LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI: Văn minh Arập
A A+
LỊCH SỬ VĂN MINH THẾ GIỚI: Văn minh Arập

I. CƠ SỞ HÌNH THÀNH VĂN MINH Ả RẬP

1. Tình hình bán đảo Ả Rậptrước khi hình thành nhà nước

- Vị trí địa lý: Ảrập là bán đảo lớn nhất thế giới ở Tây Nam châu Á (diện tích lớn hơn 1/4 diện tích châu Âu), nằm giữa Địa Trung Hải, Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Bán đảo Ả Rậplà nơi tiếp giáp giữa ba châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, do đó có nhiều đường thương mại quốc tế đi qua (Hai tuyến thương mại Đông – Tây thời cổ là Con đường tơ lụa Con đường tơ lụa trên biển đều đi qua đây).

- Điều kiện tự nhiên:

+ Đây là một cao nguyên, phần lớn đất đai là sa mạc khô khan, hoang vắng, rất hiếm nước, thỉnh thoảng có một vài ốc đảo. Các đoàn thương nhân cùng các đoàn lạc đà chở hàng hoá từ châu Âu sang châu Á và ngược lại thường hay dừng chân tại các ốc đảo này. Do đó, ốc đảo thường là nơi tranh chấp, giành giật nguồn nước và vùng sinh sống thuận lợi giữa các bộ lạc, các đoàn thương nhân…

+ Khí hậu rất khắc nghiệt, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm. Ban ngày, nhiệt độ có thể lên đến 450C, ban đêm, nhiệt độ lại hạ xuống thấp dưới 00C. (điều này góp phần giải thích tính cách con người ở nơi đây: chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt, thô bạo, quyết liệt).

+ Bán đảo Ảrập nằm trên con đường buôn bán giữa Tây Á và Bắc Phi, giữa phương Đông và phương Tây, do vậy, nơi đây sớm hình thành một số thành thị là trung tâm thương mại, văn hoá của bán đảo, tiêu biểu như Mécca và Yatơríp.

+ Do điều kiện khí hậu thuận lợi hơn, nên ở vùng phía Nam của bán đảo có một số quốc gia hình thành từ rất sớm (khoảng thế kỷ X đến thế kỷ VI TCN). Tuy nhiên, giữa các quốc gia thường xuyên xảy ra tranh chấp, xung đột. Trong khi đó, ở vùng phía Bắc, phần lớn dân cư vẫn sống trong thời kỳ thị tộc, bộ lạc.

- Điều kiện xã hội:

+ Người Ảrập thuộc chủng tộc Xêmít (đặc điểm: nước da ngăm nâu, mắt nâu, râu tóc rậm), ở miền Nam có nhóm cư dân thuộc nhóm người Yêmênites, miền Bắc: Nizanites. Nhóm cư dân miền Nam sống định cư từ sớm, kiến tạo nên những quốc gia văn minh từ những thế kỷ trước công nguyên, thường xuyên đấu tranh với nhau trong một thời gian dài, đến thế kỷ IV sau công nguyên mới thống nhất được một phần. Nhóm cư dân miền Bắc sống du mục, lang thang. Nhìn chung, đến thế kỷ VII, cư dân Ả Rậpvẫn sống trong giai đoạn mạt kỳ của chế độ công xã nguyên thuỷ. Tuy nhiên, trong xã hội bắt đầu xuất hiện yếu tố tư hữu tài sản, có sự phân hoá giai cấp, xuất hiện những quý tộc chủ nô, thương nhân giàu có, nô lệ. Quan hệ quý tộc chủ nô – nô lệ dần dần thay thế quan hệ huyết tộc trong chế độ thị tộc bộ lạc trước đây.

+ Trong xã hội người Ảrập tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu: chế độ đa thê, địa vị người phụ nữ rất thấp kém (bị coi là vật phụ thuộc của người đàn ông, khi chán, người đàn ông có thể nhượng người phụ nữ của mình cho một người đàn ông khác; trong chiến tranh, người phụ nữ bị coi là chiến lợi phẩm), một số bộ lạc có tục chôn sống trẻ gái sơ sinh (vì người ta quan niệm sự có mặt của con gái là điềm báo trước sự nghèo khó cho bộ lạc), ngoài ra còn có tục chọc mù mắt một số con vật để tránh vía dữ, tục cột lạc đà bên cạnh người chết (vì quan niệm có hai thế giới tồn tại giống nhau, nên người chết cũng cần mang theo lạc đà sang thế giới bên kia)…Một số tập tục vẫn được duy trì sau khi đạo Islam ra đời.

- Tín ngưỡng:

+ Trước khi đạo Islam ra đời, người Ảrập theo tín ngưỡng đa thần. Mỗi thị tộc, bộ lạc thờ một vị thần khác nhau: Mặt Trăng, Mặt Trời, các vì sao, thờ hòn đá trên sa mạc, cây cối trên ốc đảo,... Đền Caaba (ở Mécca) là nơi thờ cúng chung của các bộ lạc, trong đó thờ nhiều tượng thần của các bộ lạc (có khoảng 360 tượng thần). Đặc biệt, một viên đá đen dài khoảng 20 cm được coi là biểu tượng sùng bái chung cho các bộ lạc.

+ Trước khi Islam giáo ra đời, đạo Do Thái, đạo Kitô đã từng được truyền bá đến Ảrập nhưng chưa gây được ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân Ảrập.

2. Quá trình hình thành nhà nước Ảrập - Đế quốc Ảrập bành trướng và tan rã

2.1. Quá trình hình thành nhà nước Ảrập

* Hoàn cảnh lịch sử: (Yêu cầu lịch sử đặt ra cho bán đảo Ảrập vào thế kỷ VII)

- Tình hình thế giới: Vào thế kỷ VII, hầu hết các quốc gia trên thế giới đang trong giai đoạn xác lập, củng cố chế độ phong kiến (Tây Âu: chế độ phong kiến xác lập từ thế kỷ V đến thế kỷ IX, củng cố từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI; Trung Quốc thế kỷ VII đang trong thời kỳ thịnh vượng của chế độ phong kiến dưới thời Đường…). Trong khi đó, Ả Rậpđang trong giai đoạn tan rã của chế độ thị tộc, bộ lạc. Trong hoàn cảnh ấy, Ả Rậpkhông thể có những bước đi tuần tự tuân theo quy luật hình thái kinh tế xã hội → buộc Ả Rậpphải bỏ qua chế độ chiếm nô, chuyển thẳng lên chế độ phong kiến.

- Tình hình bán đảo:

+ Đến thế kỷ VII, con đường buôn bán giữa phương Đông với phương Tây chuyển sang khu vực vịnh Ba Tư thuộc quyền kiểm soát của đế quốc Ba Tư. Việc mất quyền kiểm soát đối với con đường buôn bán này đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế bán đảo Ảrập, các thành phố lớn trở nên tiêu điều, hoang tàn, không còn tấp nập như trước. Các thương nhân quý tộc Ả Rậpchuyển sang cho vay lấy lãi, bóc lột lao động của dân nghèo. Mâu thuẫn trong nội bộ thị tộc, bộ lạc gay gắt hơn.

+ Ở bên ngoài, đế quốc Ả Rậpcó nguy cơ bị xâm lấn bởi đế quốc Ba Tư ở phía Đông, Bidăngtium ở phía Tây.

=> Hoàn cảnh lịch sử đặt ra một yêu cầu: cần có một chính quyền tập trung vững mạnh chấm dứt các cuộc xung đột chiến tranh giữa các bộ lạc, thống nhất các bộ lạc, duy trì quyền thống trị của quý tộc, thương nhân, khôi phục lại con đường buôn bán Đông Tây, đẩy lùi các nguy cơ bị xâm lược, nếu có điều kiện thì mở rộng chiến tranh xâm lược sang các vùng lân cận. Tín ngưỡng đa thần là một trở ngại lớn nhất cho sự thống nhất các bộ lạc.

→ Chính trong hoàn cảnh và yêu cầu đó, đạo Islam đã ra đời và trở thành một vũ khí tư tưởng thích hợp cho sự thống nhất bán đảo Ả rập. Quá trình hình thành nhà nước Ả Rậpgắn liền với quá trình hình thành, truyền bá đạo Islam và sự nghiệp của Môhamét.

* Quá trình thống nhất bán đảo Ả rập

- Năm 610, Môhamét bắt đầu truyền bá đạo Islam ở Mécca, nhưng bị quý tộc phản đối kịch liệt. Năm 622, Môhamét cùng tín đồ của mình phải chạy lên thành phố Yatơríp ở phía Bắc (cách Mécca 400 km). Năm 622 được coi là năm thứ nhất của kỷ nguyên Hồi giáo. Môhamét tự xưng là tiên tri, nên từ đó thành phố Yatơríp đổi tên thành Mêđina nghĩa là “thành phố của Tiên tri”

- Năm 630, Môhamét đem 10.000 người chiếm Mécca, thành lập nhà nước Ả rập. Mécca trở thành thánh địa chủ yếu của Hồi giáo, đền Caaba trở thành thánh thất.

2.2. Đế quốc Ả Rậpbành trướng và tan rã

- Giai đoạn 610 – 632: là thời kỳ hình thành nhà nước Ả rập, đạo Islam ra đời và truyền bá trên phạm vi bán đảo.

- Giai đoạn 632 – 661: thời kỳ này được gọi là thời kỳ bốn Calipha (Khalíp: phó Tiên tri) tuyển cử và cầm quyền. Họ do quý tộc bầu ra, đứng đầu nhà nước, lần lượt là: Abukéc, Ôma, Ôtman, Ali thay nhau nắm quyền. Trong thời kỳ này, lãnh thổ Ả Rậpmở rộng từ Ai Cập đến Ba Tư, chiếm phần lớn lãnh thổ của đế quốc Bidăngtium, chiếm khu vực Lưỡng Hà, Ácmêni, Iran.

- Giai đoạn 661 – 750: vương triều Omayát được thành lập, là vương triều đầu tiên ở Ả rập, chế độ chuyên chế tập trung được xây dựng ngày càng mạnh. Các Calipha trở thành hoàng đế nắm mọi quyền hành về tôn giáo, chính trị, quân sự, thực hiện chế độ cha truyền con nối. Kinh đô chuyển từ En Mêđina về Đamát ở Xiri.

Đây là thời kỳ lãnh thổ đế quốc Ả Rậpđược mở rộng nhất, phía Tây tới Bắc Phi, Tây Ban Nha, phía Đông tới Tuốckextan ở Tây Bắc Ấn Độ. Đến giữa thế kỷ VIII, Ả Rậptrở thành một đế quốc rộng lớn.

- Giai đoạn 750 – 1258: thời kỳ thống trị của vương triều Abatxít. Kinh đô chuyển về Bátđa (thuộc Irắc ngày nay). Đây cũng là thời kỳ đế quốc Ả Rậptan rã. Cuối vương triều Abatxít, đế quốc Ả Rậpchia làm 3 phần:

+ Đế quốc Ả Rậpphương Tây: gồm Tây Ban Nha và một phần Bắc Phi (kinh đô Coócđôba)

+ Đế quốc Ả Rậpphương Nam: gồm Ai Cập và một số vùng xung quanh (thủ đô Cairo)

+ Đế quốc Ả Rậpphương Đông: trung tâm bán đảo Ả Rập(kinh đô Bátđa)

Năm 1258, kinh đô Bátđa bị quân Mông Cổ chiếm. Đế quốc Ả Rậpdiệt vong.

II. ISLAM GIÁO

“Islam” có nghĩa là “thuận tòng”, “tuân theo”, tức là thuận tòng thánh Allah tối thượng và duy nhất, tuân theo vị sứ giả của Thánh Allah: Môhamét. Islam giáo (trước đây quen gọi là Hồi giáo) do Môhamét sáng lập.

* Môhamét (Muhammed) sinh năm 571 tại Mécca. Gia đình ông thuộc một thị tộc nghèo của bộ lạc Koraich. Ông mồ côi cha từ trong bụng mẹ và mồ côi mẹ khi mới 6 tuổi. Sau khi ông nội qua đời, ông được người bác nuôi nấng. Thời niên thiếu của ông được người ta biết rất ít, chỉ biết ông chăn lạc đà, sau đó làm nghề dẫn đường cho các thương nhân qua sa mạc. Có lẽ chính nghề dẫn đường nay đây mai đó đã cung cấp cho ông nhiều tri thức, đặc biệt là những hiểu biết về đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa mà sau này ông đưa vào tôn giáo của mình.

Tương truyền, Môhamét là người tầm thước, da mặt hồng hào, mắt đen, tóc đẹp, râu rậm, ông không biết đọc, biết viết nhưng rất thông minh, cương nghị và có tài hùng biện. Ông còn là người trung thực và tình cảm. Nhờ vậy mà ông chiếm được cảm tình và lòng tin của Khadija - một goá phụ thông minh và giàu có, hơn ông 14 tuổi. Ông làm thuê cho bà và năm 25 tuổi, ông đã kết hôn với bà. Từ đó, ông có cuộc sống giàu sang, hạnh phúc và suốt đời ông không quên ơn Khadija, mặc dù sau này ông có nhiều vợ.

Vào khoảng năm 40 tuổi, Môhamét ngày càng trở nên trầm tư, sống khép kín. Ông thường giấu mình trong một cái hang ở núi Hira gần Mécca để nhịn ăn và tập trầm tư. Vào một đêm năm 610, thiên thần Gabriel đã nói cho ông biết rằng ông là “sứ giả của Thánh Allah” và truyền cho ông những lời khải thị của Thánh. Từ đó, Môhamét công khai tự xưng là Nhà tiên tri của Thánh Allah – thánh của người Ả rập. Những bài thuyết pháp của ông đặt cơ sở cho sự ra đời của tôn giáo mới – Islam giáo hay Hồi giáo (Islam theo tiếng Ả Rậpcó nghĩa là “phục tùng”, giáo điều căn bản của tôn giáo này quy định tín đồ phải phục tùng vị Thánh tối cao và duy nhất là Thánh Allah. Còn Hồi giáo là tên quen dùng ở nước ta vì người xưa tưởng rằng đạo này là đạo của người Hồi Hột ở Trung Quốc.) [1]

* Quá trình truyền bá đạo Islam ở bán đảo Ả rập

- Từ năm 610, Môhamét bắt đầu truyền bá đạo Islam. Khi truyền đạo, Môhamét còn lên án giới chủ nô và giới cho vay lãi ở Mécca, giúp đỡ về vật chất cho người nghèo, trẻ mồ côi, goá phụ…Ông tuyên bố: việc cho chuộc hay trả tự do cho nô lệ là việc thiện. Thị dân nghèo và nô lệ ở Mécca tin và theo Môhamét. GIới quý tộc và thương nhân Mécca thấy Môhamét gây được ảnh hưởng trong dân chúng đã cản trở ông truyền đạo. Thậm chí, họ còn buộc Môhamét và các đệ tử của ông phải rời Mécca. Năm 622, Môhamét cùng các đệ tử đến thành Yatơríp để tiếp tục truyền đạo. (Yatơríp sau này trở thành thánh địa thứ hai, được đổi thành Medina al-Nabii, nghĩa là thành phố của Nhà tiên tri, thường gọi tắt là Mêđina. Năm 622 trở thành năm đầu của lịch Islam giáo)

- Tình hình ở Yatơríp lúc đó rất thuận lợi cho việc phát triển ảnh hưởng chính trị của Môhamét. Yatơríp là một vùng nông nghiệp phát triển và là trung tâm thủ công nghiệp, nhưng ở đó lại đang diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai bộ lạc để giành địa vị thống trị. Người của cả hai bên đã nhờ Môhamét, nhà tiên tri của Thánh Allah, giải quyết tranh chấp. Nhờ tài trí của mình, ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của dân chúng và trở thành người đứng đầu thành phố.

- Sau khi củng cố địa vị ở Mêđina, Môhamét lập đội quân vũ trang để đấu tranh với người Mécca. Các binh sĩ của ông tấn công các thương đội của người Mécca và cướp hàng hoá. Người Mécca liên kết với các bộ lạc khác bao vây Mêđina nhưng không đạt kết quả. Thanh thế của Môhamét ngày càng lớn. Nhiều bộ lạc thừa nhận ông là thủ lĩnh và tình nguyện theo ông. Người Mécca nhận rõ thế yếu của họ.

- Năm 630, Môhamét lại đưa quân đến Mécca. Người Mécca đã ký một hoà ước, chịu thừa nhận quyền lực của Môhamét và chấp nhận Islam giáo. Mécca được thừa nhận là thánh địa, đền Caaba trở thành thánh tích chính của Islam giáo. Môhamét trở thành người cai trị tối cao trên toàn bán đảo.

Như vậy, quá trình ra đời của đạo Islam và bước đầu phát triển của nó gắn liền với quá trình thống nhất bán đảo Ả Rậpvà hình thành nhà nước.

1. Giáo lý cơ bản của đạo Islam

Giáo lý Islam giáo tập trung trong kinh Côran (nghĩa là đọc thuộc lòng), ngoài ra còn có 2 cuốn sách là Sunna và Hadish (chủ yếu nói về hành vi, cử chỉ, cách đối xử của Môhamét trong quá trình truyền đạo)

- Giáo lý căn bản của Islam giáo được tóm tắt trong câu kinh mở đầu các buổi lễ: “Chỉ có một đức Chúa duy nhất là Allah và một vị tiên tri của ngài là Môhamét. Tín đồ phải phục tùng Thánh Allah và quyền lực của Ngài” → Islam giáo là một tôn giáo nhất thần tuyệt đối. Tín đồ Islam giáo tin rằng ngoài Thánh Allah không có một vị thần nào khác. Tất cả những gì ở trên trời dưới đất đều thuộc về Allah. Allah đã tạo dựng nên vòm trời mà không dùng cột, chế ngự được mặt trăng, sáng tạo ra muôn loài. Allah cũng sinh ra loài người và biết linh hồn mỗi người ra sao. Còn Môhamét là sứ giả của Allah thực hiện sứ mạng truyền bá tôn giáo, là tiên tri của tín đồ.

- Islam giáo cũng tiếp thu nhiều quan niệm của các tôn giáo khác, nhất là quan niệm của đạo Do Thái về lịch sử sáng thế, quan niệm về thiên đường địa ngục, một số tục lệ, nghi thức như tẩy uế trước khi cầu nguyện, khi cầu nguyện phải hướng về thánh địa Mécca và phải phủ phục, trán chạm đất, cấm ăn thịt heo, thịt các con vật bị chết vì bệnh, thịt đã cúng thần và cấm uống rượu.

- Islam giáo tuyệt đối không thờ ảnh tượng (khác các tôn giáo khác) vì họ quan niệm Allah toả khắp mọi nơi, không có hình tượng nào có thể thể hiện được. Do đó trong thánh thất Hồi giáo chỉ trang trí bằng chữ Ả Rậpxen kẽ với các hình học, hình hoa lá. Chỉ riêng trong đền Caaba ở Mécca có thờ một viên đá đen từ xưa để lại mà thôi.

Tương truyền, Caaba do Abraham và con trai là Ismail - tổ tiên của người Ả Rậpxây nên. Sau khi Abraham qua đời, thiên thần Gabriel đem cho Ismail và mẹ ông là Agar một phiến đá trắng không tì vết để gối đầu. Cách đó không xa, thiên thần khiến cho một nguồn nước thần diệu phun lên, gọi là giếng Zem Zem, nước giếng có thể chữa khỏi mội thứ bệnh. Sau nhiều thế kỷ, tội lỗi của con người làm cho phiến đá dần biến thành màu đen. Người ta xây tường cao bao quanh làm nơi thờ tự. Vào khoảng giữa thế kỷ V, bộ lạc Koraich, vốn vẫn đảm nhận việc canh giữ đền Caaba, đã lập ra quanh đền thờ thành Mécca. Mécca dần trở thành trung tâm của miền Hegiadơ, Caaba cũng trở thành nơi thờ phụng chung của người Ả rập. Có tới 360 vật thờ của các bộ lạc trên khắp bán đảo trong đền Caaba, nhưng Allah Taala, thần của Abraham và Ismail được mọi người Ả Rậpcoi là vị thần chung. Bộ lạc Koraich tiếp tục trông coi và quản lý thu nhập của đền. Họ làm giàu và trở nên có thế lực trong vùng nhờ nguồn thu nhập từ hành hương và hoạt động buôn bán.

- Quan niệm về con người: Islam giáo cũng quan niệm con người có 2 phần: thể xác (tạm thời) và linh hồn (bất tử). Cuộc sống trần gian chỉ là ngưỡng cửa để bước vào cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia → vì thế trong Islam giáo cũng có ngày phục sinh, ngày phán xét cuối cùng như Do Thái giáo, Kitô giáo...

- Quan hệ gia đình: đạo Islam thừa nhận chế độ đa thê, cho phép mỗi tín đồ nam giới được lấy 4 vợ - bằng số vợ Môhamét cưới chính thức (phải là những người theo tôn giáo độc thần)

2. Giáo luật: ngũ trụ (5 điều rường cột)

- Biểu lộ đức tin: niềm tin tuyệt đối vào Thánh Allah, Môhamét là sứ giả của Allah và là vị tiên tri cuối cùng.

Islam giáo có 6 tín ngưỡng lớn gọi là “lục tín”: tin thánh Allah, tin thiên sứ, tin kinh điển, tin sứ giả, tin kiếp sau, tin tiền định.

+ Tin thánh Allah: “ngoài thánh Allah không còn vị thần nào khác”, “Thánh Allah là duy nhất, là độc nhất”. Đây là hòn đá tảng, là hạt nhân tín ngưỡng của đạo Islam, không được phép thoả hiệp hoặc xem thường.

Kinh Côran (chương III, tiết 26) viết: “Hỡi Thánh Allah! Hỡi người chủ toàn quyền xứ sở! Người muốn giao quyền cai quản xứ sở cho ai thì Người giao cho người đó; Người muốn tước quyền cai quản đó từ tay ai thì Người tước đoạt; Người muốn cho ai được tôn vinh thì người đó được tôn vinh, muốn cho ai ti tiện thì người đó phải cam chịu thân phận thấp hèn. Hết thảy mọi phục lợi nằm cả trong tay Người. Người là toàn năng đối với muôn sự trên thế gian này. Người làm cho đêm tiếp đến ngày, ngày nối tiếp đêm. Người lấy ra sinh vật từ vật vô sinh và lấy vật vô sinh ra từ sinh vật. Người ban phát hào phóng cho ai đó được Người sủng ái”

Tín đồ Islam giáo khi cầu nguyện thường giơ một ngón tay trỏ, ngụ ý chí Thánh Allah là độc nhất.

+ Tin thiên sứ là tín điều thứ hai của đạo Islam. Theo kinh Côran thì có rất nhiều thiên sứ. Mỗi thiên sứ cai quản một công việc, chẳng hạn, có thiên sứ đảm nhiệm việc truyền đạt, có thiên sứ giữ trọng trách quan sát vũ trụ và vạn vật, có thiên sứ theo dõi người chết, báo ngày tận thế…Theo truyền thuyết Islam giáo, trước khi Thánh Allah lấy đất tạo ra con người đầu tiên, đã lấy ánh sáng tạo ra thiên sứ trung thành chấp hành mọi mệnh lệnh của đấng Allah, quan sát, theo dõi, ghi chép không hề bỏ sót mọi hành vi thiện ác của mỗi con người trong suốt cuộc đời.

+ Tin kinh điển: tin kinh Côran là bộ kinh Thần thánh do đấng Allah khải thị cho nhà tiên tri Môhamét.

+ Tin sứ giả: tín điều này đòi hỏi tín đồ phải tôn sùng Môhamét - sứ giả và nhà tiên tri của Thánh Allah. Trong đạo Islam có cả thảy 124.000 nhà tiên tri và 350 vị sứ giả. Nhà tiên tri là người trực tiếp nhận những điều khải thị của Thánh Allah và đưa ra được những điều dự đoán, còn sứ giả thì chẳng những thế mà còn nhận những sứ mệnh chuyên môn do Thánh Allah uỷ thác. Do vậy, địa vị của sứ giả cao hơn nhà tiên tri. Môhamét vừa là nhà tiên tri, vừa là sứ giả, đặc biệt là vị sứ giả cuối cùng của Thánh Allah.

+ Tin kiếp sau: Các tín đồ Islam giáo tin rằng sau khi chết con người có thể sống lại và chịu sự phán xét của Thánh Allah vào ngày tận thế. Theo giáo lý đạo Islam, cuộc đời của con người rất ngắn ngủi, nhưng kiếp sau thì tồn tại vĩnh hằng, đây mới chính là nơi ở thực sự. Chết chẳng qua chỉ là chiếc cầu nối kiếp này với kiếp sau. Ngày tận thế, Thánh Allah sẽ phán xét từng người dựa vào công tội trên cõi đời này do thiên sứ đã ghi tỉ mỉ. Những người làm điều lành, tin Thánh Allah là duy nhất, sẽ được sống mãi trên thiên đường, còn kẻ không tin, chuyên làm điều ác sẽ bị đày xuống địa ngục. Thiên đường là một thế giới cực lạc, cây cối tốt tươi, suối chảy róc rách, sữa bò, mật ong, rượu nồng tuôn chảy thành sông. Sống trên thiên đường ăn toàn của ngon vật lạ, mặc toàn lụa là gấm vóc, hưởng phúc đời đời…Còn hoả ngục, đó là nơi ghê rợn, lửa cháy đùng đùng, khói cuộn ngút ngàn. Người bị đày xuống nơi đây cổ đeo gông xiềng, mình lằn roi vọt, lửa hồng thiêu đốt, chịu đủ mọi cực hình tra tấn, chẳng bao giờ ngóc đầu lên được…

+ Tin tiền định: là hạt nhân của thuyết định mệnh Islam giáo. Các tín đồ Islam giáo tin rằng số phận con người do Thánh Allah an bài, con người không cưỡng lại được. Kinh Côran viết: “Không ai được chết, nếu không được Thánh Allah cho phép. Chính Người đã định sẵn tuổi thọ của mỗi con người. Nếu Người muốn ai đó gặp điều tai hoạ thì ngoài Người, không ai có thể giải trừ tai hoạ. Nếu Người muốn ai đó gặp điều may mắn thì không một ai có thể đảo ngược ý định của Người”[2]

- Cầu nguyện: tất cả tín đồ Islam giáo mỗi ngày phải cầu nguyện 5 lần vào sáng, trưa, chiều, tối và đêm, có thể cầu nguyện ở bất cứ chỗ nào (trừ những nơi ô uế như lò sát sinh, bãi tha ma), tẩy uế trước khi cầu nguyện (bằng nước hoặc bằng cát), hướng về Mécca. Tư thế khi cầu nguyện: cúi đầu sát mặt đất, lạy nhiều lần. Thứ 6 hàng tuần phải đến thánh thất làm lễ một lần. Ở những nước theo Islam giáo nguyên thuỷ chỉ có đàn ông được đến thánh đường.

- Trai giới (ăn chay): mỗi năm đến tháng Ramađan phải trai giới 1 tháng - tháng Ramađan là tháng thứ 9 của lịch Islam giáo.

Theo kinh Côran, đây là tháng mà thánh Allah ban kinh Côran xuống cho tín đồ Islam giáo, vì vậy mà vào tháng này các tín đồ phải ăn chay từ rạng đông đến hoàng hôn, trong khoảng thời gian đó, các tín đồ không ăn, không uống, không hút thuốc, không quan hệ tình dục, mọi sinh hoạt đều chuyển về ban đêm. Trong tháng ăn chay, mọi tín đồ chỉ được nghĩ về những lời răn dạy của Thánh Allah, về tội lỗi của mình. Kết thúc tháng ăn chay có tổ chức bữa tiệc nhỏ. Tháng Ramađan được miễn cho một số đối tượng như người già, trẻ em dưới 10 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, những người đi tham gia thánh chiến hoặc đi xa thì được tạm hoãn và phải thực hiện bù vào một dịp khác trong năm.

- Bố thí: mỗi tín đồ tuỳ theo thu nhập (từ 1/10 đến 1/20) mà phải bố thí cho người nghèo, người goá bụa, trẻ mồ côi, người mới nhập đạo, người mắc nợ vì hiếu thảo…Đó là nghĩa vụ có tính chất bắt buộc. Ngoài ra, những đóng góp của tín đồ còn được dùng vào việc xây cất thánh đường, bù đắp những khoản chi tiêu thiếu hụt của chính quyền. Do tính chất bắt buộc nên nó mất đi ý nghĩa “bố thí” đích thực, trở thành một thứ thuế tín ngưỡng đối với các tín đồ.

- Hành hương: bắt buộc tất cả các tín đồ theo đạo ít nhất trong đời một lần phải đến Caaba.

Khi đi hành hương không được mặc quần áo mà chỉ là 2 mảnh vải không có đường khâu, không được đi giầy, trên đường đi không được làm đổ máu, không nhổ cỏ cây, không bắn chim, không giết súc vật. Những người hành hương khi đến chỗ đã nhìn thấy Mécca thì dừng lại để cắm trại. Họ tắm rửa rồi đi vào Mécca. Đầu tiên, họ dừng lại ở giếng Zem Zem để uống một ngụm nước. Nước ở đây sở dĩ được coi là thiêng liêng vì theo truyền thuyết, Ismael, con trai của Abraham (Abraham là giáo chủ đầu tiên của người Hêbrơ, về sau thành thuỷ tổ của người Israel và người Ả rập) đã uống nước ở giếng này. Tiếp đó, họ tiến vào đền Caaba, đi quanh đền 7 lần, hôn hoặc sờ phiến đá đen. Cuộc hành hương kéo dài trong 10 ngày. Trong thời gian ấy, những người hành hương còn có nhiều hoạt động khác. Đến ngày thứ 10, họ cúng một con cừu hoặc một con vật có sừng khác hoặc một con lạc đà. Cúng xong thì mổ ra để ăn và bố thí. Sau đó họ cắt tóc, móng tay móng chân và đem chôn. Ngoài ra họ còn phải đi thăm mộ Môhamét, nếu không thì chưa hoàn thành cuộc hành hương. Sau khi đi hành hương, địa vị của tín đồ được tăng cao.

Ngoài ra Islam giáo còn đề cao thánh chiến. Người Ả Rậpđược Thánh Allah khải thị phải có bổn phận truyền bá giáo lý của Ngài cho những người ngoại đạo, nếu họ không chịu theo thì phải giết đi không thương xót. Chiến tranh nhằm truyền đạo được gọi là thánh chiến (Djihad). Những người tham gia thánh chiến sẽ được lên thiên đàng. Thánh chiến được coi là nghĩa vụ thiêng liêng của người theo Islam giáo.

* Đánh giá (GV đặt câu hỏi gợi mở cho SV, nghe ý kiến thảo luận và chốt lại vấn đề)

- Tích cực:

+ Ra đời đúng lúc, đáp ứng được yêu cầu lịch sử của bán đảo Ả Rậplúc bấy giờ (nhu cầu thống nhất quốc gia)

+ Một số tục lệ lạc hậu của các bộ lạc được xoá bỏ sau khi Islam giáo ra đời: tục chọc mù mắt một số con vật để tránh vía dữ, cột lạc đà vào cạnh người chết, chôn sống trẻ gái sơ sinh, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong một chừng mực nào đó (thừa kế tài sản…)

+ Luật lệ không gò bó, phức tạp, nhất là không có tầng lớp tăng lữ, thầy tu. Do đó, Islam giáo lúc đầu thu hút được đông đảo dân nghèo và nô lệ tham gia.

- Hạn chế:

+ Do tính chất độc thần tuyệt đối nên tín đồ đạo Islam đối xử khắc nghiệt với những người theo các tôn giáo khác, cấm kết hôn với người theo đa thần giáo.

+ Đề cao tính chất bạo lực trong quá trình truyền đạo (xuất phát từ hoàn cảnh ra đời)

+ Thừa nhận chế độ đa thê, cho phép lấy nhiều nhất là 4 vợ (nhưng không cho lấy nàng hầu). Riêng Môhamét thì ngoại lệ: có 10 vợ và 2 nàng hầu.

+ Duy trì sự bất bình đẳng với phụ nữ: phụ nữ không được tự đề xuất ly hôn, phải phục tùng chồng, ra khỏi nhà phải mang mạng che mặt…

3. Kinh Thánh

Kinh Côran (tiếng Ả Rậpviết là “Kuran”) nghĩa là “tụng niệm” là “truyền giảng”, trong đó ghi lại những lời nói của Môhamét, nhưng theo tín đồ Islam giáo, đó là những lời phán bảo của Thánh Allah.

Kinh Côran gồm 30 quyển, được chia thành 114 chương, 6236 tiết, đề cập đến những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực. Đối với người Ả rập, ngoài những nguyên tắc tôn giáo trong đó, kinh Côran còn là một bản tổng hợp mọi tri thức khoa học, mọi nguyên tắc pháp luật và đạo đức. Kinh Côran còn trở thành cơ sở để xây dựng luật pháp ở Ả rập. Nhiều quốc gia Islam ngày nay vẫn xem kinh Koran như là bản hiến pháp bất hủ của dân tộc mình. Trong đời sống thường ngày, khi tuyên thệ, người Ả Rậpthường có thói quen lấy kinh Côran ra và nói: “Đây là kinh Koran, tôi xin thề…”

Các tín đồ Islam giáo coi kinh Côran như một vật linh thiêng. Họ làm những cuốn kinh bé xíu để trong hộp bịt vàng hay bạc hoặc đeo trước ngực để mong gặp những điều may mắn.

4. Quá trình truyền bá

- Cùng với quá trình chinh phục của người Ả Rập, Islam giáo được truyền bá khắp Tây Á, Trung Á, Bắc Phi và Tây Ban Nha. Ngày nay, Islam giáo được truyền bá rộng rãi trên thế giới, trở thành quốc giáo của nhiều nước như Inđônêxia, Malaixia, Pakixtan, Iran, Irắc…

Trong 3 tôn giáo lớn trên thế giới (đạo Cơ Đốc, đạo Phật, đạo Islam) thì Islam giáo là tôn giáo trẻ nhất và có sức sống mạnh mẽ. Cả thế giới hiện có trên 90 nước có tín đồ Islam giáo, trong hơn 150 quốc gia và địa khu trên toàn thế giới có khoảng 42 quốc gia lấy Islam giáo làm quốc giáo hoặc đặt dưới quyền cai quản của chính quyền Islam giáo. Phần đông các quốc gia Bắc Phi, Tây Nam, Nam và Đông Nam châu Á, hầu hết các dân tộc Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bắc Ấn theo đạo Islam. Ở Trung Quốc có hơn 50 dân tộc thì có 10 dân tộc theo đạo Islam (gọi là đạo “Thiên phương”, đạo “Thanh Chân”, đạo “Hồi Hồi”). Những thập kỷ gần đây, đạo Islam còn truyền sang nhiều nước Tây Âu và Bắc Mỹ[3].

  • Quá trình truyền bá đạo Islam thường thông qua hai con đường:

+ Cưỡng bách: gắn với những cuộc chiến tranh chinh phục của các tín đồ Islam giáo (Trên lãnh thổ đế quốc Ả Rập, Ấn Độ)

+ Qua hoạt động thương mại, hôn nhân…, mang màu sắc hòa bình (khu vực Đông Nam Á)

Trong hai con đường đó, con đường chiến tranh có vai trò nổi bật (Phải chăng điều đó giải thích nguyên nhân căn bản của điều gọi là tính hiếu chiến của đạo Hồi?)

III. MỘT SỐ THÀNH TỰU VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC, GIÁO DỤC

1. Văn học

- Thơ ca: truyền miệng và chữ viết

Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của thơ ca Ả Rậplà từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XI, tập thơ nổi tiếng “Anh dũng ca” do hai thầy trò Abu Tammam sưu tầm và hiệu đính. Trong thời kỳ này, ở Ả Rậpxuất hiện nhiều nhà thơ tiêu biểu như Abu Nuvát, Abu la Ala Maari.

- Văn xuôi: nổi tiếng nhất là tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm”, hình thành từ thế kỷ X đến thế kỷ XII. Những truyện trong tác phẩm này bắt nguồn từ tập “Một nghìn câu chuyện” của Ba Tư ra đời từ thế kỷ VI, dần dần được bổ sung bằng các truyện thần thoại của Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp…rồi cải biên và gắn lại với nhau thành một truyện dài xảy ra trong cung vua Ả rập. Tập truyện ly kỳ này phản ánh cuộc sống, phong tục, tập quán và ước nguyện của nhân dân các dân tộc trong đế quốc Ả rập, đồng thời thể hiện sức tưởng tượng phong phú của họ.

2. Nghệ thuật:

- Khi mới hình thành nhà nước, nghệ thuật của Ả Rậphết sức đơn điệu, nghèo nàn. Giáo chủ Môhamét cấm điêu khắc, hội hoạ do việc cấm thờ ảnh tượng; cấm dùng trang sức bằng vàng, bạc, lụa vì cho rằng nếu làm như vậy sẽ dẫn người ta đến những ham muốn vật chất, sa ngã. Về sau, những quy định đó dần được nới lỏng.

- Ả Rập có điều kiện tiếp thu nền nghệ thuật của các nước khác: Lưỡng Hà, Ai Cập, Ấn Độ, Bidăngtium. Do vậy, trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc có những tiến bộ đáng kể

+ Kiến trúc: xây dựng cung điện và thánh thất của đạo Islam. Các thánh đường của đạo Islam thường được xây dựng công phu, mái vòm hình bát úp, cột thon nhỏ kiểu Ba Tư.

+ Điêu khắc: các nhà điêu khắc Ả Rậpkhông được phép đúc tượng, họ chỉ chạm trổ vào tường để trang trí thánh đường. Trong trang trí nội thất của các thánh đường đều tuân theo một nguyên tắc: không thờ ảnh tượng mà chỉ trang trí hoa lá: hoa sen, hoa cẩm chướng, trang trí bằng các loại hình học: đường thẳng, góc nhọn, hình vuông, hình đa giác, bầu dục, trôn ốc…xen kẽ là những đường gợn sóng, ngôi sao và các bông hoa, đặc biệt là các dòng kinh Côran viết bằng tiếng Ả rập.

- Âm nhạc: Lúc đầu cũng bị cấm, sau đó người ta cho rằng rượu như là thể xác, âm nhạc là linh hồn, nhờ hai thứ đó mà cuộc sống con người mới được vui vẻ, do vậy, âm nhạc dần dần được phổ biến. Tuy nhiên, nhạc Ả Rập khá đơn điệu, buồn tẻ. Người Ả Rập đã sử dụng một số nhạc cụ trong sinh hoạt tập thể: đàn lút, đàn lia, sáo, trống…

3. Khoa học tự nhiên

Khoa học tự nhiên Ả Rậprất phát triển dựa trên những thành tựu của các nền văn minh Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, Ai Cập, Lưỡng Hà

a. Toán học

Người Ảrập tiếp tục phát triển đại số, lượng giác, hình học và hoàn thiện hệ thống chữ số của người Ấn Độ, do đó đã có lúc người ta nhầm lẫn chính người Ả Rập đã sáng tạo ra hệ thống chữ số.

Nhà đại số học nổi tiếng nhất là Môhamét Ibơn Muxa (780-855), tác phẩm “Đại số học” của ông là quyển sách đầu tiên về môn khoa học này.

Nhà toán học Abu Apđala al-Battani (850 – 929) có nhiều đóng góp về môn Lượng giác học với các khái niệm sin, cosin, tang, cotang mà chúng ta sử dụng ngày nay.

b. Thiên văn học: người Ả Rậpcũng rất chú ý quan sát các vì sao và nghiên cứu các vết trên Mặt Trời. Họ cũng cho rằng Trái Đất hình tròn. Al – Biruni, nhà thiên văn học nổi tiếng cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI còn cho rằng vật gì cũng bị hút về phía trung tâm Trái Đất.

c. Địa lý học: do thương nghiệp sớm phát triển nên người Ả Rập sớm có những quyển sách tập hợp các kiến thức địa lý: “Địa chí đế quốc Hồi giáo” của Môhamét Al-Mucađaxi và “Sách của Rôgiê” của Iđrix.

d. Vật lý học: tiêu biểu nhất là Al Haitơham với tác phẩm “Sách quang học” được đánh giá là tác phẩm có tính chất khoa học nhất thời trung đại. Ông biết đến thuỷ tinh thể, sự khúc xạ ánh sáng. Nhờ sự gợi ý của ông mà các nhà vật lý học phương Tây đã chế ra được kính hiển vi và kính viễn vọng.

e. Hoá học: người Ả Rập đã chế tạo ra nồi cất, phân biệt được bazơ và axít, bào chế được nhiều loại thuốc

g. Sinh vật học: thuyết tiến hoá của Ôtman Aman-Giahip từ thế kỷ XIX, cho rằng từ khoáng vật tiến hoá thành thực vật rồi đến động vật, đến người.

Người Ả Rập đã biết ghép cây tạo ra các giống cây mới.

h. Y học: tuy bị cấm giải phẫu và mổ tử thi nhưng Ả Rậpvẫn là nước có nền y học rất phát triển, đặc biệt khoa mắt. Nhiều tác phẩm y học nổi tiếng được dịch ra tiếng Latinh: “Mười khái luận về mắt” của Isác, “Sách chỉ dẫn cho các thầy thuốc khoa mắt” của Ixa, “Bệnh đậu mùa và bệnh sởi” của Radi, “Tiêu chuẩn y học” của Xina…Nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng Latinh và được dùng trong các trường y khoa ở Tây Âu trong nhiều thế kỷ.

Nhà nước Ả Rập đã xây rất nhiều bệnh viện để chữa bệnh miễn phí cho mọi tầng lớp nhân dân, ngoài ra còn tổ chức các đoàn thầy thuốc đến các thị trấn để chữa bệnh cho dân. Một số thầy thuốc còn thường xuyên được cử đến nhà lao để khám bệnh cho tù nhân. Thời trung đại, Ả Rậplà nước có những thành tựu rất lớn về y học và là nước đứng hàng đầu thế giới về sự nghiệp y tế.

4. Giáo dục

- Theo truyền thuyết, Môhamét rất khuyến khích việc mở rộng kiến thức. Ông nói: “Kẻ nào từ biệt gia đình để đi tìm hiểu thêm và mở mang trí thức là kẻ đó đang đi trên con đường của Chúa…Mực của nhà bác học còn linh thiêng hơn máu của người tử vì đạo” [4].

- Chế độ giáo dục gồm 3 cấp: tiểu học, trung học, đại học

Sớm nhất là đại học Cairô thành lập năm 988

- Ngoài ra có trung tâm khoa học, thư viện để nghiên cứu và giảng dạy thần học, thiên văn học, y học.

Đến đầu thế kỷ VIII, người Ả Rập học được cách làm giấy của Trung Quốc. Từ đó sách xuất hiện ngày càng nhiều. Cuối thế kỷ IX, ở Bátđa có đến trên 100 hiệu sách. Thành phố Bát đa khi bị quân Mông Cổ đánh chiếm có đến 36 thư viện công cộng[5]. Trong khi ở Tây Âu, văn hoá đang suy thoái thì các trung tâm đại học của Ả rập, nhất là Coócđôba đã thu hút nhiều lưu học sinh các nước Tây Âu đến học tập.

=> Tóm lại, văn minh Ả Rập rất rực rỡ và toàn diện. Người Ả Rậpcó nhiều đóng góp to lớn vào kho tàng văn minh nhân loại, đồng thời họ có vai trò rất lớn trong việc bảo tồn nhiều di sản văn hoá của Hy Lạp cổ đại;  trong sự giao lưu văn minh phương Đông và văn minh phương Tây (người Ả Rập là trung gian truyền bá nhiều phát minh quan trọng của phương Đông như chữ số của Ấn Độ, nghề in, thuốc súng, la bàn của Trung Quốc sang Tây Âu).

 

 

[1] Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn, “Lịch sử Trung Cận Đông”, NXB Giáo dục, 2007, tr 73 – 74.

[2]  Nhiều tác giả, Almanach - Những nền văn minh thế giới, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1996, tr 1048 – 1051.

[3] Nhiều tác giả, Almanach - Những nền văn minh thế giới, tr 1048.

[4] Vũ Dương Ninh (cb), Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, 2000, tr 66.

[5] Vũ Dương Ninh (cb), Lịch sử văn minh thế giới, tr 67.

Documents:

    TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
    Top