1. Xin thầy cho biết quy trình tuyển chọn và tập huấn đội tuyển IChO được tiến hành như thế nào?
Về công tác tuyển chọn. Để được vào đội tuyển dự thi IChO, thí sinh phải dự thi 2 vòng, vòng 1 được tổ chức thường vào tháng 1, vòng 2 thường vào tháng 4 hằng năm. Năm nay, vòng 1 thi từ ngày 3 – 5/01/2014 với khoảng 460 thí sinh từ các tỉnh thành trong cả nước để chọn ra 32 em. Tiếp theo 32 em học sinh có điểm số cao nhất tiếp tục thi vòng 2 (ngày 25 – 27/3/2014) để chọn lấy 4 em có điểm cao nhất vào đội tuyển IChO.
Về công tác tập huấn. Các thí sinh đội tuyển IChO 2014 tập trung chính thức từ 16/4/2014 tại ĐHSP Hà Nội và kéo dài đến hết ngày 19/7/2014, tại đây các em được ăn nghỉ trong khu nhà VIP của Kí túc xá.
Căn cứ vào nội dung chuẩn bị (do nước đăng cai đề nghị nội dung để tất cả các nước tham gia sẽ ôn luyện thí sinh – tác giả), chúng tôi mời các thầy cô chủ yếu là giảng viên của khoa Hóa học trường ĐHSP Hà Nội và trường ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội tập huấn cho các em cả lí thuyết lẫn thực hành xen kẽ thời gian tự học một cách hợp lý. Gần cuối đợt tập huấn, chúng tôi bố trí cho các em thi thử 2 buổi lý thuyết và 2 buổi thực hành, mỗi buổi kéo dài 5 giờ, giống như thi quốc tế để tạo tâm lý cho các em quen dần như thi thật. Đồng thời qua kết quả thi thử chúng tôi sẽ nắm được phần kiến thức nào hoặc khâu thực hành nào cần được củng cố, bổ sung thêm và cần tập huấn thêm.
2. Ở vị trí người phải chịu trách nhiệm chính về tập huấn đội tuyển, thầy có cảm thấy áp lực không?
Khoa Hóa học ĐHSP Hà Nội tham gia tập huấn cho các đội tuyển từ rất lâu rồi, nhưng nhận trách nhiệm chính thức chủ trì tập huấn đội tuyển IChO từ năm 2011. Đây thực sự là một niềm vinh dự lớn lao cho Khoa bởi điều này thể hiện sự tin tưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trình độ của các thầy, cô cũng như tinh thần trách nhiệm với công việc chung của ngành. Trong khoảng thời gian này, thành tích của đội tuyển đã tiến bộ không ngừng: năm 2011 đạt 2 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng; năm 2012 đạt 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng; đặc biệt năm 2013 đạt 1 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc.
Mặc dù luôn chịu áp lực về thành tích của đội tuyển, nhưng chúng tôi luôn vững tin bởi tính truyền thống và bởi các em được chọn vào đội tuyển đều rất thông minh và trên hết chúng tôi có một đội ngũ giảng viên rất tâm huyết, giỏi về kiến thức chuyên môn lẫn sự nhiệt huyết trong nghề nghiệp. Có thể kể tới một số thầy, cô đã gắn bó với công tác tuyển chọn nhân tài cho đất nước từ những năm đầu tiên Việt Nam tham gia thi IChO đến nay như: GS.TS, NGND Trần Quốc Sơn (khoa Hóa học ĐHSP Hà Nội); PGS, NGƯT, Đặng Trần Phách (khoa Hóa ĐHSP Hà Nội); GS. TSKH, NGND Ngô Thị Thuận (khoa Hóa ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội); GS. TS. Từ Vọng Nghi (khoa Hóa ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội); PGS. TS. Trần Thành Huế (khoa Hóa ĐHSP Hà Nội) và nhiều thầy, cô giáo khác.
Đặc biệt, trong khoa chúng tôi hiện tại cô giáo PGS. TS. Đào Thị Phương Diệp người vừa phụ trách chính đội tuyển 4 năm liên tục, vừa tham gia dẫn đoàn, nên có điều kiện theo dõi việc tập huấn được thuận lợi hơn.
Thêm vào đó, sự ủng hộ, tạo điều kiện về mọi mặt của Ban Giám hiệu ĐHSP Hà Nội cũng khích lệ, động viên tinh thần của cả giáo viên lẫn học sinh rất nhiều.
3. Nhiều người băn khoăn về việc trường ĐHSP Hà Nội vừa tham gia tập huấn đội tuyển, vừa tham gia ở các khâu công việc chuẩn bị đề thi, coi thi, chấm thi,… sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sự công bằng của kỳ thi. Xin thầy cho biết ý kiến cụ thể?
Công bằng và khách quan trong việc đánh giá, lựa chọn là một trong những yếu tố quan trọng nhất để lựa chọn được người tài cho đất nước. Tôn chỉ này luôn được các lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của trường ĐHSP Hà Nội huấn thị mỗi dịp tập trung đội tuyển. Tất cả giảng viên của khoa Hóa học chúng tôi đều hiểu tầm quan trọng của nó và thực hiện rất nghiêm túc vấn đề này cho dù tham gia ở bất cứ khâu nào trong quá trình lựa chọn và tập huấn đội tuyển. Cũng xin nhắc lại là khoa Hóa học ĐHSP Hà Nội chỉ phụ trách tập huấn chính khi đội tuyển IChO đã được thành lập, các khâu thi tuyển chọn do Cục khảo thí – Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm.
Năm nay, Việt Nam là nước chủ nhà IChO, vấn đề khách quan công bằng lại càng được nhấn mạnh bởi việc giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của con người và đất nước Việt Nam trong con mắt của bạn bè Quốc tế. Tất cả quá trình chuẩn bị đề thi đều được giữ ở chế độ tối mật, các cán bộ tập huấn đội tuyển và chuẩn bị đề thi là hoàn toàn độc lập, tách rời nhau.
4. Có tiêu chí nào đặt ra đối với đội ngũ các thầy, cô tham gia tập huấn đội tuyển không, thưa thầy?
Giỏi về kiến thức chuyên môn, nhưng phải sát với chương trình thi Hóa học Quốc tế.
Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề và với công tác tuyển chọn nhân tài.
Không tham gia vào khâu chuẩn bị đề thi IChO.
5. Việc tổ chức tập huấn đội tuyển đặt tại ở trường ĐHSP Hà Nội có thuận lợi gì, thưa thầy?
Trường ĐHSP Hà Nội có đội ngũ giảng viên giỏi chuyên nghiệp và có tinh thần trách nhiệm cao, là trường Sư phạm chuyên về đào tạo giáo viên các cấp nên rất hiểu và rất gần với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Ban Giám hiệu Nhà trường rất quan tâm, chú trọng tới công việc này hằng năm. Việc chỉ đạo có sự đồng bộ cao giữa phòng Đào tạo, các khoa, Kí túc xá để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác huấn luyện các đội tuyển dự thi Olympic Quốc tế.
Hệ thống phòng ốc, cơ sở vật chất phục vụ việc tập huấn các đội tuyển quốc tế về cơ bản là tốt, đáp ứng được yêu cầu nói chung và nói riêng cho các môn thi thực nghiệm như Lý, Hóa, Sinh.
6. Là người trực tiếp tham gia tập huấn đội tuyển, ý kiến của thầy về đội tuyển IChO của Việt Nam năm nay như thế nào?
Sau 2 kì thi công bằng, chất lượng, cả 4 em đội tuyển Hóa học dự thi quốc tế năm nay đều thể hiện được rất tốt năng lực môn học, có kiến thức vững vàng cả về bề sâu và bề rộng. Các em lại rất có ý thức trong việc học hỏi, chỗ nào chưa biết là hỏi ngay, bất kể thời gian nào các thầy, cô đều nhiệt tình chỉ bảo. Đó là lí do mà chúng tôi hoàn toàn tin tưởng sẽ có kết quả rất khả quan cho năm nay!
7. Được biết, 3 trong số 4 thành viên trong đoàn dẫn đội tuyển tham dự kỳ thi lần này là cán bộ trường ĐHSP Hà Nội (trong đó có thầy), đoàn có chuẩn bị đối sách gì đặc biệt để trợ giúp hợp pháp, công khai cho các em không?
Các em học sinh đội tuyển Olympic Hóa học Quốc tế không những nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi các cán bộ dẫn đoàn (với 3/4 thành viên là cán bộ khoa Hóa ĐHSP Hà Nội) mà còn nhận được sự quan tâm ủng hộ của Cục Khảo thí – Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ban Giám hiệu trường ĐHSP Hà Nội, các thầy, cô giảng dạy và gia đình các cháu. Chúng tôi ý thức được điều này, ý thức được trách nhiệm của mình nên các cán bộ phụ trách đoàn đều luôn cố gắng cao nhất về mọi mặt một cách công khai (cả 3 thành viên đều tham gia tập huấn trực tiếp cho các em, luôn trao đổi với các em để sẵn sàng bố trí cho các em được làm lại các thí nghiệm hoặc mời các thầy, cô dạy bổ sung những kiến thức mà các em còn chưa nắm chắc, giải đáp thắc mắc, chuẩn bị tài liệu học, chỗ ăn ở, vui chơi,...) tạo điều kiện tâm lí thoải mái nhất cho các em trước kì thi.
8. Mục tiêu đặt ra của đội tuyển cụ thể như thế nào?
Năm ngoái đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam lọt vào top 10, năm nay với sự chuẩn bị kĩ lưỡng và thực lực rất tốt của các em học sinh, chúng tôi kì vọng thành tích của đội tuyển sẽ cao hơn năm ngoái.
Xin trân trọng cám ơn thầy! Xin chúc cho đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam sẽ đạt được thành tích cao nhất tại kỳ thi IChO lần thứ 46, năm 2014.
Các thành viên đội tuyển IChO 2014 trong một giờ học lý thuyết dưới sự hướng dẫn của giảng viên ĐHSP Hà Nội. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Màu cờ rực rỡ trên bục vinh quan của đội tuyển Việt Nam trong những kỳ IChO gần đây đều có phần đóng góp thầm lặng của đội ngũ giảng viên trường ĐHSP Hà Nội. Trong ảnh Đội tuyển IChO Việt Nam năm 2013 Ảnh: Nguồn Internet
Phòng Công tác Chính trị