Sinh viên Khoa Sư phạm kỹ thuật Trường đại học Sư phạm Hà Nội thực tập tại xưởng trường. Ảnh: HIẾU NGUYỄN
Những năm gần đây, cùng với việc tăng nhanh số lượng các trường đại học (ĐH) thì việc đào tạo chuyên ngành sư phạm cũng có xu hướng tăng. Điều này dẫn đến tính không chuyên nghiệp công tác đào tạo nghề nghiệp đặc thù này, đồng thời dẫn đến nguồn cung vượt quá cầu. Hệ quả là dẫn đến một số bất cập, hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên và các tác động xã hội khác.
Hiện nay, cả nước có ba trường đại học sư phạm (ĐHSP) trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (ĐHSP Hà Nội, ĐHSP TP Hồ Chí Minh, ĐHSP Hà Nội 2) và ba trường ĐHSP trực thuộc ĐH vùng (ĐHSP Thái Nguyên, ĐHSP Huế, ĐHSP Đà Nẵng). Ngoài ra, cả nước còn có hàng chục trường ĐH có khoa sư phạm. Hơn nữa, nhiều trường cao đẳng nâng cấp lên ĐH cũng tiếp tục đào tạo chuyên ngành sư phạm. Mặt khác, một số lượng không ít sinh viên của các trường không đào tạo chuyên ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp một thời gian ngắn và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng có thể trở thành giáo viên. Với hệ thống phát triển như hiện nay, hằng năm số sinh viên ra trường có xu hướng làm nghề giáo rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là chất lượng đào tạo của các sinh viên cũng rất khác nhau. Bên cạnh đó, yếu tố tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu do các địa phương cho phép các trường ĐH trực thuộc tỉnh đề xuất đã dẫn đến nguồn cung vượt quá cầu. Hệ quả của nó là sinh viên ra trường chưa có việc làm ngày càng gia tăng.
Cũng có một yếu tố khác về vấn đề đội ngũ giáo viên hiện nay là hiện tượng thừa, thiếu cục bộ. Phần lớn sinh viên ra trường đều lựa chọn các thành phố lớn, vùng đồng bằng thị xã, thị trấn để tìm kiếm việc làm, trong khi một số địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đủ giáo viên các bộ môn nhưng nhu cầu cũng không quá nhiều. Đáng chú ý, do thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình đã có tác động rõ rệt, tốc độ tăng dân số chậm dẫn đến số trẻ đến trường cũng giảm theo. Vì vậy, nhu cầu về đội ngũ giáo viên cũng không tăng. Thời gian làm việc trung bình của mỗi giáo viên phổ thông khoảng 35 năm nên số lượng cần bổ sung hằng năm không phải là quá lớn, cho nên tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm còn nhiều.
Có thể nói, thực tế hiện nay, sự thiếu dự báo nguồn nhân lực, sự đào tạo ồ ạt của nhiều loại hình trường nêu trên là nguyên nhân khiến sinh viên sư phạm ra trường khó có cơ hội việc làm. Cũng cần nhấn mạnh rằng, đối với các trường có bề dày trong đào tạo vẫn được xã hội đánh giá cao, nhưng cũng không tránh khỏi hiện tượng này. Vì vậy, công tác dự báo nguồn nhân lực và kéo theo là quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là một tất yếu. Hiện nay, phần lớn các nước đều đào tạo giáo viên các cấp học có trình độ ĐH.Đã đến lúc chúng ta cần có đội ngũ giáo viên chất lượng cao, vì vậy khâu đào tạo phải thật chuyên nghiệp, tránh tình trạng như hiện nay. Vì vậy, nên chăng, chỉ nên duy trì các trường ĐHSP nêu trên và thêm các khoa phân bố ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là đủ. Còn các trường cao đẳng sư phạm trong giai đoạn quá độ thì chuyển sang dạng các cơ sở giáo dục cộng đồng và bồi dưỡng giáo viên. Làm được như vậy sẽ tạo ra cách thức đào tạo thống nhất, chương trình thống nhất, nâng dần chất lượng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, yếu tố người thầy rất quan trọng, như nhiều lần Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh thì việc quy hoạch mạng lưới các trường SP là tất yếu; dự báo nguồn nhân lực là yêu cầu khách quan, trên cơ sở đó giao chỉ tiêu đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cho từng cơ sở mang tính chuyên nghiệp là việc cần làm. Đây là hành động thiết thực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) đề ra "Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo...". Góp phần thực hiện thành công mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.
PGS, TS NGUYỄN VĂN MINH
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn