- Hiện nay các trường, khoa đào tạo sư phạm gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Tôi còn nhớ vào quãng thập kỷ 80, đầu những năm 90, có câu nói dân gian là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Tuy nhiên, sau đó chúng ta đã có những chính sách rất tốt cho sinh viên sư phạm như không phải đóng học phí, giáo viên ra trường có hệ số đứng lớp. Một thời kỳ dài chúng ta có được đội ngũ tốt, với chất lượng sinh viên đầu vào rất cao. Lớp sinh viên ấy hiện nay ít nhất đã có 10-15 năm thâm niên trong nghề.
Có lẽ chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn trong đầu vào. Tôi cho rằng cần phải tiên lượng đầu vào thấp như thế sẽ có tác động tới 10-15 năm sau.
- Theo phân tích của ông thì hiện nay chúng ta không có những học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm?
- Sinh viên giỏi thì vẫn có, nhưng tôi mong muốn những sinh viên giỏi nhất. Mùa tuyển sinh năm nay ở trường tôi có thí sinh điểm đầu vào 27, 28. Học sinh THPT chuyên vẫn có nhiều em thi vào sư phạm.
Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là hiện nay các thí sinh ở thành phố lớn không thi vào sư phạm. Thế hệ giáo viên ở đây là những em ở vùng khác. Khi vào môi trường giáo dục thành phố các em phải thay đổi nhiều thứ, như lối sống, để tiếp cận với đối tượng học sinh, vốn có cách sống xa lạ với các em.
- Vậy có cách nào để khắc phục những khó khăn nêu trên, thưa ông?
- Tôi cho rằng ngay từ bây giờ chúng ta phải có những giải pháp mạnh để khắc phục. Không thể để câu nói “chuột chạy cùng sào” được nhắc lại. Muốn như thế các trường sư phạm phải đào tạo được những sinh viên giỏi, tốt nghiệp có việc làm ngay.
Tôi rất mừng là trong báo cáo của Bộ lần này có nói tới mạng lưới các trường sư phạm. Các trường có thể căn cứ vào nhu cầu của mình để tuyển sinh, căn cứ vào nhu cầu xã hội để mở ngành. Nhưng, đứng về phương diện quản lý, tôi mong rằng điều này chỉ nên tập trung vào những trường sư phạm có uy tín. Những trường đó được tuyển sinh ở phạm vi rộng hơn, các em ở xa đến học thì tăng cường chỗ ở ký túc xá để giảm chi phí xã hội.
Đội ngũ giáo viên cho tương lai cũng cần phải nâng chuẩn, trước hết từ giáo viên mầm non, tiểu học. Tôi thấy các nước, thạc sỹ mới được làm giáo viên tiểu học. Bên cạnh đó, lợi thế của chúng ta hiện nay là nhiều trường sư phạm đã có khoa tiểu học, mầm non thì cần phải suy nghĩ có thể tăng thêm lượng tuyển sinh, từ đó tăng thêm hạt giống trong tương lai.
Một điều nữa là chúng ta cần xem có sự sách nhiễu trong vấn đề tuyển dụng giáo viên hay không. Nếu điều này là có, nó sẽ hủy hoại ngành giáo dục, hủy hoại nhân cách của người thầy, hủy hoại quan hệ trong hội đồng giáo dục.
- Có ý kiến cho rằng song song với việc thay đổi SGK thì cũng phải thay đổi giáo trình dạy sinh viên sư phạm, ông suy nghĩ thế nào về điều này?
- Đối với đào tạo giáo viên, xưa nay chúng tôi đã lựa chọn kiến thức phù hợp để dạy. Cùng là giáo trình cơ bản nhưng có thể thấy sự khác nhau rõ rệt giữa ĐH Quốc gia và ĐH Sư phạm. Ở trường tôi còn tăng cường biên soạn các loại sách công cụ như sách hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin, giáo trình hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá...
Đất nước ta có 54 dân tộc, trình độ phát triển kinh tế xã hội ở các vùng miền chênh lệch, nên cơ sở vật chất, điều kiện thực hành, giảng dạy của giáo viên các nơi không giống nhau. Chúng tôi thường nói đùa rằng làm sao phải đào tạo được giáo viên làm việc tốt, chiến thắng trong mọi điều kiện như: công nghệ thông tin, phấn trắng bảng đen hay trường bị lụt, bàn ghế ẩm ướt, sách vở mất....
- Thực tế có những trường điểm đầu vào thấp nhưng khi sinh viên ra trường lại có nhiều em đạt bằng giỏi và được ưu tiên khi đi xin việc. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?
- Nếu như chúng ta có thể giúp một học sinh trung bình sau một thời gian các em nỗ lực, thành khá giỏi thì đó là điều đáng mừng. Tôi cho rằng cũng có những em trước kia ở gia đình không có điều kiện học thêm nên điểm thi vào đại học không cao, nhưng khi vào giảng đường đại học, cố gắng rèn luyện ở môi trường mới nên hăng hái học tập và có thành tích xứng đáng.
Ngược lại, một số em ở thành phố có điểm thi cao hơn các bạn ở nông thôn nhưng chưa chắc đã giỏi hơn. Thế nên vấn đề đào tạo thực chất cần phải xem cụ thể, kỹ càng.
Ngoài ra, một biện pháp để kiểm tra thực chất chất lượng sinh viên nữa là hãy để việc tuyển dụng cho từng sở, từng trường bởi mỗi nơi có một chuẩn khác nhau. Tôi thấy thi vào công chức có những câu hỏi rất buồn cười, như người ta chưa vào công chức đã hỏi "nếu anh phạm lỗi này theo luật công chức anh bị phạt ra sao?".
(Theo: Hoàng Thùy- vnexpress.net)