo vệ mình. Sự thật cuộc đời anh Thảo đã nói lên điều ấy, những thành tựu nghiên cứu khoa học của anh ấy rõ ràng mang tầm thời đại, được cả thế giới công nhận. Hơn nữa, chẳng phải anh Tô, mà cả anh Năm[22] cũng khó lòng mà vượt qua được giới hạn của lịch sử chúng ta đang sống. Nếu dùng một hình ảnh để nói rõ vấn đề này, thì lối tư duy siêu hình mà Trần Đức Thảo phê phán và chống lại, nó [23] đã kêu gọi và thức dậy những sai lầm về nhận thức của chúng ta đối với lịch sử, quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa, đối với con người, như kêu gọi âm binh, khi đã như thế thì khó lòng diệt nổi để vượt qua. Như khi Cải cách ruộng đất, người nông dân có hai mặt, mặt tích cực của họ là chủ yếu, nhưng cũng có mặt tiêu cực, trong thực tế chúng ta kêu gọi, kích động mặt tiêu cực nhiều hơn. Đến lúc sự việc diễn ra thì không ai dẹp nổi mặt tiêu cực ấy”.
Khi tôi hỏi Trần Đức Thảo, tại sao ta sửa sai Cải cách ruộng đất thành công, Trần Đức Thảo trả lời: “Đó chính là tư tưởng nhân văn của Bác Hồ, của Phạm Văn Đồng, của Trường Chinh đã khơi dậy những giá trị của con người được lắng đọng trong người nông dân, trong các cán bộ và Đảng viên của Đảng, khi các vị ấy đã nhận ra sai lầm một cách chân thực. Nếu đi theo hướng đó thì những sai lầm hiện nay cũng có thể khắc phục được. Tôi nhớ lời ông Phạm Văn Đồng nói với tôi, một trong những yếu tố để thành công trong xây dựng văn hóa và tư tưởng là hãy tin yêu con người”.
Một kỷ niệm của quan hệ giữa ông Phạm Văn Đồng và Trần Đức Thảo, mà Trần Đức Thảo thường nhắc lại với tôi: “Lạ thật, lắm khi phải đi vòng quanh, nhưng cuối cùng cũng đến nơi. Chính những tác phẩm của tôi nhờ anh [24] đánh máy, anh đã đem đến Văn phòng Phủ Thủ tướng, Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng để đánh máy, rồi cũng chính anh gửi đến cho anh Tô. Sau khi anh Tô nhận được, lại cho anh Trần Việt Phương đến gặp tôi để cho biết những nhận xét của anh Tô về các tác phẩm của tôi”.
Bởi vậy cứ mỗi lần tôi đi làm việc từ Phủ Thủ tướng về, nếu có qua nhà Trần Đức Thảo ở Khu tập thể Kim Liên, thì ông thường hỏi tôi: “Anh vừa ở Phủ Thủ tướng về à? Thế nào, mấy bài viết của tôi về Từ dấu hiệu của khách thể đến sự hình thành hình ảnh điển hình[25], Từ động tác định hướng đến hình ảnh điển hình [26]…, anh đã cho đánh máy xong chưa? Đó là những vấn đề mà anh Tô rất quan tâm. Anh Tô chia sẻ với tôi một cách sâu sắc việc tôi tập trung nghiên cứu tâm lý, ý thức, đời sống tinh thần của con người. Anh Tô nói: ‘Đời sống vật chất là rất cần thiết, cần thiết lắm. Nhưng khi đã thỏa mãn đời sống vật chất rồi thì nó để lại cái gì! Còn đời sống tinh thần thì không bao giờ có thể thỏa mãn. Truyện Kiều cũng như các tác phẩm văn học lớn, đọc mãi, đọc mãi mà không chán bao giờ. Chúng theo con người từng lứa tuổi, từng thế hệ để bồi đắp giá trị cho ta mãi mãi’. Anh Tô còn nói: ‘Cái giá trị của đời sống tinh thần cao nhất, ấy là sự sống. Có thể sự sống ấy có chút nhược điểm, có chút gập gềnh, nhưng vẫn là sự sống. Tôi cứ nhớ mãi một câu của Gorky: ‘Tôi thà là một bông hoa dại bên đường còn hơn làm một bông hoa hồng thật đẹp nhưng làm bằng giấy, bằng nhung lụa’. Anh Thảo, đời chúng ta có chút gập gềnh đấy, nhưng là đời thật, anh Thảo ạ. Riêng anh, thì cái thật ấy mới đáng quý biết bao, đó là cái thật của khoa học, của một nhà sáng tạo khoa học’.”
♦
Về mối quan hệ giữa Trần Đức Thảo và ông Phạm Văn Đồng, ông Hoàng Quốc Dũng, thư ký của ông Phạm Văn Đồng, tường thuật như sau: “Đối với anh Tô, nhà triết học tài hoa nhưng lận đận Trần Đức Thảo vừa là người bạn tâm giao, vừa là nhà tư tưởng lớn. Mỗi lần họ gặp nhau là một ‘bữa tiệc tranh luận’. Những năm tháng ấy, đời sống của chúng ta còn vô cùng khó khăn. Một lần anh Tô bảo với mấy anh em giúp việc chúng tôi: ‘Trong cuộc gặp vừa rồi, tôi thấy anh Thảo hốc hác và mệt mỏi quá. Nên kín đáo tìm hiểu xem cuộc sống của anh như thế nào, ta có thể giúp đỡ gì’. Anh thường bảo chúng tôi đưa xe tới nhà mời anh Thảo đến chơi. Có lúc anh Thảo nhận lời nhưng không bao giờ anh đi xe hơi cùng chúng tôi mà chỉ đạp chiếc xe cà tàng. Tới Phủ Thủ tướng, anh Thảo thường quẳng chiếc xe vào một góc nào đó. Anh Tô chạy ra đón. Họ ôm chầm lấy nhau, dắt tay nhau vừa đi vừa trò chuyện, lúc bằng tiếng Việt, lúc bằng tiếng Pháp. Anh Thảo khái tính lắm. Không phải bao giờ được mời anh cũng nhận lời. Nhưng mỗi lần từ chối như vậy, anh đều viết thư cảm ơn anh Tô rất ý nhị. Trong những người tri âm của thứ triết học ‘thượng hạng’ của anh Thảo, có thể nói anh Tô là người được anh Thảo sùng kính nhất. Chỉ với anh Tô, anh Thảo mới bộc lộ hết được lòng mình. Có bận tôi thấy anh Thảo buồn rầu buột miệng: ‘Anh (chỉ anh Tô) thì hiểu được lòng tôi, chứ những người khác, người ta không hiểu được đâu’. Ngày Trần Đức Thảo qua đời, anh Tô khóc rất nhiều. Nhiều tháng sau đó, anh vẫn rất buồn và hay thở dài mỗi khi nhắc tới Trần Đức Thảo. Hình như anh vẫn day dứt một điều gì đó chưa làm được thật trọn vẹn cho Trần Đức Thảo, mặc dù ai cũng hiểu anh đã làm tất cả những gì có thể”. [27]
♦
Hôm ấy, mùa Xuân, trời đã trở về chiều, nên hơi lạnh. Nhưng có lẽ cuộc tâm sự với tôi đã làm ấm lòng Trần Đức Thảo. Trước lúc chia tay, Giáo sư nói với tôi: “Về mối quan hệ giữa tôi với anh Tô, quả thật là sâu sắc, đặc biệt, đằm thắm tình người, được soi sáng bởi đời sống của những người trí thức, như anh Tô vẫn thường nói với tôi: cùng một hiện tượng, cùng một sự vật, nhưng mỗi một người có tâm lý riêng, ý thức riêng, tinh thần riêng thì những hiện tượng và sự vật ấy trở nên phong phú, đa dạng trong cuộc sống con người. Ôi! Cái biện chứng tinh thần đáng quý biết bao”.
TP. Hồ Chí Minh, 24/04/2011
(Tưởng niệm 18 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo)
[1] Bài viết này tôi gửi tặng Tạp chí Văn hóa Nghệ An.
[2] Tức ông Phạm Văn Đồng.
[3] Xem: Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000, tr. 387.
[4] Trần Đức Thảo (1989). Báo cáo về vấn đề Nhân văn. Văn bản viết tay gửi ông Phạm Văn Đồng và Trung ương. Di sản được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[5] Báo Nhân văn, số 3, ra ngày 15-10-1956, tr. 1 và tr. 5.
[6] Tạp chí Giai phẩm Mùa Đông, tháng 12-1956, tập 1, tr. 15-21.
[7] Xem: “Ông Trần Đức Thảo tự kiểm thảo”. Báo Nhân dân, năm thứ 8 (1958), số 1531-1533.
[8] Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
[9] Xem: Thư của ông Cù Huy Cận gửi Giáo sư Trần Đức Thảo. Di sản được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[10] Tức ông Trường Chinh.
[11] Louis Althusser (1918-1990), phụ trách Ban Tuyên huấn của Đảng Cộng sản Pháp.
[12] Lucien Sève (1926), phụ trách Nhà xuất bản Xã hội của Đảng Cộng sản Pháp.
[13] Trân Duc Thao. Le “noyau rationale” dans la dialectique hégélienne. La Pensée, No 119, Janvier-Février, 1965, p. 3-23.
[14] Tức quyển Mao Trạch Đông ngữ lục.
[15] Trần Đức Thảo (1964). Góp thêm ý kiến về vấn đề “Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý” và vấn đề “Bản chất của thế giới”. Văn bản đánh máy, đề tặng Phạm Văn Đồng. Di sản được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
16] Trần Đức Thảo (1989). Về nguồn gốc con người; và: Trần Đức Thảo (1991). Lại bàn về bản chất con người.Văn bản đánh máy, đề tặng Phạm Văn Đồng. Di sản được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
17] Trần Đức Thảo (1977). Về cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc. Văn bản đánh máy, đề tặng Phạm Văn Đồng. Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[18] Gồm các bài: Hệ thống tư tưởng duy tâm siêu hình của Mao Trạch Đông; Về quyển “Mâu thuẫn luận” của Mao Trạch Đông (1978); Lập trường tư tưởng duy tâm của Mao Trạch Đông trong quyển “Thực tiễn luận” (1978); Về vũ trụ quan của Mao Trạch Đông (1979). Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[19] Trần Đức Thảo (1975). Báo cáo (I, II) về cuốn: “Recherches sur l’origine du langage et de la conscience”. Văn bản đánh máy. Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[20] Trần Đức Thảo (1987). Báo cáo về “Chủ nghĩa lý luận không có con người” (theo nghĩa loài người) - (Antihumanisme théoretique). Văn bản đánh máy. Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[21] Trần Đức Thảo. Về luận phân tâm. Văn bản đánh máy, đề tặng Phạm Văn Đồng. Di cảo được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[23] Tức tư duy siêu hình.
[25] Trân Duc Thao, De l’indication de l’object à la formation de l’image typique. Văn bản đánh máy. Di sản được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[26] Trân Duc Thao. Du geste l’index à l’image typique. Công trình này đã được công bố trên Tạp chí La Pensée, No. 147-148 (1969) và No. 149 (1970).
[27] Hoàng Quốc Dũng. Đồng chí Phạm Văn Đồng - người bạn lớn của giới trí thức. Lê Thọ Bình ghi. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, ngày 9/5/2000, tr. 3.