Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Khanh việc mở mới hai ngành học SPKT Điện và SPKT Điện tử dựa trên nhu cầu cao của xã hội về đội ngũ giáo viên dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc cũng như sự phù hợp với kinh nghiệm và thế mạnh của khoa cả về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Theo học các ngành trên, sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật điện hoặc kỹ thuật điện tử trên cả hai phương diện lý thuyết và thực hành nghề. Bên cạnh đó, khối kiến thức về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cũng được triển khai ngay từ những năm đầu của khóa học. Đây là mô hình đào tạo được đánh giá là có nhiều ưu điểm trong đào tạo giáo viên.
|
Sinh viên khoa SPKT - Đại học Sư phạm Hà Nội đang thực hành.
Ảnh: VA
|
Ngoài ra, năm nay Khoa còn mở thêm ngành SPKT Tin học, đây là một quyết định của Ban Giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phù hợp với định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo giáo viên dạy ghép môn ở trường phổ thông. Theo đó, Khoa SPKT đã hợp tác với Khoa Công nghệ thông tin của Trường để xây dựng chương trình và triển khai đào tạo bắt đầu tư năm 2012. Với chương trình đào tạo này, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể dạy được 2 môn là Công nghệ và Tin học ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Kế hoạch, năm nay Khoa SPKT – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ tuyển 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành.
Theo nhận định của thầy Nguyễn Trọng Khanh về 3 ngành học mới thì sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể công tác tại các trường trung cấp, các trường cao đẳng nghề, chuyên nghiệp. Ngoài ra, với kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về kỹ thuật, các em có thể công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Do vậy, sau khi tốt nghiệp, sinh viên học hai ngành này không chỉ có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ của người giáo viên dạy nghề mà còn có thể là cán bộ quản lí, kĩ thuật viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh về kĩ thuật điện và kĩ thuật điện tử. Đây chính là đặc thù của ngành, giúp cho sinh viên khi ra trường có nhiều cơ hội để lựa chọn việc làm.
Được biết, theo kết quả điều tra của Tổng cục dạy nghề, trong thời gian tới, nhu cầu về giáo viên đào tạo nghề rất lớn, đến năm 2015, số giáo viên dạy nghề còn thiếu là 20.000 người./.
|