GS.NGND.AHLĐ Dương Trọng Bái
(Ảnh: Đoàn TN ĐHSPHN cung cấp)
Từ sáng ngày 16 tháng 3, cái rét lạnh buốt trở lại, trời đổ mưa rả rích, 10h, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, thọ 88 tuổi! Ngành giáo dục Việt Nam mất đi một nhà giáo lão thành mẫu mực, giới trí thức và khoa học Việt Nam mất đi một người trí thức uyên thâm và nhà khoa học lớn uy tín, Trường ĐHSP Hà Nội mất đi một nhà lãnh đạo lão thành tài năng, đức độ, suốt đời tận tụy, cống hiến hy sinh cho sự nghiệp trồng người, quê hương Hưng Yên văn hiến mất đi một người con ưu tú.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái sinh ngày 29/8/1924, dân tộc Kinh, nguyên quán làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng có truyền thống cách mạng. Ông là con trai Giáo sư Dương Quảng Hàm (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Chu Văn An, tức Trường Bưởi cũ, được bổ nhiệm ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945, là Liệt sĩ hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến). Ông là chắt của Đốc học Hà Nội Dương Duy Thanh và là cháu nội của Dương Trọng Phổ (con là Dương Bá Trạc) đều tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và cả hai đều bị bắt đi đày Côn Đảo. Truyền thống gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ con cháu trong gia đình họ Dương. Noi gương người cha, tám anh chị em của ông đều học hành đỗ đạt, vươn lên trong nghiên cứu khoa học, trong đó ba người đã được phong chức danh Giáo sư: Giáo sư Dương Trọng Bái, Giáo sư Dương Thị Thoa (Lê Thi), nguyên Viện trưởng Viện Triết học và Viện trưởng Viện Nghiên cứu về giới và Giáo sư Dương Thị Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chăm sóc bảo vệ trẻ em.
|
Vợ chồng Giáo sư Dương Quảng Hàm và các con (1937). |
Năm 1948, theo tiếng gọi của Đảng, chàng thanh niên Dương Trọng Bái tình nguyện cùng một số cán bộ đầu tiên đi dạy học ở trường Trung học Kháng chiến Đào Dã (1948 - 1954). Từ 1955 đến 1966, ông là là cán bộ giảng dạy, Chủ nhiệm khoa Vật lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đóng góp to lớn vào công tác đào tạo đội ngũ giáo viên Vật lý cho cả nước. Nhà giáo Dương Trọng Bái đã xây dựng hệ thống thuật ngữ tiếng Việt môn Vật lý (1963), chủ động nghiên cứu và xây dựng thành công bảng đơn vị đo lường hợp pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1964) và nhiều công trình khoa học khác. Từ 1966 đến 1975, ông là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên xây dựng trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, đảm đương cương vị Phó Hiệu trưởng, rồi làm Hiệu trưởng trường này. Từ năm 1976 đến 1980, ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1980, ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư Vật lý học.
Từ năm 1981, Giáo sư Dương Trọng Bái chủ trì việc thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển đi thi quốc tế, 8 lần dẫn đầu Đoàn đi thi, góp phần to lớn vào thành tích của Đoàn học sinh Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ năm 1992 đến nay, trên cương vị Chủ tịch hội đồng bộ môn Vật lý phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư đã cùng các đồng nghiệp xây dựng chương trình môn Vật lý của phổ thông trung học cải cách, phổ thông trung học chuyên ban, đồng thời là chủ biên và tham gia biên soạn nhiều cuốn sách chuyên Vật lý,… Giáo sư đã nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập, vượt khó khăn, đổi mới quản lý, lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học và đào tạo thế hệ trẻ.
Giáo sư được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Danh hiệu Anh hùng lao động (2000).
Lễ viếng Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Dương Trọng Bái được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội, bắt đầu từ 13h35 đến 15h30 ngày 18 tháng 3 năm 2011. Lễ truy điệu và lễ an táng tại Đài hóa thân hoàn vũ được tổ chức cùng ngày.
Đăng bởi: NBC
Tham khảo chính: Triệu Chinh Hiểu