Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn - Trưởng Khoa Sinh học đã nhấn mạnh, hội nghị là dịp để các nhà khoa học, các nhà giáo dục và các nhà quản lý trong lĩnh vực sinh học ở Việt Nam thảo luận tìm ra những hướng đi thích hợp trong cả giảng dạy và nghiên cứu thời gian tới với mục tiêu hội nhập Cộng đồng ASEAN sau năm 2015. “Hội nhập khu vực vừa là cơ hội vàng, nhưng đồng thời cũng là thách thức khắc nghiệt đối với chúng ta, trong đó các trường đại học ở Việt Nam chắc chắn không thể đứng ngoài cuộc”, đó là ý kiến tham luận của ThS. Đinh Quang Thú, Trưởng Phòng Quan hệ quốc tế, Trường ĐHSP Hà Nội. Để hội nhập giáo dục với các nước trong khu vực ASEAN, trước hết cần quốc tế hóa chương trình giáo dục để đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong khu vực và liên quốc gia. Đồng thời các trường đại học cũng phải tham gia vào hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế. Hiện nay Việt Nam mới có ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, ĐH Cần Thơ là thành viên Hiệp hội các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) bao gồm 30 trường đại học thành viên hàng đầu trong khu vực. Báo cáo đánh giá công tác nghiên cứu khoa học của Khoa Sinh học trong năm học 2013 - 2014, PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn - Phó Trưởng Khoa Sinh học đã cho thấy tiềm năng khoa học của khoa đang từng bước được củng cố và phát huy. Hiện trong khoa có 74 cán bộ với 4 Giáo sư, 8 Phó Giáo sư và 20 Tiến sĩ. Các phòng thí nghiệm từng bước được đầu tư, đưa vào hoạt động có hiệu quả trong đào tạo và nghiên cứu như: PTN Công nghệ sinh học, PTN Sinh thái học và Môi trường, PTN Sinh lý thực vật. Riêng trong năm học này, cán bộ trong khoa đã công bố 10 bài báo trên Tạp chí quốc tế, 9 báo cáo trình bày tại Hội nghị quốc tế, 80 bài báo đăng trên Tạp chí khoa học trong nước và 29 bài báo đăng trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia. Tổng số nghiên cứu sinh đang thực hiện đề tài tại Khoa là 57. Các cán bộ trong khoa đang chủ trì 4 đề tài Nafosted, 9 đề tài cấp Trường. Tuy nhiên, những năm gần đây các đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho lĩnh vực Sinh học cơ bản của trường ĐHSP Hà Nội chưa được chú trọng, quan tâm và còn rất hạn chế. Điều này, phần nào cũng hạn chế nguồn kinh phí phát triển nghiên cứu và đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học trình độ cao trong lĩnh vực sinh học của nhà trường. PGS. Sơn cũng kiến nghị, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho khoa học cơ bản. Nếu không có nghiên cứu cơ bản thì Việt Nam mãi là người đi sau, thế hệ sau sẽ là những người đi làm thuê. Vì vậy, muốn tự cường và xác lập vị trí thì khoa học cơ bản là chủ đạo. "Không có nghiên cứu cơ bản thì không thể là quốc gia hàng đầu, và đất nước chỉ có những người làm công cho tư bản". GS. Nguyễn Hoàng Trí - Tổng thư kí Ủy ban Con người và Sinh quyển đã trình bày tham luận về Nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy và học vì một tương lai bền vững. Lấy trường hợp nghiên cứu điển hình ở huyện Giao Thủy, Nam Định, giáo sư Trí đã trao đổi về đào tạo những Công dân sinh thái cho đất nước. Còn trong báo cáo tham luận của TS. Phan Thanh Hội và TS. Nguyễn Văn Hiền, các tác giả lại bàn tới việc phát triển năng lực cho sinh viên sư phạm sinh học trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó nhấn mạnh tới những tiêu chí Công dân của thế kỉ 21. Tới tham dự với hội nghị, PGS.TS. Hoàng Văn Sâm - Phó Trưởng Phòng KHCN - HTQT, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam lại muốn chia sẻ những kinh nghiệm của nhà trường trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong đào tạo chương trình tiên tiến. Cho đến nay, trường ĐHLN đã tham gia chương trình đào tạo tiên tiến của Bộ GD&ĐT được 4 năm. PGS. Sâm cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên, việc chọn trường đối tác là Đại học bang Colorado, Mỹ, việc xây dựng chương trình đào tạo trong 4,5 năm (thêm 1 học kỳ cho việc học ngoại ngữ và một số môn chung khi mới vào trường). Đây là những kinh nghiệm quý cho Khoa Sinh học trong bối cảnh năm học 2014-2015 Khoa sẽ tuyển hệ đào tạo bằng tiếng Anh. Trong quá trình đào tạo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh ở trường đại học không thể tách rời việc kết hợp với các Viện nghiên cứu. PGS.TS. Lê Xuân Cảnh - Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu cơ giữa trường với viện như mô hình của trường Đại học Y. Cần thiết thành lập các phòng bộ môn của các trường đại học trong các viện nghiên cứu. Sau một năm chuẩn bị, Hội nghị khoa học đã nhận được 50 báo cáo khoa học gửi tham dự và được Ban tổ chức hội nghị biên tập thành Tuyển tập tóm tắt báo cáo hội nghị. Đồng thời, Hội đồng khoa học của Khoa Sinh học đã lựa chọn 38 bài báo khoa học để gửi đăng số đặc biệt của Hội nghị trên Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, chuyên san Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, tập 30, số 1S, 2014 dày 291 trang.
Phát biểu tại Hội nghị khoa học, PGS.TS. Đỗ Việt Hùng thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đánh giá cao những nỗ lực của Khoa Sinh học trong việc tổ chức hội nghị, đặc biệt là chọn vấn đề đổi mới trong phối kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo sinh học ở trường đại học. Nội dung của nghị góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Giáo dục đại học cần đáp ứng yêu cầu đổi mới tổng thể giáo dục ở phổ thông. Đây cũng là hội nghị đầu tiên ở khu vực phía Bắc khởi động vấn đề hội nhập giáo dục trong khối ASEAN sau năm 2015. Hội nghị khoa học lần này đã gợi mở nhiều vấn đề cần triển khai trong thời gian tới và sự hợp tác được thắt chặt giữa Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với các Khoa cùng chuyên ngành ở các Trường Đại học và các Viện nghiên cứu, các trường phổ thông trong cả nước.
Nguồn bài và ảnh: Khoa Sinh học
Một số hình ảnh về Hội nghị khoa học
Ảnh 1. PGS.TS. Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Ảnh 2. PGS.TS. Mai Sỹ Tuấn - Trưởng Khoa Sinh học phát biểu khai mạc Hội nghị
Ảnh 3. PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn - P. Trưởng Khoa Sinh học trình bày báo cáo công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy của Khoa Sinh học và một số định hướng.
Ảnh 4. GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí - Tổng thư kí Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam báo cáo
Ảnh 5. PGS.TS. Hoàng Văn Sâm - P.Trưởng Phòng NCKH và HTQT, Trường ĐH Lâm nghiệp báo cáo
Ảnh 6. TS. Phan Thị Thanh Hội - Trưởng Bộ môn LL&PPDHSH, Khoa Sinh học báo cáo
Ảnh 7. Đại biểu tham dự Hội nghị khoa học chụp ảnh lưu niệm