Trong 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2012, tại Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt - Xô, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017 đã diễn ra. Tham dự Đại hội có 450 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 2,4 triệu đoàn viên thanh thiếu niên của Thủ đô.
|
Ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trao Huân chương độc lập Hạng nhất lần thứ 2 cho tuổi trẻ Thủ đô. |
|
Đ/c Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu chỉ đạo Đại Hội |
Đoàn đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐHSP Hà Nội có 5 đại biểu (đồng chí Nguyễn Bá Cường, Đảng ủy viên phụ trách công tác thanh niên, nguyên Bí thư Đoàn Trường; đồng chí Lê Xuân Quang, Bí thư Đoàn Trường (Trưởng đoàn), đồng chí Trần Mạnh Cường, Phó Bí thư Đoàn Trường, đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Phó Bí thư Đoàn Trường, Chủ tịch Hội sinh viên Trường và đồng chí Vũ Thị Thùy Dung, sinh viên tiêu biểu khoa Hóa học, Ủy viên BCH Đoàn Trường).
Đoàn Đại biểu của Trường ĐHSP Hà Nội đã tích cực tham gia đóng góp hiệu quả cho các chương trình, hoạt động của Đại hội, đặc biệt có bài tham luận về công tác giáo dục của Đoàn trong khối các trường học. Bài tham luận được Đại hội đánh giá cao về kinh nghiệm cũng như những đề xuất, kiến nghị về chủ trương và các giải pháp thực hiện nhằm thúc đẩy hiệu quả của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.
Đoàn đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐHSP Hà Nội dự Đại hội.
Đ/c Ngọ Duy Hiểu - nguyên Bí thư Thành Đoàn, Đ/c Trần Anh Tuấn - Phó Bí thư Thành Đoàn chụp ảnh lưu niệm với Bí thư Đoàn Trường và Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐHSPHN tại Đại hội
Trong phiên làm việc buổi chiều, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Thành Đoàn khóa XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017, gồm 61 Ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thị Ngà được bầu làm Bí thư Thành Đoàn Hà Nội.
Lễ ra mắt BCH Thành đoàn Hà Nội khóa XIV.
Đ/c Lê Xuân Quang, Ủy viên BCH Thành đoàn (thứ 7 từ phải qua trái).
Đồng chí Lê Xuân Quang, Bí thư Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội được bầu vào Ban Chấp hành Thành Đoàn khóa XIV. Đây là niềm vui lớn của tuổi trẻ Trường ĐHSP Hà Nội bởi có đại diện của Đoàn Trường trong cơ quan lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Thành phố.
|
Đại hội Đoàn TNCS thành phố Hà Nội lần thứ XIV. |
Dưới đây chúng tôi trích đăng bài tham luận của Đoàn đại biểu Trường ĐHSP Hà Nội tại Đại hội Đoàn Thành phố lần thứ XIV.
CÔNG TÁC GIÁO DỤC CỦA ĐOÀN TRONG TRƯỜNG HỌC
Đoàn viên sinh viên các trường học sẽ là lực lượng cán bộ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, là chủ nhân của quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô và cả nước trong hiện tại và tương lai. Tổ chức Đoàn Thanh niên trong các trường học có vai trò tập hợp, giáo dục, hỗ trợ, đồng hành với họ để thực hiện tốt sứ mệnh mà tương lai dân tộc giao phó.
Trong tình hình hiện nay, tổ chức Đoàn chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn rất lớn trong công tác giáo dục đoàn viên sinh viên mà trong báo cáo chính trị đã chỉ ra một cách cơ bản. Nếu chúng ta nhận thức không đúng tầm quan trọng, thực chất của công tác giáo dục thì dù có nhiều hoạt động bề nổi, quy mô hoành tráng,... cũng sẽ không đáp ứng được đầy đủ nhu cầu chính đáng của đoàn viên sinh viên và hiệu quả xã hội không được cao. Đoàn Thanh niên Thành phố nên thực sự coi công tác giáo dục là then chốt và trọng tâm của mọi hoạt động Đoàn.
Đối với sinh viên khối trường học, tổ chức Đoàn chúng ta tập trung vào mục tiêu giáo dục đoàn viên: vững vàng về chính trị - tư tưởng, gương mẫu về đạo đức - tác phong, tiên tiến về chuyên môn - nghiệp vụ.
I. Kinh nghiệm công tác giáo dục của Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội
Trong khuôn khổ diễn đàn thảo luận tại Đại hội, chúng tôi xin phép được chia sẻ những hoạt động thực tiễn công tác giáo dục toàn diện của Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội. Chúng tôi tin chắc rằng các đồng chí sẽ cảm nhận được những hoạt động của Đoàn Trường mình cũng như thế, hoặc nếu hoạt động nào của ĐHSPHN mà các đồng chí thấy hứng thú thì chúng tôi sẽ rất lấy làm vui mừng.
1. Giáo dục chính trị - tư tưởng
- Giáo dục chủ trương mới nhất của Đảng, của Đoàn thông qua việc tổ chức hội nghị cán bộ Đoàn chủ chốt toàn Trường. Báo cáo viên nên là Bí thư Đoàn Trường hoặc mời các chuyên gia uy tín của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Trung ương Đoàn.
- Thành lập Đội thăm dò dư luận để kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của sinh viên để triển khai các hoạt động cần thiết. Đồng thời tổ chức giao ban Bí thư Lớp trưởng toàn Trường theo định kỳ để lãnh đạo Nhà trường kịp thời giải quyết các vấn đề đáp ứng yêu cầu chính đáng của sinh viên.
- Giáo dục phổ biến pháp luật thông qua việc tổ chức các hội thi tuyên truyền, đặc biệt là Luật giao thông và văn hóa giao thông dưới hình thức sân khấu hóa.
- Giáo dục ý thức chủ quyền quốc gia thông qua các việc thông tin kịp thời và tổ chức các hội nghị tập huấn, nghe báo cáo các chuyên đề về tình hình biển đảo, quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước liên quan; về quyền, nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc và phổ biến các quy định tham gia các hoạt động ngoài trường; thành lập “Quỹ vì biển đảo biên cương” để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của các địa phương miền biển và biên giới.
- Giáo dục truyền thống cách mạng và văn hóa biết ơn thông qua các hoạt động: tổ chức đưa sinh viên viếng lăng Bác, thăm bảo tàng Hồ Chí Minh, các bảo tàng lịch sử, cách mạng, quân sự; Giáo dục ý thức tôn trọng và bảo vệ các di tích lịch sử; thành lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, thăm và tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng, các thầy cô giáo là thương bệnh binh và là thân nhân gia đình liệt sĩ,...; Tổ chức Lễ mittinh kỷ niệm ngày truyền thống của Đoàn, trao Giải thưởng 26/3 tôn vinh cán bộ Đoàn - Hội, gặp mặt truyền thống các thế hệ cán bộ Đoàn Trường, thăm chúc Tết các đồng chí Nguyên Bí thư Đoàn trường,... Tổ chức các hoạt động tri ân các thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam;
- Thành lập Câu lạc bộ Bí thư Đoàn Trường, nay đổi là CLB Cán bộ Đoàn Trường và thành lập CLB cựu sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội để hỗ trợ cho các hoạt động của Đoàn Trường,...
- Giáo dục ý thức văn hóa - thẩm mỹ thông qua việc tổ chức các hội diễn, hội thi, các hoạt động văn nghệ, nữ công và tôn vinh sắc đẹp nữ sinh;
- Giáo dục ý thức phấn đấu thông qua việc đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên: Ban hành các tiêu chuẩn cụ thể, công khai các quy trình thủ tục kết nạp Đảng; nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn bằng việc tổ chức các lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ Đoàn viên ưu tú - tạo nguồn cho Đảng bồi dưỡng kết nạp; Đoàn trường chủ động gửi công văn giới thiệu Đoàn viên ưu tú đủ tiêu chuẩn đề nghị cấp ủy các khoa xem xét kết nạp Đảng.
2. Giáo dục đạo đức - tác phong
- Phổ biến trong sinh viên những quy định về đạo đức Nhà giáo và tuyên dương các cán bộ, giảng viên tiêu biểu. Ban hành tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại đoàn viên và cơ sở Đoàn trực thuộc; tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu Đoàn viên, tuyên dương Đoàn viên xuất sắc; Ban hành tiêu chuẩn cán bộ Đoàn trường theo từng chức danh cụ thể;... Đây chính là cơ sở phấn đấu của đoàn viên sinh viên.
- Giáo dục tác phong thông qua việc thực hiện làm việc đúng giờ, tôn trọng lịch trình đề ra và ý thức tham gia đầy đủ, trọn vẹn các chương trình, hoạt động;
- Giáo dục nếp sống: tập huấn nền nếp sinh hoạt nội trú theo tác phong quân đội và xây dựng phòng ở nội trú kiểu mẫu;
- Giáo dục tác phong lịch sự: ban hành quy định về trang phục học đường, đeo thẻ sinh viên trong thời gian hoạt động tại Trường; thực hiện chương trình Ngày thứ Hai thanh lịch (Nữ mặc áo dài truyền thống, Nam quần sẫm, áo trắng); các khoa tổ chức may đồng phục theo lớp,...
- Giáo dục ý thức cộng đồng: thông qua hoạt động Thanh niên tình nguyện, chăm sóc trẻ khuyết tật và gia đình chính sách, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các làng trẻ, khu dân cư; đặt điểm cố định vận động hiến máu nhân đạo hàng tuần, trao học bổng “Quỹ vòng tay thân ái” cho sinh viên khuyết tật và sinh viên vượt khó.
- Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường: các liên chi đoàn đảm nhận định kỳ làm vệ sinh giảng đường, khu hành chính của các khoa; tham gia xây dựng công trình công viên xanh trong Trường,...
3. Giáo dục chuyên môn - nghiệp vụ
- Đoàn Trường và Liên chi đoàn các khoa đóng vai trò tổ chức hoạt động NCKH của sinh viên: tổ chức Hội nghị, biên tập Kỷ yếu để Phòng Khoa học, Nhà xuất bản thẩm định và phát hành; hướng dẫn sinh viên hoàn thiện công trình dự thi cấp Bộ;
- Chủ trì tổ chức thường niên Hội thảo khoa học của cán bộ trẻ, xuất bản Kỷ yếu và Tạp chí khoa học dành cho cán bộ trẻ;
- Đoàn Trường và Liên chi đoàn các khoa đóng vai trò tổ chức Hội thi Nghiệp vụ sư phạm thường niên,...
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác đoàn và hoạt động tập thể,...
II. Đề xuất - kiến nghị và giải pháp
Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn, tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị cơ bản:
1. Đề nghị Đảng, Nhà nước và Thành phố:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền kịp thời các đường lối chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về các vấn đề kinh tế - xã hội, đặc biệt đẩy mạnh công tác giáo dục tình yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc.
- Có những định hướng trúng, đúng về công tác thông tin, các kênh thông tin đại chúng, nhất là các trang web, báo chí của tổ chức Đoàn, Hội từ cấp trung ương đến địa phương cần thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, đặc biệt hướng vào thông tin giáo dục lý tưởng sống, ý thức thẩm mỹ, bảo vệ văn hóa dân tộc,...
- Có chính sách cụ thể, kịp thời ưu tiên đặc biệt đối với sinh viên các ngành sư phạm và khoa học xã hội - nhân văn; tạo cơ chế việc làm cho sinh viên các ngành này. Đồng thời kiên quyết chống tham nhũng để làm trong sạch môi trường làm việc, tạo nên các thế hệ cán bộ tiếp theo thực sự tận tâm tận hiến vì cộng đồng, vì sự phát triển xã hội;
- Có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp với cán bộ Đoàn trường học và các chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ khoa học trẻ như xây nhà công vụ và cho vay tiền ưu đãi,...
2. Các giải pháp về phía tổ chức Đoàn các cấp và về phía cán bộ Đoàn
- Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng viên, đặc biệt phát triển đội ngũ tinh hoa trong học sinh, sinh viên (những sinh viên thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi, học sinh tài năng, đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế,...).
- Đề nghị Trung ương Đoàn và Thành Đoàn hình thành đội ngũ báo cáo viên chuyên nghiệp, thực sự thấu hiểu hoạt động đoàn cơ sở và nhu cầu của đoàn viên sinh viên để kịp thời thông tin, bồi dưỡng về chính trị - tư tưởng,...
- Đề nghị Trung ương Đoàn và Thành Đoàn có quy định và hướng dẫn cụ thể về hoạt động Đoàn trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ để các Đoàn trường căn cứ thực hiện theo đặc thù riêng;
- Triển khai tích cực và sáng tạo các chủ trương, kế hoạch, phong trào do Đoàn cấp trên phát động theo đặc thù của mỗi trường; chú trọng Giáo dục, hỗ trợ đoàn viên sinh viên nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm xã hội, trình độ văn hóa, ứng xử, chuyên môn - nghiệp vụ và năng lực hoạt động xã hội;
- Nêu cao trách nhiệm của Bí thư Đoàn Trường; Cán bộ Đoàn phải thực sự là tấm gương có tác giáo dục tốt nhất thông qua hoạt động thực tiễn phong trào, phấn đấu là thần tượng của thế hệ trẻ về cả chuyên môn và năng lực công tác Đoàn;
Từ kinh nghiệm công tác giáo dục toàn diện của Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội, chúng tôi mong muốn Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2012 - 2017 đề ra những chương trình hành động thiết thực để thúc đẩy công tác giáo dục đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên đóng góp sức mình vào sự phát triển hiện đại, văn minh, giàu đẹp của Thủ đô và đất nước.