Hội nghị về nghiên cứu và giảng dạy sinh học lần này là nơi sinh hoạt học thuật để các nhà khoa học, nhà giáo dục và các nhà quản lý trong lĩnh vực sinh học ở Việt Nam thảo luận, tìm ra những hướng đi thích hợp trong nghiên cứu và giảng dạy lĩnh vực sinh học; đồng thời còn là nơi để các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các đơn vị sản xuất cùng nhau trao đổi về chương trình giáo dục đại học, giáo dục phổ thông thảo luận những nghiên cứu mới trong lĩnh vực sinh học để đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong nước và các nước trong khu vực.
Tới tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Vụ trưởng Vụ KHCN và MT, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, GS.TS Nguyễn Lân Dũng-Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, GS.TS Đinh Quang Báo- Ủy viên thường trực Ban đổi mới chương trình SGK phổ thông, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh-Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, GS.TS. Mai Đình Yên - Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, GS.TS. Lê Đình Lương - Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, GS.TS. Lê Huy Hàm - Viện Trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Văn Thuận - Phó Hiệu trưởng ĐHSP Huế, TS. Vũ Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng Đại học Quảng Nam, TS. Hà Thăng Long - Trưởng đại diện Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam. Về phía trường ĐHSP Đà Nẵng, đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị có PGS.TS. Lưu Trang, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng. Hội nghị cũng có sự tham dự của đại diện các Khoa Sinh học của các trường đại học, các viện nghiên cứu trong cả nước cùng gần 500 đại biểu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Lê Quang Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng bày tỏ mong muốn các nhà giáo, các nhà khoa học và các nhà quản lý tập trung trí tuệ và xác định những phương hướng nghiên cứu và ứng dụng; đề xuất những giải pháp, tìm kiếm những nguồn lực đa dạng nhất để đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy sinh học, góp phần vào sự phát triển của xã hội và sự thành công của công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà.
Tại Hội nghị, GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam đã chia sẻ về các vấn đề khoa học, những thành tựu, triển vọng và thách thức trong nghiên cứu sinh học trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, sinh học là một trong những bước đột phá ưu tiên để phát triển đất nước, đặc biệt là ứng dụng sinh học để giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển nông thôn mới. Cũng trong buổi sáng, tại phiên toàn thể, các đại biểu đã được nghe 3 báo cáo. Báo cáo thứ nhất của GS.TS. Đinh Quang Báo về Bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa: những vấn đề thực tiễn đặt ra. Báo cáo thứ hai của GS.TS. Lê Huy Hàm về Hiện trạng nghiên cứu, sử dụng cây trồng biến đổi gen. Báo cáo thứ ba của GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí về Tư duy hệ thống trong nghiên cứu và giảng dạy về môi trường. Các báo cáo đều nhận được sự quan tâm, thảo luận của đông đảo đại biểu tham dự hội nghị.
Chiều cùng ngày, các nhà khoa học tham dự Hội nghị đã báo cáo tại 3 tiểu ban: Khoa học giáo dục và Giảng dạy sinh học; Nghiên cứu khoa học cơ bản trong sinh học; Nghiên cứu Sinh học ứng dụng phục vụ đời sống và phát triển xã hội. Các báo cáo nhận được rất nhiều phản biện của chủ tọa và các nhà khoa học. Bên cạnh các báo cáo tại các tiểu ban, các nhà khoa học cũng đã trưng bày poster báo cáo kết quả nghiên cứu bên ngoài hội trường. Tại phiên bế mạc hội nghị, thay mặt Ban tổ chức hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trưởng Khoa Sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã công bố và trao giải cho 04 báo cáo xuất sắc nhất trình bày tại các tiểu ban và 02 báo cáo bằng poster có nội dung khoa học và trình bày đẹp nhất.
Sau hơn một năm chuẩn bị, Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ hai đã nhận được hơn 300 bài báo khoa học gửi tới tham dự hội nghị. Sau khi phản biện và biên tập, đã có 208 bài báo được chọn đăng trong Kỷ yếu hội nghị dày 1594 trang do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản với chỉ số ISBN 978-604-62-5440-9. Sự ra đời của cuốn sách Báo cáo khoa học đồ sộ này cũng dựa trên sự hỗ trợ và ủng hộ của các doanh nghiệp. Sự phát triển của khoa học nước nhà, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng luôn cần sự đồng hành của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất.
Bên lề Hội nghị, Ban Tổ chức còn tổ chức: Triển lãm ảnh về Đa dạng sinh học thiên nhiên Đà Nẵng - sự hòa quện giữa con người và thiên nhiên.
Sau khi bế mạc Hội nghị, thay mặt Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, PGS.TS. Phan Đức Duy, Trưởng Khoa Sinh học đã nhận đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 3 tại Huế. Hội nghị lần thứ hai khép lại song đã mở ra sự kết nối chặt chẽ giữa những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam. Hội nghị đã thành công ngoài sức mong đợi của ban tổ chức.
Nguồn bài và ảnh: Ban tổ chức Hội nghị lần thứ Hai
Một số hình ảnh về Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ Hai tại Đà Nẵng
Quang cảnh đón tiếp đại biểu tham dự hội nghị bên ngoài hội trường
Các đại biểu đăng kí và nhận tài liệu và sách Báo cáo khoa học
Chương trình văn nghệ chào mừng hội nghị
PGS.TS. Lê Quang Sơn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị trong phiên toàn thể tại hội trường lớn
GS.TS. NGND Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam phát biểu
GS.TS. NGND Đinh Quang Báo trình bày báo cáo khoa học tại Hội nghị
GS.TS. Lê Huy Hàm trình bày báo cáo khoa học tại Hội nghị
Đại biểu đặt câu hỏi và thảo luận các báo cáo tại phiên toàn thể
GS.TS Lê Đình Lương trình bày báo cáo khoa học tại tiểu ban KHGD và GDSH
Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng hội nghị
Kỷ yếu Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ Hai
Triển lãm ảnh Đa dạng sinh học Đà Nẵng – sự hòa quện giữa con người và thiên nhiên
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm