BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: 74/ĐHSPH
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2011
|
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG
“HIẾN TẶNG KỶ VẬT TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI”
Thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1951 - 2011), Ban chỉ đạo Lễ kỷ niệm triển khai thực hiện cuộc vận động hiến tặng kỷ vật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
I. Mục đích - ý nghĩa
1. Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử xây dựng và phát triển của Trường, góp phần nâng cao tình yêu nghề, yêu người, niềm tự hào về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong toàn thể các thế hệ cán bộ, học sinh, sinh viên.
2. Tăng cường nguồn tư liệu, hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày của Phòng truyền thống Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
3. Tạo điều kiện phát triển sự kết nối giữa các thế hệ cán bộ và sinh viên của Trường thông qua việc trao tặng và tiếp nhận những hiện vật đã được giữ lại làm kỷ niệm của mỗi cá nhân có liên quan đến quá trình xây dựng và phát triển Trường về mọi phương diện.
II. Đối tượng tham gia và phạm vi thực hiện
1. Đối tượng tham gia cuộc vận động:
- Toàn thể cán bộ, sinh viên (học sinh, học viên các hệ đào tạo) đã và đang công tác, học tập tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Người thân, gia đình nguyên cán bộ, sinh viên của Trường và những người có nguyện vọng tham gia hiến tặng kỷ vật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
2. Phạm vi thực hiện: Cuộc vận động được tiến hành trong phạm vi toàn quốc. Thông báo về cuộc vận động này cũng được gửi tới cựu cán bộ, sinh viên của Trường hiện đang công tác và học tập tại nước ngoài.
III. Nội dung, nguyên tắc và quy trình tiếp nhận kỷ vật
1. Kỷ vật được hiến tặng bao gồm:
- Những hình ảnh, hiện vật, tư liệu liên quan đến lịch sử xây dựng và phát triển Trường Đại học Sư phạm Hà Nội qua các thời kỳ.
- Những tài liệu, sách, báo, công trình nghiên cứu và tác phẩm văn hóa nghệ thuật (văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh...) về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và về các bậc thầy sáng lập, nhà giáo, lãnh đạo, sinh viên của Trường qua các thời kỳ.
- Những hình ảnh, hiện vật, tư liệu, sản phẩm liên quan đến công tác đào tạo (bản thảo giáo án, giáo trình, sổ ghi chép, sách tham khảo viết tay hoặc tài liệu in ronéo), nghiên cứu khoa học (sách, tạp chí, báo cáo tổng kết đề tài NCKH, danh mục các công trình khoa học,...), đời sống sinh hoạt và chiến đấu (các vật dụng hằng ngày thời kỳ trước đổi mới), học tập và lao động (các vật dụng dùng trong học tập, lao động sản xuất và hoạt động xã hội trước đây và hiện nay), văn hóa - thể thao (cờ thưởng, giấy chứng nhận giải thưởng, cúp, huy hiệu, huy chương vàng, bạc, đồng quốc gia và quốc tế,...) của cán bộ và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội qua các thời kỳ.
2. Nguyên tắc tiếp nhận kỷ vật:
- Kỷ vật được hiến tặng phải đảm bảo chứa đựng những thông tin đích thực, chuẩn xác về lịch sử và nhân vật của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Kỷ vật được hiến tặng vĩnh viễn trên cơ sở tự nguyện hiến tặng của cá nhân và gia đình hoặc kỷ vật được cá nhân và gia đình đồng ý cho sao y bản chính, phục chế (với những kỷ vật quý hiếm).
3. Quy trình tiếp nhận và thẩm định kỷ vật:
- Kỷ vật hiến tặng được tiếp nhận tại Trường (Văn phòng Đoàn Thanh niên trường); tại gia đình người hiến tặng (trong phạm vi Hà Nội), hoặc được gửi theo đường bưu điện,...
- Cán bộ phụ trách sẽ có biên bản giao nhận mang tính pháp lý để tiếp nhận kỷ vật. Nội dung biên bản sẽ ghi rất chi tiết thông tin về kỷ vật, có xác nhận của lãnh đạo Trường. Biên bản và kỷ vật sẽ được các chuyên gia nghiên cứu - sưu tầm hiện vật lịch sử thẩm định.
- Sau khi có kết quả thẩm định, kỷ vật được đưa ra Hội đồng xét duyệt (Hội đồng khoa học của Trường và các chuyên gia). Kỷ vật được Hội đồng chuẩn y kết quả thẩm định thì sẽ được bàn giao cho Ban kiểm kê - bảo quản, phục vụ cho mục đích trưng bày và giáo dục truyền thống. Những kỷ vật nào không đủ giá trị lịch sử và thẩm mỹ sẽ được bàn giao lại cho chủ nhân. Những kỷ vật được tiếp nhận, người hiến tặng có quyền đến đề nghị kiểm tra việc bảo quản và sử dụng của Trường.
- Kỷ vật hiến tặng được trưng bày, ngoài việc cung cấp thông tin về kỷ vật, còn có ghi chú họ và tên, chức danh của người hiến tặng (với kỷ vật hiến tặng vĩnh viễn) hoặc người cung cấp (với kỷ vật được sao y bản chính, phục chế).
- Cách thức trưng bày kỷ vật được tổ chức theo tiến trình lịch sử hoặc theo chuyên đề nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác giáo dục truyền thống lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
IV. Tiến độ thực hiện
- Ngày 03 tháng 3 năm 2011: Triển khai kế hoạch thực hiện cuộc vận động (theo công văn và trên các phương tiện thông tin đại chúng).
- Ngày 16 tháng 3 năm 2011: Lễ phát động và Ngày hội tiếp nhận kỷ vật hiến tặng đợt I.
- Ngày 15 tháng 4 năm 2011: Ngày hội tiếp nhận kỷ vật hiến tặng đợt II.
- Ngày 19 tháng 5 năm 2011: Ngày hội tiếp nhận kỷ vật hiến tặng đợt III.
Việc tiếp nhận kỷ vật được tiến hành ngay từ ngày thông báo kế hoạch này cho đến hết ngày 30 tháng 8 năm 2011 (kết thúc cuộc vận động). Sau đó, Trường vẫn tiếp nhận kỷ vật hiến tặng.
V. Tổ chức thực hiện
- Địa điểm cố định tiếp nhận kỷ vật: Văn phòng Đoàn Thanh niên Trường. Địa chỉ: Phòng 315 nhà Hành chính hiệu bộ, 136 Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội. Điện thoại: 04.37547823 (số máy lẻ 315). Email: doantn@hnue.edu.vn (địa điểm tổ chức ngày hội tiếp nhận kỷ vật sẽ được thông báo sau).
- Ban Chấp hành Đoàn trường có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, phối hợp với các phòng ban chức năng tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động, định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả với Trưởng ban Truyền thống và tuyên truyền kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường.
Mọi chi tiết, xin liên hệ:
- Bà Nguyễn Thu Hạnh - Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị. Điện thoại: 0915.599.908. Email: bantin@hnue.edu.vn
Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa lịch sử và giáo dục truyền thống “Mô phạm - Sáng tạo - Cống hiến” của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ban Giám hiệu và Ban chỉ đạo Lễ kỷ niệm rất mong nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả của mọi cá nhân, gia đình, tổ chức xã hội,... để thực hiện thành công kế hoạch, đẩy mạnh sự phát triển Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trọng điểm, anh hùng, đầu ngành sư phạm toàn quốc, vững bước hội nhập vào nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
Nơi nhận: HIỆU TRƯỞNG
- Như kính gửi.
- Lưu VT. (đã ký)
GS.TS NGUYỄN VIẾT THỊNH