PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Thực hiện xây dựng khung chương trình đào tạo giáo viên mới
Trong bối cảnh đổi mới toàn diện GD-ĐT, khâu đào tạo giáo viên là rất quan trọng. Giáo viên phải có những kiến thức cơ bản về định hướng đổi mới giáo dục, có cách nhìn hoàn toàn khác về dạy các môn học.
Trong vài năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã thực hiện xây dựng khung chương trình đào tạo giáo viên mới, đáp ứng những định hướng đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015. Việc đổi mới thi cử do đã được định hướng từ trước.
Về đào tạo, chúng tôi cũng sẽ tiếp cận đào tạo làm sao để khi sinh viên ra trường sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển năng lực cho học sinh. Điều này nhà trường cũng đã họp để rút ra kết luận và bắt đầu triển khai trong trường.
Chương trình đào tạo của của nhà trường sẽ có những thay đổi trong thời gian tới để giúp những giáo viên tương lai có thể có những kiến thức cần thiết để dạy học sinh có thể tiếp cận với cách học và cách thi cử mới.
Tuy nhiên, việc đào tạo trong các trường sư phạm không đủ để sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay được. Các em cần phải có sự tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong những giờ dạy thực tế.
PGS. TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp: Xây dựng bộ chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực
Với phương án thi mới, bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, các trường phổ thông sẽ phải thay đổi phương pháp dạy học theo hướng đánh giá năng lực và hình thức bài thi liên môn.
Các trường sư phạm cũng phải có những thay đổi trong chương trình đào tạo, trong tổ chức đào tạo để đáp ứng yêu cầu của ngành nghề, đào tạo các giáo viên tương lai để đáp ứng tốt với việc thay đổi cách dạy học, thi cử trong nhà trường phổ thông.
Đối với Trường ĐH Đồng Tháp, nhà trường đã xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định nhiệm vụ đổi mới theo chủ trương chung.
Đồng thời, Chương trình hành động của trường (triển khai Kế hoạch hành động của ngành giáo dục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo) cũng tập trung thực hiện các giải pháp chuẩn bị cho sự thay đổi của phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Cụ thể, trong năm học 2013 - 2014 vừa qua, Trường ĐH Đồng Tháp đã có kế hoạch xây dựng bộ chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển chương trình đào tạo sau năm 2015.
Trước mắt, năm học tới, hình thức thi mới sẽ được cập nhật vào môn học về kiểm tra đánh giá của các ngành đào tạo giáo viên.
Việc tổ chức dạy học, trong đó có kiểm tra đánh giá trong các trường sư phạm cũng phải chuyển dần sang đánh giá năng lực, hình thức liên môn …
PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên: Coi trọng việc tập huấn giảng viên sư phạm
Trường ĐHSP Thái Nguyên đã triển khai tích cực đổi mới chương trình đào tạo giáo viên.
Để làm tốt việc này chúng tôi coi trọng việc tập huấn giảng viên sư phạm về 3 khâu: Nghiên cứu những định hướng và yêu cầu mới của chương trình - SGK sau 2015 (mặc dù đang dự thảo); mô tả năng lực giáo viên (chuyên ngành, ngành và mục tiêu môn học); rà soát lại chương trình hiện hành.
Việc đổi mới thi cử từ 2 kì thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ vừa qua đã tác động mạnh mẽ đến nhà trường sư phạm. Nhà trường sư phạm đã và đang tích cực đổi mới đồng bộ từ các khâu chương trình, cách dạy và đánh giá.
Những nội dung quan trọng này đang được đưa vào dạy cho sinh viên sư phạm về lí thuyết cũng như thực hành. Đồng thời, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị chương trình bồi dưỡng giáo viên trong những năm tới.
Vấn đề phương pháp và kĩ thuật thi là một trong những nội dung cần phải đào tạo lại cho giáo viên. Nhìn chung, đã có sự bắt nhịp giữa hệ thống sư phạm với nhà trường phổ thông bởi đây là sự sống còn, là bổn phận và trách nhiệm chung của chúng ta trước sự nghiệp lớn.
Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã và đang triển khai mạnh mẽ việc xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên bằng việc đưa sinh viên xuống trường phổ thông nhiều hơn và các hoạt động được gắn kết hữu cơ, thể hiện vai trò của thực tiễn giáo dục phổ thông với nhà trường sư phạm và sự dẫn đường của nhà trường sư phạm trong công cuộc đổi mới.
Theo nhóm PV báo Giáo dục và Thời đại