Hội thảo này nhằm góp tiếng nói chung thống nhất giáo trình ngành Việt Nam học đối với các trường có đào tạo sinh viên ngành Việt Nam học, nâng cao chất lượng đào tạo và tìm “đầu ra” cho sinh viên khi tốt nghiệp. Đây còn là dịp để Sơn La có cách nhìn tổng thể, nhìn về cội nguồn (truyền thống, lịch sử, tộc người, văn hóa, ngôn ngữ địa phương, môi trường sinh thái...), nhìn lại mình để hội nhập, thu hút bên ngoài đến với Sơn La, mảnh đất phên dậu Tổ quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Bảo (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Ngành Việt Nam học ra đời (được 10 năm) chính là đáp ứng những nhu cầu của những người Việt Nam và người nước ngoài quan tâm tới đất nước, con người Việt Nam, là khoa học liên ngành nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam từ những chuyên ngành địa lý, lịch sử, kinh tế, chính trị, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán... nhằm làm rõ đặc điểm của đất nước, con người Việt Nam, đồng thời định hướng phát triển phồn vinh đất nước và hội nhập quốc tế.
Một sinh viên ngành Việt Nam học K46, Trường Cao đẳng Sơn La cho rằng: Nhà trường cần có bộ môn địa phương học để thấy được thế mạnh cũng như cái yếu của tỉnh, để có cơ sở quảng bá “thương hiệu” của mảnh đất, con người Sơn La đến với nhiều tỉnh trong nước và quốc tế.
Thực tại, Sơn La có 250 km đường biên giới giáp CHDCND Lào, là cái nôi văn hóa vùng Tây Bắc, có thiên tình sử “Tiễn dặn người yêu” (Truyện thơ Thái), có “Tiếng hát làm dâu” ( Dân tộc Mông), là xứ sở của những rừng ban, của những điệu xòe. Nay có thêm 2 hồ nhân tạo được hình thành từ công trình thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, mỗi lòng hồ dài hàng trăm km là tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch, nhưng nhiều người, nhiều tỉnh không biết đến. Năm 2010, khách du lịch lên Sơn La có khoảng 400.000 lượt, nhưng hầu hết người ta chỉ nghỉ qua đêm để đến với các tỉnh khác./.
|