Đối với các vùng khó khăn, hoàn thiện chính sách tạo nguồn tuyển sinh sư phạm cho người dân tộc thiểu số và ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Giao chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo chế độ cử tuyển. Nâng cao hiệu quả chế độ cử tuyển để tăng nhanh số lượng giáo sinh là người dân tộc trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm, từ đó tăng số lượng giáo viên là người dân tộc thiểu số. Ban hành và triển khai quy định về nghĩa vụ của giáo sinh sau khi ra trường phải tuân theo sự điều động của nhà nước để góp phần khắc phục sự thiếu hụt giáo viên ở các vùng khó khăn.
Chỉ tiêu đào tạo hằng năm của các trường sư phạm phải với nhu cầu giáo viên (theo số lượng, cơ cấu môn học…) của các địa phương. Trên cơ sở điều tra về thực trạng thừa thiếu giáo viên hiện nay, cân đối lại chỉ tiêu tuyển sinh, tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên còn thiếu, đảm bảo đủ giáo viên cho các môn học: nhạc, họa, thể dục, công nghệ, tin học, giáo dục quốc phòng, giáo dục công dân… tạo sự cân đối trong cơ cấu đội ngũ giáo viên các cấp bậc học.Trên cơ sở quy hoạch lại hệ thống các cơ sở sư phạm, phân công trách nhiệm cụ thể cho các trường trong việc cung ứng giáo viên theo từng cấp học, môn học cho từng vùng, từng tỉnh.Tăng cường quan hệ “cung cầu” giữa địa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở quy hoạch nhân lực giáo dục.
Bộ cũng sẽ tổ chức bồi dưỡng và ổn định đội ngũ giáo viên cốt cán cho các bậc mầm non, phổ thông của từng trường, từng huyện, từng tỉnh. Đội ngũ này tuyển từ những giáo viên có phẩm chất tốt, trình độ chuyên môn giỏi, trình độ đào tạo cao để phục vụ cho nhiệm vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và bồi dưỡng giáo viên.
Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới công tác bồi dưỡng thường xuyên cho Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên đã được ban hành. Thực hiện đổi mới phương thức tổ chức thực hiện theo hướng thực sự tăng cường tính tự học, tự bồi dưỡng của người học, trách nhiệm của nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục.
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giảng viên đại học, cao đẳng. Cụ thể, bồi dưỡng các chuyên đề trong nước và ngoài nước cho đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng nhằm tiếp cận với tri thức và thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới. Kết hợp chặt chẽ công tác bồi dưỡng giảng viên với công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất theo hướng đưa kết quả nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất thành một tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá giảng viên.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học, gắn với quy hoạch đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học, bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.
Nhà giáo và CBQLGD cũng được tạo điều kiện để được tăng cường trao đổi, giao lưu, hợp tác quốc tế. Có chế độ mời giảng viên nước ngoài tới làm việc, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học. Tiếp tục tăng đầu tư và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các đề án đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; trong đó đặc biệt ưu tiên cho đội ngũ nhà giáo các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Hiếu Nguyễn