“Hoá học có tiếng là một chuyên ngành phức tạp và nhàm chán; nhiều người trong số chúng ta rất sợ phải học môn Hóa ở trường, nhưng trong hầu hết các trường hợp, rõ ràng gán tiếng xấu đó cho Hóa học là không thỏa đáng. Pháo hoa và các vụ nổ đều là phát minh của hoá học, do đó, chắc chắn đây không phải là một khoa học nhàm chán” - bà Katherine Muller Marin nói. “Hoá học giải thích thực phẩm biến đổi ra sao khi chúng ta nấu nướng. Bạn cũng cần trang bị kiến thức hóa học cơ bản thì mới hiểu được cách thức mà các loại vitamin hay dược phẩm có thể giúp ích hoặc gây hại cho cơ thể bạn”.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Văn phòng UNESCO Hà Nội, phát biểu trong buổi lễ hưởng ứng Năm quốc tế về Hóa học 2011 tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ngày 24/5. (Ảnh: Giáo dục & Thời đại)
Trong khi đó, theo TS Nguyuyễn Văn Hải, giảng viên khoa Hóa học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN), Hóa học có thể hỗ trợ chế biến rác thải thành các vật liệu tái chế, giúp bảo vệ môi trường và tận dụng các nguồn tài nguyên sẵn có. Hiện nay, các nghiên cứu khoa học tại khoa Hóa học - Trường ĐHSPHN đang tập trung vào việc phát triển các giải pháp cho các vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội, bao gồm các nghiên cứu về vật liệu mới, hợp chất từ thiên nhiên, hóa dược và môi trường, vv...
Theo ông Hải, Hóa học giúp sản xuất năng lượng sinh khối từ các nguyên liệu là động vật và thực vật nhằm tạo ra nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Chính những tác động của con người đã khiến môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm, tàn phá rừng, làm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nhờ có hóa học mà môi trường bị tàn phá có thể được “cứu” và trở nên xanh hơn, sạch hơn.
Tại buổi lễ buổi lễ hưởng ứng Năm quốc tế về Hóa học 2011, bà Marin cũng cho biết, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hóa học, UNESCO và các đối tác đang thực hiện 2 dự án toàn cầu.
Dự án thứ nhất là “Nước - Một Giải pháp Hoá học” với sự tham gia của các học sinh tiểu học và trung học cơ sở trên toàn thế giới, yêu cầu các em phân tích và đánh giá chất lượng nước tại địa phương. Dự án hứa hẹn sẽ là thí nghiệm hoá học lớn nhất từng được thực hiện và góp phần nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước của chúng ta.
Dự án thứ hai nhắm tới đối tượng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, kết nối các em với các hoạt động trực tuyến giúp hình dung và tăng cường hiểu biết về khoa học biến đổi khí hậu, từ đó, các em có thể chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những thách thức trong tương lai.
Theo bà Marin, Việt Nam đã thể hiện cam kết về giáo dục toán học và khoa học thông qua việc đăng cai tổ chức Olympic Toán học quốc tế năm 2007 và Olympic Vật lý quốc tế năm 2008. Trong những kỳ Olympic Hóa học quốc tế gần đây, học sinh Việt Nam đã đạt được một số kết quả cao trong số các quốc gia tham dự.
Năm 2014, Olympic Hoá học quốc tế lần thứ 46 sẽ được tổ chức chính tại Việt Nam, điều này mang đến cho Việt Nam cơ hội thể hiện những mối quan tâm và năng lực trong lĩnh vực Hóa học.
Sinh viên Việt Nam chỉ giỏi lý thuyết?
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Văn phòng UNESCO Hà Nội, không đồng tình với ý kiến cho rằng sinh viên Việt Nam chỉ giỏi lý thuyết chứ không giỏi thực hành.
“Khi bạn thực hiện nghiên cứu hóa học, bạn cần tiến hành thủ nghiệm bằng thực tế để xem kết quả sẽ ra sao. Thật khó cho bạn khi học hóa học mà không thực hành,” bà cho biết.
Theo quan điểm của bà, nhằm nâng cao khả năng thực hành của sinh viên, Chính phủ nên đề ra các chính sách nhằm cải cách chường trình giáo dục tại các trường, để sắp xếp thêm vốn và thời gian cho các nghiên cứu thực tế.
|
Thảo Nguyên