Nằm trong kế hoạch đào tạo, hàng năm cứ vào dịp cuối tháng 6, đầu tháng 7, sinh viên Khoa Sinh học được tham gia đợt thực tập nghiên cứu thiên nhiên tại Vườn quốc gia (VQG), nơi có đa dạng sinh học cao và được quy hoạch ưu tiên bảo vệ. Năm nay, 129 sinh viên khóa 62 được đi thực tập tại VQG Tam Đảo. Nằm cách Thủ đô Hà Nội 75km về phía Tây Bắc, VQG Tam Đảo là một dãy núi lớn trải dài 80km qua 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Với tổng diện tích quy hoạch hiện nay là 34.995 ha, nơi đây tồn tại một số kiểu rừng chính như: Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, Rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình, Rừng lùn trên đỉnh núi và một số kiểu rừng khác. Những kết quả điều tra ban đầu tại đây đã xác định khoảng 1.141 loài động vật thuộc 150 họ, 39 bộ trong 5 lớp động vật (Côn trùng, lưỡng cư, bò sát, chim, thú). Trong số đó có nhiều loài đặc hữu và quý, hiếm. Đây là một địa điểm khá lí tưởng cho hoạt động học tập, nghiên cứu và trải nghiệm ngoài thiên nhiên. Qua các buổi hành quân theo nhóm xuyên qua các cánh rừng, lội qua những con suối, chinh phục các đỉnh núi (Phù Nghĩa - 1.300m, Thiên Thị - 1.375m, Thạch Bàn - 1.388m), mỗi sinh viên đã tích lũy cho mình nhiều kiến thức trải nghiệm thực tế về nhận dạng các loài động, thực vật hoang dã, về các hệ sinh thái, về con người, văn hóa bản địa, về những tác động của con người lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường… Những điều các em nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay và cảm nhận thực tế ngoài tự nhiên đã giúp các em hiểu hơn về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường. Cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, các em đã ý thức được hành vi, thái độ ứng xử với thiên nhiên, môi trường hướng tới các hành động bảo vệ môi trường, yêu quí thiên nhiên, xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Hoạt động học tập thực tế ngoài thiên nhiên là một nội dung trải nghiệm có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mặc dù kinh phí dành cho thực tập nghiên cứu thiên nhiên không nhiều, sinh viên phải đóng góp thêm, nhưng Khoa Sinh học vẫn luôn cố gắng giữ một thời lượng học tập đáng kể để các em có thêm những kiến thức thực tế. Những kiến thức, quan sát qua đợt thực tập này sẽ là hành trang không thể thiếu cho các giáo sinh khi ra trường để họ tiếp tục sáng tạo truyền thụ cho các lớp học sinh ở mọi miền Tổ quốc sự hiểu biết về thiên nhiên, đất nước và giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước của các thế hệ công dân Việt Nam.
Sau mỗi ngày hành quân nghiên cứu ở rừng trở về đại bản doanh, mặc dù mỗi sinh viên đều cảm thấy khá mệt mỏi, nhiều em còn bị côn trùng, vắt cắn chảy máu, nhưng sau bữa cơm đạm bạc, sinh viên lại cảm thấy phấn khởi, khỏe khoắn nhờ các hoạt động sinh hoạt tập thể ở trại. Những câu chuyện về Hoàng Sa, Trường Sa, về chủ quyền biển đảo, về giá trị tài nguyên biển của đất nước được các thầy cô giáo cùng trò chuyện, trao đổi với các bạn sinh viên. Qua đó, các bạn cũng ý thức hơn về trách nhiệm học tập để nâng cao hiểu biết về tài nguyên thiên nhiên của đất nước, trân trọng những cái thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước chúng ta và góp phần nhỏ bé của mỗi cá nhân vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước qua những hành động cụ thể của bản thân. Ở độ cao trên 900m so với mặt nước biển trên dãy núi Tam Đảo các bạn sinh viên đã xếp hình đất nước Việt Nam với những cánh tay hướng về biển đảo của đất nước. Hình ảnh đẹp này đã truyền tải thông điệp của sinh viên, đất liền luôn hướng về biển đảo và là điểm tự vững chắc để bảo về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước. Sáng sớm ngày 27/6/2014, trước khi tiếp tục lên đường vào rừng nghiên cứu, các bạn sinh viên đã tập trung ở thị trấn Tam Đảo, sát cánh bên nhau, cùng đặt tay lên trái tim và cất cao bài hát Quốc ca vang vọng cả thị trấn. Sau đó, các bạn sinh viên cùng giơ cao cánh tay hô vang “Tuổi trẻ Đại học Sư phạm Hà Nội Quyết tâm học tập, cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp!”.
Mùa hè năm nay khá nóng, nhưng tinh thần tuổi trẻ của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực tập tại VQG Tam Đảo còn rực lửa hơn. Đợt thực tập nghiên cứu thiên nhiên của sinh viên Khoa Sinh học tuy không dài nhưng đã để lại những ấn tượng khó quên với mỗi bạn sinh viên và cả tình cảm trìu mến của người dân địa phương và du khách tới thăm quan VQG Tam Đảo.
Một số hình ảnh về đợt thực tập nghiên cứu thiên nhiên tại VQG Tam Đảo của sinh viên Khoa Sinh học hè năm 2014
Ảnh 1. Sinh viên sát cánh bên nhau hát vang bài hát Quốc ca tại thị trấn Tam Đảo
Ảnh 2. Sinh viên xếp hình đất nước Việt Nam với những cánh tay hướng ra biển đảo
Ảnh 3. Sinh viên hô vang khẩu hiệu “Tuổi trẻ ĐHSPHN Quyết tâm học tập, cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp!”
Ảnh 4. Sinh viên vào rừng Tam Đảo nghiên cứu thiên nhiên
Ảnh 5. Loài Cá cóc tam đảo - Paramesotriton deloustali, một loài lưỡng cư đặc hữu của Việt Nam, biểu tượng của VQG Tam Đảo
Ảnh 6. Niềm vui của sinh viên khi được tận tay cầm ngắm mẫu chim Chích chạch má vàng - Macronous gularis, qua thực tập phương pháp bắt thả bằng lưới mờ.
Ảnh 7. Loài Bướm giáp cánh ren vạch trắng - Cethosia cyane (con đực) khá phổ biến ở Tam Đảo
Ảnh 8. Loài Rắn lục xanh - Viridovipera stejnegeri, một loài rắn độc khá phổ biến ở Tam Đảo
Ảnh 9. Phút nghỉ ngơi của đoàn sinh viên Khoa Sinh học trên đường đi thực tập
Nguồn tin và ảnh: Khoa Sinh học