Thưa các vị khách quý, các vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ, viên chức Nhà trường!
Thưa các em sinh viên, học viên SĐH và NCS thân mến !
Hôm nay chúng ta về đây trong những ngày đầu của một giai đoạn mới tràn đầy hi vọng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế vừa mới được ban hành. Trong đó vai trò của nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục được nhấn mạnh một cách đáng kể.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội |
Trong niềm vui đó, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo nhà trường kính gửi đến các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ viên chức lời chào mừng nồng nhiệt nhất và lời tri ân cao cả nhất; gửi đến các em sinh viên, các học viên sau đại học, các NCS của nhà trường lời chức mừng tốt đẹp và niềm tin tươi sáng về tương lai tràn đầy hứa hẹn.
Trong buổi lễ long trọng và ý nghĩa này, thay mặt lãnh đạo nhà trường tôi xin gửi lời chào mừng đến các đồng nghiệp của chúng ta đang ngày đêm vì sự nghiệp trồng người cao cả trên mọi miền của đất nước; các thế hệ sinh viên của chúng ta đã và đang miệt mài với nghề, họ sống và cống hiến cho nền giáo dục nước nhà, đem nhà trường về với nhân dân, phục vụ nhân dân để trường ĐHSPHN luôn trong lòng nhân dân.
Kính thưa quí vị,
Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam trở thành một nét đẹp văn hóa đặc biệt của chúng ta. Có những giá trị sẽ vĩnh hằng trong tâm thức, trong quan niệm, trong đạo lí của mọi thời đại và tôn sư trọng đạo là một trong các giá trị đó.
Trong buổi lễ long trọng và thấm đẫm tình thầy trò hôm nay, cho phép tôi đề cập đến hai vấn đề: (i) Truyền thống tốt đẹp và (ii) trách nhiệm thời đại của trường ĐHSPHN. Vì rằng, thiếu một truyền thống tốt đẹp thì khó có được một tương lai rực rỡ.
- Nhân văn là tư tưởng và là lẽ sống mà nhiều thế hệ sinh viên của trường ĐHSPHN đã may mắn được các thế hệ thầy cô truyền dạy. Chúng ta diễm phúc vì được nhân dân yêu quí và đặt trọn niềm tin. Trên đất nước này, đến đâu khi nói đến người thầy, bà con thường nghĩ đến các thầy cô trưởng thành từ trường ĐHSPHN. Chắc hẳn với đồng lượng ít ỏi, người thầy không mang đến lợi ích vật chất cho ai, nhưng tại sao nhân dân yêu quí ? Câu hỏi này đeo đẳng tôi suốt một thời gian dài, và khi được đến nhiều miền quê của tổ quốc tôi mới nghiệm ra rằng, bà con quí mến chúng ta vì sống ân tình, gần gũi, đồng cảm và gieo được ước mơ trong mỗi con người. Đến với thành cổ Quảng Trị, với biên giới Tây Nam, nơi có nhiều cán bộ và sinh viên chúng ta đã vĩnh viễn nằm lại, ta mới hiểu thêm nhân văn là xả thân khi Tổ quốc cần đến. Nhiều thế hệ sinh viên trường ĐHSPHN đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho vùng cao, nơi khó khăn nhất, nhiều người đã ở lại với bản làng xa xôi để gieo mầm con chữ, nhân văn trong thời bình là quên mình vì nghĩa cử cao đẹp. Nhân văn là gốc rễ của đoàn kết trong nhà trường.
- Lao động hết mình vượt qua khó khăn vì chuyên môn là một nét đẹp truyền thống của nhà trường. Khó mà tưởng tưởng được sức làm việc của các thế hệ thầy cô giáo của nhà trường, từ những ngày đầu tiên thành lập, trong chiến tranh, trong thời bao cấp. Dù trong hoàn cảnh nào, các thầy cô giáo cũng luôn nỗ lực hết mình vì một bài giảng hay và ý nghĩa, vì những giáo trình để lại cho hậu thế. Từ khi đổi mới đến nay, với những điều kiện thuận lợi và cơ hội mở rộng giao lưu, đội ngũ thầy cô của nhà trường đã tận dụng mọi cơ hội tốt để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm chuẩn bị cho một bước chuyển mình của nhà trường.
- Tự học, tự đào tạo: Đây là nhu cầu tự thân của các thầy cô nhà trường, là truyền thống vô cùng tốt đẹp của các thầy cô giáo trường ĐHSPHN. Tự học, tự đào tạo như là phản xạ tự nhiên của những người ham hiểu biết, như là nhu cầu tất yếu của những người muốn vươn lên. Những luận văn cấp I, cấp II trước đây vẫn còn lưu giữ trong thư viện nhà trường là minh chứng rõ ràng cho nét đẹp truyền thống này. Điều này cũng cắt nghĩa được rằng, vì sao hiện nay vẫn còn nhiều sinh viên miệt mài, chăm chỉ. Điều này cũng gợi buồn vì chúng ta vẫn chứng kiến một số sinh viên còn lơ là, chểnh mảng.
- Phong cách hào hoa: Ít có một mái trường nào mà thầy cô luôn yêu đời và trẻ trung trong tâm hồn, sang trọng và hào hoa trong phong cách của người trí thức, người thầy như ở trường ta. Người ta dễ dàng bắt gặp nét tươi trẻ trên khuôn mặt một thầy giáo già; đặc biệt hơn, khó mà đoán tuổi một cô giáo ở trường ĐHSPHN. Đây là hoa của đất, là hương của trời mà diễm phúc chúng ta được ban tặng, và chính nhờ nó, nhiều lúc chúng ta đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể.
Kính thưa quí vị đại biểu, quý thầy cô và các em học viên cao học, NCS, các em sinh viên thân mến,
Còn nhiều nét đẹp truyền thống nữa mà trong khuôn khổ buổi lễ hôm nay, tôi chưa thể nêu ra hết được. Cách khám phá tốt nhất là đắm mình vào môi trường thực tiễn, sống với thực tiễn. Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh truyền thống nhà trường để tri ân các thế hệ thầy cô giáo đã cống hiến vì sự phát triển của nhà trường hơn 60 năm qua; để nhắc các thế hệ sinh viên tương lai “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời,”( Nikolai A.Ostrovsky-Thép đã tôi thế đấy). Tôi muốn nhấn mạnh quá khứ để làm bệ phóng cho tương lai.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/ 11/ 2013, nhiều cá nhân trong Trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NGND, NGƯT, Huân chương; nhiều nhà giáo được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Cụ thể là:
- 2 cá nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân
- 17 cá nhân được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
- 7 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
- 1 Tập thể và 2 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
- 4 tập thể và 47 cá nhân được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.
- 25 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục.
- Tập thể nhà trường và 5 cá nhân tiêu biểu đã được Bộ trưởng Bộ GD và ĐT tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc tế.
Những số liệu này một mặt cho thấy sự quan tâm động viên kịp thời của Đảng, Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đội ngũ các thầy cô giáo của trường, mặt khác lại khẳng định những đóng góp của mỗi cá nhân nói riêng và Trường ĐHSP Hà Nội nói chung cho nền giáo dục của nước nhà. Những phần thưởng này là sự ghi nhận đối với sự cống hiến to lớn của các nhà giáo đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp trồng người vẻ vang. Các nhà giáo là những tấm gương sáng về tinh thần làm việc hăng say, nghiêm túc; về tình thân ái, độ lượng, hết lòng vì thế hệ tương lai của đất nước.
Trong không khí ấm cúng thắm tình thầy trò hôm nay, chúng ta cũng nhiệt liệt chúc mừng 16 thầy cô – 16 Nhà giáo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GS và PGS trong năm 2013. Đây là một vinh dự to lớn, một niềm tự hào và hãnh diện cho tập thể thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thay mặt cho lãnh đạo Nhà trường, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các tập thể và cá nhân đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý trong năm học vừa qua và mong muốn các thầy cô sẽ tiếp tục cống hiến, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của nhà trường trong giai đoạn sắp tới!
Kính thưa quí vị đại biểu, quý thầy cô và các em học viên cao học, các em sinh viên thân mến
Chúng ta đang đứng trước yêu cầu của thời đại. Đổi mới giáo dục là mệnh lệnh của cuộc sống. Chúng ta luôn ý thức rằng, một đất nước muốn phát triển bền vững phải có một nền giáo dục phát triển.
Chúng ta đang có một thế hệ cán bộ vàng. Vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển họ. Trung ương đã thông qua nghị quyết đổi mới giáo dục. Đối với trường ĐHSPHN, tính tiên phong trong trách nhiệm thời đại phải được xác định từ đầu như một trọng trách của trường trọng điểm.
Trước mắt chúng ta là thách thức và cơ hội.
Thách thức lớn nhất là chúng ta có vượt qua được chính mình hay không. Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách đối với giáo dục, đối với nhà giáo, nhưng từ một nền kinh tế khó khăn, cuộc sống của người thầy chưa cải thiện được nhiều, lao động của người thầy chưa được đánh giá một cách đúng mức nhất.
Mặt trái của kinh tế thị trường ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến chân giá của người thầy, tác động tiêu cực đến quan niệm xã hội về hình ảnh người thầy. Số lượng học sinh ưu tú vào các trường sư phạm không tăng. May mắn thay, trường ĐHSPHN vẫn là ngôi trường được học sinh lựa chọn. Đáng buồn hơn là có một số ít ỏi cá nhân đã tự mình làm mờ đi hình ảnh đáng kính của người thầy trong xã hội.
Chúng ta đang đối diện với những đòi hỏi đổi mới. Trong đó năng lực của người học, vấn đề phát triển cá nhân đang được chú trọng. Vị thế của một trường trọng điểm không cho phép chúng ta bình chân được. Sự chuẩn mực cũng không cho phép chúng ta vội vã. Vì vậy, hơn lúc nào hết, đây là lúc cần thiết tập trung trí tuệ để tìm hướng đi đúng đắn cho nhà trường và đóng góp cho sự phát triển giáo dục nước nhà. Khó khăn rất nhiều nhưng đây cũng là cơ hội lớn. Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT cũng như toàn ngành đang kỳ vọng ở chúng ta. Đây cũng là niềm tin của nhân dân đối với chúng ta. Trọng trách lớn lao và vinh quang của chúng ta là đi tiên phong trong đổi mới, tìm mô hình, tìm biện pháp, tìm cách làm, tìm hướng đi đúng đắn. Đó là tình cảm, là trách nhiệm thiêng liêng của thời đại trao cho chúng ta.
Trong thời gian tới, chúng ta tập trung để xây dựng chương trình đào tạo, phát triển nghiệp vụ và xây dựng các chuyên đề đào tạo lại cho đội ngũ nhà giáo hiện nay. Chúng ta cũng không lơ là việc phát triển nghiên cứu khoa học, chú trọng khoa học giáo dục vì đây là cơ sở của quá trình tự đào tạo và đào tạo nhân lực trình độ cao, hướng đến một trường ĐH nghiên cứu. Đây là một việc hệ trọng quyết định sinh mạng của nhà trường. Chúng ta phải xứng đáng với trường trọng điểm, đầu ngành trong các trường ĐHSP của cả nước. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi kêu gọi sự đoàn kết, tập trung trí tuệ và tình cảm của các thầy cô giáo, cán bộ viên chức nhà trường vì một trường ĐHSPHN phát triển.
Các thế hệ tiền bối trong khó khăn trăm bề vẫn quên mình để xây dựng nhà trường, đã cho chúng ta vinh quang và tự hào như hôm nay, cho chúng ta truyền thống hào hùng như hôm nay, lẽ nào chúng ta quên đi tình sâu nghĩa nặng của tiền nhân ? Chúng ta tin tưởng đội ngũ thầy cô đầy tâm huyết, giàu tri thức và khát khao sáng tạo sẽ làm chuyển mình trường ĐHSPHN. Chúng ta tin tưởng rằng, con cháu chúng ta sẽ được hưởng một nền giáo dục nhân văn, đậm đà bản sắc Việt và tiến bộ của nhân loại.
Nhân dịp này, thay mặt cho lãnh đạo Nhà trường, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo mà trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo; cảm ơn sự giúp đỡ đầy hiệu quả của các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước; các cơ quan, các địa phương trong quá trình hợp tác, đào tạo và nghiên cứu để tạo nên những thành tựu đáng tự hào của Nhà trường.
Một lần nữa, xin kính chúc các nhà giáo mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vì mái trường ĐHSPHN thân yêu của mình; chúc các em sinh viên, học viên cao học, các anh chị NCS sức khỏe, hạnh phúc và dám dấn thân vì mục tiêu cao đẹp.
Kính chúc các vị đại biểu, các vị khách quý và các đồng chí hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn!
HIỆU TRƯỞNG
NGUYỄN VĂN MINH