Thực tiễn đã chứng minh những đóng góp to lớn của Logic học trong việc trang bị cho con người các công cụ nhận thức để phát triển năng lực tư duy khoa học và sự phát triển của khoa học - công nghệ hiện đại. Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ của Đảng và Nhà nước ta hiện nay đòi hỏi cần thiết phải phát triển năng lực tư duy lý luận. Bởi như Ăngghen đã từng nói: “Không có tư duy triết học thì các nhà khoa học không thể tiến lên một bước nào và muốn tư duy thì họ cần có những phạm trù logic...”.
Trong Hội thảo này, các nhà khoa học không chỉ bàn về tình hình nghiên cứu và giảng dạy môn Logic học ở Việt Nam mà còn khẳng định và làm rõ thêm vai trò của khoa học logic với tư cách là môn khoa học công cụ cho sự phát triển của bất kỳ ngành khoa học nào, kể cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục. Với kết quả của Hội thảo, các nhà khoa học mong muốn có những thay đổi trong nhận thức và thực tiễn đổi mới chương trình đào tạo đại học và sau đại học để môn Logic học có một vị thế xứng đáng góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ các nhà khoa học trẻ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học - công nghệ.
Việc tổ chức Hội thảo lần này không chỉ thể hiện năng lực tự thân của Khoa Triết học mà còn góp phần giúp cho Trường ĐHSP Hà Nội khẳng định được vị thế của một trường đại học trọng điểm, phát triển thành trường đại học nghiên cứu có uy tín trong khu vực và thế giới.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Nhà trường đã biểu dương toàn thể cán bộ, học viên, sinh viên Khoa Triết học đã nhanh chóng hội nhập vào sự phát triển chung của Nhà trường trong điều kiện Khoa mới được thành lập hơn một năm nay. Đồng thời mong muốn Khoa Triết học tiếp tục có nhiều hoạt động nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường giao lưu hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với các cơ quan trong và ngoài nước để dần dần khẳng định vai trò và vị thế của chuyên ngành có tầm quan trọng đặc biệt thúc đẩy sự phát triển Trường ĐHSP Hà Nội hơn 60 năm qua với những nhà khoa học làm rạng danh nền triết học Việt Nam hiện đại như Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu,...
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn – nguyên Viện trưởng Viện Triết học – Viện Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang và PGS.TS Trần Đăng Sinh – Trưởng Khoa Triết học, Trường ĐHSP Hà Nội. PGS.TS Lê Văn Đoán – Phó Trưởng khoa Triết học, Trưởng ban tổ chức Hội thảo đã có bài phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Sau đó, các báo cáo viên lần lượt trình bày và trả lời các câu hỏi của cử tọa:
1. Khung mẫu học (Paradigmatology) - Từ lý thuyết đến vận dụng (GS.TS Tô Duy Hợp - Viện Xã hội học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam);
2. Một số vấn đề về giáo trình Logic học hiện nay (TS. Phạm Quỳnh - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam);
3. Logic hình thức và triết học (PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn -Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội);
4. Một số vấn đề về kiến thức trong giảng dạy Logic hình thức (TS. Vương Tất Đạt - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội);
5. Sự phát triển của Logic học ở phương Đông thời kỳ cổ - trung đại (PGS. TS Võ Văn Thắng - Trường Đại học An Giang)
6. Về quan hệ của các phán đoán tình thái (PGS.TS Nguyễn Gia Thơ - Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).
Còn nhiều báo cáo được chuẩn bị công phu nhưng do thời gian không còn nên các báo viên và cử tọa đều cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, Kỷ yếu Hội thảo đã đăng toàn văn 28 báo cáo do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm tạo điều kiện xuất bản kịp đến tay bạn đọc trong Hội thảo lần này.
Không khí hội thảo nhiều khi nóng lên vì các ý kiến tranh luận giữa các học giả và cử tọa. Hội thảo đã thực sự tạo ra bước phát triển mới của Khoa Triết học, đáp ứng từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn và mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Nguyễn Anh
Tin từ Báo Giáo dục và Thời đại:
Nghiên cứu và giảng dạy logic học ở Việt Nam hiện nay
(GD&TĐ)-Đó là chủ đề hội thảo khoa học do khoa Triết Trường ĐHSP chủ trì tổ chức sáng nay (8/11) với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ một số trường ĐH, Viện nghiên cứu trên cả nước.
|
Hội thảo khoa học Nghiên cứu và giảng dạy logic học ở VN hiện nay. Ảnh: gdtd.vn |
Nhiều vấn đề xung quanh môn Logic học đã được bàn thảo. Trong đó có thể kể đến một số nội dung chính như thực trạng giảng dạy môn Logic học tại các trường ĐH Việt Nam hiện nay; vấn đề đổi mới công tác nghiên cứu và giảng dạy môn học này trong bối cảnh toàn cầu hóa; nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng logic học...
Khẳng định vai trò quan trọng đặc biệt của môn Logic học đối với việc rèn luyện và phát triển tư duy logic, giúp con người nhận thức đúng đắn thế giới khách quan, tìm ra con đường ngắn nhất để nhanh chóng đạt tới chân lý, các đại biểu tại hội thảo đồng thời chỉ ra những khó khăn, bất cập trong dạy và học logic học hiện nay; từ đó nhận định công tác nghiên cứu và giảng dạy môn Logic học cần phải có những đổi mới căn bản. Nhiều góp ý xác đáng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy nghiên cứu môn Logic học cũng được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.
Hiếu Nguyễn