|
Bác Hồ chúc Tết. (Ảnh: Tuấn Anh, nguồn: Internet) |
Còn nhớ, lúc vừa tròn hai tuổi, dưới tên gọi Nguyễn Sinh Cung, Người đã được đón cái Tết Nhâm Thìn (1892) đầu tiên trên quê nhà xứ Nghệ. Một cái Tết trong vòng tay của cha mẹ và ông bà ngoại tại làng Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An. 12 năm sau, Người tiếp tục được đón cái Tết năm Giáp Thìn (1904) cũng tại quê nhà. Năm này, Người 14 tuổi và đang theo học chữ Hán với những thầy đồ nổi tiếng hay chữ và giàu lòng yêu nước ở vùng đất Nghệ Tĩnh và bước đầu tiếp xúc với khẩu hiệu : Tự do-Bình đẳng-Bác ái.
Ngày 5-6-1911, với lòng yêu nước nồng nàn và lòng căm thù bọn thực dân xâm lược sâu sắc, Người đã đi ra nước ngoài để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Không theo phái Đông du sang Nhật, Người hướng sang các nước phương Tây, nơi có phong trào đấu tranh cho tự do, dân quyền, dân chủ và có nền khoa học, kĩ thuật hiện đại. Và thế là với 30 năm bôn ba đi tìm hình của nước, Người đã có ba lần đón những cái Tết năm Thìn trên xứ người.
Năm Bính Thìn (1916), Người đón Tết ở xứ sở đảo quốc sương mù. Tại đây, Người đã ra sức hoạt động trong phong trào công nhân Anh và tiếp tục học tập lý luận cách mạng với tinh thần kiên trì cố gắng rất lớn. Trong thời gian này, tuy không tán thành chủ trương cải cách của cụ Phan Châu Trinh, nhưng Người vẫn thường trao đổi thư từ với Cụ để bàn bạc về con đường cứu nước, giải phóng đồng bào. Đây cũng là thời gian mà phong trào cách mạng trong nước đang ngày càng dâng cao. 12 năm sau, vào mùa thu năm Mậu Thìn (1928), Người về Thái Lan, đến ở Bản-đông, Phi-chít (miền Trung Thái Lan) với biệt hiệu là Nam Sơn. Sau hai tuần, Người đến U-đon (miền Đông Bắc Thái Lan), rồi đi Xa-côn, Nông-khai, Mục-đa-hán, Băng-cố v.v…
Đi đến đâu, Người cũng mở lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng; nói chuyện tình hình thế giới, trong nước, tuyên truyền giác ngộ kiều bào. Tại đây, Người chủ trương đổi tên báo Đồng Thanh (của Hội Thân Ái, phát hành năm 1927) thành báo Thân Ái và tiếp tục thông qua tờ báo này đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhận thấy kiều bào nơi đây rất hay đi lễ Đức Thánh Trần, Người liền soạn “Bài ca Trần Hưng Đạo” ca ngợi tinh thần yêu nước của Đức Thánh Trần và của tổ tiên ta, khích lệ ý chí quật cường, tinh thần đánh giặc, cứu nước của kiều bào : “Một người Việt hãy đương còn/ Thì non sông Việt vẫn non sông nhà”. “Bài ca Trần Hưng Đạo” được truyền bá nhanh chóng và có hiệu quả lớn. Nhiều “đệ tử Đức Thánh Trần” trước chuyên đi lễ, đã dần dần giác ngộ tham gia Hội Thân Ái và những hoạt động yêu nước khác.
Trong thời gian này, Người còn dịch cuốn “Nhân loại tiến hóa sử” và cuốn “Cộng sản ABC” để làm tài liệu huấn luyện cho cán bộ. Đến đâu, Người cũng nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống lao động của kiều bào. Người ăn mặc như kiều bào và tham gia lao động từ nhẹ đến nặng cùng kiều bào. Chính vì thế, Người được kiều bào kính trọng, yêu mến gọi là Thầu Chín.
Có thể nói, trong những thắng lợi của cách mạng sau này, kiều bào ta ở Xiêm đã có sự đống góp xứng đáng. Hai năm sau, bằng bãn lĩnh và uy tín của mình, Người đã đứng ra hợp nhất các tổ chức Đảng, thành lập ra một chính Đảng duy nhất với tên gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930). Từ khi Đảng ra đời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Người và của Đảng, cách mạng Việt Nam ngày càng trào dâng.
Đầu năm Canh Thìn (1940), từ Thái Lan, Người về Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam-Trung Quốc) và bắt liên lạc được với bộ phận ở ngoài nước của Đảng ta. Sau khi tìm hiểu tình hình tổ chức của ta ở đây, Người nêu ra một số ý kiến chỉ đạo cụ thể : Đối với tờ báo Đồng Thanh, Người đề nghị đặt tên là “Đ.T” để có thể ngầm hiểu là “Đồng thanh”, “Đồng Tâm”, “Đấu tranh”, “Đánh Tây” …
Đối với Hội nhân dân Việt Nam ủng hộ Trung Quốc chống giặc (một tổ chức của ta được thành lập ở Vân Nam từ trước và được chính quyền Quốc dân Đảng cho phép hoạt động), thì Người căn dặn phải củng cố và duy trì Hội để dễ dàng hoạt động và lấy giấy tờ hợp lệ đi lại. Bản thân Người dùng giấy tờ của Hội để đi kiểm tra các cơ sở của Đảng ta ở Vân Nam.
Tháng 6-1940, Đức tấn công nước Pháp, Chính phủ Pháp đầu hàng. Trước tình hình đó, Người quyết định : Các đồng chí cán bộ của ta đang hoạt động ở Trung Quốc khẩn trương chuẩn bị về nước và nắm lấy phong trào cách mạng. Bản thân Người cùng một số cán bộ chuyển về Quảng Tây, sát biên giới Việt – Trung để tìm đường về nước. Đầu tháng 12-1940, Người về đến Tĩnh Tây. Ở đây, Người đã họp với đồng chí Hoàng Văn Thụ (người thay mặt Trung ương Đảng ở trong nước).
Đầu năm 1941, sau 30 năm xa nước, Người đặt chân về với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu. 4 năm sau ngày Người trở về, Cách mạng Việt Nam đã có bước ngoặt lớn. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Nước Việt Nam mới còn trong trứng nước, thực dân Pháp đã âm mưu thôn tính nước ta lần nữa. Tháng 12-1946, Người lại phải ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cuộc kháng chiến bước sang năm thứ 6 cũng là lúc cả dân tộc ta cùng Người đón cái Tết năm Nhâm Thìn (1952). Năm này, sau một năm Đảng ra công khai hoạt động với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, cả dân tộc ta đã tiếp tục phát huy được những thành quả của mình trên nhiều mặt- nhất là trên mặt trận quân sự.
Trong bài viết “Sau lũy tre xanh”, Người đã nêu rõ : “Sau lũy tre xanh/ Trước lũy tre xanh/ Ta đánh cho giặc Pháp tan tành tả tơi” (C.B- Báo Nhân dân số 40, ngày 10-1-1952). Quả thực, chúng ta sẽ là những người chiến thắng hiện tại cũng như trong tương lai, vì con đường đi của chúng ta được học thuyết vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng. Chính với niềm tin đó, bước vào năm 1952, nhân dịp Tết Nhâm Thìn, Người có lời Thơ chúc Tết đầy phấn khởi, tự hào; có tác dụng động viên, kêu gọi, thôi thúc lớn : “Xuân này, Xuân năm Thìn/ Kháng chiến vừa 6 năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc chắn trăm phần trăm/ Chiến sĩ thi giết giặc/ Đồng bào thi tăng gia/ Năm mới thi đua mới/ Thắng lợi ắt về ta/ Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân” (Báo Nhân dân, số 42, ngày 24-1-1952). Lời thơ thật giản dị, ấm cúng mà tràn đầy sự tin tưởng, quyết tâm.
Những vần thơ Tết kháng chiến đó đã ăn sâu vào tình cảm nhân dân. Vì vậy, từ những năm ấy, trong dân gian đã truyền tụng những câu ca dao: “Cụ Hồ ở giữa lòng dân/ Tuy xa xa lắm, nhưng gần gần ghê/ Mỗi khi thư Cụ gửi về/ Rộn ràng khắp chợ cùng quê đón mừng/ Ai ngoài muôn dặm trùng dương/ Cũng thường nhận được tình thương Cụ Hồ”. Quả đúng như sự khẳng định của Người, hai năm sau, vào tháng 5-1954, Nghe theo lời Đảng, làm theo lời Bác, cả dân tộc ta đã đoàn kết một lòng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sau chiến thắng này, thực dân Pháp đã phải cuốn gói cút khỏi nước ta.
Không rút kinh nghiệm từ những thất bại cay đặng của Thực dân Pháp, tên sen đầm đế quốc Mỹ nhảy vào xâm chiếm nước ta. Chúng gây nên những tội ác tày trời. Bác Hồ kính yêu cùng với Đảng ta lại tiếp tục lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta kháng chiến chống Mỹ.
Đặc biệt, bước vào năm Giáp Thìn (1964), đế quốc Mỹ đã có những hành vi leo thang ra ném bom đánh phá miền Bắc nước ta. Nhưng dân tộc ta vẫn nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Năm này, Bác của chúng ta cũng đã bước sang tuổi 74. Thế nhưng, với tinh thần thân dân, Tết năm đó, Bác đã có những chuyến vi hành đáng suy ngẫm.
Tối 30 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết cán bộ công nhân tại Khu tập thể Nhà máy cao su, Nhà máy xà phòng, Nhà máy thuốc lá; Khu tập thể cán bộ miền Nam tập kết ở phố Phan Đình Phùng và một số gia đình ở Hà Nội... Sáng mồng 1 Tết, Bác đến thăm và chúc Tết Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện Đông Anh; thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân trạm biến thế điện và hợp tác xã nông nghiệp Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, là đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào sản xuất và tiết kiệm. Nói chuyện với bà con nông dân hợp tác xã Lỗ Khê, Bác căn dặn phải chú ý phát triển hoa màu, chăn nuôi, trồng nhiều cây và chăm sóc cây tốt, đẩy mạnh vệ sinh phòng bệnh. Bác khen câu khẩu hiện bằng thơ ở trên đình làng: “Đón Xuân mở hội làm giàu/ Mừng Xuân cần kiệm lúa màu tốt tươi”.
Sau đó, Bác thăm và chúc Tết cán bộ chiến sỹ Sở công an Hà Nội. Đặc biệt, vào lúc giao thừa, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Người đọc Thư chúc mừng năm mới gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào nước ngoài, trong đó có lời thơ ấm áp : “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà/ Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Trong năm này, nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt tại Hà Nội (3-1964) với 325 đại biểu thay mặt cho các đảng phái, dân tộc, tôn giáo và nhân sĩ trí thức, biểu thị ý chí đoàn kết thực hiện mục tiêu xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.
Tình cảm, ý chí đó của Người đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ra sức dốc lòng thực hiện. Cả ba miền Bắc-Trung-Nam dậy lên những chiến công vang dội dẫn đến sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Có thể nói, đây là thời gian mà Người luôn đau đáu nỗi niềm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1969, Người đi vào cõi vĩnh hằng. Năm 1975, nỗi niềm đau đáu của Người đã được thực hiện. Bắc-Nam liền một biển. Năm Bính Thìn (1976) đất nước trọn niềm vui khi nước nhà mang tên gọi mới : Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
…Ôi ! Vĩ đại thay, một con Người luôn nghĩ tới nhân dân, suốt đời cống hiến và hi sinh cho dân, cho nước ! Tự hào thay, một con người mà “một đời thanh bạch chẳng vàng son” và luôn biết “nâng niu tất cả, chỉ quên mình !”.
Nguyễn Thị Thọ
theo: giaoducthoidai.vn