LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - CMXHCN tháng Mười Nga 1917 (2)
A A+
LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - CMXHCN tháng Mười Nga 1917 (2)

2. Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai 1917 

Từ cuối năm 1916 đến đầu năm 1917, tình thế cách mạng ở Nga đã chín muồi cho sự bùng nổ cách mạng. Điều đó thể hiện ở chỗ:

- Nền thống trị Nga hoàng lâm vào cuộc khủng hoảng nguy kịch. Càng theo đuổi chiến tranh, chính phủ Nga hoàng ngày càng tỏ ra bất lực. Do trang bị kém và lạc hậu, quân Nga liên tiếp bị thua, nhường bỏ hết vị trí này đến vị trí khác. Binh lính bị chết vì đói rét, bệnh dịch, bị giết và bắt làm tù binh ngày càng nhiều, trong khi đó các bộ trưởng và tướng tá trong quân đội Nga hoàng và giai cấp tư sản Nga lợi dụng chiến tranh “đục nước béo cò” tìm cách làm giầu bất chính.

- Sự bất mãn của các tầng lớp nhân dân ngày một cao. Ngay cả giai cấp tư sản, đại bộ phận cũng bất mãn với chính quyền Nga hoàng. Giai cấp tư sản đứng trước chính phủ Nga hoàng thối nát và bất lực muốn nhân dịp này nắm chính quyền về tay mình, tăng cường địa vị thống trị, tổ chức lại nước Nga để tiến hành chiến tranh có lợi cho giai cấp tư sản.

Sự bất mãn của nhân dân đối với chính phủ Nga hoàng ngày càng mãnh liệt hơn vì những thống khổ do chiến tranh gây nên. Chiến tranh kéo dài 3 năm làm 1,5 triệu người chết, 4-5 triệu người bị thương. Nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, công, nông nghiệp ngày càng suy sụp. Năm 1916, nạn đói khủng khiếp xảy ra cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng. Nạn thất nghiệp càng trầm trọng.

Năm 1916 có hơn một triệu rưỡi binh lính đào ngũ. Trong toàn quốc đã nổ ra 1500 cuộc bãi công với hơn 2 triệu công nhân tham gia. Ở nông thôn, nông dân nổi dậy tịch thu lương thực, dụng cụ của điạ chủ. Các dân tộc bị áp bức cũng nổi dậy.

Đầu năm 1917, nền kinh tế Nga càng lâm vào cảnh kiệt quệ, xơ xác. Lương thực, thực phẩm, nguyên liệu, hàng tiêu dùng và nhiên liệu thiếu trầm trọng. Quần chúng nhân dân bị cùng cực ngày càng tin rằng chỉ có một lối thoát như Đảng Bônsêvích đã chỉ ra: biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng, lật đổ chế độ Nga hoàng.

Đảng Bônsêvích do Lênin lãnh đạo đã kịp thời theo sát nguyện vọng của quần chúng, đã đưa ra những nhiệm vụ và khẩu hiệu đấu tranh kịp thời, sát thực. Ngày 9 tháng 1 năm 1917 (tức 22-1)(1) kỷ niệm “Ngày chủ nhật đẫm máu” trong cuộc cách mạng 1905 - 1907, ở Pêtrôgrát đã nổ ra cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh. Binh lính đứng về phía nhân dân. Các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở Matxcơva, Bacu và nhiều thành phố khác.

Phong trào cách mạng đặc biệt lên cao ở Pêtrôgrát. Ngày 18-2 (3-3), 30.000 công nhân ở xưởng Putilốp đình công. Ngày đó trở thành ngày mở đầu của cuộc cách mạng tháng Hai. Chủ xưởng quyết định đóng cửa nhà máy. Đình công lan rộng. Tình hình thủ đô Pêtrôgrát rất căng thẳng.

Ngày 23-2 (8-3) nhân ngày Quốc tế phụ nữ, nữ công nhân Pêtrôgrát biểu tình chống chiến tranh với sự tham gia của hơn 90.000 công nhân của 50 xí nghiệp. Cuộc bãi công đã chuyển thành tổng bãi công chính trị.

Ngày 24-2, bãi công lan rộng khắp thành phố, lôi cuốn 20 vạn công nhân tham gia.

Ngày 25-2, Đảng Bônsêvích quyết định chuyển sang tổng bãi công chính trị toàn thành phố. Các cuộc xung đột đẫm máu đã diễn ra giữa những người biểu tình tay không với bọn cảnh sát trung thành với chính phủ. Không khí cách mạng sục sôi khắp thành phố.

Ngày 26-2 (11-3) theo lời hiệu triệu của Đảng Bônsêvích, công nhân chuyển bãi công chính trị thành khởi nghĩa vũ trang. Công nhân tước vũ khí của cảnh sát và tự trang bị cho mình. Ở nhiều nơi đã xảy ra những vụ xung đột ác liệu giữa công nhân với cảnh sát và quân đội Nga hoàng. Công nhân kêu gọi binh lính đứng về phía cách mạng, giúp đỡ nhân dân lật đổ chế độ Nga hoàng. Buổi chiều, nhiều nơi quân đội đã ngả về với nhân dân, nổ sung bắn vào cảnh sát.

Ngày 27-2 (12-3), cuộc khởi nghĩa lan ra khắp thành phố. chính phủ huy động 60.000 binh lính đến cùng cảnh sát đàn áp phong trào. Binh lính được nhân dân vận động lôi kéo đã bắn vào cảnh sát, bắt các bộ trưởng, tướng tá của triều đình Nga hoàng. Nga hoàng Nicôlai đệ nhị thoái vị, chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng đến đây sụp đổ.

Trong thời gian khởi nghĩa, theo lời kêu gọi của Đảng Bônsêvích, công nhân và binh lính đã thành lập các Xô viết đại biểu cho mình để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Chiều ngày 27-2, hội nghị các Xô viết toàn Pêtrôgrát đã họp và bầu ra một cơ quan lãnh đạo thống nhất: Xô viết đại biểu công nhân và binh lính Pêtrôgrát. Những ngày đầu sau khi chính phủ Nga hoàng sụp đổ, Xô viết đại biểu công nhân và binh lính Pêtrôgrát đã đứng ra điều hành mọi công việc, đúng như chức năng của một chính quyền nhà nước.

Trong lúc đó, giai cấp tư sản cũng ra sức vận động để nắm lấy chính quyền. Sau khi đàm phán với các thế lực quân chủ không thành, đại diện của giai cấp tư sản tìm cách thoả thuận với các lãnh tụ Mensêvích và xã hội cách mạng, lúc này đang chiếm đa số trong các Xô viết, đặc biệt là trong ban lãnh đạo Xô viết Pêtrôgrát. Do bản chất giai cấp, các lãnh tụ Mensêvích và xã hội cách mạng trong các Xô viết đã thoả thuận trao chính quyền cho giai cấp tư sản. Ngày 2-3 (15-3), chính phủ lâm thời tư sản được thành lập do huân tước Lơ vốp làm thủ tướng.

Như vậy, trong nước Nga tồn tại song song hai chính quyền, biểu hiện ở chỗ là đã có hai chính phủ: chính phủ chủ yếu, chân chính, thật sự của giai cấp tư sản, tức chính phủ lâm thời tư sản và một chính phủ bổ sung, bổ trợ tức một chính phủ “giám sát” mà đại diện là Xô viết đại biểu công nhân và binh lính Pêtrôgrát, chính phủ này không nắm các cơ quan chính quyền nhà nước nhưng trực tiếp dựa vào sự ủng hộ của đa số nhân dân, vào sự ủng hộ của công nhân và binh lính đang cầm vũ khí.

Cục diện kỳ lạ này phản ánh tương quan lực lượng so sánh giữa tư sản và vô sản, chưa bên nào đủ sức để loại bỏ bên nào.

Cách mạng tháng Hai năm 1917 xét về tính chất là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới, lãnh đạo cuộc cách mạng là giai cấp vô sản, động lực là công nhân và nông dân. Nó đã đánh đổ được chế độ phong kiến và tạo ra khả năng để thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, thiết lập XHCN.

 

(1) Ở Nga từ trước tháng 2-1918, dùng lịch Nga cũ, tính chậm hơn dương lịch 13 ngày. Chúng tôi ghi những sự kiện xảy ra trước tháng 2-1918 theo lịch Nga cũ, có chú rõ ngày tháng theo dươnglịch trong ngoặc bên cạnh.

Documents:

    TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
    Top