Ông Trịnh Ngọc Trình.
13 tuổi, “Em Ngọc” mất một cánh tay
Câu chuyện đã cách đây hàng nửa thế kỉ, thế nhưng vẫn được ông Trịnh Ngọc Trình kể lại với sự háo hức của buổi ban đầu: Sinh ra tại Ninh Bình, 11 tuổi tôi đi làm liên lạc cho bộ đội. Vào những năm 1947, Pháp đánh ta dữ dội. Lúc ấy tôi là cậu bé liên lạc 13 tuổi. Tôi nhận nhiệm vụ chuyển công văn của Tiểu đoàn xuống Đại đội để thông báo tin chuyển quân tập kích phía sau địch. Được giao việc, tôi tức tốc lên đường. Thế nhưng tôi chẳng ngờ hôm ấy giặc phục kích địa bàn bằng một trận địa “ép chết” - trên máy bay gầm gừ, dưới tàu chiến nghênh ngang đi lại. Tôi cứ chạy trên đồng lúa nếp cao vút và bên trên giặc cứ nhả đạn xuống. Không tránh được, cánh tay tôi bị đạn vã nát. Tôi tự cầm cánh tay mình không quên nhiệm vụ dầm công văn xuống bùn và tiếp tục chạy được hơn 3km thì đến đơn vị. Nói xong tin với đại đội trưởng để đồng chí ấy điều quân thì tôi gần như lịm đi.
“Đại đội trưởng khi ấy đã cử 3 đồng chí cáng tôi đi cấp cứu. Đến khi được đưa đến một bệnh viện dã chiến thì tôi được một bác sĩ sơ cứu. Sơ cứu xong, các đồng chí lại khiêng tôi đi đến một nơi khác, nơi bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ làm việc. Bác sĩ nói cánh tay tôi nát rồi, không thể cứu chữa được và phải cưa đi”.
Bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ lúc ấy đã khóc ròng vì thương cậu bé Trịnh Ngọc Trình - hay “Em Ngọc”. Ông viết một bài trên báo “Vui Sống Quân Y” lấy tên là “Em Ngọc”. Trong đó có những dòng cảm động: “Lúc ấy tôi nhìn kỹ vào cáng, một thân hình nhỏ bé thu gọn vào lòng cáng, chiếc chăn màu xám phủ kín người, để lộ ra khuôn mặt đầy đặn, sáng sủa của một cậu bé khoảng 11, 12 tuổi… Tôi nói lảng, bằng một giọng cố bình tĩnh để giấu một nỗi buồn: "Khuỷu tay em đã nát, không cách gì cứu chữa được". Em Ngọc giãy giụa mạnh, những câu nói dồn dập: "Thực dân nó bắn gãy tay tôi rồi! Hu hu… Nước tôi còn đánh nhau với nó kia mà! Để tay cho tôi, để tôi đánh nó! Trong một phút, tất cả nhân viên trong phòng mổ đều ngừng tay. Người nào cũng cố nhìn ra chỗ khác. Một vài chị cứu thương quay mặt đi, lấy vạt áo thấm dòng nước mắt”.
Thương binh xung phong lên miền núi
Sau khi bị cắt một cánh tay, không được trở lại chiến trường, ông Trình được động viên đi học để về phục vụ xây dựng đất nước. Học xong ông đã xung phong lên Lai Châu công tác, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lay. Ông Trình nhớ lại: “Tôi cùng hai thầy giáo khác cùng lên công tác ở Mường Lay (Lai Châu). Những năm đầu ở đó rất ít học sinh và xa vắng. Những đêm dài tôi và hai thầy giáo khác nằm trên lán trại chỉ nghe tiếng dế kêu mà não nề ruột gan. Thế nhưng 3 người chúng tôi bảo ban nhau vượt khó vì học trò, khi thì đi vận động học sinh đi học, khi thì lên lớp giảng bài. Vận động học sinh thời ấy muôn vàn khó khăn, thầy giáo phải bỏ lương ra mua gạo rồi đến từng nhà học trò nói nhẹ “bỏ học khổ lắm, các thầy có gạo nấu cho các em ăn rồi, các em đi học đi không cần mang gạo đi ăn đâu”.
Sau này viết về ông Trình, nhà văn Ma Văn Kháng dành những dòng viết rất đặc biệt. Đó là dòng mô tả ông Trình - thầy giáo thương binh, qua suối gặp lũ lớn, bơi một tay nhưng vẫn cõng học sinh trên lưng. Đó là thầy giáo Trình dành cả tháng lương mua gạo cho học sinh nghèo.
Sau một thời gian công tác ở Lai Châu, ông Trình được thuyên chuyển về Sơn La dạy. Hè năm 1957, ông và một nhóm thầy cô giáo ở Sơn La được về Hà Nội dự lớp “Bồi dưỡng về đường lối giáo dục cho giáo viên cốt cán của miền Bắc”. Cảm giác bồi hồi của mùa thu năm ấy, đến giờ ông Trình còn nhớ vẹn nguyên: “Sáng hôm ấy tại Trường Chu Văn An có nhiều cây phượng đỏ, chim hót líu lo. Tổ trưởng của đoàn thầy cô đến từ Sơn La có đến nhắc “hôm nay có một vị lãnh đạo cao cấp đến giảng đề nghị các đồng chí đến lớp sớm và ăn mặc chỉnh tề”.
Thấy thế, tôi cũng nhanh chóng đánh răng, rửa mặt và ăn sáng để đến lớp. Khi đến nơi, tôi và nhóm bạn khác chen nhau đứng ở hàng đầu để được nhìn “vị lãnh đạo cao cấp” hay Bác Hồ đến thăm. Thấy cả nhóm xôn xao, Bác mắng: Các cháu không thấy xấu hổ à? Chỗ này dành cho phụ nữ, sao các cháu lại chen lên đây! Thấy Bác mắng, chúng tôi đều run lên và thi nhau lui xuống. Lúc ấy Bác đã tóm tay tôi lại và bảo “Cháu thì được đứng ở đây, cháu dạy ở đâu?”. Tôi bảo tôi là “Cháu dạy ở Sơn La”.
Sau buổi học hôm ấy, một người lãnh đạo đi cùng Bác Hồ đã nói trên loa phóng thanh lời yêu cầu “Đồng chí thương binh dạy ở Sơn La ở lại gặp tôi”. Sau buổi gặp ấy, ông được mời lên văn phòng B giáo dục đào tạo để nhận quyết định đặc biệt “về Hà Nội công tác”. Tin ấy ban đầu như sét đánh với ông Trình, ông dứt khoát nói với người giao nhiệm vụ: “Không tôi đang dạy ở Sơn La, tôi thích dạy chữ cho đồng bào dân tộc. Đồng bào dân tộc chăm học, hát hay… Tôi không muốn về”. Người lãnh đạo này, nghĩ ngợi một hồi lâu và quyết định nói vừa kiên quyết, vừa mềm mỏng với ông Trình: “Đồng chí là chiến sĩ quân đội nhân dân. Đồng chí có biết kỉ luật quân đội? Đồng chí về Hà Nội, đồng chí vẫn được dạy người dân tộc, Hà Nội cũng có trường dân tộc”.
Trở về Hà Nội, sau một thời gian công tác ông Trình được cử đi học tiếp ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó ông ở lại đó công tác. Sau này người ta còn biết đến ông Trình như người đã nhen lửa phong trào “3 sẵn sàng” của tuổi trẻ thời cách mạng.
Số phận gắn với miền núi…
Đến những năm sắp nghỉ hưu, có một vị lãnh đạo nói với ông Trình những trăn trở của mình: “Tôi là người lính, tôi đi trong rừng và nghe thấy các em nhỏ người dân tộc học chữ bi bô và hát bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” tôi thấy lòng mình tươi mát, sung sướng. Tôi đi đến gần nơi các em học, các em chỉ ngồi trên bàn tre, ghế tre… Tôi thấy cái lớp học của các em không bằng một cái chuồng trâu. Tôi thấy buồn, tôi nghĩ cần thành lập một tổ chức thu hút sự đầu tư toàn diện cho miền núi. Xây cho các em nhỏ miền núi những mái trường đàng hoàng và to đẹp hơn”. Nguyện vọng của vị lãnh đạo đó được chia sẻ đến ông Trình. Thế là dù đã tuổi cao, qua rất nhiều năm tháng trách nhiệm giáo dục miền núi lại được giao vào tay ông. Năm 1990, Tổ chức Hedo (Tổ chức hỗ trợ phát triển Giáo dục - Khoa học - Y tế miền núi) ra đời, do ông Trình làm giám đốc.
Trước khi bước vào phòng của ông Trình, tôi có một thời gian lặng đi trước những bức ảnh ông Trình chụp với mọi người. Ở những bức ảnh ấy, cánh tay khuyết bị ông khéo giấu đi. Lộ ra một ông Trình cười nhân hậu và tin cậy giữa đám đông. Trên tấm bản đồ Việt Nam có đánh dấu sự phân bố của hơn 54 dân tộc anh em, đồng bào người Việt. Mỗi điểm mà Hedo và ông Trình từng đến làm việc được đánh dấu bằng những dấu chấm nhiều màu sắc. Từ điểm Hedo ở Hà Nội những đường đánh dấu được kéo đến khắp nơi. Và ở mỗi dấu chấm đó có hàng trăm con người, được hưởng lợi từ những dự án của ông Trình và tổ chức mình đã làm.
Dự án “cô đỡ thôn bản”
Là người luôn trăn trở về các vấn đề của miền núi, khi đi miền núi ông Trình phát hiện: Các sản phụ người dân tộc Mông, Dao, Tày hầu như không đến bệnh xá. Họ đẻ ở nhà. Khi trong nhà có người sắp đẻ, người đàn ông sẽ đi ra ngoài rừng, chặt một cây gỗ thật to rồi đào hố chôn cái cây ngay trước cửa nhà để người biết chuyện không vào nhà. Hành động đó giống như một hành động thông báo về dịch bệnh… Khi người phụ nữ đẻ thì chính chồng, mẹ chồng, bố mẹ đẻ hoặc bà mụ vườn sẽ là người đỡ đẻ. Họ có kinh nghiệm đỡ đẻ nhưng không có kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Nhân một chuyến công tác với ông Đỗ Nguyên Phương (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) lãnh đạo này từng nhìn nhận và trăn trở: Các xã đều có một phòng sản tuy nhiên không mấy phụ nữ đến sinh đẻ. Họ cho rằng một đứa trẻ sinh ở trạm xá hay ở ngoài gia đình thì đứa trẻ thiếu tình cảm gia đình, dòng họ. Trẻ sẽ thấy cô đơn và ít gắn bó với gia đình, dòng họ. Vì những thực tế khắc nghiệt trên, nên cần những bàn tay vàng ở ngay tại thôn bản để đón những đứa trẻ ra đời là cấp thiết.
Ngồi ở văn phòng của Tổ chức Hedo hôm nay, ông Trình vui vẻ nói về kết quả mình đã thực hiện của dự án đào tạo “Cô đỡ thôn bản kiêm tình nguyện viên sức khỏe sinh sản”: “Chương trình đặt mục tiêu đào tạo cho mỗi huyện 100 cô đỡ. Hiện nay chương trình đã làm ở 8 tỉnh/16 huyện”.
Giữa mùa thu đẹp nhất này, khi lên các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi đã trực tiếp đi gặp một số cô đỡ của dự án “Cô đỡ thôn bản” do tổ chức Hedo đào tạo. Chị Lý Thị Tùng người ở Tả Phìn (huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Thấy dân mình đi đẻ khổ quá nên thầy giáo bảo đi học giúp dân bản đẻ thì mình đã đi học về. Từ đó đến nay đã được hơn 1 năm, mình đã đỡ đẻ được cho 6 gia đình ở bản”. Mỗi tháng chị Tùng được nhận 50 nghìn tiền phụ cấp nhưng chị Tùng rất vui vẻ. Bởi các sản phụ sau sinh đều nói: “May quá, có chị đi học về đỡ đẻ giúp em”. Nghe giọng kể hào hứng và hồn hậu của chị Tùng, tôi hiểu rằng “cô đỡ” này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhịp cầu của ông Trịnh Ngọc Trình nối đã thành công.
Ông Trình tuổi đã 79. Tôi thấy ông ho hắng khi kể chuyện nhiều. Như một lẽ tự nhiên, tôi hỏi ông liệu đã mỏi mệt và có ý nghĩ dừng lại? Ông nhìn tôi lạ lẫm “Làm sao mà mỏi được?! Càng đi nhiều, tôi càng thấy bà con dân tộc khó khăn. Tôi muốn làm nhiều hơn nữa cho họ…”
|