Bạn Đồng Thị Thu Hà: Phó bí thư liên chi đoàn khoa Lịch sử (ĐHSPHN): Các bạn đoàn viên thanh niên trường SP còn sống khá khép mình: Đối với mỗi đoàn viên, thanh niên của trường Đại học Sư phạm, Kỹ năng mềm không thể thiếu và tối cần thiết để sau khi ra trường có thể tự tin hơn vào nghề nghiệp của mình. Một thực tế hiện nay cho thấy, “kỹ năng mềm” của sinh viên sư phạm còn nhiều hạn chế, các bạn đoàn viên thanh niên trong trường không được trang bị nhiều về kỹ năng sống, sống khá khép mình, phần nhiều dành thời gian cho việc học tập, không quan tâm đến cuộc sống xung quanh, đến sự thay đổi từng ngày của đất nước. Chính vì vậy mà khi ra ngoài xã hội các bạn sẽ cảm thấy không tự tin vào những kiến thức của bản thân, không tự tin đứng trên bục giảng chỉ với những kiến thức học được từ sách vở. Khi giao lưu ở những chỗ đông người bạn sẽ thấy mình lạc lõng nếu như không hoà mình vào những vấn đề chung...
Là một người hoạt động trong phong trào đoàn, bản thân tôi cảm thấy mình đã trưởng thành và được rèn luyện rất nhiều. Tôi thấy rằng đối với các bạn đoàn viên thanh niên nói chung và những bạn cán bộ đoàn nói riêng thì việc rèn luyện cho mình “kĩ năng mềm” là vô cùng quan trọng. Sự tự tin và cởi mở với mọi người sẽ giúp cho mỗi đoàn viên thanh niên, mỗi cán bộ đoàn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách thuận lợi và dễ dàng. Việc rèn luyện “kỹ năng mềm” có thể thực hiện trong quá trình học tập như qua các buổi thảo luận, xêmina, thuyết trình trước lớp một vấn đề nào đó, các bạn có thể rèn luyện cho mình khả năng nói trước đám đông, khả năng làm việc một cách độc lập...
Hàng tháng, chúng ta có thể tổ chức các cuộc giao lưu giữa các chi đoàn trong khoa, giữa các khoa trong trường để trao đổi về kỹ năng sống, các chủ đề đang được nói đến hàng ngày như: tình trạng sống thử trong cuộc sống sinh viên, các tệ nạn xã hội, vấn đề việc làm, trao đổi kinh nghiệm học tập, thi cử, tổ chức các chương trình nhân dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn.
Đoàn trường nên tổ chức các buổi giao lưu, tập huấn về các kỹ năng mềm cho sinh viên, nhằm giúp cho các bạn đoàn viên thanh niên trong trường chuẩn bị những hành trang tốt nhất để bước vào hội nhập cùng đất nước: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, kỹ năng viết báo cáo tốt nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng nghe, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng truyền đạt thông tin, kỹ năng hội nhập ... Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên trường tổ chức thực hành kĩ năng mềm lồng ghép vào các hoạt động, phong trào tập thể: các “Hội thi Tiếng hát học sinh - sinh viên"; "Hội thi Nét đẹp sinh viên sư phạm"; "CLB Nghệ thuật sinh viên", "Phong trào sinh viên tình nguyện ...", trong những buổi học tập, sinh hoạt ngoại khóa của các lớp sinh viên ...
Bạn Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Bí thư chi đoàn khoa Toán tin (ĐHSPHN): Làm công tác đoàn, chỉ nhiệt tình thôi chưa đủ: Nhiệt tình - đó là yêu cầu số một của một người cán bộ Đoàn, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Lòng nhiệt tình tuy rất quan trọng nhưng chưa làm nên thành công của bạn. Cần phải kết hợp những yếu tố quan trọng khác như: sự tự tin, khả năng thuyết trình trước tập thể, khả năng thuyết phục, khả năng bao quát công việc, khả năng tổ chức,… Tất cả những yếu tố đó làm nên tính chuyên nghiệp trong công tác Đoàn, Hội.
Qua 3 năm gắn bó với công tác Đoàn ở Trường ĐHSP Hà Nội, tôi nhận thấy tính chuyên nghiệp trong hoạt động Đoàn là cần thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta hãy thử đặt ra một câu hỏi: tại sao những hoạt động mà chúng ta tổ chức ra lại chưa được sinh viên hưởng ứng một cách nhiệt thành cho dù đó là tổ chức cho họ? Đây không phải là vấn đề của riêng một cán bộ Đoàn nào cả, mà là vấn đề chung của công tác Đoàn. Thử nhìn lại nội dung tổ chức của chúng ta xem có thiết thực với sinh viên chưa? Đã thực sự phổ biến cho toàn thể sinh viên chưa? Phương thức tổ chức hoạt động đã hấp dẫn chưa?,... Và rất nhiều câu hỏi nữa. Tính chuyên nghiệp sẽ giúp chúng ta giải quyết những câu hỏi này.
Nhiều sinh viên nghĩ rằng công tác Đoàn là những việc vô bổ, mất thời giờ chẳng đem lại lợi ích gì cho họ cả. Để xóa đi được suy nghĩ này của họ không phải việc một sớm một chiều, không thể cứ bắt họ làm khi họ không nhìn thấy cái lợi của mình trong đó. Hãy tự biến bạn thành điển hình cho những thành quả mà công tác Đoàn đem lại. Họ sẽ thay đổi suy nghĩ thôi khi họ thấy bạn cực kì tự tin khi nói chuyện với họ về một lĩnh vực nào đó của cuộc sống hay bạn có thể tuyên truyền về một chương trình nào đó đầy thuyết phục, bên cạnh đó chuyên môn của bạn vẫn cực “cứng”. Làm tốt việc tuyên truyền, bạn sẽ thấy nhiều sinh viên đến với hoạt động của chúng ta đó.
Bạn Nguyễn Thu Phương – Phó Bí thư liên chi đoàn – UV BCH Hội SV trường ĐHSPHN: Hoàn động đoàn đội giúp tôi hoàn thiện bản thân: Trong gần ba năm tham gia hoạt động trong phong trào Đoàn và Hội tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm không chỉ trong việc hoạt động, mà cả những kinh nghiệm sống vô cùng quý báu. Với tôi, đó là những bài học vô giá.
Tôi nhận ra việc quản lí thời gian, sắp xếp công việc khoa học là kĩ năng không thể thiếu của một người sinh viên, Đoàn viên. Trước một năm học mới bắt đầu, mỗi sinh viên cũng như Đoàn viên nên chuẩn bị cho mình một kế hoạch học tập cũng như hoạt động cụ thể. Mỗi thời gian trong năm thường có các nhiệm vụ học tập và các hoạt động định kì nên được lên kế hoạch sớm để đến thời gian đó công việc chuẩn bị không bị quá vội vàng. Hơn nữa, những sự kiện phát sinh sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động thường niên vốn rất quan trọng.
Quan hệ rộng là điều tôi có được và cũng là học được trong các hoạt động đã tham gia. Là một Đoàn viên, Hội viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cơ hội tham gia các hoạt động lớn của Trường,Thành phố và ở phạm vi quốc gia là rất lớn, chính vì vậy các Đoàn viên cần tận dụng những cơ hội đó để giao lưu, học hỏi, mở rộng quan hệ với bạn bè cùng trường, giữa các trường đại học và giữa các vùng miền. Mở rộng quan hệ thực chất là bạn đang gắn kết với mọi người xung quanh. “Bất kì ai ban đầu đều là những người xa lạ” nhưng chính những hoạt động sôi nổi của Đoàn và Hội đã giúp tôi có được những tình bạn đẹp, những trải nghiệm thú vị của cuộc đời sinh viên không phải ai cũng có.
Sự gắn kết giữa các Đoàn viên, Hội viên là điều hết sức quan trọng. Khi mọi người trở nên thấu hiểu, gắn bó và thân thiết, mọi công việc, nhiệm vụ sẽ được hoàn thành nhanh chóng và thuận lợi hơn. Khi chúng ta coi nhau như bạn bè, và coi nhiệm vụ của Đoàn và Hội giao phó không chỉ là công việc của mỗi người mà còn như một sân chơi, một câu lạc bộ, thì tinh thần làm việc sẽ lên cao. Bởi vậy, là một Đoàn viên, tôi tự ý thức mình luôn quan tâm, thân ái với mọi người, và hoàn thành mọi nhiệm vụ bằng niềm yêu thích, say mê.
Cán bộ chuyên trách văn phòng đoàn trường ĐHSP Vũ Thị Phương Hạnh: Thủ lĩnh đoàn là người bạn thân thiết của đoàn viên: Việc đúng giờ luôn được đặt lên hàng đầu, đối với cán bộ Đoàn trong vai trò là Ban tổ chức các chương trình quan trọng thì vấn đề này càng cần được quán triệt. Cá nhân tôi không bao giờ muốn rơi vào tâm trạng xấu hổ nếu mình là người đến muộn trong khi các đoàn viên, cán bộ khác đã có mặt đầy đủ. Thời gian phát sinh do phải chờ đợi khiến cho chương trình có thể phải kéo dài ngoài dự kiến, ảnh hưởng tới nhiều công việc khác.
Cán bộ Đoàn cốt cán cần có phản ứng nhanh nhạy trong tình huống “cháy” chương trình. Đôi khi, trong những tình huống không thể từ chối, cán bộ Đoàn lại là một MC chuyên nghiệp, một nghệ sĩ trên sân khấu hoặc là một chuyên gia tâm lí,... Người làm công tác Đoàn cần luôn có ý thức rèn luyện để trở thành “người đa năng”.
Tạo uy tín: nói được, làm được và phải làm tốt. Người cán bộ Đoàn phải luôn là ngọn cờ dẫn đầu, tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào. Cần có thái độ tự phê bình và phê bình đúng mực.
Cán bộ Đoàn phải là một người bạn tâm tình, chia sẻ của đoàn viên, sinh viên mọi lúc, mọi nơi. Một người thủ lĩnh mẫu mực, được tin yêu không chỉ là một “tướng” biết điều quân, một “chiến lược gia” biết xử lí tình huống, phản ứng nhanh, tầm nhìn rộng; mà còn phải là một người biết quan tâm, chia sẻ những khúc mắc, khó khăn của đoàn viên.
Hiếu Nguyễn
Theo: giaoducthoidai.vn