|
GS.TS.NGƯT Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Triết học cho PGS.TS.Trần Đăng Sinh. Ảnh: gdtd.vn |
Sự ra đời của hai khoa này nhằm thực hiện mục tiêu phát triển các khoa đào tạo trong hệ thống các ngành đào tạo hiện có của trường theo chiến lược xây dựng và phát triển trường ĐH trọng điểm quốc gia, phù hợp với xu hướng phát triển đào tạo đa ngành, mở rộng hợp tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khoa Triết học có nhiệm vụ đào tạo trình độ ĐH các ngành cử nhân sư phạm Triết học; cử nhân Triết học, cử nhân Chính trị học; giảng dạy các môn học thuộc chuyên ngành Triết học cho Khoa Giáo dục Chính trị, Khoa Công tác xã hội, Khoa Giáo dục Quốc phòng và các khoa khác trong Trường. Khoa Triết học cũng thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ sau đại học, giảng dạy môn Triết học cho học viên cao học và nghiên cứu sinh của trường ĐHSP Hà Nội và đào tạo các trình độ khác. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục đào tạo cũng như giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội hiện đại; cung cấp các dịch vụ nghiên cứu khoa học Triết học và đào tạo có chất lượng phục vụ cộng đồng, xã hội...
|
GS.TS.NGƯT Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Công tác xã hội và tặng hoa chúc mừng TS Vũ Thị Kim Dung.
|
Khoa Công tác Xã hội thực hiện nhiệm vụ đào tạo cử nhân Công tác xã hội trình độ ĐH và sau ĐH trên cơ sở chương trình đào tạo được Bộ GD&ĐT phê duyệt; nghiên cứu khoa học Công tác xã hội và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục đào tạo, thực tiễn hoạt động về công tác xã hội cũng như giải quyết các vấn đề liên quan; cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và đào tạo có chất lượng phục vụ cộng đồng, xã hội...
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên, học viên Khoa Triết học có thể thực hiện nhiệm vụ giảng dạy các môn chuyên ngành triết học, lý luận chính trị, chính trị học ở trình độ đại học tại các trường ĐH, học viện, CĐ, THCS và dạy nghề ở trung ương và địa phương; làm cán bộ nghiên cứu triết học, lý luận chính trị, chính trị học và các lĩnh vực thuộc khoa học xã hội - nhân văn trong các cơ quan nghiên cứu khoa học (viện, trung tâm, các ban lý luận - tuyên giáo các cấp,…); giảng dạy môn Giáo dục Công dân trong các trường THPT; công tác tại các cơ quan quản lý, ban, ngành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận, tổ chức hiệp, hội,...
Sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác xã hội có thể làm việc tại các cơ quan của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp từ Trung ương đến địa phương, hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các loại đối tượng xã hội khác nhau thuộc các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội… Họ cũng có thể làm việc độc lập với vai trò là nhân viên xã hội, kiểm huấn viên, nhà nghiên cứu, hay cán bộ hoạch định chính sách xã hội; cung ứng dịch vụ và làm công tác xã hội tại các cơ sở và tổ chức xã hội ...
Tại buổi lễ, trường ĐHSP Hà Nội cũng đồng thời trao các quyết định bổ nhiệm trưởng khoa và phó trưởng khoa hai khoa Triết học và Công tác Xã hội.
Hiếu Nguyễn