Văn hóa nhân loại trước nay luôn đi tìm sự trả lời của câu hỏi mang tầm phổ quát: Con người phải sống như thế nào cho phải, cho đúng với chuẩn mực của xã hội, phù hợp với luật pháp, tiêu chí văn hóa đạo đức của các cộng đồng người trong xã hội. Đó chính là đạo làm người hay là triết lý nhân sinh, phương châm sống của con người. Để đạt mục đích ấy, trước hết mỗi người phải hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của người con đối với gia đình là đạo Hiếu, của người công dân đối với đất nước là đạo Trung.Yêu nước là tiêu chí hàng đầu của đạo làm người trong lịch sử văn hoá Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, cần phải giáo dục, xây dựng con người mới. Con người mới phải có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ và lao động giỏi; sống có văn hoá và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính. Để hoàn thành tốt mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, chúng ta vừa tiếp thu tinh hoa của nhân loại song phải luôn luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác. Và, do vậy, cần phải đặc biệt quan tâm giữ gìn và nâng cao bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc.
Tiêu chí của đạo làm người trong xã hội ngày nay đòi hỏi sự phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, không ít người trong xã hội do nhiều lý do khác nhau đã có biểu hiện phai nhạt lý tưởng sống, làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo lý, sống vô cảm, chỉ biết đến bản thân mà không quan tâm đến cộng đồng. Tình trạng tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội của một bộ phận người đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống tinh thần của xã hội, làm đảo ngược những giá trị văn hóa đạo đức truyền thống, trong đó có quan niệm về Đạo làm người của người Việt Nam.
Quan niệm về đạo làm người dựa trên đạo đức học mácxít và tư tưởng Hồ Chí Minh đạt được giá trị khách quan và khoa học, là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội trong thời đại ngày nay. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay là sự hiện thực hoá quan niệm của Hồ Chí Minh về đạo làm người đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về vấn đề lớn là khai thỏc và phát triển nguồn lực con người trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.
Hội thảo khoa học: “Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam” đã được tổ chức trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân tộc ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương IV(khóa XI), tiếp tục thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các phòng ban chức năng của Trường ĐHSP Hà Nội, sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà khoa học, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục từ Trung ương tới các viện nghiên cứu, trường đại học ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Hội thảo đã nhận được 55 bài viết tập trung đề cập tới 3 vấn đề chính:
1. Những vấn đề chung về Đạo làm người
2. Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam
3. Giáo dục Đạo làm người trong bối cảnh hiện nay
Tới dự Hội thảo có PGS.TS NguyễnVăn Trào - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đại diện lãnh đạo các khoa, phòng ban Trường Đại học sư phạm Hà Nội, các nhà khoa học và đông đảo các thày cô giáo.
Hội thảo đã được nghe các báo cáo tham luận của GS. TS Hoàng Chí Bảo, GS. NGND Nguyễn Đình Chú, GS.TS Đỗ Quang Hưng, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, TS Phạm Quỳnh, TS Trần Ngọc Anh, TS Nguyễn Thị Thọ, Ths Nguyễn Hữu Sơn... Những vấn đề Hội thảo luận bàn vừa có ý nghĩa về mặt học thuật vừa có ý nghĩa về mặt thực tiễn văn hóa, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội hiện nay. Xét đến cùng các nền giáo dục chân chính đều hướng con người tới một mẫu hình văn hóa, có những ứng xử văn hóa với nhân loại, với Tổ quốc, với thiên nhiên, với con người…Đấy cũng chính là những vấn đề khoa học thiết thực, bổ ích được Hội thảo đặt ra, gợi mở và bước đầu đưa ra những kiến giải mới mẻ trên cả hai bình diện lý thuyết và thực tế đời sống hôm nay.
Một số hình ảnh về Hội thảo:
GS.TS Hoàng Chí Bảo - Hội đồng lý luận Trung ương trình bày tham luận tại Hội thảo
Đoàn Chủ tịch phiên thứ Nhất
PGS.TS Trần Đăng Sinh - Trưởng khoa Triết học trình bày báo cáo đề dẫn
Đoàn chủ tịch phiên thứ Hai
TS. Trần Ngọc Anh - Giảng viên khoa Triết học trình tham luận
Các đại biểu tham dự Hội thảo
PGS.TS Trần Đăng Sinh - Trưởng khoa Triết học, trường ĐHSPH Hà Nội