Ngày 01/12/2014, tại trường ĐHSP Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác giữa ĐHSP Hà Nội với ĐH Khoa học Ứng dụng JAMK (JAMK UAS), Phần Lan.
Trường Đại học khoa học ứng dụng JAMK là một trong những đại học mang tính quốc tế đã tạo nên một nền giáo dục bậc cao với vai trò quan trọng cho sự phát triển của vùng Jyväskylä và vùng miền Trung Phần Lan. Trường có 8,000 sinh viên và thường xuyên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn, các tổ chức tại địa phương. Sứ mệnh của JAMK là mang đến cho sinh viên chất lượng đào tạo tốt nhất và phù hợp với những yêu cầu công việc trong cuộc sống; mang đến những giá trị đổi mới trong nghiên cứu, phát triển và sáng tạo, tổ chức giáo dục toàn diện để duy trì và nâng cao hiệu quả của việc học tập lâu dài. Tầm nhìn của JAMK 2020 là trở thành trường đại học về khoa học ứng dụng tốt nhất Phần Lan với sinh viên đầu ra đạt chuẩn quốc tế. JAMK luôn coi trọng sứ mệnh của một người đi tiên phong trong lĩnh vực đào tạo nhân tài và nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo quốc tế. Với phương châm “Trách nhiệm, Niềm tin, Sáng tạo”, JAMK không ngừng đẩy mạnh đầu tư cho những khóa học dài hạn và ngắn hạn nhằm đạt được kết quả cao nhất.
Năm 2007, JAMK UAS được bầu chọn là trung tâm tiên tiến có sức ảnh hưởng lớn tại khu vực miền Trung Phần Lan. Trường đã tham gia sáng tạo và bổ sung nguồn nhân lực mới cho các chiến lược phát triển vùng, đồng thời cộng tác với các đối tác, các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau thông qua việc nghiên cứu và phát triển để sản xuất ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Trường đã đóng góp một phần rất lớn cho sự phát triển xã hội và văn hóa vùng. JAMK UAS được đánh giá là một trong những trường đại học ứng dụng tốt nhất Phần Lan. 70% sinh viên của trường sau tốt nghiệp có việc làm đúng lĩnh vực đào tạo. Sau một năm tốt nghiệp, con số này là 83% và chỉ có khoảng 3% sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm. Hàng năm có khoảng 3.000 sinh viên đã trải qua thời gian học tập hoặc thực tập ở nước ngoài.
Trong cơ cấu của JAMK UAS, Khoa Sư phạm (Teacher Education College) là một mô hình đào tạo giáo viên đặc thù. Sinh viên có nguyện vọng phát triển năng lực sư phạm nộp đơn xét tuyển vào tháng Giêng hàng năm và được tuyển chọn sẽ được gọi nhập học vào 4 kỳ trong năm. Chương trình đào tạo tại TEC từ 1-3 năm tùy theo nhu cầu nghề nghiệp của người học, toàn bộ khối lượng kiến thức sư phạm gồm 60 tín chỉ, trong đó có 12 tín chỉ thực tập sư phạm. Đặc điểm của chương trình này chủ yếu thiết kế cho những giáo viên đã có kinh nghiệm và có bằng Thạc sỹ trở lên. Chương trình được phát triển dựa trên 4 lĩnh vực năng lực chủ yếu (học suốt đời, hỗ trợ học tập, xây dựng môi trường giáo dục, hợp tác và giao tiếp). Các bài học được thiết kế theo mô-đun để phát triển năng lực theo yêu cầu giáo dục.
Bắt đầu từ những năm 1970 Phần Lan đã tiến hành đổi mới việc tuyển chọn và đào tạo những giáo viên tương lai. Đây là một bước căn bản trong quá trình cải cách giáo dục. Tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sĩ và tất cả phải được đào tạo trong cùng một chương trình đào tạo chất lượng cao. Kể từ đó dạy học trở thành một nghề được tôn trọng nhất trong xã hội, không được trả lương cao nhất nhưng cao quý nhất. Kết quả là trong các bài đánh giá học sinh quốc tế PISA, Phần Lan đã liên tục xếp trên tất cả các nước phương Tây và thực sự chỉ có một vài nước phương Đông (với phương pháp học nhồi nhét) có kết quả tương tự. Ở Phần Lan không hề có cuộc thi cấp quốc gia nào trong suốt thời kỳ giáo dục phổ cập từ lớp 1 đến lớp 10. Chỉ có một kỳ thi quốc gia duy nhất sau khi học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 trung học phổ thông và lấy kết quả xét tuyển vào đại học.
Có được điều tuyệt vời đó là vì họ đã tạo ra một mức độ chuyên nghiệp rất cao trong nghề giáo để xã hội có thể hoàn toàn tin tưởng vào các giáo viên của mình. Khẩu hiệu ở đây là: “Niềm tin thông qua sự chuyên nghiệp”. Phần Lan được xếp hạng cao nhất trên thế giới về cải tiến, khởi nghiệp và sáng tạo trong giáo dục. Bộ Giáo dục Phần Lan nêu yêu cầu cực cao đối với chất lượng giáo viên, chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và đạo đức nghề nghiệp cao thượng, và hơn nữa còn tạo điều kiện tốt nhất tiếp tục đào tạo họ. Về trình độ chuyên môn, toàn bộ giáo viên tiểu học và trung học đều phải có bằng thạc sĩ trở lên, và phải có chứng chỉ đạt yêu cầu sát hạch tư cách giáo viên. Người giỏi mới được làm giáo viên. Các trường sư phạm tuyển sinh rất khắt khe, tỷ lệ được tuyển chọn chỉ đạt 10%. GS Sahlberg cho biết: trong năm 2010 có khoảng 6.600 ứng viên tranh nhau 660 chỗ giảng dạy ở cấp tiểu học. Nghề giáo thực sự là nghề cao quý, được xã hội kính trọng.
Tham dự Lễ ký kết, về phía JAMK UAS có Bà Maunonen-Eskelinen Irmeli, Bà Hannula Kaija, Ông Rissanen Markku; Về phía Trường ĐHSP Hà Nội có PGS, TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng, PGS, TS Đỗ Việt Hùng, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các Phòng QHQT, ĐT, KHCN, HCTH, TT Phát triển Nghiệp vụ Sư phạm. Phát biểu tại buổi lễ, Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: “Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai trường đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình đẩy mạnh quan hệ quốc tế của ĐHSP Hà Nội với một nền giáo dục hiện đại và tốt nhất thế giới hiện nay. Đây là cơ hội mới để Nhà trường có thêm động lực thay đổi cơ bản và toàn diện chương trình đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực.”
Các đại biểu tham gia lễ ký đã dành một thời lượng đáng kể để thảo luận về những khả năng và hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa những điều khoản hai trường đã cam kết. Nhiều vấn đề được hai bên quan tâm sẽ được trao đổi thường xuyên thông qua các phương tiện kỹ thuật (tele-conferencing, skype meeting, webpage…) và các cuộc gặp trực tiếp, thỉnh giảng. Phòng QHQT có trách nhiệm kết nối các hoạt động để thực hiện chương trình hợp tác./.
Dưới đây là một vài hình ảnh của buổi ký kết hợp tác.
Nguồn: Phòng QHQT
Publish: P.HC-TH