Sáng ngày 08/01/2011, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác tổ chức Lễ trao Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2010 tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo xét tặng Giải thưởng “Sinh viên NCKH” của Bộ, đã nhận được 389 công trình từ hàng chục nghìn công trình NCKH của sinh viên ở 93 trường ĐH, học viện cả nước được gửi tham dự. Gần 800 lượt các giảng viên, nhà khoa học và quản lý thuộc 60 trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu đã được huy động để đánh giá chất lượng các công trình NCKH của sinh viên tham dự giải thưởng.
Đây là năm thứ 21 Bộ GD-ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức xét và trao tặng Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" cho các sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) xuất sắc, được tuyển chọn từ các trường đại học, học viện trong cả nước. Đại hiểu lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới dự có: GS.TS.NGƯT Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS.NGƯT Lê Đình Trung - Trưởng phòng Khoa học - công nghệ, TS. Nguyễn Văn Nguyệt - Phó Trưởng phòng Khoa học - công nghệ.
Năm 2010, Trường ĐHSP Hà Nội và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là 2 trường dẫn đầu khối đại học, học viện với 2 công trình đạt Giải Nhất và được tặng Bằng khen của Bộ trưởng. Kết quả: 2 Giải Nhất: Nguyễn Hữu Kiên - Khoa Toán tin và Nguyễn Tô Sơn - Khoa CNTT (đồng thời đạt Giải nhất Vifotec); 1 Giải Nhì: Lưu Thị Hồi - Khoa Sinh học và 4 Giải Ba: Nguyễn Thị Định - Khoa Hóa học, Nguyễn Thị Tuyên và Phạm Phương Thảo - Khoa Vật lý, Nguyễn Thị Ngân - Khoa Ngữ Văn, Dương Thị Lợi - Khoa Địa lý. GS.TSKH Đỗ Đức Thái (Khoa Toán Tin) và TS Phạm Thọ Hoàn (Khoa CNTT) được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đó là những công trình NCKH tiêu biểu trong tổng số 817 công trình của sinh viên toàn Trường năm 2010 về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ, khoa học xã hội - nhân văn và khoa học giáo dục và ngoại ngữ. Trong số các sinh viên đạt giải thưởng, tỉ lệ sinh viên là năm thứ 3 ngày càng tăng (2 Giải Nhất đều do sinh viên năm thứ ba thực hiện), trong đó có cả sinh viên năm thứ 2. Đây là tín hiệu vui cho công tác đào tạo toàn diện của các khoa trong toàn Trường.
Kết quả đó có được là do sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự nỗ lực của sinh viên, sự tận tâm của các cán bộ hướng dẫn khoa học và sự phối hợp hiệu quả của các phòng ban: Phòng Khoa học - Công nghệ, Đoàn Thanh niên trường, Phòng Đào tạo, Phòng Kế hoạch - tài chính,... Đặc biệt, trong công tác tổ chức Hội nghị SVNCKH và hoạt động tư vấn thẩm định các công trình SVNCKH của Phòng Khoa học - Công nghệ và Đoàn Thanh niên trường.
|
GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm UBKHCNMT Quốc hội
và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý trao tặng giải nhất Giải thưởng
"Sinh viên nghiên cứu khoa học".
Ảnh nguồn: http://www.cpv.org.vn
|
Danh mục các báo cáo đạt Giải thưởng cấp Bộ:
2 Giải Nhất cấp Bộ:
- Công trình NCKH: “Định lí cơ bản đối với các siêu mặt và điểm nguyên trên đa tạp xạ ảnh”. Tác giả: Nguyễn Hữu Kiên - K57CLC, Khoa Toán tin. CBHD: GS.TSKH Đỗ Đức Thái.
- Công trình NCKH: “Tái hiện mạng lưới trao đổi chất bằng phương pháp khai phá dữ liệu”. Tác giả: Nguyễn Tô Sơn - K57A, Khoa Công nghệ thông tin. CBHD: TS Phạm Thọ Hoàn.
1 Giải Nhì cấp Bộ:
- Công trình NCKH: “Phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn có khả năng sinh Cellulase ngoại bào từ đường ruột cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon Idella)”. Tác giả: Lưu Thị Hồi - K56C, Khoa Sinh học. CBHD: TS Phan Duệ Thanh.
4 Giải Ba cấp Bộ:
- Công trình NCKH: “Nghiên cứu tổng hợp, cấu trúc và chuyển hóa một số Hiđraxzon chứa vòng Furoxan trên cơ sở Anetole từ tinh dầu hồi”. Tác giả: Nguyễn Thị Định - K56A, Khoa Hóa học. CBHD: GS.TS Nguyễn Hữu Đĩnh, NCS Nguyễn Quang Trung.
- Công trình NCKH: “Thiết kế, chế tạo các dụng cụ thí nghiệm đơn giản với vỏ lon và chai nhựa để sử dụng trong dạy học phần Nhiệt học và Quang học ở trường phổ thông”. Tác giả: Nguyễn Thị Tuyên - K58A, Phạm Thị Phương Thảo - K57A, Khoa Vật lí. CBHD: TS Nguyễn Văn Biên, ThS Trần Bá Trình.
- Công trình NCKH: “Nghệ thuật tương phản trong kịch Hernani của Victor Hugo”. Tác giả: Nguyễn Thị Ngân - K57C, Khoa Ngữ văn. CBHD: PGS.TS Lê Nguyên Cẩn.
- Công trình NCKH: “Đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu”. Tác giả: Dương Thị Lợi - K56TN, Khoa Địa lí. CBHD: GS.TS Đỗ Thị Minh Đức.
Các Sinh viên đạt giải thưởng cấp Bộ được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiền thưởng và Giấy chứng nhận. Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM cũng đã quyết định tặng huy hiệu “Tuổi trẻ Sáng tạo” cho các sinh viên có công trình đạt Giải Nhất và bằng khen cho các sinh viên có công trình đạt Giải Nhì.
Công trình nghiên cứu của Nguyễn Tô Sơn được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trao tặng Giải thưởng "Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC". Theo phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng: “Công trình “Tái hiện mạng lưới trao đổi chất bằng phương pháp khai phá dữ liệu” của sinh viên Nguyễn Tô Sơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được hội đồng đánh giá là có cách tiếp cận rất sáng tạo, thông minh và trước đây chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề này. Đề tài đã tái hiện lại mạng lưới trao đổi chất dựa trên dữ liệu sinh học đo nồng độ hoặc khối lượng các chất bằng cách sử dụng phương pháp tính toán và xây dựng phần mềm cho phép phát hiện tương tác nhiều chất”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý cho biết: Hội nghị tổng kết 21 năm Giải thưởng “Sinh viên NCKH” sẽ được Bộ tổ chức vào tháng 3/2011 nhằm để tổng kết, đánh giá về hoạt động NCKH của sinh viên trong thời gian qua; đề ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ, động viên, ưu đãi cho các sinh viên tham gia NCKH, nhất là đối với các sinh viên đạt giải thưởng cao nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động NCKH của sinh viên trong thời gian tới.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội nghị bởi vì Trường không những dẫn đầu về thành tích SVNCKH mà còn là Trường tổ chức sớm nhất hoạt động này, trước khi Bộ phát động phong trào này trong khối đại học, học viện toàn quốc.
Tin bài: Nguyễn Anh
Thông tin từ báo Gài Gòn Giải phóng:
Trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2010
(SGGPO).- Sáng nay, 8-1, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức trọng thể Lễ trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2010. Đây là năm thứ 21 Bộ GD-ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức xét và trao tặng Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" cho các sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) xuất sắc, được tuyển chọn từ các trường đại học, học viện trong cả nước.
Năm 2010, Ban Chỉ đạo xét tặng giải thưởng “Sinh viên NCKH” của Bộ đã nhận được 389 công trình từ hàng chục nghìn công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 93 trường đại học, học viện trong cả nước gửi tham dự. Gần 800 lượt các giảng viên, nhà khoa học và quản lý thuộc 60 trường đại học, học viện, viện nghiên cứu đã được huy động để đánh giá chất lượng các công trình NCKH của sinh viên tham dự giải thưởng.
Để lựa chọn được những công trình thực sự có chất lượng cao, xứng đáng trao giải nhất, năm thứ hai liên tiếp, Bộ GD-ĐT đã thành lập các hội đồng khoa học chuyên ngành với sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín cao để đánh giá các công trình có kết quả từ 8,5 điểm trở lên và đã xét chọn được 15 công trình đạt giải nhất thuộc 12 nhóm ngành.
Để có cơ sở cấp học bổng đi học sau đại học ở nước ngoài cho các sinh viên đoạt giải nhất Giải thưởng “Sinh viên NCKH” năm 2010, Bộ đã thành lập 2 Hội đồng chuyên môn thẩm định lại các công trình NCKH của sinh viên đạt giải nhất. Hội đồng đã nghe các sinh viên trình bày kết quả nghiên cứu của mình, đã thảo luận, xem xét kỹ lưỡng chất lượng các đề tài và đã xét chọn được 12 sinh viên trong tổng số 15 sinh viên đạt giải nhất đủ điều kiện về thành tích NCKH để được cấp học bổng. Các sinh viên này, nếu đáp ứng được các điều kiện khác về kết quả học tập, khả năng ngoại ngữ và sức khỏe thì sẽ được Bộ gửi đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
Năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định khen thưởng 305 công trình NCKH do 716 sinh viên thực hiện, trong đó có 15 giải nhất, 27 giải nhì, 130 giải ba và 133 giải khuyến khích. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã quyết định khen thưởng 17 giảng viên tham gia hướng dẫn 15 công trình đạt giải nhất và 26 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên năm 2010.
Trong số 26 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được tặng bằng khen của Bộ trưởng năm nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là 2 đơn vị dẫn đầu với hai công trình đạt giải nhất. Trường Đại học Lạc Hồng, trường đại học dân lập duy nhất có sinh viên đoạt giải nhì Giải thưởng “Sinh viên NCKH”.
Năm 2010 cũng là năm thứ 18 Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức xét và trao tặng Giải thưởng "Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - VIFOTEC" cho các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của sinh viên thuộc các nhóm ngành: Khoa học kỹ thuật; nông - lâm - ngư nghiệp; y dược; kinh tế vĩ mô và nhóm ngành khoa học công nghệ ưu tiên và môi trường (công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa; công nghệ vật liệu và công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường).
Bộ GD-ĐT đã tổ chức, chỉ đạo các đơn vị đánh giá, xét chọn các công trình xuất sắc gửi Ban Giám đốc Quỹ VIFOTEC xem xét khen thưởng. Năm nay, Quỹ VIFOTEC đã quyết định khen thưởng 71 công trình, trong đó có 7 giải nhất, 10 giải nhì và 57 giải ba.
Ban bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM cũng đã quyết định tặng huy hiệu “Tuổi trẻ Sáng tạo” cho 34 sinh viên thực hiện 15 công trình đạt giải nhất và bằng khen cho 64 sinh viên thực hiện 27 công trình đạt giải nhì.
Tại buổi trao giải, Bộ GD-ĐT công bố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách cấp học bổng đào tạo sau đại học tại các nước phát triển theo đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước cho các sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện công trình đoạt giải nhất Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” được đánh giá đặc biệt xuất sắc (Hiện nay đã có 43 sinh viên trúng tuyển đi học thạc sĩ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước).
Một số công trình xuất sắc
1.Công trình “Tái hiện mạng lưới trao đổi chất bằng phương pháp khai phá dữ liệu” của sinh viên Nguyễn Tô Sơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được hội đồng đánh giá là có cách tiếp cận rất sáng tạo, thông minh và trước đây chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến vấn đề này. Đề tài đã tái hiện lại mạng lưới trao đổi chất dựa trên dữ liệu sinh học đo nồng độ hoặc khối lượng các chất bằng cách sử dụng phương pháp tính toán và xây dựng phần mềm cho phép phát hiện tương tác nhiều chất.
2. Công trình “Thiết kế xe năng lượng xanh SC4” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (đứng đầu là Tạ Ngọc Thiên Bình) với mục tiêu hướng tới phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, kiểu dáng gọn, chi phí thấp, giảm ô nhiễm môi trường. Đây là đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao, nhóm tác giả đã có nhiều công sức để chế tạo mẫu xe SC4, xe du lịch 2 chỗ chạy trong thành phố sử dụng năng lượng sạch. Hội đồng đánh giá cao ý tưởng của các em sinh viên. Tuy nhiên, để có thể hoàn thiện các tính năng của xe cần có thời gian và kinh phí đầu tư nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cũng như hoàn thiện các kết cấu của xe.
3. Công trình “Tổng hợp sáp bôi trơn sinh học từ mỡ lợn, mỡ bò” của nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ (đứng đầu là Hà Thị Kim Quy) với mục tiêu là tận dụng nguồn mỡ lợn, mỡ bò để chế tạo được loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhằm thay thế cho nguồn nguyên liệu có nguồn gốc dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Hội đồng đánh giá đây là đề tài hứa hẹn mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội.
4. Công trình “Nghiên cứu ảnh hưởng của dòng nước tạo xung đến kết quả tuyển than hạt mịn trong thiết bị tuyển tầng sôi” của nhóm sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất (đứng đầu là Phạm Thị Hải Đăng) đã lựa chọn được thông số công nghệ hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả tuyển than hạt mịn trong thiết bị tuyển tầng sôi. Ở Việt Nam, thiết bị tuyển tầng sôi mới chỉ được nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để áp dụng vào thực tế. Việc đưa thiết bị tuyển tầng sôi vào dây chuyền công nghệ các nhà máy tuyển than hứa hẹn sẽ giảm chi phí sản xuất, tận thu thêm than cấp hạt nhỏ và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5. Đặc biệt công trình “Tách dòng, biểu hiện gene mã hóa enzyme Xylanase từ nấm mốc Aspergillus niger và E. Coli và bước đầu biểu hiện trong Arabidopsis Thaliana” của sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được hội đồng đánh giá là đề tài thực sự có nghĩa, mở ra một hướng nghiên cứu ứng dụng trong sản xuất nhiên liệu bằng con đường sinh học (nguồn nhiên liệu tái sinh) thay thế các nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.
Đề tài ứng dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại, có độ chính xác cao. Đây là kết quả bước đầu từ một ý tưởng tốt. Nếu tối ưu hóa được để nâng cao hiệu quả sinh tổng hợp enzym tái tổ hợp hướng tới sản xuất enzym công nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng xấu tới ô nhiễm môi trường. Công trình này đã được hội đồng nhất trí đề nghị Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao tặng Giải thưởng WIPO năm 2010.
|
Phan Thảo
Nguồn: sggp.org.vn/giaoduc/2011/1/248041/