Sáng ngày 28/8/2014 tại Hội trường K, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học xây dựng bộ đề thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2016 tại Việt Nam. Hội nghị là cơ sở để xúc tiến thành lập Ban chuyên môn của kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 27 năm 2016 tại Việt Nam. Tới tham dự Hội nghị có TS. Poon Kasemsap (Chủ tịch Ủy ban Olympic Sinh học Quốc tế), GS.TS. Anindrya Sinha (Viện nghiên cứu tiên tiến quốc gia, Ấn Độ), PGS.TS. Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT), GS.TS. Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam), PGS.TS. Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng đông đảo các nhà khoa học từ nhiều Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Trường THPT chuyên trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Nhà trường đã khẳng định “IBO 2016 là một sự kiện quan trọng góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, chủ động hội nhập của Đảng và Nhà nước; góp phần thúc đẩy phong trào học tập nói chung và phong trào học tập, nghiên cứu môn Sinh học nói riêng trong thanh thiếu niên Việt Nam”. Với hội nghị này, ông cho rằng “Một trong những hợp phần quan trọng, có ý nghĩa cơ bản, quyết định thành công của kì thi đó là công tác chuyên môn, chuẩn bị bộ đề thi… Đây sẽ là diễn đàn vừa có tính chất khởi động vừa có tính chất định hướng công tác chuyên môn cho cả một sự kiện có tầm vóc quốc tế.” Hội nghị khởi động cho công tác tổ chức IBO 2016 tại Việt Nam cũng vinh dự được đón tiếp và nghe bài giới thiệu tổng quan về Olympic Sinh học Quốc tế từ khi hình thành và tiếp nối đến ngày nay của đích thân Chủ tịch Ủy ban IBO quốc tế, TS. Poon Kasemsap. Ngay sau đó, PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn (Trưởng Khoa Sinh học, Trường ĐHSPHN) đã giới thiệu những điều cần lưu ý khi xây dựng bộ đề thi IBO 2016 tại Việt Nam. Đề thi của IBO tập trung vào 9 lĩnh vực: Tế bào học (Cell biology), Vi sinh vật học (Microbiology), Công nghệ sinh học (Biotechnology), Giải phẫu và sinh lý thực vật (Plant anatomy & Physiology), Giải phẫu và sinh lý động vật (Animal anatomy & Physiology), Tập tính học (Ethology), Di truyền và Tiến hóa (Genetic & Evolution), Sinh thái học (Ecology) và Sinh học hệ thống (Biosystematics). IBO có cả thi lí thuyết và thực hành, bao gồm cả nội dung sinh học cơ bản và sinh học hiện đại. Số lượng phòng thí thực hành là 4 (khác với Olympic Hóa học chỉ có 2 phòng).
Để lấy ý tưởng sáng tạo làm cơ sở cho các nhà chuyên môn hoàn thiện biểu tượng (Logo) của cuộc thi, đồng thời tăng cường hoạt động tuyên truyền cho IBO 2016 tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cuộc thi “Sáng tác Logo cho Olympic Sinh học quốc tế năm 2016 tại Việt Nam”. Tại Hội nghị, thay mặt Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tác Logo IBO 2016, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn (Phó Trưởng Khoa Sinh học, Trường ĐHSPHN) đã tổng kết và công bố trao giải cuộc thi cũng như giới thiệu logo chính thức của Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 vào năm 2016 tại Việt Nam. Đã có 501 tác phẩm dự thi gửi về từ 21 tỉnh thành trong cả nước. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có quyết định khen thưởng và trao phần thưởng cho 5 tập thể và 1 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho Cuộc thi bao gồm: Trường THPT Chợ Gạo, Sở GD&ĐT Tiền Giang; Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sở GD&ĐT Nghệ An; Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Sở GD&ĐT Phú Thọ; Trường THPT Lê Thế Hiếu, Sở GD&ĐT Quảng Trị; Trường THPT chuyên Thăng Long, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và em Vũ Thị Diệu Hương (Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội). Kết quả cuộc thi, Giải Nhất đã thuộc về em Kha Hoàng Linh (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), Giải Nhì thuộc về em An Bình Giang (Nhà thiết kế, Công ty Quảng cáo Mai Thanh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), đồng Giải Ba thuộc về em Phạm Thị Phúc Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và em Nguyễn Trí Toàn (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh). Tác phẩm đạt Giải Nhất đã được chỉnh sửa hoàn thiện và sử dụng làm logo chính thức của IBO 2016. Ý nghĩa của logo được em Kha Hoàng Linh thuyết minh: “Việt Nam đã từ lâu được biết đến bởi sự đa dạng sinh thái nhiệt đới gió mùa. Bởi vậy logo IBO Việt Nam 2016 được thể hiện tính đặc trưng sinh thái đó. Trong đó hoa sen không chỉ đại diện cho hệ thực vật phong phú Việt Nam mà còn mang ý nghĩa về văn hóa Việt Nam, đó là quốc hoa Việt Nam, bởi sức sống vươn lên mạnh mẽ trong môi trường sống của nó. Chính vì vậy hướng chính của logo sẽ là vươn lên, khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức. Nhịp điệu của logo không chỉ là sự kết hợp đan xen giữa động, thực vật phong phú (lưới thức ăn - mối liên hệ chặt chẽ) ở Việt Nam mà còn thể hiện trạng thái xoắn kép Gen (AND) đặc trưng của sinh học. Điểm nhấn của logo chính là hình tượng chim lạc bay lên từ hướng chính của logo sẽ càng làm rõ và bổ trợ cho tính phấn đấu chinh phục đỉnh cao tri thức của các bạn học sinh trên toàn thế giới khi đến với IBO Việt Nam 2016. Hòa sắc logo luôn thể hiện tính quốc tế của một cuộc thi Olympic.”
Sau Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi Sáng tác logo cho Olympic Sinh học Quốc tế năm 2016 tại Việt Nam, các đại biểu tiếp tục được nghe các tham luận về những yêu cầu cũng như kỹ năng, kinh nghiệm trong việc ra đề và tổ chức kì thi IBO của GS.TS. Anindrya Sinha (Ấn Độ), TS. Phạm Văn Lập, PGS.TS. Đinh Đoàn Long (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN), ThS. Lê Đình Tuấn (Trường ĐHSPHN). Chiều cùng ngày, các tiểu ban chuyên môn đã họp để thảo luận về kế hoạch xây dựng bộ đề thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2016 tại Việt Nam.
Trong cùng ngày, theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tưởng Chính phủ đã kí Quyết định số 1534/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 Phê duyệt Đề án tổ chức Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 27 năm 2016 tại Việt Nam. Theo đó, IBO 2016 được tổ chức tại thành phố Hà Nội trong 8 ngày (từ ngày 17/7/2016 đến hết ngày 24/7/2016) với sự tham gia của khoảng 70 đoàn đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi đoàn có khoảng 8 thành viên, gồm lãnh đạo đoàn, học sinh và quan sát viên. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia IBO 2016; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Phó Trưởng ban thường trực. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được chỉ đạo là đơn vị chủ trì. Ban chỉ đạo quốc gia IBO 2016 chỉ đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kì thi thực hành và phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN tổ chức thi thực hành IBO 2016. Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội các ngành Sinh học Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc tổ chức IBO 2016. Việc phê duyệt Đề án nhằm tổ chức tốt Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 27 năm 2016 tại Việt Nam, khuyến khích học tập và giảng dạy môn Sinh học trong nhà trường; góp phần phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo học sinh tài năng về Sinh học và thực hiện tốt đường lối đối ngoại, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước. Để đạt được mục tiêu trên, Đề án yêu cầu phải tuân thủ đúng Điều lệ của IBO, các quy định của Trung tâm Điều hành quốc tế đối với nước đăng cai tổ chức IBO và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; huy động sự tham gia, phối hợp liên ngành của các Bộ, ngành, địa phương liên quan để tổ chức IBO 2016, bảo đảm khoa học, tiết kiệm, an ninh, an toàn và hiệu quả; thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết, bản sắc văn hóa dân tộc, tạo ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 25 năm 2014 vừa diễn ra tại Indonesia (từ ngày 5-13/7/2014) với sự tham gia của hơn 200 thí sinh tranh tài ở 2 phần thi lý thuyết và thực hành. Đoàn Việt Nam có 4 thí sinh đều đoạt giải với 1 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng. Thành tích của đoàn Olympic Sinh học quốc tế năm nay đã khẳng định sự cố gắng của Việt Nam trong việc dạy và học môn Sinh học đồng thời tạo tiền đề cho thành công cả về khâu tổ chức cũng như thành tích của đoàn Việt Nam trong kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27 mà Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2016. Olympic Sinh học Quốc tế lần thứ 26 năm 2015 sẽ được tổ chức tại Đan Mạch.
Một số hình ảnh về Hội nghị khoa học xây dựng bộ đề thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2016 tại Việt Nam và Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác logo IBO 2016:
Ảnh 1. PGS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị
Ảnh 2. Toàn cảnh các đại biểu tham dự Hội nghị
Ảnh 3. Đoàn chủ tịch Hội nghị (từ trái qua phải: PGS.TS. Mai Văn Trinh, GS.TS. Nguyễn Lân Dũng, PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn)
Ảnh 4. TS. Poon Kasemsap - Chủ tịch Ủy ban Olympic Sinh học Quốc tế giới thiệu tổng quan về IBO
Ảnh 5. PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn giới thiệu những điều cần lưu ý khi xây dựng bộ đề thi IBO 2016 tại Việt Nam
Ảnh 6. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn trình bày báo cáo tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác Logo IBO 2016
Ảnh 7. Các đơn vị tập thể và cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì đã có đóng góp tích cực cho cuộc thi
Ảnh 8. Các cá nhân đoạt Giải Nhất, Nhì, Ba của Cuộc thi Sáng tác Logo IBO 2016
Ảnh 9. Sinh viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội giới thiệu Logo chính thức của IBO lần thứ 25 tổ chức vào năm 2016 tại Việt Nam
Ảnh 10. GS.TS. Anindrya Sinha trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng ra đề thi IBO
Bài và ảnh: Lê Trung Dũng (Khoa Sinh học)