Chiều ngày 18/3/2011, trời Hà Nội mưa rét nhưng không ngăn nổi dòng người đổ về nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông để tiễn biệt người Anh hùng Lao động, nhà giáo mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, tâm huyết - GS.NGND Dương Trọng Bái. GS Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng và PGS Trần Văn Ba - Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức đoàn thể của Trường, cán bộ sinh viên khoa Vật lý và các cựu giáo chức, các thế hệ học trò đã đến viếng và đưa tiễn GS Dương Trọng Bái.
Ngay trong buổi chiều hôm nay - ngày tiễn biệt GS.NGND.AHLĐ Dương Trọng Bái về nơi vĩnh hằng, HNUE đã nhận được bài viết hết sức cảm động của Kiều Mai Sơn (bài sẽ đăng trên báo Công an Nhân dân số ra ngày Chủ nhật - 20/3). GS Dương Trọng Bái có sự hấp dẫn của nhà sư phạm lỗi lạc vừa ở tài năng, hào hoa uyên bác, đầy nhiệt huyết, hết lòng thương yêu sinh viên nhưng trước hết đó là ở nhân cách: một người nhân đức, chân thực, hồn hậu.
VĨNH BIỆT GS.NGND. AHLĐ DƯƠNG TRỌNG BÁI
Hơn nửa thế kỷ trước, năm 1957 viện nguyên tử Đupna (Liên Xô) chào đón ba người Việt Nam sang thực tập khoa học. Đó là Dương Trọng Bái, Nguyễn Hoàng Phương và Nguyễn Đình Tứ.
Sau này, họ đều trở thành những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên: Nguyễn Hoàng Phương (1927 - 2004) - Giáo sư Vật lý cơ lượng tử - Chủ nhiệm khoa Vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHTN - ĐHQG Hà Nội), từ năm 1970 ông chuyển sang nghiên cứu Đông phương học và đạt nhiều thành công; Nguyễn Đình Tứ (1932 - 1996), GS Vật lý - Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bộ trưởng Đại học và THCN (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), Viện trưởng viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Việt Nam, Uỷ viên Bộ Chính Trị kiêm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Trái tim của nhà khoa học tài năng, người cuối cùng trong bộ ba ấy, GS.NGND.AHLĐ Dương Trọng Bái đã ngừng đập vào hồi 10 giờ ngày 16/3/2011, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, hưởng thọ 88 tuổi.
DANH GIA VỌNG TỘC
GS.NGND.AHLĐ Dương Trọng Bái sinh ngày 29/8/1924 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước quê gốc là xóm Hà, làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chợ làng Phú Thị to nhất tổng Mễ Sở và còn có tên gọi khác là chợ Mễ. Nơi đây là điểm hội tụ buôn bán sầm uất của người kinh kỳ xuống, người phố Hiến, Yên Vĩ, Dạ Trạch, Đông Cảo, Hàm Tử tập trung sản vật về, và thuyền mành từ Thanh - Nghệ ra nên mới có câu ví “Dài như cái chợ Mễ” hay “Bỏ dâu, bỏ rể không ai bỏ chợ Mễ mồng 5”.
Xóm Hà, chốn “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh dòng họ Dương khoa bảng yêu nước. Họ Dương gốc từ Lạc Đạo - huyện Yên Mỹ - tỉnh Hưng Yên, sau có một chi chuyển đến lập nghiệp tại Phú Thị, nổi tiếng vì đã có 1 Trạng nguyên là cụ Dương Phúc Tự (1505 - 1563) đỗ Trạng nguyên đời Mạc, 8 Tiến sĩ và 6 Thượng thư. Nối tiếp truyền thống, cụ cử nhân Dương Duy Thanh (1804 - 1861) khi làm Đốc học Hà Nội đã lập bia ca ngợi công đức Hai Bà Trưng tại đền Đồng Nhân, nay còn lưu tiếng tốt. Nghĩa trang họ Dương nằm giữa cánh đồng làng, nước thời gian không xóa nhòa được đôi câu đối trên hai cột trụ cổng vào, do cử nhân Dương Bá Trạc (bác ruột GS Dương Trọng Bái) viết đã một thế kỷ: “Tìm huyệt sẵn để chôn nhất định có sinh thời có hóa. Đậy quan rồi mới biết nghìn năm mai cốt chẳng mai danh”.
GS Dương Trọng Bái là kết quả của mối lương duyên chuyển từ thù hận thành thông gia. Họ Trần dưới xóm Đỗi và họ Dương gây thù kết oán với nhau vì chức tiên chỉ làng. Cụ Dương Trọng Phổ (1862 - 1927) đã cho gọi con cháu đến phân tích đúng sai. Đồng thời nghĩ đến tình làng nghĩa xóm và gia giáo của dòng họ thi thư, cụ Phổ đến gặp cụ tiên chỉ Trần Khắc Tế tác thành cho cô con gái thứ hai là Trần Thị Vân, đẹp người lại đẹp nết đảm đang lấy con trai thứ năm của mình là Dương Quảng Hàm kết tình hòa hiếu.
Cụ Dương Quảng Hàm, thân sinh GS Dương Trọng Bái, nhà giáo dục nổi danh những năm trước cách mạng tháng Tám cùng thời với các cụ Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ… Sau khi đỗ thủ khoa Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, cụ Dương Quảng Hàm được về dạy tại trường Trung học Bảo hộ, tức là trường Bưởi danh tiếng. Trong thời gian dạy ở đây, cụ Dương Quảng Hàm đã viết nên những cuốn sách kinh điển đặt nền móng cho môn lịch sử văn học và cũng là người khởi xướng chương trình quốc học cho nền giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20: Tập bài thi bằng sơ học yếu lược (soạn cùng Dương Tự Quán), Quốc văn trích diễm, Việt văn giáo khoa thư. Đặc biệt hai tác phẩm Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam văn học trích yếu của cụ một thời là sách khai tâm, sách gối đầu giường của nhiều thế hệ học sinh và cho đến nay vẫn là hành trang không thể thiếu đối với các nhà nghiên cứu văn học.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cụ Dương Quảng Hàm được Chính phủ cách mạng cử làm Hiệu trưởng trường Chu Văn An (tức trường Bưởi đã được đổi tên), đồng thời là Thanh tra Trung học vụ của Bộ Quốc gia Giáo dục.
Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), cụ Dương Quảng Hàm, cùng với người con là Lê Thi, đã ở lại chiến đấu cùng với chiến sĩ cảm tử quân Liên khu I. Cụ đã ngã xuống giữa ba mươi sáu phố phường Hà Nội với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chính phủ đã truy tặng cụ bằng Tổ quốc ghi công.
Anh cả của cụ Dương Quảng Hàm là Dương Bá Trạc, đỗ Cử nhân năm 17 tuổi, một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, bị đày đi Côn Đảo năm 1909; anh trai thứ ba là Dương Tự Nguyên sang Nhật theo phong trào Đông Du; em trai út là Dương Tự Quán là nhà biên khảo, thân sinh ra nhà thơ, liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Dương Thị Xuân Quý…
Cụ Dương Quảng Hàm có tám người con, bốn nam, bốn nữ, đều thành danh sáng nghiệp. Người con cả là Bác sĩ, thạc sĩ Dương Bá Bành; con trai thứ là AHLĐ. GS. NGND Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội; con gái có Dương Thị Thoa, tức Giáo sư Lê Thi, cô gái Hà Nội có vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trên quảng trường Ba Đình trong Lễ Độc lập 2/9/1945, sau làm Viện trưởng Viện Triết học; Bác sĩ Dương Thị Cương được phong Giáo sư, Bác sĩ, Viện trưởng Viện Phụ sản Trung ương, từng đoạt giải Kovalevkaia…
NGƯỜI THẦY TIÊN PHONG MỞ ĐƯỜNG
Ngay từ thuở thiếu thời, cậu Dương Trọng Bái với tư chất thông minh nên đã thi đỗ vào trường Anbe - Xarô vốn chỉ dành cho con Tây và con các gia đình quan lại người Việt làm việc “mẫn cán” đối với Chính phủ Bảo hộ.
Đang học cử nhân khoa học thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Dương Trọng Bái hăng hái tham gia vào phong trào thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu (tên gọi Hà Nội lúc đó) với ý chí và nhiệt tình say mê của tuổi trẻ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, sơ tán khỏi Hà Nội, Dương Trọng Bái tiếp tục nối nghiệp dòng họ 6 đời liên tục làm nghề dạy học, tiếp tục nối nghiệp người cha, người thầy kính yêu đã ngã xuống trong giờ nổ súng đầu tiên bảo vệ nền độc lập Tổ quốc, để tham gia gieo hạt mầm văn hóa trên cánh đồng trí thức cho nhân dân Việt Nam với 95% mù chữ.
Đầu tiên thầy dạy ở trường Trung học kháng chiến Đào Giã (Phú Thọ). Khi Chính phủ ta được sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc thành lập Khu học xá đặt tại Tâm Hư - Nam Ninh - Trung Quốc, năm 1952 Bộ Giáo dục cử thầy sang dạy trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp cho tới khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Ở Việt Nam các nhà khoa học đã đánh giá, sau GS Ngụy Như Kon Tum (1913 - 1991) hẳn phải kể đến thầy Dương Trọng Bái là một trong những người đầu tiên dạy môn vật lý ở bậc Đại học. Hầu hết các nhà vật lý học nổi tiếng nhất của đất nước trong nửa cuối thế kỷ 20 đều là học trò của thầy Dương Trọng Bái. Nhiều sinh viên đã trở thành nhà khoa học uy tín hoặc cán bộ lãnh đạo như: GS Nguyễn Hoàng Phương, GS Nguyễn Đình Tứ, GS Võ Qúy, GS Hà Học Trạc, GS Hoàng Chúng…
Những năm kháng chiến gian khổ, các thầy Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thạc Cát, Đào Văn Tiến, Lê Khả Kế, Đặng Văn Cáp, Nguyễn Trọng Phấn… và sinh viên đều hết sức kính trọng người thầy giáo trẻ Dương Trọng Bái không quản ngại khó khăn hết lòng vì học trò và say mê tìm tòi sáng tạo trong giảng dạy.
Khi miền Bắc bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, nhà giáo Dương Trọng Bái tiếp tục đứng trên bục giảng dạy và phụ trách bộ môn Vật lý rồi Chủ nhiệm khoa Vật lý (1960). TS Nguyễn Như Ất, cựu sinh viên khoa Vạn vật học (nay là khoa Sinh - KTNN) tâm sự rằng: “Đang khao khát biết thế nào là học Đại học mà được các thầy như thầy Bái thì hứng thú vô cùng. Những bài giảng của thầy cho đến bây giờ vẫn lưu đậm trong tâm trí tôi”.
Đến tháng 8 năm 1966 trường ĐHSP Việt Bắc (nay là trường ĐHSP Thái Nguyên), trường Đại học đầu tiên của nhà nước ta đào tạo cán bộ giáo viên phục vụ các tỉnh miền núi phía Bắc được thành lập. Thầy Dương Trọng Bái lại được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng cử lên làm một trong những người sáng lập đồng thời giữ cương vị Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng nhà trường (1971) với nhiệm vụ đoàn kết các cán bộ người Kinh và người dân tộc thiểu số lãnh đạo trường vượt qua khó khăn trong chiến tranh, xây dựng trường ĐHSP Việt Bắc phát triển vững mạnh.
ANH HÙNG LAO ĐỘNG CỦA NGÀNH GIÁO DỤC
Ngày non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, thầy Dương Trọng Bái được Bộ tin tưởng giao trọng trách Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội để tiếp nối và phát huy truyền thống “máy cái” của ngành giáo dục, nơi đào tạo giáo viên hàng đầu cả nước.
Ghi nhận những công lao, đóng góp của thầy, năm 1980, Hội đồng Khoa học Quốc gia đã phong nhà giáo Dương Trọng Bái chức danh Giáo sư đợt đầu tiên của đất nước thống nhất. Cùng năm đó, trước yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục cũng như tình hình đất nước nói chung, GS Dương Trọng Bái lên Bộ đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban đầu tiên ban Nghiên cứu cải cách sư phạm với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về ngành sư phạm và giáo viên.
Đây là một lĩnh vực rất mới của nền khoa học giáo dục Việt Nam. Vừa làm nhiệm vụ chuyên môn và nghiên cứu khoa học, GS Dương Trọng Bái đã chủ động nghiên cứu và xây dựng thành công bảng đơn vị đo lường hợp pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1964), vừa kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng bộ môn Vật lý của Bộ Giáo dục liên tục trong nhiều năm, rồi thẩm định sách giáo khoa Vật lý, một trong những tác giả Từ điển Vật lý và từ điển Bách khoa Việt Nam cùng nhiều chức vụ quan trọng khác. Ông còn chủ trì việc thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển đi thi quốc tế, 8 lần dẫn đầu đoàn đi thi, góp phần vào thành tích của đoàn học sinh Việt Nam trên trường quốc tế.
Ở bất cứ cương vị công tác nào, Hiệu trưởng trường ĐHSP Việt Bắc, Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội, hay Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), GS Dương Trọng Bái đều được sự tín nhiệm, quý mến và lòng kính trọng của cấp trên, đồng nghiệp cũng như mọi thế hệ học trò đồng thời hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, sáng tạo. Sự hấp dẫn của nhà sư phạm lỗi lạc vừa ở tài năng, hào hoa uyên bác, đầy nhiệt huyết, hết lòng thương yêu sinh viên nhưng trước hết đó là ở nhân cách: một người nhân hậu, chân thực, hồn hậu.
Người thầy tâm huyết về giáo dục ấy đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, đặc biệt ngày 24/8/2000 Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 349 KT/CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS Dương Trọng Bái. Đây là mốc son chói lọi trong sự nghiệp lao động của người trí thức ưu tú, niềm tự hào của ngành giáo dục Việt Nam. Ông đã làm rạng rỡ thêm lời gia huấn của dòng họ Dương - làng Phú Thị: “Dạy học không chỉ là dạy chữ, dù cho đó là chữ của Thánh hiền, mà trước hết là dạy cái đạo làm người, dạy nên những con người”./.
Kiều Mai Sơn
Hà Nội, 18-3-2011