"Tôi sinh ra ở Huế, trong một gia đình hoàng tộc. Mẹ tôi là công chúa thứ 9 của vua Thành Thái. Tôi gọi vua Duy Tân là cậu ruột. Họ hàng trong nhà đều làm quan to trong chế độ cũ. Từ nhỏ, tôi học trường Quốc học Huế. Khi theo cha ra Hà Nội nhậm chức thì chuyển qua học trường Bưởi, ĐH Y Hà Nội, rồi tham gia hoạt động cách mạng", nhà giáo nhân dân Lê Quang Long bộc bạch về gia đình bằng một chất giọng trầm của xứ Huế.
Nhà giáo Nhân dân Lê Quang Long
Ông là một trong số 39 người mới được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân vào tháng 11 vừa qua. Bước sang tuổi 90, người thầy đã có 64 năm cống hiến cho ngành giáo dục.
Trước khi trở thành nhà giáo, ông từng học trường y với mong muốn chữa bệnh cứu người. Ký ức về trận đói năm 1945 làm hơn 2 triệu đồng bào thiệt mạng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với ông ngày đó.
Mang trong mình nỗi đau của một người dân mất nước, ông bắt đầu tham gia cách mạng. Khi Nhật đảo chính Pháp, ông trở lại Huế rồi theo học trường Thanh niên tuyền tiến, tham gia biểu tình chống chính quyền ở Huế và thực dân Pháp, trở thành một trong những người lập chiến công đầu tiên trong việc bắt sống phái đoàn của tướng De Gaulle đến Huế. Sau đó, ông cùng với một số người được phái sang Lào, làm cố vấn quân sự cho Hoàng thân Xuphanuvong.
Khi Pháp quay trở lại xâm lược miền Nam, ông về Huế theo học lớp cấp tốc về văn hóa do các ông Hoài Thanh và Đặng Thai Mai phụ trách, rồi về trường Quốc học Huế dạy học, trở thành một trong những người thầy giáo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới giành độc lập. Cuộc đời dạy học cũng gắn bó với người thầy kể từ đây.
Những năm toàn quốc kháng chiến, Pháp đánh Huế, thầy Long cùng gia đình sơ tán ra Hà Tĩnh, lăn lộn giữa vùng tự do ở khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh dạy học. Vận dụng kiến thức được học ở trường y, thầy chuyển từ giáo viên dạy văn qua dạy bộ môn sinh học. Năm 1956, thầy về dạy tại ĐH Sư phạm Khoa học ở Hà Nội (khi đó còn chưa tách ra ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm). Sau này, thầy về ĐH Sư phạm Hà Nội giảng dạy tại khoa Sinh học cho tới khi nghỉ hưu năm 1993.
Thầy Lê Quang Long là một trong những cán bộ giảng dạy đầu tiên của nền đại học nước nhà. Để trở thành giáo sư, tiến sĩ khoa Sinh học của trường đại học danh tiếng cả nước, thầy Long đã phải trải qua nhiều gian truân vì vấn đề xuất thân. Theo như thầy nói thì "lý lịch phức tạp, có nhiều liên quan đến chế độ phong kiến".
GS Lê Quang Long nhận danh hiệu NGND do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng
Nhiều năm đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nhưng thầy vẫn chỉ là Trưởng bộ môn sinh lý người và động vật, khoa Sinh học (ĐH Sư phạm Hà Nội). Năm 2011, những học trò khóa đầu tiên của thầy, nay là những giáo sư thành đạt, đã cùng nhau viết thư kiến nghị lên Hội đồng phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú nhà nước, đề nghị phong tặng danh hiệu cho thầy Lê Quang Long vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp trồng người. Riêng thầy chỉ nói "Thủ tục quá phức tạp, chỉ cần được tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu khoa học, sống xứng đáng với nhân dân, với đất nước là được rồi".
Trong suốt cuộc đời dạy học, vị giáo sư già được học sinh mến phục bởi biệt tài vẽ hình minh họa một lúc bằng hai tay, hoặc ngoặt tay ra phía sau vẽ hình trong khi mặt vẫn ngoảnh về phía học sinh và giảng bài bình thường. Bắt đầu bài giảng, thầy còn chêm vào những câu ca dao, tục ngữ để thu hút học sinh, khiến cho bài giảng thêm sinh động. Thầy chia sẻ, kỷ niệm sâu sắc nhất là những lần giảng bài có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự giờ, nói chuyện với sinh viên.
Thầy cũng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhận được sự đánh giá cao, đóng góp thiết thực vào cuộc sống như nâng cao sản lượng cá rô phi, thụ tinh nhân tạo cho lợn. Thông thạo đến 8 ngoại ngữ, thầy còn dịch khá nhiều sách từ tiếng Việt sang ngoại ngữ và ngược lại.
Điều vị giáo sư già tâm đắc nhất là góp phần đào tạo nên những thế hệ học trò xuất sắc cho nước nhà, như các giáo sư Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Lân Dũng, Trần Xuân Nhĩ, Phan Nguyên Hồng... Chỉ trong khóa sinh viên lớp Vạn vật học đầu tiên (Sinh học ngày nay) của ĐH Sư phạm Khoa học sau ngày miền Bắc giải phóng, có nhiều người thành đạt trong sự nghiệp giáo dục. Trong số đó có 5 nhà giáo nhân dân, 6 nhà giáo ưu tú, 3 người ở hàm thứ trưởng ngành Giáo dục và hàng chục giáo sư, phó giáo sư khác.
"Tất cả chúng tôi đều luôn ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy Long và các thầy giáo khác. Các thầy đều là những tấm gương sáng mà thế hệ học trò chúng tôi đều luôn lấy đó làm gương", PGS.TS Nguyễn Quang Vinh, một trong những học trò lứa đầu tiên của thầy viết.
Còn GS.TS Nguyễn Lân Dũng thì cảm nhận: "Thầy như một người anh lớn thân thiết, gần gũi với lớp sinh viên đầu tiên sau ngày hòa bình lập lại. Tôi là người bé nhất lớp nhưng cũng đã 76 tuổi rồi, nhiều bạn học đã trở thành người thiên cổ. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy thầy vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Thầy đã sống rất xứng đáng với nhân dân, đất nước và là người thầy trực tiếp hoặc gián tiếp của tất cả thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu sinh học trong cả nước".
Trong suốt cuộc đời dạy học, thầy Long giảng dạy tổng cộng 38 trường khắp ba miền Bắc - Trung - Nam. Không chỉ đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, thầy còn có công lao không nhỏ trong việc khôi phục nền giáo dục đại học của đất nước Campuchia sau nạn diệt chủng Pol Pot. Theo đề nghị của Chính phủ Campuchia, phái đoàn Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn sang giúp đồng nghiệp tương lai đặt nền móng cho nền đại học Campuchia sau này. Thầy Lê Quang Long giúp nước bạn biên soạn 3 bộ giáo trình bằng tiếng Pháp. Ông được Chính phủ Campuchia tặng Huân chương Hữu nghị.
Nghỉ hưu nhưng thầy vẫn giảng dạy các lớp cao học, lớp chất lượng cao của khoa Sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Vị giáo sư già vẫn thi thoảng vào Cần Thơ, Sài Gòn… dạy học, bởi được giảng dạy là niềm đam mê lớn nhất cuộc đời thầy. Hai người con trai đều đã mất, nay thầy sống với người con gái cũng công tác tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Vuốt tấm bằng Nhà giáo nhân dân mới được trao tặng cách đây không lâu, thầy Long chia sẻ: "Nhận được danh hiệu này là điều cao quý nhất trong sự nghiệp của một nhà giáo. Dù không nhận được sớm, nhưng tôi đã chinh phục được cả học sinh và những người bạn quốc tế trong giảng dạy và cả nghiên cứu khoa học. Đó mới là danh hiệu lớn nhất trong cuộc đời".
Theo: Hoàng Phương (vnexpress.net)
Dưới đây là một số suy nghĩ của bạn đọc về GS.NGND Lê Quang Long: