BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: 553/TB-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2016
|
THÔNG BÁO
Kết luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc
với Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm
Ngày 16/7/2016, tại trụ sở cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm. Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Quản lý giáo dục, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Giám đốc Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (viết tắt là Chương trình ETEP), Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Trưởng bộ phận đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (viết tắt là Dự án RGEP); về phía Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm có Hiệu trưởng các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Đồng Tháp, Đại học Quy Nhơn, Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của hiệu trưởng các trường và các đại biểu tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận:
Các trường đại học sư phạm có vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thời gian qua, các trường về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo của đất nước. Tuy nhiên, số lượng giáo viên được đào tạo trong những năm qua mất cân đối cả về số lượng và cơ cấu các ngành học, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu, làm gia tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Nhiều cơ sở đào tạo sư phạm xuống cấp, không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, manh mún, thiếu chuyên sâu vì mở rộng đào tạo ra các lĩnh vực ngoài ngành sư phạm. Đặc biệt, các trường sư phạm chưa phối hợp hiệu quả các hoạt động đào tạo giáo sinh và bồi dưỡng/đào tạo lại giáo viên với cơ sở giáo dục ở các địa phương. Vai trò của các trường đại học sư phạm chưa rõ nét trong việc tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó đặc biệt là xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động và đánh giá giáo dục,…
Thời gian tới, các trường đại học sư phạm cần đổi mới cách tiếp cận theo hệ thống, gắn kết đào tạo ở trường và sử dụng giáo viên ở các địa phương; triển khai đổi mới đồng bộ mô hình trường sư phạm, trong đó thực hiện một số nhiệm vụ ưu tiên để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao, cụ thể như sau:
1. Phối hợp chặt chẽ với các dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ETEP, GREP,…) để xây dựng các chuẩn giáo viên/cán bộ quản lý giáo dục, chuẩn trường sư phạm theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Căn cứ vào các chuẩn này, rà soát quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, đội ngũ giáo viên/quản lý cơ sở giáo dục. Thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai các nhiệm vụ với giám đốc các dự án của Bộ đã nêu, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 30/8/2016.
2. Nghiên cứu, dự báo nhu cầu người học từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông trong 10 năm tới, từ đó có lộ trình điều tiết quy mô tuyển sinh cho phù hợp, gửi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tổng hợp, trình Bộ trưởng. Đề xuất phương án tuyển sinh, gắn với chế độ học bổng để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, đồng thời đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn mới, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) tổng hợp. Thời hạn hoàn thành trước ngày 30/9/2016.
3. Lựa chọn các giảng viên giỏi, sinh viên giỏi tham gia vào biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các chương trình môn học, đồng thời nghiên cứu để chủ động biên soạn bộ sách giáo khoa hoặc một số sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Lựa chọn giảng viên giỏi tham gia các vị trí chuyên gia tư vấn Chương trình ETEP và Dự án RGEP, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Ban quản lý Chương trình ETEP, Ban quản lý Dự án RGEP và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) trước ngày 20/8/2016.
4. Rà soát chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện hành, phân tích kỹ các bất cập, hạn chế; xây dựng các chương trình bồi dưỡng theo mô - đun, linh hoạt, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến. Quy hoạch các ngành đào tạo, cơ cấu tổ chức, thành lập các viện/trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục và quản lý giáo dục trực thuộc trường, trước mắt tại 3 trường ở 3 miền, ưu tiên xây dựng sớm 1 trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc, trao đổi học thuật. Báo cáo Bộ trưởng kế hoạch triển khai trước ngày 30/10/2016.
5. Rà soát, quy hoạch cơ sở vật chất, thiết bị của các trường sư phạm (ưu tiên cho các trường đại học sư phạm lớn), lập kế hoạch đầu tư, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, dạy học của các khoa/viện và trường thực hành sư phạm/khoa học giáo dục, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em) quy hoạch danh mục đầu tư, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 15/8/2016.
6. Giao Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng đề án thư viện điện tử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng đề án hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường sư phạm trong cả nước, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục Công nghệ thông tin) dự án tiền khả thi trước ngày 15/8/2016.
7. Chủ động xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu phát triển giáo dục đất nước, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) danh mục đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu trước ngày 31/8/2016.
8. Đề xuất cơ chế tài chính cho hoạt động của nhà trường, trong đó, nghiên cứu phân bổ kinh phí theo chương trình đào tạo thay vì phân bổ theo đầu sinh viên, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) trước ngày 31/8/2016.
Trân trọng thông báo kết luận của Bộ trưởng để các đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để báo cáo);
- Các trường: ĐHSPHN, ĐHSPTP.HCM, ĐHSP HN 2, ĐHSP-ĐHTN, ĐHSP - ĐH Huế, ĐHSP - ĐH Đà Nẵng, ĐH Vinh, ĐHGD-ĐHQGHN, ĐH Quy nhơn, ĐH Đồng Tháp (để thực hiện);
- Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ (để thực hiện);
- Các chương trình, dự án, đề án trực thuộc Bộ (để thực hiện);
- Viện KHGDVN, Học viện QLGD (để thực hiện);
- Lưu: VT, TH.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
(Đã ký)
Phạm Ngọc Phương
|