Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rời xa chúng ta nhưng sức mạnh tinh thần, tâm đức, trí tuệ và anh linh của Người mãi mãi trường tồn trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều cơ duyên gắn bó với ngành Sư phạm. Ông là một nhà sư phạm mẫu mực, kiệt xuất trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Với Trường ĐHSP Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều mối quan hệ đặc biệt thân tình và gần gũi đối với thế hệ các giáo sư, nhà khoa học đầu tiên xây dựng Trường ngay từ ngày đầu thành lập, tiêu biểu như: GS. Nguyễn Thúc Hào, GS. Đào Duy Anh, GS. Đặng Thai Mai, GS. Nguyễn Hữu Tảo, GS. Trần Văn Giàu, GS. Nguyễn Lân... Những lần về thăm Trường, đặc biệt là vào các dịp kỉ niệm ngày thành lập Trường, Hội thảo kỉ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… Đại tướng gợi ý và khuyến khích thầy trò Nhà trường cần phải đạt được nhiều “Điện Biên Phủ mới” trong mọi công tác tổ chức, giảng dạy và học tập. Đại tướng hết sức quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục lịch sử của Nhà trường, nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của khoa học lịch sử trong việc hình thành và phát huy các giá trị văn hoá và sức mạnh dân tộc cho các thế hệ nhà giáo – những người thắp lửa cho tương lai của đất nước. Ngoài ra, xét về phương diện gia đình, Đại tướng có nhiều người thân là nhà giáo, nhà khoa học của Trường ĐHSP Hà Nội.
Với lòng biết ơn sâu sắc và tình cảm ngưỡng mộ đặc biệt cùng với niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội, nhân dịp 100 ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới người hiền, NXB Đại học Sư phạm vinh dự được xuất bản cuốn sách: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp khoa học, giáo dục và đào tạo”.
Phần một của cuốn sách là tuyển tập các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về khoa học, giáo dục và đào tạo (có một số bài viết lần đầu tiên được công bố). Các bài viết đó đã cơ bản thể hiện những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học – kĩ thuật và công nghệ, chú trọng phát triển khoa học tự nhiên và đặc biệt coi trọng khoa học xã hội – nhân văn cả trong nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Những vấn đề Đại tướng đặt ra có ý nghĩa định hướng đối với sự phát triển của nền khoa học Việt Nam hiện đại. Đại tướng đã nêu lên những nhiệm vụ và phương hướng chiến lược của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, từ giáo dục kĩ thuật công nghệ đến giáo dục lao động sản xuất, từ giáo dục hướng nghiệp đến giáo dục kĩ thuật – tổng hợp, chuyên nghiệp… Đại tướng đặc biệt quan tâm đến giáo dục miền núi, đặc biệt là ở những vùng căn cứ cách mạng, vùng khó khăn. Về nội dung giáo dục, Đại tướng nêu rõ yêu cầu cần phải giáo dục toàn diện cho người học, trong đó đề cao giáo dục thể chất, giáo dục tư tưởng, đạo đức và gắn liền với chú trọng giáo dục tri thức, kĩ năng thực hành và ý thức thẩm mĩ, ngoại ngữ… Về phương pháp giáo dục, Đại tướng đặc biệt nhấn mạnh cần phải kết hợp giữa giáo dục lí thuyết với năng lực thực hành, nâng cao năng lực chủ động của người học... Tư tưởng cốt lõi của Đại tướng trong các bài viết đó là vấn đề chiến lược con người, giáo dục con người phát triển toàn diện. Những bài viết cuối cùng của Đại tướng là những trăn trở tâm huyết đối với sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, là niềm mong mỏi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu phải được thực hiện một cách thực sự, kiên quyết có tính cách mạng nhằm thúc đẩy sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội và là nền tảng để xây dựng đời sống văn hoá – tinh thần của nhân dân, đưa đất nước tiến kịp các nước tiên tiên trên thế giới.
Phần hai của cuốn sách là tuyển tập các bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo chí về Đại tướng với sự nghiệp khoa học – kĩ thuật và giáo dục – đào tạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà sử học, hoạ sĩ và các bạn trẻ…: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Vũ Oanh, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương GS.VS. Đặng Hữu, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục GS.VS.TSKH.NGND. Phạm Minh Hạc, nhà sử học Dương Trung Quốc, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng, GS. Văn Tạo, PGS.TS. Đặng Quốc Bảo, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, PGS.TS. Vũ Cao Đàm, PGS.TS. Tô Bá Trọng... Các bài viết này có thể đã được đăng từ khi Đại tướng
Võ Nguyên Giáp còn sống hoặc có thể là những hồi ức đầy tiếc thương và tự hào khi Người về cõi vĩnh hằng, nhưng tất cả đều thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn sự quan tâm của Đại tướng không chỉ đối với cá nhân mỗi người mà còn đối với sự nghiệp chung của dân tộc Việt Nam và của nhân loại.
Phụ lục ảnh của cuốn sách tuyển chọn một số hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có những tư liệu về cuộc đời hoạt động của Người, một số ảnh ghi lại các mốc sự kiện với sự phát triển của khoa học nước nhà, sự quan tâm của Đại tướng đối với các nhà khoa học, với nhân sĩ trí thức, với thanh thiếu nhi, với các cơ sở đào tạo và các cơ quan nghiên cứu khoa học...
Trong số các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tuyển chọn vào cuốn sách lần này, có một số bài viết do Văn phòng Đại tướng cung cấp, lần đầu tiên được đăng: (1) “Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong công tác khuyến học”; (2) “Để khoa học và giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu”; (3) “Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo”,...
Trong các bài viết trên, nhiều tư tưởng lớn của Đại tướng được nêu lên khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời đòi hỏi cần phải phát triển có trong tâm đối với mỗi ngành khoa học; đổi mới toàn diện về tư duy, tư tưởng, chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục.
Đại tướng khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống,không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hoá, đạo đức, thẩm mĩ và tinh thần, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội. Mục tiêu cao nhất của giáo dục và đào tạo là chuẩn bị những người chủ hiện tại và tương lai của xã hội, những người sẽ quyết định vận mệnh của đất nước, của cộng đồng xã hội và của chính bản thân mình. Đó là những con người có phẩm chất và năng lực, có nhân cách và khả năng tư duy độc lập, có kiến thức, kĩ năng chuyên môn, có năng lực nhận thức, năng lực sáng tạo, sẵn sàng vượt qua mọi định kiến trên con đường tìm kiếm chân lí, có bản lĩnh thích ứng trước mọi thử thách của cuộc sống và trước sự thay đổi của thời đại toàn cầu hoá và xã hội tri thức, có năng lực tự tổ chức đời sống của cá nhân và của cộng đồng một cách chủ động trên tinh thần hợp tác và có trách nhiệm. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải cải cách căn bản nền giáo dục quốc dân, hình thành một nền giáo dục dân chủ, nhân văn và hiện đại, một xã hội học tập, xã hội tri thức; biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, trao cho con người những công cụ và phương pháp để tự học và học tập suốt đời”.
Đại tướng rất quan tâm việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học cho cán bộ nước, nhất là thanh thanh niên Việt Nam. Trong bài viết “Để khoa học và giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu”, Người yêu cầu: “Đặc biệt cần đề ra một chủ trương yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân viên nhà nước, thanh niên Việt Nam trong 3 - 5 năm đều phải biết Anh ngữ và sử dụng máy vi tính ở một trình độ nhất định. Thi tốt nghiệp, công nhân kĩ thuật, trung cấp, cao đẳng, đại học đều phải thi môn ngoại ngữ Tiếng Anh và tin học.
Đại tướng cho rằng: “Cần đầu tư thích đáng, đổi mới trang thiết bị có trọng điểm, từng bước hiện đại hoá. Không thể để trang thiết bị trường học, viện nghiên cứu lạc hậu hơn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài xã hội mới có thể đào tạo ra con người đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”
Về khoa học, Đại tướng nêu rõ: “Cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lí khoa học gắn sản xuất với nghiên cứu. Viện nghiên cứu phải đủ năng lực sáng tạo ra những sản phẩm khoa học mà sản xuất và đời sống đòi hỏi tức là thị trường cần. Có như vậy mới làm cho khoa học công nghệ trở thành hàng hoá. Tạo nên thị trường khoa học, khắc phục cơ chế quản lí nặng hành chính bao cấp như hiện nay. Mạnh dạn cho mở những viện, những trung tâm nghiên cứu của cá nhân hay tập thể các nhà khoa học. Cổ vũ cá nhân, tập thể phát minh sáng tạo gắn nghiên cứu với sản xuất. Thực hiện công khai, dân chủ trong nghiên cứu khoa học”.
Trong số nhiều bức thư Đại tướng gửi vào những năm cuối đời được tuyển chọn, đặc biệt có bức thư Đại tướng gửi chúc mừng Giáo sư Ngô Bảo Châu vào ngày 01/9/2010 khi được tin Giáo sư được Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới (ICM) trao tặng Giải thưởng Fields năm 2010.
Trong thư gửi Giáo sư Ngô Bảo Châu, Đại tướng viết: “Thành tựu khoa học mà nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu đạt được đã khẳng định: Với một môi trường khoa học thực sự dân chủ, bình đẳng, khuyến khích tư duy độc lập, và tinh thần tự do sáng tạo, trí tuệ Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn tới những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại”. Đại tướng “tin rằng, với tâm hồn Việt Nam và trí tuệ sáng tạo, Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền Toán học Việt Nam nói riêng, nền khoa học và giáo dục Việt Nam nói chung sớm tiến kịp và hội nhập với các nền khoa học và giáo dục của các quốc gia tiên tiến trên thế giới”.
Xin trân trọng giới thiệu với thầy cô và các bạn.
Nhà xuất bản Đại học Sư phạm