Hội thảo khoa học do Khoa Việt Nam học tổ chức
Là trường trọng điểm, đầu ngành trong hệ thống các trường sư phạm, trung tâm lớn nhất về đào tạo giáo viên của cả nước, Trường ĐHSP Hà Nội có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho hệ thống giáo dục quốc dân và xã hội, góp phần vào phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Trường có vai trò nòng cốt cho hệ thống các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lí giáo dục, phát triển các chương trình đào tạo, biên soạn chương trình, giáo trình, sách giáo khoa cho các bậc học, tư vấn các cấp quản lý xây dựng chính sách giáo dục. Trường ĐHSPHN đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Nhiều ngành đào tạo ngoài sư phạm của Nhà trường tuy còn non trẻ nhưng đã từng bước khẳng định được vị trí của mình và có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực khoa học và thực tiễn xã hội. Khoa Việt Nam học là một ví dụ điển hình.
Ngành Việt Nam học của trường ĐHSP Hà Nội bắt đầu đào tạo từ năm 2002. Buổi đầu xây dựng, tập thể Ban Chủ nhiệm, giảng viên, cán bộ Khoa phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình đến người học. Khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, Khoa đã từng bước xây dựng “thương hiệu” riêng trong việc đào tạo chuyên ngành Việt Nam học, đã cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản, hệ thống về đất nước và con người Việt Nam từ truyền thống đến đương đại; những kỹ năng hoạt động thực tiễn để có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức xã hội… về văn hóa, giáo dục, lịch sử, địa lí, du lịch… Sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm trong nhiều kĩnh vực: giảng dạy, du lịch, báo chí… Bên cạnh đó, hoạt động dạy Tiếng Việt và các chuyên đề về văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài của Khoa cũng nhanh chóng tạo dựng được uy tín của Trường ĐHSP Hà Nội, thu hút hàng trăm học viên nước ngoài mỗi năm. Không phụ lòng mong mỏi của tập thể Khoa, sinh viên và người yêu thích tìm hiểu về đất nước Việt Nam, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Nhà trường Sư phạm đã đặc biệt quan tâm, sát cách cùng với các hoạt động của Khoa. Bằng chứng là năm học 2012 – 2013, Khoa được phép tổ chức hoạt động đào tạo thạc sỹ chuyên ngành Việt Nam học. Khoa đã tích cực chuẩn bị để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang này. Khóa học viên Cao học đầu tiên của Khoa có 26 học viên là cán bộ giảng dạy tại các trường cao đẳng, các nghiên cứu viên, chuyên viên của các sở, ban, ngành trong cả nước.
Năm học 2012-2013, Khoa tổ chức được hoạt động kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 với nhiều đổi mới, tìm tòi sáng tạo đầy ý nghĩa. Bên cạnh các hoạt động thi đua dạy tốt, học tốt, tổ chức mit-tinh kỉ niệm …, hoạt động thường niên chào mừng ngày Nhà giáo VN 20/11 được đầu tư nhất và thu hút 100% sinh viên tham gia chính là cuộc thi “Nghiệp vụ Việt Nam học”. Vì có đặc thù khác với các khoa đào tạo sư phạm trong trường nên hoạt động rèn luyện nghiệp vụ của khoa Việt Nam học cũng mang nhiều đặc trưng riêng hết sức thiết thực và độc đáo. Bốn nội dung thi: thuyết trình, báo chí, văn hóa và du lịch được các em đăng kí tự nguyện theo nhóm hoặc cá nhân. Ba tiết mục xuất sắc nhất của mỗi nội dung được chọn để thể hiện trong buổi thi chung kết dưới hình thức sân khấu hóa. Hội thi đã thực sự là một sân chơi bổ ích, là nơi phát hiện và bồi dưỡng các tài năng về nghiệp vụ Việt Nam học. Tại sân chơi này, các em sinh viên đã có cơ hội được thể hiện tài năng của mình, học hỏi và rèn luyện không chỉ các kiến thức chuyên nghành mà còn là kỹ năng sống, kỹ năng mềm bổ ích và cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.
Tại Hội nghị công nhân viên chức vừa qua, cán bộ của Khoa đã thảo luận rất sôi nổi về mọi mặt công tác của khoa và sau khi lắng nghe ý kiến từ cán bộ, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Nhà trường - nhấn mạnh: cần tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo ngành Việt Nam học một cách toàn diện, bằng nhiều biện pháp, nhất là nâng cao trình độ nghiên cứu, giảng dạy của đội ngũ cán bộ. Ban Giám hiệu cũng có chủ trương chung là cải thiện điều kiện dạy và học ở tất cả các giảng đường, điều kiện làm việc của cán bộ các khoa, trong đó có Khoa Việt Nam học. Những hoạt động ấy nhằm tạo môi trường công tác thân thiện, minh bạch và trong lành. Hiệu trưởng khẳng định rằng Nhà trường sẽ có những chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, cải thiện thu nhập nhưng đồng thời có những chính sách cụ thể đảm bảo sự tôn vinh các cán bộ - giảng viên lão thành, có thâm niên công tác và trình độ chuyên môn cao để tạo sự kết nối phát triển các thế hệ cán bộ trong Nhà trường. Những cải tiến của Nhà trường nhằm hướng tới giáo dục cho thế hệ trẻ lòng biết ơn và ý chí quyết tâm tiếp bước các thế hệ cha anh, đồng thời thôi thúc cán bộ trẻ tăng cường hội nhập quốc tế và khẳng định vị thế của mình.
Với 28 gảng viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên, trong đó có 6 tiến sỹ (3 tiến sỹ đào tạo tại nước ngoài), 4 giảng viên đang theo học nghiên cứu sinh tại nước ngoài và kinh nghiệm hơn 10 năm đào tạo chuyên ngành Việt Nam học với gần 400 sinh viên mỗi khóa (cả chính quy, liên thông và thạc sỹ) cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà trường, Khoa sẽ ngày càng phát triển và khẳng định được vị thế của mình trong phạm vi cả nước và mở rộng giao lưu với quốc tế./.
Nguồn:dangcongsan.vn