Giáo sư Phương Lựu (phải)
tại lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. (Nguồn: GD&TĐ)
Sáng 14/3, giáo sư, tiến sỹ khoa học, nhà giáo nhân dân Phương Lựu (Bùi Văn Ba), người vừa được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2010, đã trực tiếp tới Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trao toàn bộ số tiền thưởng 200 triệu đồng tặng các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Trong số này, ông ủng hộ Trung ương Hội 100 triệu đồng, còn 100 triệu đồng dành tặng Quỹ Bảo trợ nạn nhân da cam tỉnh Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, xã Nghĩa Thương, quê hương của ông.
Giáo sư Phương Lựu năm nay đã 76 tuổi, công tác tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiều năm. Ông rất vinh dự, tự hào khi được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và quyết định dành toàn bộ số tiền thưởng để hỗ trợ các nạn nhân da cam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết Trung ương Hội sẽ dành số tiền này hỗ trợ Quảng Ngãi xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc các nạn nhân da cam. Một trong số các trung tâm xây dựng ở đây sẽ mang tên giáo sư.
Hội cũng trân trọng ghi nhận, cảm ơn những tình cảm sâu sắc của giáo sư đối với những người khó khăn, trong đó có các nạn nhân chất độc da cam.
Gần 20 năm nay, Giáo sư Phương Lựu đã giành được nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Giáo sư đều dành toàn bộ số tiền nhận được từ các giải thưởng để đóng góp cho các tổ chức xã hội, các cơ quan, trường học nơi ông đã từng công tác và học tập, từ việc tặng thưởng các cháu học nghèo học giỏi trường tiểu học Vạn An, đến việc sáng lập giải thưởng Nghiên cứu sinh xuất sắc ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội...
Cụm công trình của ông vừa được Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm “Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX” (2001); “Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh” (2002); “Lý luận phê bình văn học” (2004); “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (2005)”; “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007)./.
Thanh Giang (TTXVN)
Theo: www.vietnamplus.vn
Tin từ giaoduc.net.vn:
GS.TSKH Phương Lựu tặng 200.000.000 đồng cho nạn nhân da cam
Sáng nay 14/3, tại trụ sở Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (35 Hồ Mễ Trì – Thanh Xuân – Hà Nội), GS. TSKH, nhà giáo, nhà văn Phương Lựu đã trao tặng số tiền 200.000.000 đồng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Thay mặt cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ông Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tiếp nhận số tiền ủng hộ này.
Được biết, số tiền này là Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá mà GS. TSKH, nhà giáo, nhà văn Phương Lựu vừa được nhận với công trình nghiên cứu khoa học của mình.
Đó là: Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX (2001), Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh (2002), Lý luận phê bình văn hóa (2004), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học (2005), Tư tưởng văn hóa nghệ thuật của Chủ nghĩa Mác phương Tây (2007).
Những cuốn văn hóa nghệ thuật này tập trung vào các vấn đề lý luận phê bình và phương pháp nghiên cứu văn học. Riêng cuốn “Lý luận phê bình văn học” là tuyển chọn từ những bài nghiên cứu riêng lẻ của nhà văn Phương Lựu trong hơn 1 nửa thế kỷ qua.
Ngay sau khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn Phương Lựu đã có ý tưởng dành tặng tất cả giải thưởng tặng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Số tiền 200.000.000 đồng sẽ được nhà văn ủng hộ chia đều cho Trung ương Hội bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 100.000.000 đồng, 100.000.000 đồng còn lại dành tặng Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh Quảng Ngãi, của huyện Tư Nghĩa, của xã Nghĩa Thương… theo tỷ lệ cái trước gấp đôi cái sau.
|
GS. TSKH, nhà giáo, nhà văn Phượng Lựu trao tặng ủng hộ nạn nhân da ca/dioxin Việt Nam. (Ảnh Thu Hòe) |
|
GS. TSKH, nhà giáo, nhà văn Phương Lựu, người mới được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. (Ảnh Thu Hòe) |
“Có nhiều khi tôi cứ ngồi nghĩ, trong xã hội ta hiện nay những người nào là khổ nhất. Và tôi nghĩ, đó chính là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Số phận của những con người bất hạnh ấy trực tiếp liên quan đến cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của dân tộc.
Tôi không coi đây là một việc làm từ thiện mà là một sự báo đáp, đền ơn cho những con người cả dân tộc đang mắc nợ. Đó là trách nhiệm… Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang phải gánh chịu những nỗi đau khủng khiếp và đau xót tột đỉnh.
Hy vọng những sự đóng góp ít ỏi này sẽ xoa dịu được nỗi đau da cam của hàng vạn nạn nhân, hàng vạn gia đình đang phải gánh chịu những tổn thương, mất mác, di chứng do chiến tranh để lại…”, nhà văn Phương Lựu chia sẻ trong buổi lễ trao nguồn tài trợ.
Được biết, hằng năm vợ chồng nhà văn Phương Lựu đều dành số tiền từ 5.000.000 đồng -10.000.000 đồng để làm từ thiện. Các giải thưởng đạt được trong cuộc đời nghiên cứu, sáng tác, vợ chồng ông đều dành ra hơn nửa để làm từ thiện.
|
Ông Nguyễn Văn Rinh trao chứng nhận "Tấm Lòng vàng" cho nhà văn Phương Lựu. (Ảnh Thu Hòe) |
Ông Nguyễn Văn Rinh đã đại diện cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao tặng “Giấy chứng nhận tấm lòng vàng” của Hội cho GS. TSKH, nhà giáo, nhà văn Phương Lựu.
“Thay mặt cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thay mặt cho tất cả các nạn nhân da cam của Việt Nam, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành, bày tỏ sự cảm phục, trân trọng trước tấm lòng nghĩa cử cao đẹp của GS. TSKH, nhà giáo, nhà văn Phương Lựu.
Số tiền 200.000.000 không hề nhỏ đối với 1 thầy giáo về hưu, 1 nhà văn và đặc biệt, đó lại là giải thưởng của Giải thưởng Hồ Chí Minh danh giá.
Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ làm tốt nhiệm vụ là nhịp cầu nối trung chuyển, chuyển món quà ý nghĩa này đến tận tay các nạn nhân, các gia đình da cam…” ông Nguyễn Văn Rinh chia sẻ.
|
Buổi lễ trao nguồn tài chợ cảm động diễn ra sáng nay 14/3 tại trụ sở Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Ảnh Thu Hòe) |
Đại tá Lê Cường, Phó trường ban tuyên truyền, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tâm sự: “Hy vọng rằng, những tư tưởng, tình cảm, tấm lòng của GS. TSKH, nhà giáo, nhà văn Phương Lựu sẽ được lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Đây thực sự là một nghĩa cử cao đẹp, nhân văn và đáng để trân trọng, để tôn vinh trong xã hội hiện đại, xô bồ dưới tác động của kinh tế thị trường. Hy vọng và mong muốn rằng sẽ ngày càng có thêm những tấm lòng như thế hướng đến cộng đồng nạn nhân da cam/dioxin…”
Theo: giaoduc.net.vn