Trong sự phát triển khoa học công nghệ như vũ bão hiện nay, mỗi quốc gia đều phải đối mặt với nhiều thách thức về các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề giáo dục và đào tạo. Bởi vì, ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, yếu tố con người cũng luôn giữ vai trò then chốt, quyết định sự phát triển của xã hội. Sự thay đổi của xã hội Việt Nam hiện nay đặt ra những yêu cầu mới đối với giáo dục và đào tạo, trong đó đổi mới trước hết phải được thực hiện từ bậc học mầm non – bậc học đầu tiên của nền giáo dục quốc dân. Trước những đòi hỏi và sự mong đợi của xã hội, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tạo cơ hội trao đổi giữa các nhà giáo dục, các nhà lãnh đạo thuộc nhiều ban ngành liên quan góp phần hoàn thiện xây dựng mô hình nhân cách giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Hội thảo đã nhận được 34 bài tham luận và được biên tập in trong 190 trang Kỉ yếu. Trong Báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Lã Thị Bắc Lý đã tổng hợp nội dung của tất cả các bài tham luận in trong kỉ yếu, tập trung ở ba nhóm: Nhóm những bài viết bàn về mô hình nhân cách người GVMN nói chung; nhóm những bài viết phân tích một đặc điểm, năng lực cụ thể nào đó mà người GVMN cần có và nhóm những bài viết bàn về mô hình nhân cách GVMN từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi và sự phát triển của xã hội, của đất nước trong thời kì toàn cầu hóa hiện nay. Nhìn chung, tất cả các bài viết đều bộc lộ những tâm huyết với sự nghiệp giáo dục mầm non nước nhà và sứ mệnh lịch sử của những người làm công tác giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành học này.
Trang bìa của Kỉ yếu
Hội thảo “Mô hình nhân cách giáo viên mầm non thời kì hội nhập quốc tế”
Hội thảo đã vinh dự được đón sự tham dự và chỉ đạo của TS. Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với đại diện của các Vụ, Viện, các cơ quan quản lí và nghiên cứu giáo dục, các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, các trường mầm non và nhiều cơ quan báo chí, thông tấn,….
Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Đăng Xuân Thư- Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh đến ý nghĩa của hội thảo, đây là“cơ hội để trao đổi thông tin, quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cùng đưa ra những đề xuất về mô hình nhân cách của người giáo viên mầm non Việt Nam trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay. Người giáo viên mầm non trong thời đại này cần và bắt buộc phải có những năng lực nghề nghiệp như thế nào để có thể phát huy vai trò xứng đáng của mình cũng như có những đóng góp hiệu quả trong quá trình giáo dục trẻ em nói riêng và của ngành giáo dục nói chung. Bởi bên cạnh gia đình, người giáo viên mầm non là những người thầy đầu tiên trong cuộc đời của trẻ, là người đặt nền móng tri thức cho các em ngay từ những năm tháng đầu tiên đến trường. Tôi hy vọng rằng, từ các góc độ khác nhau, các nhà khoa học của chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ, thảo luận để tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đồng thời thiết lập, đề xuất những mô hình nhân cách của người giáo viên mầm non phù hợp với những đổi thay, yêu cầu và điều kiện của đất nước, của xã hội cũng như của thời đại quốc tế hóa, toàn cầu hóa hiện nay”.
PGS.TS Đặng Xuân Thư, Bí thư Đảng ủy, P.Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội
Phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo
Đặc biệt, trong phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT, TS. Nguyễn Thị Nghĩa đã nêu ra những thuận lợi, khó khăn chung của bậc học Mầm non và khẳng định khẳng định lại những thành quả mà ngành học Giáo dục mầm non đã đạt được trong những năm vừa qua như: mô hình chuyển đổi trường lớp; chính sách đãi ngộ GVMN; trình độ chuẩn nghề nghiệp của GVMN ngày càng cao,... Nhưng thực tế hiện nay việc đào tạo GVMN vẫn còn nhiều bất cập. Chất lượng đào tạo chưa gắn kết được với nhu cầu thực tiễn,... Do vậy hội thảo lần này chính là diễn đàn để các trường, các cơ sở đào tạo GVMN trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục nhân cách GVMN.
TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Dưới sự điều khiển của chủ tịch đoàn: GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia và PGS.TS Lã Thị Bắc Lý - Trưởng khoa Giáo dục Mầm non Trường , các đại biểu tham dự hội thảo đã sôi nổi đưa ra nhiều ý kiến phát biểu, chia sẻ cũng như những đề xuất và giải pháp về mô hình nhân cách GVMN trong giao đoạn hiện nay.
PGS.TS. Đào Thanh Âm khẳng định đặc điểm lao động của giáo viên mầm non luôn thể hiện ba chức năng là chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ thơ, lấy quan hệ tình cảm yêu thương mẹ-con làm yếu tố quyết định. Vì thế, lòng yêu trẻ là phẩm chất đầu tiên trong nhân cách một giáo viên mầm non đích thực. Các ý kiến của PGS.TS. Hoàng Thị Phương, PGS.TS. Nguyễn Như Mai và PGS.TS. Lê Thị Thanh Thủy đi vào phân tích những năng lực cụ thể mà người GVMN trong thời đại ngày nay cần phải trang bị như kĩ năng quan sát trẻ, khả năng sáng tạo trong dạy học và năng lực trí tuệ cảm xúc,…
Theo TS. Trịnh Thị Xim, Trưởng khoa Giáo dục Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, trẻ thơ là đối tượng luôn cần sự nhẹ nhàng, yêu thương và ân cần nhưng giáo viên mầm non hiện chịu quá nhiều áp lực để có thể nhẹ nhàng, yêu thương và ân cần. “Làm thế nào để giáo viên yêu nghề mến trẻ, gắn bó với nghề đang là vấn đề rất đau đầu. Giáo viên muốn yêu thương, muốn sáng tạo thì phải có cảm xúc. Nhưng điều cốt lõi là họ có động lực không khi xã hội không coi trọng, công việc vất vả trong khi lương lại bèo bọt,”. Đây cũng là chia sẻ của TS. Hồ Lam Hồng, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Sư phạm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô cảm trong nhân cách của một bộ phận giáo viên mầm non như áp lực công việc lớn, thời gian làm việc nhiều, lương thấp… Mỗi giáo viên mầm non hiện trung bình phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày, không kể thời gian soạn giáo án buổi tối ở nhà, làm đồ chơi vào các ngày nghỉ nhưng họ vẫn không nhận được sự thông cảm từ phụ huynh. Trẻ mầm non là đối tượng đặc thù, chưa ý thức được hành vi nên rất hay nghịch ngợm, tranh giành nhau... trong khi lớp học thường quá đông, giáo viên đôi khi khó có thể quan sát hết và phản ứng kịp thời. “Tuy nhiên, chỉ một xây xát nhỏ trên người con có khi cũng khiến các phụ huynh nổi giận, nhất là ở các trường tư,” bà Hồng chia sẻ. Công việc vất vả, lại phải đối mặt với nhiều rủi ro trong khi đồng lương eo hẹp, lại không được xã hội coi trọng bằng các bậc học cao hơn nên khi chọn nghề, học sinh cũng không mặn mà thi tuyển vào ngành này.
PGS.TS. Nguyễn Thúy Hồng, Phó cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nhấn mạnh: đây là một thực tế rất đáng buồn, vì theo các nghiên cứu thì độ tuổi mầm non là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành nên nhân cách của mỗi con người. Cũng theo bà Hồng, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu để đưa ra những chính sách đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đối tượng giáo viên mầm non. Những vấn đề như thời gian làm việc của giáo viên mầm non, tính đặc thù nghề nghiệp của bậc học này cũng sẽ được tính đến để có những quy định cụ thể với mức lương hợp lý, giúp giáo viên yên tâm công tác. Chuẩn nghề nghiệp cần có sự phân cấp theo thâm niên công tác và có những tiêu chí có thể đánh giá được. Cùng ý kiến về mối quan hệ giữa mô hình nhân cách với chuẩn nghề nghiệp GVMN, Bà Trần Thị Thu Hòa, chuyên viên Vụ GDMN cho rằng mô hình nhân cách GVMN cũng xuất phát từ chuẩn nghề nghiệp GVMN nhưng ứng với mỗi giai đoạn lịch sử-xã hội thì có sự điều chỉnh hoặc nhấn mạnh đến những tiêu chuẩn đánh giá cụ thể nào đó.
Xuất phát từ chính thực tế tuyển dụng và sử dụng lao động, bà Nguyễn Thị Hiền Tâm hiệu trưởng trường Mầm non Đống Đa, Hà Nội chia sẻ nhận xét về những hạn chế của các GVMN vừa mới tốt nghiệp vào nghề. Do vậy, không chỉ chú trọng rèn luyện kĩ năng trong quá trình đào tạo mà các GVMN mới vào nghề cần có một quá trình “tập sự” đúng nghĩa.
Hội thảo khép lại bằng ý kiến tổng kết của GS.TS. Đinh Quang Báo. Ngoài những nội dung tổng kết, GS còn đặc biệt nhấn mạnh đến sự hòa quyện của tất cả những đặc điểm nhân cách cần có trong mỗi người GVMN, nó là một “dung dịch hòa trộn của rất nhiều chất mà mỗi chất là một loại đặc điểm nhân cách chứ không phải là những kết tủa nằm cạnh nhau nhưng tách rời nhau”. Theo GS, cũng cần có những nghiên cứu cụ thế và sâu hơn nữa để đưa ra những cơ sở lí luận và những bằng chứng thực tiễn rõ nét trong việc đề xuất mô hình nhân cách người GVMN trong thời kì hội nhập quốc tế ngày nay./.