Những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ:
- Tổ chức đầu tiên: Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc Trường Sư phạm Cao cấp (1951), có nhiều cống hiến góp phần cùng Nhà trường xây dựng nền móng cho sự phát triển nền văn hóa, giáo dục nước nhà và sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Đoàn Trường khởi đầu thực hiện cuộc vận động “Xây dựng phong cách học tập mới” trong sinh viên của nhiều trường đại học ở Hà Nội mới thành lập.
- Phát động phong trào “Tam bất kỳ”, đổi tên thành “Ba bất kỳ”, rồi sau đó đổi tên là “Ba sẵn sàng” (đầu năm 1964). 19h30 ngày 30/4/1964, chính thức phát động và đi đầu phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” chống Mỹ, cứu nước.
- Sự phát triển của phong trào này ở ĐHSP Hà Nội đã vượt lên trên quy mô toàn Thành phố (từ tháng 8/1964) và trên quy mô toàn Miền Bắc (từ tháng 3/1965). Tuổi trẻ Nhà trường tự hào là nơi khởi nguồn “Phong trào Ba sẵn sàng” - một phong trào cách mạng rộng lớn nhất, sôi nổi nhất trong lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
- Mùa hè năm 1966, Đoàn Trường tổ chức thành lập Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (Đội TNXP đầu tiên và duy nhất trong số các trường đại học, cao đẳng ở miền Bắc lúc đó) tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại khu vực Hàm Rồng (Thanh Hóa) với 109 thành viên là cán bộ, sinh viên.
- Năm 1972, Đoàn Trường tổ chức Đội Thanh niên xung kích (36 cán bộ, sinh viên) phục vụ giao thông vận tải, khắc phục hậu quả bom đạn Mỹ trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Đội được BCH Trung ương Đoàn tặng Cờ thưởng.
Cũng năm 1972, Đại đội tự vệ Trường đã cùng lực lượng quân sự huyện Từ Liêm bắn rơi 1 máy bay F4 của Mỹ. Tổ đài quan sát của Đại đội đặt trên sân thượng nhà A7 (được gọi là "con mắt phía Tây Thành phố"), theo dõi đường bay của máy bay địch, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các đơn vị phòng không. Tổ đài quan sát được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
- Đoàn Trường tích cực tham gia phong trào “Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”: hàng nghìn đoàn viên, cán bộ tình nguyện lên đường nhập ngũ, trong đó, nhiều cán bộ Đoàn đã anh dũng hy sinh, nhiều người trưởng thành từ khói lửa chiến tranh đã trở thành văn nghệ sĩ nổi tiếng, nhà chính trị, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo các cấp.
- Đầu năm 1979, Đoàn Trường tổ chức Đội Thanh niên xung kích đã sát cánh với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ công tác hậu cần trên mặt trận Lạng Sơn. Đoàn Trường được tặng Cờ thưởng, Bằng khen của Trung ương Đoàn và của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Giữa năm đó, Đoàn Trường thành lập Trung đoàn 32 (biên chế trong Binh đoàn Nguyễn Huệ), tham gia xây dựng phòng tuyến sông cầu, bảo vệ Thủ đô. Trung đoàn được Thành ủy Hà Nội tặng danh hiệu "Đơn vị xuất sắc nhất khối đại học“.
- Đoàn Trường phát động, tham gia tích cực phong trào xây dựng Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động “Tiến quân vào khoa học”, tổ chức Hội nghị Khoa học trẻ toàn trường lần thứ nhất, từng bước đưa công tác NCKH của cán bộ, sinh viên thành hoạt động thường xuyên và ngày càng phát triển.
- Từ năm 1991 đến nay, với vai trò tổ chức của Đoàn Trường , phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học luôn đạt thành tích dẫn đầu các trường đại học toàn quốc. Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều Bằng khen của Bộ GD&ĐT, BCH Trung ương Đoàn, đặc biệt được Chủ tịch nước tặng Cờ thưởng về thành tích sinh viên NCKH (2011).
- Đầu những năm 1990, Đoàn Trường chủ động thực hiện phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Năm 1999, tổng kết mô hình hoạt động của Đoàn Trường và một số cơ sở khác, Thành đoàn Hà Nội quyết định phát động phong trào Thanh niên tình nguyện. Năm 2000, phong trào Thanh niên tình nguyện được Trung ương Đoàn triển khai thực hiện trong tuổi trẻ cả nước.
- Năm 2000, Đoàn Trường tổ chức thành công Hội nghị sinh viên NCKH khối các trường ĐHSP toàn quốc lần thứ nhất, tạo tiền đề cho các Hội nghị tiếp theo được tổ chức luân phiên tại các trường ĐHSP trong toàn quốc.
- Năm 2008, Đoàn Trường tổ chức thành công Hội thảo khoa học của cán bộ trẻ lần thứ nhất, từ cấp cơ sở tới cấp Trường. Hoạt động này đến nay đã trở thành hoạt động thường niên, đem lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy cán bộ trẻ phát triển chuyên môn, tăng cường đoàn kết xây dựng Nhà trường.
- Năm 2011, Đoàn Trường tổ chức Hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường Đại học sư phạm toàn quốc lần thứ Nhất, thu hút tất cả các trường ĐHSP. Thành công của Hội thảo đã thực sự mở ra điều kiện giao lưu hợp tác phát triển chuyên môn của đội ngũ cán bộ khoa học trẻ của Trường và của ngành sư phạm cả nước.
Các phần thưởng cao quý
- Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001),
- Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007),
- 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2004; năm 2009)
- Nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội và của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể Trung ương.
- Liên tục được Thành đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn công nhận là Cơ sở Đoàn xuất sắc, vững mạnh.
- Nhiều cán bộ Đoàn, sinh viên tiêu biểu được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen các cấp, được tuyên dương danh hiệu Tài năng trẻ, Đoàn viên xuất sắc, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu,...
Những giá trị truyền thống quý báu, nổi bật
1. Truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, với cuộc sống của nhân dân lao động.
2. Truyền thống hiếu học, yêu nghề và kính thầy, trọng bạn.
3. Truyền thống xung kích, sáng tạo trong thực tiễn công tác Đoàn và phong trào thanh niên - sinh viên.
Văn phòng Đoàn trường