Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ phát động cuộc thi "Nét bút tri ân" do Trung ương Đoàn tổ chức tại ĐHSP Hà Nội (11/2009)
"Cám ơn cô giáo của tôi"
Dường như mọi người chúng ta đều đang sống rất hối hả, rất gấp gáp trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hôm nay. Ai cũng có công việc riêng của mình. Tuổi trẻ cũng vậy, tuổi trung niên cũng vậy và có khi tuổi già cũng chưa chắc đã được nghỉ ngơi. Chúng ta đã phải luôn cố gắng để nuôi sống chính mình, hoàn thiện chính mình để rồi có những phút giây nào đó lắng lòng nhìn lại, tim ta như se thắt khi biết đã quên những điều quan trọng nhất, một trong những điều đó là biết ơn và thể hiện lòng biết ơn với những người đã giúp ta có được thành quả ngày hôm nay.
Riêng tôi, tôi rất biết ơn cô giáo Huỳnh Thị Diễm đã không chỉ là một giáo viên dạy Toán đơn thuần mà còn dạy tôi phương pháp học, cách sống và phải làm người như thế nào. Cô đã khiến tôi phải nghĩ rất nhiều về trách nhiệm của nhà giáo đối với thế hệ trẻ nhất là khi giới trẻ hiện nay đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lối sống nước ngoài du nhập vào. Cô đã làm tròn trách nhiệm của một giáo viên và còn hơn thế nữa dù ở cương vị dạy thêm như tôi đã theo học hay lúc đứng lớp trong trường.
Năm tôi bắt đầu theo học thêm cô là hè năm lớp 6 chuẩn bị vào lớp 7. Khi mà tôi đã tự mãn rằng tôi học rất giỏi, được phát bằng khen học sinh xuất sắc nhất là kết quả Toán năm lớp 6 đạt mười phẩy tối đa. Nhưng buổi đầu tiên đi học cô tôi đã thay đổi ngay cái suy nghĩ trẻ con đó. Cô đã dạy lớp bài học vỡ lòng môn toán là cách viết từng ký hiệu toán sao cho đúng, cho đẹp. Tôi bất ngờ lắm, sao cô lại dạy viết chi mấy thứ đơn giản này. Cô viết một ký hiệu rất chậm để chúng tôi nhìn kỹ và viết theo. Ngay cả dấu ngoặc nhọn, dấu ngoặc vuông cô đều tập cho chúng tôi viết thập đẹp và giải thích kỹ để không lầm lẫn khi dùng. Dấu ngoặc nhọn là kết hợp cà hai ý vừa nêu ra để được kết luận ở dấu suy ra bên dưới, còn dấu ngoặc vuông có nghĩa hoặc là cho ra đáp số này, hoặc là cho ra đáp số kia. Cô gạch phấn đỏ dưới hai từ “cả hai”, “hoặc là” để nhấn mạnh. Cuối buổi cô dặn chúng tôi phải mua bốn cuốn tập. Tập bài học và tập bài tập dành cho đại số, hình học đều riêng biệt. Và cách trình bày các đề mục la mã phải viết bằng viết đỏ, các đề mục số phải viết thụt vô so với các đề mục la mã phía trên. Học xong tôi giật mình vì cho đến hôm đó, tôi mới viết được dấu ngoặc nhọn thật đẹp nhờ cô dạy viết số 2 xong tiếp tục viết liền nét chữ s là ra ngay. Cô đã dạy chúng tôi buổi đầu tiên như thế đó, rất đặc biệt. Trước kia không giáo viên nào dạy tôi đặc biệt như thế cả và cho đến bây giờ, tôi đã tốt nghiệp đại học ra trường vẫn thấy rằng trong những giáo viên vừa qua không ai dạy sáng tạo, kỳ lạ và tâm huyết như thế.
Cô là người rất nghiêm nếu không muốn nói là rất dữ. Tôi nhớ buổi trả bài hằng đẳng thức, các lý thuyết hình học tam giác bằng nhau,… có nhiều bạn không đọc được. Riêng tôi, Mai Trâm, Nghĩa thì lấp va lấp vấp cô đã la vì chúng tôi đã không nghe lời cô học những lý thuyết nền tảng này. Cô la rất dữ, rất dai và khóe mắt cô ngân ngấn nước rồi ngồi đó không dạy nữa. Cô đã thực sự rất giận bởi nếu không thuộc bài chúng tôi sẽ không làm bài tập được, môn Toán lại là môn quan trọng biết bao. Nhìn cô quay đi nhấc gọng kiếng lau nước mắt, chúng tôi mới hiểu càng thêm hiểu chính vì quá thương học trò cô mới nghiêm khắc như vậy nên chúng tôi ăn năn học bài và trả bài cho cô ngay. Sau lần đó, chúng tôi ngoan hơn và gắn bó với cô nhiều hơn. Cô trò cùng học và tìm nhiều lời giải cho từng bài toán. Nhờ cô tôi đã học thêm một điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn áp dụng, một bài toán hay một sự việc trong cuộc sống cũng vậy, trong tình cảm cũng vậy, có rất nhiều cách giải quyết. Khi tìm ra cách giải quyết ta không nóng vội, không tự mãn, mà tìm cả những cách giải quyết khác và so sánh chúng với nhau. Đối với một người hấp tấp, không nghĩ trước sau như tôi thì bài học đó thực quý giá lắm.
Lại có lần cô la Trúc vì bạn đã copy bài của Trân ngồi kế bên khi làm bài tập nộp cho cô chấm. Trúc học Toán rất yếu và chậm tiếp thu bài nên mới copy, sợ làm sai sẽ phải lên bảng làm. Cô đã nói rằng: “Cô không cho phép bất cứ em nào copy bài của bạn. Không em nào được cho Trúc chép bài, phải để Trúc tự làm để nó không ỷ y vào ai. Dốt thì học chứ không vì xấu hổ mà giấu dốt. Rồi sau này khi em lớn, kiến thức của em sẽ đầy lỗ hổng vì lúc đi học em chỉ toàn copy bài người khác thôi.” Trúc giọt ngắn giọt dài tất tả quẹt tay lau nước mắt. Cô dịu giọng và nói rằng cô vì muốn chúng tôi nên người đã nói nặng lời như vậy. “Ai lại muốn đi la rầy các em để các em ghét cô”. Tính cô là vậy, ban đầu khi chúng tôi làm sai cô la rầy rất dữ, sau thấy chúng tôi biết lỗi cô rất vui và dịu giọng ngay vì những lời lớn tiếng ấy chẳng qua là vũ khí răn dạy khi học sinh sai quấy mà thôi. Cho đến sau này, tôi biết Trúc vẫn theo học cô ròng rã hết cấp hai trong khi tôi nghỉ học cô sau năm lớp 8. Thực ra những lời nói hôm đó dã ảnh hưởng lớn đến Trúc, Trúc đã khắc phục khó khăn, không mặc cảm tự ti vì lời nói của cô trước lớp học thêm mà siêng năng chăm chỉ như lời cô khuyên, người ta học 3 lần thuộc thì mình học 5 lần 10 lần rồi cũng sẽ thuộc, có công mài sắt có ngày nên kim. Vậy là từ đó, cô đã có vị trí như người mẹ thứ hai trong lòng Trúc. Bạn ấy đã rất kính mến cô vì không phải thầy cô nào cũng dạy học trò như cô đã dạy, không phải người nào cũng thẳng thắn nói ra sự thật mất lòng.
Cô khen tôi học rất được, học đều đều, kiến thức vững và cô đâu biết có lần cô hỏi có em nào trong lớp học ở trường được mười phẩy không tôi đã không dám giơ tay dù sự thật là vậy. Bởi vì cái tính kiêu ngạo ngày nào của tôi không còn nữa và cũng vì tôi hiểu ra một điều lớp học trong trường của tôi có sức học trung bình so với các lớp trong khối nên đề kiểm tra trong lớp rất dễ đạt điểm cao. Tôi nghĩ như vậy nên đã không nói với cô điểm Toán của mình nhưng nếu nói ra chắc cô vui lắm vì thực tế nhờ học cô mà bài toán nào tôi cũng hiểu rất rõ, rất sâu và biết suy luận. Tôi cũng biết trong lớp học thêm có nhiều bạn giỏi hơn tôi, thông minh hơn tôi như Mai Trâm, cháu ruột của cô. Và sau này, cứ mỗi khi nhìn lại kết quả học tập của mình là tôi nhớ đến cô, bài học vỡ lòng còn ấm mãi như mới ngày hôm qua. Tôi đã tâm niệm phương châm “chậm mà chắc” như cách dạy của cô dành cho chúng tôi và tôi đã cố gắng giữ lấy chữ “tâm” trong công việc của mình.
“Dầu cho tóc đổi thay màu. Chữ tâm sáng mãi giữa màu thời gian.” Thời gian dầu có trôi qua, tháng năm đã phủ lên mái tóc cô nhiều sợi trắng, tôi vẫn mãi biết ơn cô đã khai sáng để việc học tập, cuộc sống của tôi tốt đẹp như ngày hôm nay.
Lương Ngọc Diễm
Nguồn: www.netbuttrian.com