Trên tinh thần đó, hai ngày 03 - 04/12/2013, khoa Giáo dục Mầm non đã tổ chức xêmina chuyên đề: “Thích ứng với trường mầm non của trẻ em”. Tham gia xêmina có đại biểu của khoa Tâm lý học- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại biểu của Viện nghiên cứu trẻ em trước tuổi học, Học viện Quản lý giáo dục, đại biểu của các trường mầm non thực hành… và đầy đủ các giảng viên của khoa Giáo dục mầm non, cùng nghiên cứu sinh, các học viên cao học của khoa. PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng nhà trường đã đến chứng kiến và bày tỏ mong muốn các chuyên gia tiếp tục hợp tác.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Nhà trường đến dự và phát biểu ý kiến tại buổi Xêmina
TS. Donatella Caprioglio, Trường Đại học Paris 13 và bà Lâm Ngọc Bình, Chủ tịch hội “Vì trẻ em Việt Nam” tại Cộng hòa Pháp đã phân tích về các vấn đề xung quanh chủ đề “Thích ứng với trường mầm non của trẻ em” như:
- Đặc điểm phát triển tâm lý của trẻ từ 0 – 6 tuổi.
- Sự thích ứng với trường mầm non và những khó khăn thích ứng của trẻ em.
- Những triệu chứng cho thấy trẻ không thích ứng với trường mầm non.
- Những biện pháp giúp trẻ thích ứng với trường mầm non.
TS. Donatella đặc biệt nhấn mạnh tới những khó khăn của trẻ khi tới trường mầm non và tâm trạng lo lắng, bối rối của cha mẹ có con ở độ tuổi này. Theo bà, cả trẻ và cha mẹ đều phải học làm quen với việc chia cách nhau để trẻ đến trường mầm non một cách vui vẻ, thoải mái.
TS. Donatella Caprioglio chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên khoa GDMN
Tiến sĩ cũng đề ra một số cách thức nhằm giúp trẻ chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đến trường mầm non, trong đó mọi người đặc biệt quan tâm tới dự án “Mái nhà xanh”. Dự án này đã được triển khai có hiệu quả ở nhiều nước phương Tây như Pháp, Ý… và cũng đã được thử nghiệm tại Việt Nam ở một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế.
“Mái nhà xanh” là nơi giúp trẻ hòa nhập với môi trường xã hội trước khi tới trường mầm non, nơi mà các phụ huynh gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với nhau về những triệu chứng của con mình. Ở đó có những người tiếp đón luôn luôn quan sát, sẵn sàng lắng nghe trẻ và bố mẹ trẻ bày tỏ cảm xúc. Họ là cầu nối giúp bố mẹ và trẻ hiểu nhau hơn, dễ dàng thiết lập mối liên hệ với nhau một cách vững chắc. Đây là điều kiện cần thiết để cả trẻ và cha mẹ thích ứng tốt hơn với việc trẻ đến trường.
Các chuyên gia trong lĩnh vực mầm non và học viên cao học đã trao đổi rất sôi nổi về các vấn đề như:
- Khả năng cảm nhận trực giác với những xúc cảm, tình cảm của người khác ở trẻ 0 – 6 tuổi.
- Thời điểm đưa trẻ đến trường mầm non để trẻ thích ứng dễ dàng nhất.
- Làm thế nào để giữ mối liên hệ giữa gia đình với nhà trường?
- Cấu trúc của “Mái nhà xanh”.
- Cách thức xây dựng “Mái nhà xanh” và đào tạo người đón tiếp “Mái nhà xanh” ở Việt Nam…
Sau khi trao đổi và thảo luận về các vấn đề nêu trên, các thành viên đã có những hiểu biết nhất định về những khó khăn mà trẻ có thể gặp phải khi đến trường mầm non, cũng như vận dụng một số biện pháp giúp trẻ vượt qua những khó khăn này.
Kết thúc 2 ngày xêmina, PGS.TS. Lã Thị Bắc Lý – Trưởng khoa Giáo dục mầm non thay mặt các thành viên cảm ơn hai chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình. Đồng thời, PGS.TS. Lã Thị Bắc Lý cũng tổng kết những kết quả đã đạt được và khẳng định đây là cơ sở cho những thành viên tham gia buổi sinh hoạt khoa học này có thêm một cách tiếp cận mới trong giáo dục mầm non. Trưởng khoa hi vọng dự án “Mái nhà xanh” sẽ sớm được triển khai rộng khắp ở Việt Nam để giúp trẻ thích ứng tốt nhất khi đến trường mầm non.
Nguồn: Khoa Giáo dục Mầm non
Publish: Phòng HC-TH