BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số 93 /ĐHSPHN-QT
V/v Kiểm kê tải sản năm 2013. Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2013
Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị trong toàn Trường;
Căn cứ Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 89/2010/TT-BTC ngày 16/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ báo cáo công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước,
Nhà trường tổ chức công tác kiểm kê toàn diện tài sản trong toàn trường theo định kỳ hàng năm (lấy mốc thời gian đến ngày 31/12/2012) như sau:
1. Mục đích, yêu cầu của công tác kiểm kê
- Mục đích: Thống kê, kiểm tra, đánh giá toàn diện về việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng, bảo trì, sửa chữa tài sản theo các quy định hiện hành của nhà nước và nhà trường, nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng.
- Yêu cầu: Công tác kiểm kê phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và đúng thời hạn.
2. Đối tượng kiểm kê
- Tài sản cố định: đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, hạ tầng cơ sở;
- Tài sản biến động: trang thiết bị máy móc, vật tư, linh kiện; trang thiết bị văn phòng, đồ gỗ; các phương tiện, công cụ, dụng cụ; các chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu máy tính; sách, tài liệu khoa học và các học liệu khác.
3. Phạm vi kiểm kê
Toàn bộ tài sản của nhà trường và của các đơn vị thuộc, trực thuộc trường, được hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngân sách tự chủ, hay nguồn gốc do viện trợ, cho, biếu, tặng mà có.
4. Quy trình kiểm kê
- Bước 1: Sắp xếp, bố trí, thu hồi tài sản để đúng nơi sử dụng, bảo quản;
- Bước 2: Thống kê, phân loại, đối chiếu sổ ghi, kiểm tra, đánh giá từng tài sản theo: Tên tài sản; thông số kỹ thuật; mã số kiểm kê; năm đầu tư/ đưa vào sử dụng; địa chỉ sử dụng, bảo quản; số lượng; tình trạng hoạt động và chất lượng còn lại; nguyên giá; giá trị còn lại sau khấu hao; nguồn gốc hình thành; ghi chú.
- Bước 3: Hội đồng kiểm kê của trường làm việc với từng đơn vị, kiểm kê toàn bộ tài sản, ghi sổ, bổ sung hồ sơ, tư vấn việc đầu tư mới, quản lý, sử dụng, bảo trì, sửa chữa, điều chuyển, thanh lý tài sản; tổng hợp, báo cáo Ban giám hiệu.
5. Tổ chức thực hiện
- Đối với các đơn vị: Thủ trưởng đơn vị thành lập Tổ công tác kiểm kê tài sản thuộc đơn vị, do lãnh đạo đơn vị là tổ trưởng, tổ phó. Thư ký là trợ lý thiết bị hoặc viên chức được giao nhiệm vụ quản lý tài sản. Các thành viên tham gia tổ kiểm kê là viên chức trong các bộ môn, phòng thí nghiệm, văn phòng,... và ít nhất một thành viên thuộc tổ thanh tra nhân dân của đơn vị. Các đơn vị chủ động kiểm kê, tổng hợp báo cáo và gửi về trường (03 bộ và bản mềm theo mẫu) cho các phòng: Kế hoạch - Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Quản trị để kiểm tra, đối chiếu. Mốc thời gian hoàn thành công tác kiểm kê của đơn vị là ngày 31/3/2013.
- Hội đồng kiểm kê tài sản của trường: Phối hợp với các đơn vị để kiểm kê, đánh giá tài sản, tổng hợp báo cáo. Thời gian làm việc tại các đơn vị từ ngày 01/4/2013 đến ngày 23/4/2013 (Lịch cụ thể với từng đơn vị sẽ được gửi sau). Thời gian tổng hợp báo cáo, hoàn chỉnh hồ sơ từ ngày 24/4/2013 đến ngày 30/4/2013.
- Sau khi công việc kiểm kê thực tế kết thúc, Hội đồng kiểm kê của trường, Tổ công tác kiểm kê của đơn vị lập báo cáo đánh giá về chất lượng, hiệu quả của việc đầu tư, quản lý, sử dụng, bảo quản và sửa chữa tài sản. Đối với tài sản, trang thiết bị phục vụ trực tiếp đào tạo, nghiên cứu khoa học cần đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu: nghiên cứu khoa học của giảng viên; đào tạo, nghiên cứu khoa học của bậc đại học, sau đại học; đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên phổ thông.
Nhà trường yêu cầu các Thủ trưởng đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo đúng tiến độ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì trao đổi trực tiếp với Hội đồng kiểm kê, các phòng chức năng liên quan để xử lý.
Nơi nhận:
- Như trên;
- BGH để chỉ đạo;
- Hội đồng KK TS;
- Lưu VT, KH-TC, QT.
|
KT. HIỆU TRƯỞNG
PHÓ HIỆU TRƯỞNG
PGS.TS. Đặng Xuân Thư
|
Xem mẫu báo cáo kiểm kê tại đây