GS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội giải thích về việc lựa chọn chủ đề cho SEAGA năm nay: “Một mặt cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm cho thế giới trở nên phẳng hơn, toàn cầu hoá diễn ra sâu rộng hơn, các cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn giữa các nền kinh tế. Nhưng mặt khác, người ta đang chứng kiến sự phân hoá giàu nghèo ngày càng lớn, nhất là ở các nước đang phát triển, và khoảng cách phát triển giữa các nhóm nước dường như không thu hẹp lại mà còn có phần tăng lên. Thập niên này loài người cũng chứng kiến những thảm hoạ thiên nhiên như sóng thần, động đất, núi lửa, hạn hán và khô nóng, bão lụt trên quy mô lớn và sức phá hoại ghê gớm. Biến đổi khí hậu toàn cầu và các hậu quả xấu của nó đang hiện hữu và trở thành một phần trong chương trình nghị sự của các cuộc họp thượng đỉnh. Có thể nói, các không gian tự nhiên, không gian kinh tế, không gian cứ trú và không gian văn hoá đều đang biến đổi nhanh chóng. Đề tồn tại và phát triển, các cộng đồng và các xã hội đều phải thích ứng một cách phù hợp với những biến đổi đó”.
Hơn 100 báo cáo được trình bày tại Hội thảo đề cập tới nhiều vấn đề: Tài nguyên thiên nhiên, môi trường, phân hoá không gia; Phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị và nông thôn; Giáo dục và nâng cao nhận thức địa lý; Công nghệ và phương pháp nghiên cứu địa lý.
SEAGA 2010 mong muốn các thành viên chia sẻ những tri thức mới trong lĩnh vực địa lý nhằm giúp cộng đồng nhận thức được những thách thức mà châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang gặp phải trong quá trình phát triển; và hi vọng thông qua các Hội thảo quốc tế sẽ hình thành mạng lưới nghiên cứu của các nhà địa lý và các nhà khoa học khác có liên quan trong khu vực.
Hiệp hội Địa lý Đông Nam Á ra đời từ năm 1990, là hiệp hội của các nhà địa lý và các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như lịch sử, các nhà khoa học Trái đất và Môi trường, quy hoạch đô thị và các lĩnh vực khác trong nghiên cứu, giáo dục và quản lý của vùng Đông Nam Á. Các nhà địa lý Việt Nam đã có những hoạt động chung với các đồng nghiệp ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Từ năm 2006 Hội thảo SEAGA được tổ chức 2 năm một lần và lần lượt ở các quốc gia Đông Nam Á (SEAGA 2006 ở Singapore và SEAGA 2008 ở Philippin).
|
Nguồn: www.tiasang.com.vn/Default.aspx
Đăng bởi: Nguyễn Anh
Trích Thông báo của Ban tổ chức
Ban tổ chức Hội thảo Địa lí Đông Nam Á SEAGA 2010 trân trọng gửi đến quý tổ chức, cá nhân nhà khoa học bản thông báo về Hội thảo và hoan nghênh sự tham gia nhiệt tình của các tổ chức và cá nhân..
1. Thông tin chung
Hiệp hội địa lý Đông Nam Á - Southeast Asian Geographers Association (SEAGA), là hiệp hội của các nhà địa lý và các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan như lịch sử, các khoa học Trái Đất và Môi trường, qui hoạch đô thị và các lĩnh vực khác trong nghiên cứu, giáo dục, quản lí của vùng Đông Nam Á. Hiệp hội được thành lập từ năm 1990 tại Singapo. Theo sáng kiến của SEAGA, các hội thảo khoa học quốc tế đã được tổ chức vào các năm tại các nước trong khu vực: 1990 (Brunei), 1992 (Inđônêxia), 1994 (Malayxia), 1996 (Thái Lan), 1998 (Xingapo), 2001 (Malayxia), 2004 (Thái Lan), 2006 (Xingapo) và 2008 (Philippin). Các nhà địa lí Việt Nam (từ ĐHSP Hà Nội và ĐHQG Hà Nội) đã tham gia Hội thảo quốc tế SEAGA 2008, và từ đó sự trao đổi học thuật giữa các nhà địa lí Việt Nam và các nhà địa lí trong khu vực từng bước phát triển. Hội thảo Địa lí Đông Nam Á SEAGA 2010 là hội thảo địa lí quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, với sự đồng tổ chức của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Địa lí Việt Nam, Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, Viện Địa lí - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam và Ban chấp hành SEAGA. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo.
2. Tên Hội thảo
- Tiếng Việt: “Nhận thức về sự thay đổi không gian, nơi chốn và văn hóa Châu Á”
- Tiếng Anh: “Understanding the changing space, place and cultures of Asia”
3. Mục tiêu của Hội thảo
Hội thảo SEAGA năm 2010 tập trung vào các chủ đề phản ánh sự thay đổi về không gian, nơi chốn và văn hóa châu Á. Trong bối cánh thế giới có những biến đổi sâu sắc và khó dự báo trước, cả về tự nhiên và kinh tế - xã hội, thì việc nhận thức/nhận thức lại những thay đổi này là hết sức cần thiết và những tri thức, kinh nghiệm chia sẻ ở Hội thảo sẽ góp phần nâng cao vai trò của địa lí học trong các hoạt động thực tiễn của cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục địa lí.
4. Các chủ đề chính của Hội thảo:
1. Thay đổi cảnh quan tự nhiên ở Đông Nam Á
2. Cộng đồng dân cư trong bối cảnh biến đổi môi trường toàn cầu
3. Đông Nam Á và quản lí môi trường
4. Biến động dân số, khả năng chống chịu và các dấu ấn sinh thái
5. Phát triển bền vững và Đông nam Á
6. Thể chế, chính sách và phát triển bền vững
7. Y tế và các vấn đề phát triển
8. Đô thị và phát triển bền vững
9. Tăng trưởng kinh tế, sức cạnh tranh và phát triển bền vững
10. Thay đổi nông nghiệp chuyển đổi nông thôn Đông Nam Á
11. Phát triển bền vững và giáo dục
12. Giáo dục địa lý
13. Giảng dạy địa lý Đông Nam Á qua thực địa
14. Viễn thám và GIS trong nghiên cứu địa lý
15. Đông Nam Á và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu
16. Nghiên cứu và giảng dạy địa lý: chia sẻ kinh nghiệm trong thế giới biến động
17. Hợp tác kinh tế và văn hóa trong khu vực Đông Nam Á