Một giả thiết về Champa
A A+
Một giả thiết về Champa

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - Giám đốc Phân viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại Huế:
"Chưa hẳn đã có một vương quốc Champa hoàn chỉnh ở miền Trung"

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: H.V.M.
(LĐCT) - Đó là một trong những nhận định mới được đưa ra tại cuộc hội thảo "Nhận thức về miền Trung Việt Nam, hành trình 10 năm tiếp cận", do Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế tổ chức, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước.

Lâu nay trong các nghiên cứu về Champa ở miền Trung Việt Nam, phần lớn các học giả thời Pháp thuộc cũng như trong nước gần như suốt nửa đầu thế kỷ 20 đều cho rằng: Có một vương quốc Champa thống nhất được hình thành từ thế kỷ II sau Công nguyên (năm 192), sau cuộc khởi nghĩa của Khu Liên ở vùng Nhật Nam thời Hán thuộc, với một biên niên sử duy nhất, liên tục và thực sự kết thúc vào nửa đầu thế kỷ 19 (năm 1833).

Tuy nhiên, đến nửa sau thế kỷ 20, một số học giả phương Tây, Đông Bắc Á, Đông Nam Á, trong đó có cả những học giả người Chăm, dựa trên những tư liệu có tính đối sánh, phục dựng mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của Âận Độ đối với những vương quốc cổ ở Đông Nam Á, đã dần nghiêng theo xu hướng: Vương quốc Champa là sự tồn tại đồng thời của nhiều tiểu quốc (mandala).

Tại cuộc hội thảo đã dẫn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - Giám đốc Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế - đã nhận định: 

- Chưa hẳn đã có một vương quốc Champa thống nhất hoàn chỉnh (theo kiểu vương quốc, dân tộc cụ thể) trong lịch sử ở miền Trung, mà chỉ là sự xen cư, đồng cư của nhiều tộc người khác nhau. Trong đó có tộc Chăm ở phía Nam là những nhóm người nói ngôn ngữ Nam đảo, họ sinh tụ ở các địa bàn Phan Rang, An Giang, Châu Đốc hiện nay. Phía Bắc là địa bàn sinh tụ của những người nói ngôn ngữ Mon - Khmer và Việt Mường (các tộc người Chứt, Bru, Katu, Taoi, Cor, Cadong...).

Thưa ông, vậy chúng ta có thể hình dung cấu trúc xã hội của các tiểu quốc ở miền Trung thời đó như thế nào?

- Căn cứ trên những mô hình xã hội phổ biến của các vương quốc cổ ở Đông Nam Á ảnh hưởng Ấn Độ, chúng ta có thể hình dung cấu trúc xã hội thời đó là sự sống chung và tồn tại của nhiều trung tâm. Các trung tâm này do tầng lớp các thương nhân, quý tộc, tăng lữ... lãnh đạo và được thiết lập ở các vị trí trọng yếu, thuỷ lộ huyết mạch như Nhật Lệ, sông Hương, Thu Bồn, Trà Khúc... để kiểm soát con đường trao đổi hàng hoá và xuất khẩu lâm sản từ thị trường phía Tây. 

Đây là mẫu hình mà học giả người Mỹ B.Broson đã gọi là "mạng lưới trao đổi" ven sông qua con đường trung chuyển (những đảo nhỏ gần bờ để đến với các thị trường rộng lớn hơn trên biển). Đặc biệt, các trung tâm lớn (lãnh địa của các vị vua) với ảnh hưởng của nó đối với các trung tâm nhỏ hơn thường xuyên biến động do xung đột lẫn nhau.

Vậy cho nên khó có thể kết luận chủ nhân của những thành tựu văn hoá trên vùng đất này như đồ gốm, vết tích thành luỹ, các di vật khảo cổ trong lòng đất... là của người Chăm duy nhất như lâu nay? 

- Đúng vậy. Lấy ví dụ tháp Chăm. Theo chúng tôi, tháp Chăm là sản phẩm của giới lãnh đạo các tiểu quốc (các thương nhân, tăng lữ, quý tộc). Sau khi kiếm được những món lời lớn từ việc trao đổi mua bán, họ cho xây dựng tháp để tạ ơn thần linh. Việc xây dựng tháp Chăm có thể là quá trình cộng hưởng của nhiều đối tượng, chứ không hoàn toàn là những tác phẩm được sáng tạo bởi tộc người Chăm. 

Chúng tôi cũng nghiêng về giả thiết những người chủ chốt quyết định đến việc xây dựng tháp Chăm là người Âận Độ được mời qua đây. Lý do là những đền tháp Chăm sớm vốn đã đạt đến nghệ thuật chạm khắc đá và đất nung ở tầm đỉnh cao của nhân loại đương thời. Điều này đã đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi khó giải quyết như vì sao các kỹ thuật làm gạch kỳ diệu đó lại không thấy xuất hiện và lưu lại trong các kiến trúc về nhà ở hay các công trình tín ngưỡng dân gian hiện nay? 

Khu di tích thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).  Ảnh: TL.

Hay tại sao tiền nhân có trình độ cao như vậy, nhưng cộng đồng người Chăm hiện nay ở Bàu Trúc (Ninh Thuận) lại thô sơ tới mức làm gốm mà không dùng bàn xoay và lò nung? Bên cạnh đó, dấu tích kiến trúc dân sinh trong các di chỉ khảo cổ cũng không để lại bất kỳ bằng chứng nào tương tự. 

Đặc biệt, trong những hiện vật gốm ở Bảo tàng Duy Xuyên (Quảng Nam) thu được từ nội thành Trà Kiệu đã thua kém quá xa các di tích đền tháp ở Trà Kiệu/ Mỹ Sơn về chất liệu, kỹ thuật, hoa văn trang trí lẫn độ nung.

Đây không phải là điều ngoại lệ trong lịch sử. Ví dụ khi triều Nguyễn cho thành lập chế độ tượng cục (công xưởng triều đình) để sản xuất vật dụng cho triều đình như ngói thanh, hoàng lưu ly, pháp lam... đã cho mời những người thợ giỏi ở Quảng Đông (Trung Quốc) qua chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, những người thợ Quảng Đông đã không bày cho thợ Việt Nam những bí quyết quan trọng nhất, cho nên khi họ trở về cố xứ, thì việc sản xuất ngói, pháp lam... cũng sụp đổ theo. 

Tất nhiên những gì tôi vừa trình bày chỉ là giả thiết vì đến thời điểm này vẫn chưa đủ chứng cứ để kết luận.

Thưa ông, việc xen cư và biến động liên tục của các tiểu quốc có liên quan gì đến các tên gọi lâu nay chúng ta vẫn sử dụng như: Chăm, Champa, Chiêm, Lâm Ấp...? 

- Về vùng đất miền Trung trước khi có người Việt đặt chân đến, sử liệu Trung Quốc có 3 tên gọi là Lâm Âập, Hoàn Vương, Chiêm Thành. Theo chúng tôi, cả 3 tên gọi trên đều không nhằm chỉ một vương quốc rõ ràng mà ám chỉ dải đất miền Trung. Sở dĩ tên gọi biến động là vì xã hội miền Trung thời đó luôn biến động như đã nói ở trên. Ngoài ra còn có những tên gọi khác:

Champa: Liên quan đến sự tự gọi của những người bản địa nhằm chỉ định cương vực của các tiểu quốc phân ly hay liên kết trên một lãnh thổ nhất định, chủ yếu xuất hiện trên văn bản và bi ký của các đối tượng này.

Chiêm hay Chiêm nhân: Là từ Hán Việt để chỉ cư dân cư trú trên vùng lãnh thổ được gọi là Chiêm Thành (cũng là từ Hán Việt) xuất hiện trong các văn bản của Trung Quốc và Việt Nam trong một thời điểm nhất định.

Chàm: Là từ Chiêm được Nôm hoá, do người Việt sử dụng để chỉ người Chiêm.

Chăm: Là tộc danh tự gọi hoặc được sử dụng để chỉ những nhóm người nói ngôn ngữ Nam Đảo đang sinh sống ở nam Trung Bộ (Phan Rang) và một bộ phận ở Tây Nam Bộ (An Giang - Châu Đốc) hiện nay.

Ngoài ra còn có các từ "Hời", "Lồi" để chỉ những di tích, di vật, hay chủ nhân liên quan đến người Chiêm tiền trú.

Theo ông, có hay không những cuộc thảm sát đẫm máu mang tính thay thế giữa kẻ chiến thắng và người chiến bại khi người Việt tiến vào vùng đất này?

- Như tôi đã nói ở trên, tầng lớp lãnh đạo và quyết định đến sự tồn vong của các tiểu quốc là giới thương nhân, quý tộc, tăng lữ. Họ là những người xem thương trường và không gian mậu dịch, nguồn hàng hoá quan trọng hơn nhiều so với lãnh địa, đất đai. Cho nên, khi tình hình bất ổn nảy sinh từ việc mở đất về Nam của người Việt, các đối tượng này đã nhanh chóng di chuyển để tìm một điểm hoạt động khác trên con thuyền với vẻn vẹn tài sản của mình. 

Cạnh đó, tầng lớp nông dân còn lại cũng nhanh chóng không kém trong việc hội nhập và cộng cư với người Việt. Cho nên, cái gọi là những cuộc thảm sát đẫm máu mang tính thay thế giữa kẻ chiến thắng và người chiến bại của người Việt và người tiền trú đã không xảy ra, hoặc không phổ biến như chúng ta đã hình dung trong lịch sử. 

Xin cảm ơn ông.
 
Views: 3599 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top