Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã đến dự hội thảo.
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: gdtd.vn |
Khẳng định có một khoa học sư phạm – khoa học về nghề dạy học, đó là một khoa học cơ bản, nền tảng của nghề dạy học, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình cho rằng, khoa học đó chưa được định dạng, chưa được phát huy trong thực tế. Bằng chứng mà bà Nguyễn Thị Bình đưa ra là, cho đến nay, không ít người trong chúng ta vẫn còn đang băn khoăn nghề dạy học không biết có phải là một nghề theo đúng nghĩa của nó trong thời hiện đại?
Vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay cũng là băn khoăn của nhiều đại biểu tham dự hội thảo. Vấn đề đặt ra là, những vấn đề này không thể không có sự liên can tới khoa học sư phạm. Trong quá khứ, khoa học sư phạm chưa thực hiện tốt việc xác định và cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn cho hàng loạt vấn đề về phát triển giáo viên.
Sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước ta hiện nay đang đứng trước bài toán lựa chọn khâu đột phá. Để hướng tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn, nhiều đại biểu thống nhất phải có hai khâu then chốt: Cấu trúc lại hệ thống nhà trường và tiến hành cải cách sư phạm.
Sự nghiệp cấu trúc lại hệ thống nhà trường từ mục tiêu, nội dung, phương pháp và phương thức vận hành của nhà trường mới gắn liền và phụ thuộc vào sự nghiệp cải cách sư phạm.Cải cách sư phạm vừa là tiền đề, vừa lầ điều kiện và ở một góc độ còn là động lực để đổi mởi căn bản,toàn diện giáo dục Việt Nam, mà cụ thể là trong sự nghiệp cấu trúc lại hệ thống nhà trường.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo giáo viên, các học viện và viện nghiên cứu có đội ngũ hùng hậu các chuyên gia. Nếu được quy tụ và tạo điều kiện cho sự lao động sáng tạo thì đội ngũ này sẽ là nguồn nhân lực quyết định việc triển khai và thành công của sự nghiệp phát triển đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Cùng với đó, nhiều nhà khoa học tại hội thảo đã đề cập, phân tích và khẳng định cơ sở khoa học, tiên đề và xu thế phát triển tất yếu của trường ĐH trên thế giới và Việt Nam. Trong đó, sự ra đời và phát triển các trường ĐHSP nghiên cứu mà nhân tố định hướng và động lực là hai trường ĐHSP Hà Nội và ĐHSP TP.HCM là đảm bảo chắc chắn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học sư phạm và sự nghiệp đào tạo và phát triển giáo viên theo yêu cầu của sự đổi mới...
|
Hội thảo Khoa học sư phạm trong chiến lược đào tạo giáo viên – yếu tố căn bản của đổi mới giáo dục Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định phê duyệt chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 với 7 đề án. Trong đó có đề án củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường sư phạm; Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa sư phạm; Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên; Nâng cao vai trò của các trường sư phạm trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; Tăng cường vai trò của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo; Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường sư phạm; Kiểm định chất lượng các trường sư phạm.
Thứ trưởng cũng đề cập đến vấn đề vai trò của trường sư phạm, khoa học sư phạm; việc làm thế nào đề khoa học sư phạm phát huy sức mạnh cho ngành và nhận định các kết quả nghiên cứu đã có nhưng chưa tập hợp được thành sức mạnh chung, chưa đưa ra được kiến nghị sát, mạnh mẽ cho Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng yêu cầu, phải có những nghiên cứu đón đầu, đưa ra những khuyến cáo, làm nghiên cứu theo đặt hàng của xã hội, của cuộc sống nhiều hơn nữa…
Hiếu Nguyễn
theo: giaoducthoidai.vn