Phóng viên (PV): Nhà giáo luôn có vai trò, vị thế quan trọng trong nền giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay, giáo dục đã có nhiều hình thức đào tạo khác nhau. Vậy theo thày, vai trò và vị thế của nhà giáo có gì thay đổi?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Trước hết, tôi cho rằng việc phát triển nhanh về khoa học công nghệ, đặc biệt là các phương tiện kỹ thuật gắn liền với giáo dục đã mở ra cho học sinh nhiều cách tiếp cận với kiến thức cũng như các hiểu biết khác. Tuy nhiên, phải khẳng định vị trí, vai trò của giáo viên vẫn không có gì thay đổi. Có chăng trước đây giáo viên dạy học theo cách thuyết trình một chiều, mang tính thuyết giảng nhiều và học sinh chỉ có thể thụ động ghi nhận kiến thức thì bây giờ người thày như người tổ chức, hướng dẫn để học sinh có cách nhận thức phù hợp nhất. Theo tôi, dù nền giáo dục có phát triển đến đâu đi nữa thì người thày vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách và phát triển tri thức của học sinh. Hiện nay, Việt Nam đang trong xu hướng hội nhập quốc tế hướng học tập suốt đời với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật nhưng phương tiện ấy không thể thay thế người thày được. Điều này để nói rằng vai trò vị trí của nhà giáo luôn cực kỳ quan trọng trong nền giáo dục.
PV: Là một ngôi trường có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo đội ngũ giáo viên cho cả nước, Nhà trường đã có những chuẩn bị gì cho việc đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Tính tới thời điểm này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có lịch sử hơn 60 năm phát triển, đã đào tạo một đội ngũ đông đảo các giáo viên và họ đã và đang có mặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu mới của nền giáo dục, nhà trường đang tập trung đào tạo theo hướng thay vì cung cấp kiến thức thụ động cho người học sẽ chuyển sang cung cấp kiến thức để hình thành năng lực cho sinh viên. Năng lực ở đây được hiểu là anh có kiến thức và anh vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Trong đó, năng lực dạy học, năng lực giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực phát triển cá nhân và cộng đồng được chú ý nhất.
Để làm được điều này, chúng tôi đã nghiên cứu chương trình giáo dục của các nước khác và xem thử một học sinh trong thời đại ngày nay cần những năng lực gì. Sau khi xác định các năng lực cơ bản mà học sinh cần, chúng tôi sẽ xây dựng một chương trình để đào tạo sinh viên ra trường có đủ khả năng tổ chức giảng dạy, giáo dục và hình thành năng lực đó cho học sinh.
Có thể hình dung như thế này, trước đây chúng ta làm nhà thì mua sắt, thép, xi măng về dựng nhà là xong, nhưng bây giờ đã khác, chúng ta phải có bản vẽ. Trong chương trình mới tức là bản vẽ, những kiến thức sẽ được phân loại chỗ nào thì cần viên gạch nào chứ không phải cái nào cần là đặt vào được. Như vậy chúng ta sẽ cung cấp cho sinh viên đủ những nền tảng kiến thức để khi ra trường họ có thể vận dụng, giúp các em học sinh có kiến thức để hình thành năng lực. Ví dụ kiến thức sinh học, hóa học có thể giúp các em bảo vệ môi trường hay vật lý liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng v.v…
PV: Theo kế hoạch, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tiến hành đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015. Chủ trương của Bộ sẽ xã hội hóa viết sách giáo khoa. Vậy theo thày, phương thức biên soạn như thế nào để có được bộ sách giáo khoa đạt chất lượng tốt nhất?
PGS. TS Nguyễn Văn Minh: Theo tôi, để có bộ sách tốt, trước hết chúng ta phải xây dựng được 1 khung Chương trình tốt và điều này rất quan trọng vì khi xác định được khung Chương trình thì lúc đó viết sách có nhiều thuận lợi hơn. Tôi được biết hiện nay Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị để có được chương trình vừa hiện đại, vừa thiết thực, vừa đạt được những yêu cầu đổi mới.
Thứ hai, đội ngũ tham gia viết sách phải đáp ứng được 2 tiêu chí là có kinh nghiệm và có khả năng tiếp cận với những vấn đề mới của giáo dục. Điều này đòi hỏi tầm phổ quát của người viết rất là cao. Tức là khi anh viết phải xác định đối tượng là ai, nắm được tâm sinh lý của lứa tuổi như cấp 1 ngồi tập trung được bao lâu, cấp 2 thì được bao lâu v.v…, rồi đối tượng là người trực tiếp giảng dạy, chúng ta xem khả năng của họ như thế nào, cái gì người ta cần bổ sung, cái gì người ta đã có. Điều này đòi hỏi người viết sách phải đáp ứng được mục tiêu chính của SGK mới là chuyển từ phương thức truyền thụ kiến thức cũ sang hình thành và phát triển năng lực gắn với thực tiễn xã hội. Tính phổ quát cũng đòi hỏi sự am hiểu về yếu tố địa lý, văn hóa của từng vùng miền khác nhau.
PV: Với cương vị là người đứng đầu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thời gian tới nhà trường phải làm gì để xứng đáng là "Trung tâm mô phạm của cả nước" như lời dạy của Bác Hồ khi về thăm?
PGS.TS Nguyễn Văn Minh: Ngày 21/10 vừa rồi nhà trường đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm trường. Trong đó chúng tôi quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác bằng những việc làm cụ thể. Thứ nhất, với vai trò và chức năng của một trường trọng điểm, nhà trường đang tập trung các nguồn lực xây dựng chương trình đào tạo mới. Năm vừa rồi chúng tôi đã xây dựng được chương trình đại học và tới đây bắt đầu chuyển sang chương trình sau đại học. Thứ hai, nhà trường đang chuẩn bị cho việc đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có vì hiện tại các trường sư phạm không thể cung cấp đầy đủ ngay một đội ngũ giáo viên mới theo yêu cầu. Trong khi đó, chúng ta có khoảng 1 triệu giáo viên đang làm việc ở các trường. Vì vậy, nhà trường đang xây dựng 1 chương trình đào tạo để khi có sách giáo khoa mới thì Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ đi đầu trong việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Để làm được điều này, chúng ta cần những cách làm khác nhau, thí dụ như chỗ nào thì đào tạo tập trung, chỗ nào thì đào tạo kết hợp sử dụng các phương tiện thông tin và thầy cô dạy trực tiếp...
Việc thứ 3 là tập trung nhân lực cùng Bộ GD&ĐT soạn thảo chương trình cũng như công việc chuẩn bị sách giáo khoa mới. Thứ tư là thay đổi 1 cách căn bản về đào tạo nghiệp vụ, thay vì cứ thuyết trình như trước, người thầy là người tổ chức hướng dẫn, từ đó tạo cho sinh viên phương thức học tập mới để khi ra trường các em có thể tự tin thích ứng ngay với thay đổi của giáo dục. Kế hoạch này nhà trường không phải chỉ xây dựng cho 5, 7 năm mà phải có 1 tầm nhìn dài hạn, tức là dự đoán tương lai của nền giáo dục.
Tôi nghĩ rằng đây là những việc lớn nhà trường cần tập trung giải quyết để làm sao giáo viên mà trường đào tạo ra đáp ứng được nhu cầu thực tế, đồng thời đội ngũ giáo viên đang làm việc phải tự cập nhật, để có thể thích nghi được với đổi mới giáo dục. Tôi tin tưởng, làm được những điều này chính là hành động thiết thực để thực hiện lời dạy của Bác, xây dựng trường ĐH Sư phạm Hà Nội thành trường mô phạm của cả nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn thày!
Theo: Thanh Hoa - Kim Sơn (www.cpv.org.vn)