Sáng ngày 22/4/2014, trường ĐHSP Hà Nội đã trang trọng tổ chức Hội thảo «Ba Sẵn sàng» - Lịch sử và ý nghĩa thời đại. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi những hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Phong trào Ba Sẵn sàng (1964 – 2014) - một phong trào được khởi xướng từ chính trường ĐHSP Hà Nội và đã nhanh chóng trở thành phong trào sôi nổi của Thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Lễ phát động “Phong trào Ba sẵn sàng” tại nghĩa trang Mai Dịch, huyện Từ Liêm 30/4/1964. Ảnh: Tư liệu phòng Công tác Chính trị
Hội thảo được đón tiếp các vị đại biểu và khách mời như: Đồng chí Vũ Mão – nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cămpuchia; Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khoá XIII, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay; Đồng chí Phạm Tất Thắng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội; Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Lê Duy Hưng Thịnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; đồng chí Trần Anh Tuấn , Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội; đồng chí Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội thời kỳ Ba Sẵn sàng; đồng chí Trịnh Ngọc Trình, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ Ba Sẵn sàng. Phía trường ĐHSP Hà Nội, có: PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS Đặng Xuân Thư, Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS Nguyễn Bá Cường, Đảng uỷ viên phụ trách công tác Thanh niên, nguyên Bí thư Đoàn trường; Ths Nguyễn Nhật Tân, Chủ tịch Công đoàn trường; ThS Lê Xuân Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên trường; đại diện Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Ban Chủ nhiệm các khoa, lãnh đạo các Phòng ban, các đơn vị trực thuộc Trường; các đồng chí cán bộ Đoàn chủ chốt các thưòi kỳ; Hội Cựu giáo chức Trường; các đồng chí cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt; các đoàn viên, sinh viên tiêu biểu.
Đồng chí Trịnh Ngọc Trình – Bí thư Đoàn thanh niên trường ĐHSP Hà Nội - điểm lại những hoạt động của Đoàn trường trong phong trào Ban Sẵn sàng. Ảnh: Tư liệu phòng Công tác Chính trị
Đến tham dự và đưa tin về buổi lễ có phóng viên các báo: Báo điện tử Đảng Cộng sản, báo Tiền phong, báo Giáo dục Thời đại, Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Việt Nam net, Dân trí, báo Sinh viên,…
Trước đó, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận của các tập thể, cá nhân trong và ngoài trường gửi tới. Các báo cáo đều đánh giá cao về giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của phong trào Ba Sẵn sàng đối với cách mạng Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước. Đồng thời, nhiều báo cáo cũng khẳng định mầm sống tích cực của phong trào không chỉ dừng ở thời chống Mỹ mà tiếp tục lan toả, ảnh hưởng tới các phong trào hành động của thanh niên Việt Nam sau này. Đến nay, phong trào Ba Sẵn sàng một thời vẫn còn nguyên giá trị và trở thành động lực thôi thúc thanh niên tiếp bước Ba Sẵn sàng.
Hội thảo đã lắng nghe 5 tham luận của các đồng chí: Trịnh Ngọc Trình, Vũ Hữu Loan, Vũ Mão, Lê Mã Lương và Kiều Thế Hưng.
Đại biểu tham dự Hội thảo cùng nhau ôn lại những giờ phút lịch sử của phong trào Ba Sẵn sàng. Theo đồng chí Trịnh Ngọc Trình – Bí thư Đoàn trường thời kỳ Ba Sẵn sàng thì trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ngày càng ác liệt, một phong trào thi đua yêu nước đã được dấy lên trong các chi đoàn, liên chi đoàn thanh niên trường ĐHSP Hà Nội. Ban chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào Tam bất kì rồi đổi tên thành Ba bất kì: “Đi bất kì nơi đâu mà Tổ quốc cần đến; Làm bất kì việc gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Bất kì chế độ đãi ngộ nào cũng chấp nhận”. Cuối tháng 4/1964, cuộc họp Ban Chấp hành Đoàn trường ĐHSP Hà Nội đã quyết định đổi tên từ Ba bất kỳ thành Ba sẵn sàng.
Để đáp lại lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trước sự chứng kiến của hai đoàn khảo sát của Trung ương Đoàn – do đồng chí Hồ Trúc – Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn và Thành đoàn – do đồng chí Vũ Hữu Loan – Bí thư - dẫn đầu, Đoàn Thanh niên trường ĐHSP Hà Nội đã làm Lễ phát động “Phong trào Ba sẵn sàng” tại nghĩa trang Mai Dịch, huyện Từ Liêm vào ngày 30/4/1964. Tại buổi lễ, Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội đọc lời tuyên thệ Ba Sẵn sàng, Đoàn viên thanh niên trường ĐHSP Hà Nội đã giơ cao cánh tay xin thề:
- Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng Đế quốc Mỹ xâm lược.
- Sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
- Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ.
“Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”. Tiếng hô đáp lại vang trời, thề trước Đảng, trước Đoàn, trước Dân và có cả anh linh các vị anh hùng, liệt sỹ tại nghĩa trang chứng giám. 7000 đoàn viên thanh niên, 7000 bó đuốc diễu hành từ Mai Dịch đến Dịch Vọng, sáng rực cả một góc trời phía Tây Hà Nội.
Đồng chí Bí thư Đảng uỷ Đỗ Đức Uyên trao cờ và giao nhiệm vụ cho Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình và Đoàn thanh niên trong Lễ phát động phong trào Ba Sẵn sàng, 30/4/1964. Ảnh: Tư liệu phòng Công tác Chính trị
Sau những thắng lợi của phong trào ở trường ĐHSP Hà Nội, Ban chấp hành Đoàn trường đã đề xuất nhân rộng thành phong trào trong phạm vi toàn Thành phố. Ngọn lửa Ba Sẵn sàng lan nhanh, tháng 8/1964 Thành đoàn phát động Thanh niên Ba Sẵn sàng toàn thành phố; tháng 3/1965 Trung ương Đoàn phát động phong trào trong cả nước. Hàng nghìn giảng viên, sinh viên của trường ĐHSP Hà Nội cùng với hàng triệu triệu thanh niên cả nước, dưới ngọn cờ Ba Sẵn sàng đã “xếp bút nghiên” lên đường ra trận, “xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Hội thảo đã ghi nhận những giá trị lịch sử to lớn của phong trào; hướng tới tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi đắp ý thức và tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ; định hướng cho những hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên nhà trường nói riêng và Thành phố Hà Nội cũng như thanh niên cả nước nói chung.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường đã có ý kiến chỉ đạo nhấn mạnh: "Từ yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát huy tinh thần sáng tạo khởi xướng phong trào Ba Sẵn sàng, tổ chức Đoàn thanh niên nhà trường cần có những hoạt động bám sát, đi sâu vào thực tiễn học tập và đời sống sinh hoạt của đoàn viên, sinh viên; đáp ứng các nhu cầu chính đánh, đồng thời định hướng, tập hợp, bồi dưỡng những năng lực cơ bản, cần thiết, chắc chắn cho hiện thực và tương lại của họ. Một phong trào chỉ có thể tác động tích cực vào đời sống cá nhân và thúc đẩy xã hội phát triển khi mà những nội dung và hình thức hoạt động của nó thực sự thiết thực, thực sự đáp ứng được nhu cầu của thanh niên".
Hội thảo diễn ra trong không khí tự hào, sôi nổi và kết thúc để lại dấu ấn sâu đậm trong mỗi đại biểu tham dự.
Dưới đây là một số hình ảnh về Hội thảo:
Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Đồng chí Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội thời kỳ Ba Sẵn sàng (hàng đầu, trái) và đồng chí Trịnh Ngọc Trình, nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ Ba Sẵn sàng (phải) là những nhân chứng sống của phong trào Ba Sẵn sàng sôi nổi một thời. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Đồng chí Vũ Hữu Loan - nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội thời kỳ Ba Sẵn sàng - đọc tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Đồng chí Trịnh Ngọc Trình - nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội thời kỳ Ba Sẵn sàng - đang ôn lại những thời khắc lịch sử hào hùng của Đoàn trường thời kỳ Ba Sẵn sàng. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Đồng chí Vũ Mão - nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cămpuchia - trả lời phỏng vấn báo Điện tử Đảng cộng sản về phong trào Ba Sẵn sàng bên lề Hội thảo. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – tham luận tại Hội thảo về “Dấu ấn lịch sử của phong trào Ba Sẵn sàng”. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Lãnh đạo và cán bộ trường ĐHSP Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự sau Hội thảo. Ảnh: Phòng Công tác Chính trị
Phòng Công tác Chính trị