Hội thảo VietTESOL lần thứ nhất (2014) được tổ chức trong khuôn khổ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 với mục đích hướng tới việc kết nối các chuyên gia, giảng viên, giáo viên trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh thuộc các cấp, từ tiểu học tới đại học ở Việt Nam và quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh trong môi trường giáo dục tại Việt Nam. Hội thảo còn là diễn đàn cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên giảng dạy tiếng Anh trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và phát triển ý tưởng nghiên cứu về đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh và kỹ năng giải quyết vấn đề tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Đồng thời đây là cơ hội để các giáo viên, giảng viên tăng cường trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi học thuật giữa các cá nhân trong chuyên ngành.
Trong các phiên chính thức, Hội thảo đã đón tiếp 279 đại biểu (262 Việt Nam, 17 nước ngoài) đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng và đại học của 63 tỉnh thành trong cả nước. Đại diện của các tổ chức tài trợ (Hội đồng Anh, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Ô-xtrây-lia, Cengage Learning), các Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các cơ quan thông tấn báo chí đã tham dự Hội thảo. Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ Trưởng Vụ GD Trung học, Phó Trưởng Ban Thường trực Đề án NNQG 2020 đã khai mạc Hội thảo. PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cơ quan đồng tổ chức Hội thảo đã phát biểu chào mừng.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh: Với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội luôn giữ vai trò then chốt trong lĩnh vực đào tạo giáo viên, trong đó có đào tạo giáo viên tiếng Anh. Thêm vào đó, Trường là một trong những cơ sở đào tạo đại học đã và đang góp phần tích cực vào việc phát triển năng lực giáo viên và nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên toàn quốc, thực hiện những mục tiêu đặt ra trong Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. Thông qua các báo cáo trình bày của đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các cấp học và của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh từ các quốc gia, Hội thảo VietTESOL lần thứ nhất hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Anh cho giáo viên Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh bày tỏ hy vọng rằng, hội thảo này sẽ tạo ra một diễn đàn về chuyên môn để các giáo viên và chuyên gia về giảng dạy tiếng Anh từ tất cả các cấp học trên cả nước trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng, và cùng thực hiện các nghiên cứu khả thi phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, tìm ra các chiến lược giải quyết vấn đề trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Hội thảo VietTESOL-2014 đã nhận được 107 tóm tắt báo cáo, trong đó có 12 bài cấp tiểu học, 11 cấp trung học cơ sở, 19 bài cấp trung học phổ thông, và 65 bài cấp đại học, cao đẳng. Qua ba vòng đọc độc lập trong Ban chuyên môn và các chuyên gia của Hội đồng Anh và Đại sứ quán Ô-xtrây-lia với những tiêu chí chọn rõ ràng, có 34 báo cáo và 36 posters được lựa chọn trình bày tại VietTESOL (02 báo tại phiên toàn thể, 33 báo cáo trình bày tại các phiên song song). Các bài trình bày đã đề cập tới toàn bộ 10 nội dung đặt ra: Phương pháp giảng dạy (nghe, nói, đọc, viết, từ vựng, phát âm, ngữ pháp, tiếng Anh học thuật và tiếng Anh chuyên ngành,...); Kiểm tra và đánh giá; Phát triển khung chương trình và tài liệu; Công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng Anh; phát triển nghề nghiệp (thực hành chiêm nghiệm; dự giờ; quản lý lớp học; phong cách học; đào tạo giáo viên,...); Tính tự chủ của người học; động cơ học tập; văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh; Tư duy phản biện và tư duy sáng tạo và các loại hình tiếng Anh trên thế giới. Các báo cáo còn đi sâu khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của cùng một chủ đề. Ngoài ra, 36 poster được trình chiếu trên PPT tại Hội trường chính và sảnh vào đầu các buổi làm việc; các ấn phẩm về giảng dạy tiếng Anh cũng được trưng bày trong suốt thời gian Hội thảo.
Mặc dù thời gian gấp rút để chuẩn bị cho Hội thảo, VietTESOL-2014, được sự ủng hộ của Đề án NNQG 2020, của trường ĐHSP Hà Nội và các cơ quan trong nước và quốc tế, đặc biệt có sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của Ban Chuyên môn, đã thành công tốt đẹp và được tất cả các đại biểu tham dự hài lòng, đánh giá cao. Thành công lớn nhất của Hội thảo là (1) Kết nối giáo viên, giảng viện dạy tiếng Anh các cấp bậc học ở trong nước cũng như các nước trong khu vực và trên toàn thế giới; (2) Nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, giảng viên tiếng Anh trên cả nước; và (3) Tạo diễn đàn để các giáo viên, giảng viên tiếng Anh chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm giảng dạy cũng như nghiên cứu.
Từ diễn đàn này, VietTESOL-2014 sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu Đề án NNQG 2020, cụ thể là: “Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong chương trình giáo dục thường xuyên với nội dung, chương trình đào tạo phù hợp với các cấp học, trình độ đào tạo, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học” (Quyết định 1400/QĐ-TTg). Tuy nhiên, để phát huy kết quả của Hội thảo lần này và chuẩn bị tốt hơn cho các VietTESOL trong tương lai, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của các đại biểu tham gia và giáo viên tiếng Anh cả nước, còn rất nhiều công việc phải làm. Trước mắt, cần thiết xây dựng ngay trang web VietTESOL để đảm bảo tính bền vững của diễn đàn. Một lần nữa, lại rất cần sự hỗ trợ và chung tay đóng góp của tất cả các cá nhân, cơ quan, ban ngành cho hoạt động chuyên môn hết sức ý nghĩa này.
Nhân dịp này, Ban tổ chức VietTESOL-2014 xin trân trọng cảm ơn./.
Một số hình ảnh về Hội thảo:
TS. Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng ban thường trực BQL Đề án NNQG 2020 phát biểu khai mạc
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trường Trường ĐHSP Hà Nội phát biểu
Bà Cherry Gough - Giám đốc BC Việt Nam phát biểu
Bà Kim Cleary - Tham tán ĐSQ Úc phát biểu
Các đại biểu tham gia Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế VietTESOL lần thứ nhất tại Việt Nam
Đại diện BTC Hội thảo
Nguồn: Khoa Tiếng Anh, P.QHQT