Ngày 19/12/2014, thay mặt toàn thể cán bộ và sinh viên ĐHSP Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - PGS.TS Nguyễn Văn Minh đã nồng nhiệt chào đón Ngài Hiệu trưởng Lee Jeong Seon cùng 40 giáo sư Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju (GNUE) đến thăm trường, ký kết thỏa thuận hợp tác và trao đổi chuyên môn về đào tạo giáo viên. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai trường đại học sư phạm hàng đầu của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, tạo ra những cơ hội và triển vọng cho cán bộ và sinh viên hai trường có điều kiện trao đổi, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu hướng tới chất lượng cao và chuẩn mực quốc tế.
Thành phố Gwangju, trung tâm thương mại của tỉnh Jeolla-nam, Hàn Quốc, nổi tiếng về sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo và rau tươi. Gwangju nằm ở trung tâm vùng tây nam Hàn Quốc, là thành phố lớn thứ sáu của Hàn Quốc với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và khí hậu tốt lành, con người phóng khoáng và yêu đời, là xứ sở của những món ăn dân tộc độc đáo, những điệu nhạc cổ truyền pansori, những nghệ thuật tranh hội họa tuyệt vời, những đồ gốm men ngọc bích và nghệ thuật thơ ca cổ điển huyền diệu…
Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju là một trong những trường sư phạm nổi tiếng của xứ sở kim chi, đã bắt đầu quan hệ hợp tác với Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 2009 cho tới nay. Trong suốt thời gian hợp tác, mối quan hệ giữa hai trường ngày càng trở nên gắn bó và thân thiết.
Trong buổi lễ, Hiệu trưởng Lee Jeong Seon đã trình bày một báo cáo rất ý nghĩa với các cán bộ chủ chốt của ĐHSP Hà Nội với chủ đề “Thực tập sư phạm - Kinh nghiệm của GNUE”. Theo GS Lee, thực tập sư phạm là cơ hội cho sinh viên sư phạm nhằm rèn luyện khả năng triển khai thực tế những kiến thức và sự hiểu biết về lý thuyết giáo dục, phương pháp giảng dạy, nội dung môn học mà sinh viên nắm được trong quá trình chuẩn bị trở thành giáo viên với vai trò là người có chuyên môn về giáo dục. Thực tập sư phạm là đỉnh cao của quá trình đào tạo giáo viên (capstone). Việc thực tập sư phạm có ảnh hưởng quan trọng đối với việc thực hành giảng dạy sau này, có ý nghĩa quan trọng trong việc xã hội hóa nghề nghiệp đối với ngành nghề sư phạm.
Nếu không tính chương trình hỗ trợ giảng dạy (thường xuyên), chương trình thực tập sư phạm của Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju được tiến hành trong 8 tuần theo trình tự: Thực tập dự giờ (1 tuần, HKII, năm thứ 1) → Thực tập dự giờ ở vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn (1 tuần, HKI, năm thứ 2) → → Thực tập nghiệp vụ (1 tuần, HKII, năm thứ 3) → Thực tập giảng dạy (5 tuần, HKI, năm thứ 4).
Đánh giá thực tập sư phạm bằng các Phiếu điều tra “Những vấn đề của chương trình thực tập sư phạm và phương án khắc phục”. Phiếu điều tra dành cho giáo viên hướng dẫn gồm 11 câu hỏi, nội dung điều tra về phương thức và hiệu quả áp dụng của thực tập sư phạm tại các cơ sở giáo dục, các vấn đề giáo viên phát hiện ra. Phiếu điều tra dành cho sinh viên thực tập gồm 16 câu hỏi, nội dung điều tra về mức độ thỏa mãn với chương trình thực tập sư phạm, hiệu quả, những công việc mà thực tập sinh / giáo viên hỗ trợ đã làm, những điểm khó khăn khi đi thực tập, những kiến nghị để khắc phục. Ngoài ra, bổ sung thêm nội dung điều tra bằng việc trao đổi trực tiếp. Dữ liệu điều tra được phân tích công cụ Trắc nghiệm ‘T Test’ lấy mẫu tập trung, nội dung trao đổi được phân tích bằng việc áp dụng phương pháp phân tích nội dung.
Đây là kinh nghiệm hết sức bổ ích có thể chia sẻ và học lập lẫn nhau trong việc thực hiện chương trình đào tạo giáo viên mới ở ĐHSP Hà Nội. Các thành viên tham dự đã rất hào hứng với khả năng trao đổi, hợp tác mà hai cơ sở đào tạo có nhiều lợi thế. Hoạt động thiết thực này một lần nữa khẳng định quyết tâm của lãnh đạo hai trường tiến tới những dự án thiết thực và hiệu quả hơn trong tương lai không xa.
Nguồn: Phòng QHQT, HC-TH
Ảnh: Phòng HC-TH