Đoàn cựu chiến bình của Trường ĐHSP Hà Nội về thăm Thành Cổ Quảng Trị khi cả nước đang hướng về mảnh đất này nhân kỉ niệm 40 năm sự kiện 81 ngày đêm cuộc chiến khốc liệt, một bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta. Trong số 40 cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, có người đã từng trực tiếp chiến đấu và để lại nơi đây một phần thời tuổi trẻ của mình. Thật vinh dự, trong chuyến đi này, chúng tôi được đón tiếp đồng chí Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Không quản ngại đường xa, công việc còn bộn bề, đồng chí Chủ tịch Công đoàn ngành đã cũng với đoàn Cựu chiến binh của Trường ĐHSP Hà Nội tới dâng hương tại đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị. Cuộc chiến khốc liệt nơi đây năm 1972, hàng ngàn người đã ngã xuống, xương máu đã lẫn vào đất, vào sông, hóa thành cây cỏ, thành phù sa bờ bãi. Để hôm nay, đoàn chúng tôi đứng trên đài cao Thành Cổ mà lòng nghẹn ngào trước những mất mát, hi sinh không gì bù đắp nổi. Thắp cho các anh một nén nhang, trời đổ mưa như trút, lòng người như lắng lại!
Ngoài chứng tích về những đoạn tường thành đổ nát còn sót lại, Bảo tàng Thành Cổ là nơi lữu giữ nhiều hiện vật, kỉ vật của cuộc chiến. Mỗi hiện vật, di vật đều gắn liền với một chiến công và sự hi sinh cao cả của hàng ngàn chiến sĩ. Những người đã đi qua chiến tranh, khi trở lại hẳn sẽ bồi hồi nhớ một thời mình đã sống, đã chiến đấu như thế! Tất cả đều không khỏi xúc động khi đọc những dòng thư của người chiến sĩ trẻ chưa kịp gửi về cho người thân vẫn còn vẹn nguyên với quyết tâm chiến đấu. Bom đạn có thể giết chết sinh mệnh con người, nhưng không thể diệt được ý chí của các anh. Thành cổ Quảng Trị luôn mãi khắc ghi trong lòng dân tộc như một “Bảo tàng chiến tranh” vô cùng phong phú và sinh động, có giá trị về lịch sử, quân sự và nhân văn. Vì thế mỗi người hôm nay càng thấm hơn sự hy sinh cao cả của quân dân Quảng Trị cũng như biết bao chiến sĩ trên mọi miền đất nước.
Rời Thành Cổ, đoàn đã ghé bờ sông Thạch Hãn - dòng sông linh thiêng đã hòa máu của các anh trong cuộc chiến sống còn để thả hoa và thắp nén hương tưởng niệm. Chuyện kể lại rằng: Trong một dịp ra bờ sông Thạch Hãn thả hoa nhớ về các đồng đội còn nằm dưới đáy sông, nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương đã sáng tác bài thơ “Lời người bên sông” trong dòng cảm xúc nhớ thương.
“Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...”
Bài thơ vẻn vẹn có 4 câu ấy, sau đó được khắc lên tường Thành Cổ Quảng Trị như một nén tâm hương của người ở lại dành cho đồng đội, những chiến sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, quê hương.
Ngày thứ hai, đoàn hành quân qua đường Hồ Chí Minh hướng về Nghĩa Trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Có thể nói, chưa có nơi đâu trên 63 tỉnh thành nước ta, lại có một mảnh đất nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Quảng Trị. Hình như những đau thương mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh đã hội tụ cả về đây. Gần như ở xã nào, huyện nào, mảnh đất nào của Quảng Trị cũng đều mang trong lòng mình hài cốt những đứa con thân yêu của dân tộc. Trời lại đổ mưa, mỗi người chúng tôi khoác chiếc áo mưa mỏng và lặng lẽ thắp nén tâm hương! Dường như trời đất cũng thấu lòng người, mưa càng lúc càng to. Nghĩa trang Trường Sơn hôm nay trầm mặc, hàng chục ngàn ngôi mộ, được sắp hàng ngay ngắn như đoàn quân trước giờ xung trận. Bất giác tôi nhớ đến câu thơ của Nhà thơ Đoàn Trung Hội:
“Đồng đội tôi nằm lại cả trung đoàn
Đội ngũ chỉnh tề hàng ngang hàng dọc”
Không biết trong cuộc chiến tranh đã đi qua, có bao nhiêu người lính ngã xuống trên chiến trường, nhưng đến Nghĩa trang Trường Sơn, đứng trước anh linh của các anh mới thấy, nỗi đau thương hiển hiện trên từng tấc đất. Nhiều người trong đoàn đã không cầm được nước mắt khi trở về đây, nghĩ đến người thân của mình còn ở đâu đó mà chưa được tìm thấy. Một số người dừng chân khá lâu, thắp nén nhang cho các anh, những người thân, bạn bè, kể cả những người không quen biết, tất cả chỉ chung một tên gọi: Người lính cụ Hồ. Mỗi nén hương chúng tôi dâng lên với tấm lòng thành kính và thầm mong các anh được an nghỉ trong lòng đất mẹ.
Ngày thứ ba, đoàn tạm biệt Quảng Trị yêu thương để tiếp tục hành trình trở ra Bắc. Đoàn ghé thăm động Thiên đường, nằm trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Con đường hơn 1km đi xe điện dẫn từ cổng vào chân động và leo chừng 570 bậc là lên tới nơi. Đặt chân vào động, một cảm giác mát dịu lan tỏa và không gian kì vĩ hiện ra trước mắt. Tất cả mọi người đều không khỏi ngỡ ngàng trước kiệt tác của tạo hóa đã ban tặng, ai nấy đều xuýt xoa và không quên ghi lại cho mình những bức hình đẹp.
Trở về Hà Nội sau hành trình 4 ngày, tuy thấm mệt, nhưng tất cả mọi người đều rất vui vì ai cũng có những kỷ niệm chung, riêng cho mình. Dọc đường đi, loang loáng thấy nhiều những chuyến xe khoác trên mình tấm biển: “Xe đưa đón hài cốt liệt sĩ”, lòng tôi trào dâng niềm xúc động những cũng cảm thấy rất vui vì hàng ngày, hàng giờ, vẫn còn những người chiến sĩ đã, đang và sẽ được trở về với đất mẹ, trong vòng tay yêu thương của gia đình, làng xóm.
Một số hình ảnh của đoàn cựu chiến binh khi về thăm quảng trị:
Đoàn cán bộ, cựu chiến binh trường ĐHSP Hà Nội dâng hương tại đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị
Đồng chí Trần Công Phong - Chủ tịch CĐGDVN và đoàn cán bộ, cựu chiến binh trường ĐHSP Hà Nội viếng hương hồn các liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Chụp ảnh lưu niệm tại Đài chứng tích sinh viên - Thành cổ Quảng Trị